Lễ Tạ Ơn cuả Hoa Kỳ là một lễ Công Giáo ư?

Đó là một ngày lễ chỉ có ở Hoa Kỳ, không được ghi trên niên lịch Phụng Vụ cuả Công Giáo, và ngày lễ được thiết lập do một nghị định cuả chính phủ Hoa Kỳ chứ không do Giáo Hội.

Không có một sách giáo khoa nào ghi rằng ngày lễ có nguồn gốc Công Giáo cả, ngay từ cấp vỡ lòng, các em đã được dạy rằng nguồn gốc cuả ngày lễ là do những người di dân gọi là Pilgrim (hành hương) đến định cư ở vùng Plymouth, Massachusett, trên một con tầu có tên là Mayflower, đã có một bữa tiệc gà tây với dân bản xứ (Da Đỏ ) để cảm tạ Thượng Đế đã cho họ sống sót qua một muà đông, trồng xong một vụ muà ngô bắp, và do đó có lương thực để cầm cự cho muà đông kế tiếp. Người ta gọi đó là ngày lễ tạ ơn đầu tiên.

Nhưng đó chỉ là một câu chuyện không đầy đủ và có pha lẫn huyền thoại, theo nhận xét cuả ông Dale Ahlquist, văn học, chủ tịch hội American Chesterton Society, một hiệp hội nghiên cứu văn học sử cuả Hoa Kỳ, đặc biệt cổ võ cho những tư tưởng cuả cố văn hào Chesterton cuả Anh quốc.

Ông cho biết, ngay cái tên "Pilgrim" cũng đã sai rồi, đó là tên mà người ta đặt cho nhóm người này khoảng 200 năm sau. Lúc đó họ được gọi là người Thanh giáo (Puritan), thuộc một giáo phái "bình dân" cuả Anh, rất cực đoan, chống đối với loại "Giáo Hội quí phái" cuả nước Anh đang được các vua chuá ủng hộ.

Trong thực tế, khoảng 30 năm sau khi người Thanh giáo đến Mỹ, thì những người Thanh giáo còn lại ở bên Anh đã toa rập trong một vụ nổi loạn và chặt đầu vua Charles I.

Một điểm huyền hoặc nữa là, những người 'Pilgrim' không phải là những người đầu tiên. Có ít nhất chín cuộc định cư khác từ nước Anh đã tới trước khi thuộc địa Plymouth được thành lập. Trong chín nhóm đó thì cũng đã có một nhóm ở Plymouth rồi. Tất cả các nhóm di dân trước đều thất bại và bị chết hết, kể cả nhóm đã từng ở Plymouth. Số người 'Pilgrim' (Thanh giáo) nói trên đã đến Plymouth vào năm 1620, cũng bị chết thảm thiết, một nửa qua đời vì mùa đông lạnh. Số còn lại, may mắn thay, đã được tiếp cứu bởi một người Mỹ bản địa tên là Squanto, ông đã dạy cho họ cách săn cá và trồng ngô.

Nhưng đây là một điều thú vị: Squanto là một người Công Giáo La Mã.

Câu chuyện cuả Squanto bắt đầu với năm 1614, lúc đó ông là một cậu bé thổ dân đã bị một thuyền trưởng cuà Anh tên là John Smith bắt (có liên hệ tới câu chuyên Pocahontas nổi tiếng) và đưa đến Tây Ban Nha, bán làm nô lệ. Squanto được các cha dòng Đaminh cứu và dạy cho đức tin Công Giáo. Kỳ vọng của Squanto là có thể trở về Mỹ để giúp dân của mình. Cho nên ông đã được đưa qua nước Anh và được một người tên là John Slaney dạy tiếng Anh và sắp xếp cho trở về vùng Newfoundland. Squanto đã làm nghề thông dịch cho người Anh và đã vượt Đại Tây Dương cả thảy sáu lần. Ông không bao giờ tìm lại được bộ tộc của mình, bởi vì họ đã bị tiêu diệt hết trong một cơn bệnh dịch hạch.

Sau khi Squanto đến giúp những người định cư ở Plymouth và dạy họ phương cách phát triển lương thực, thì ông dàn xếp để tổ chức một bữa tiệc ăn mừng muà gặt với bộ lạc Wampanoag ở địa phương. Và đó là những chứng cớ sử liệu cuả Lễ Tạ Ơn.

(Squanto sau này đã bị bộ lạc Wampanoag nghi ngờ, bắt giữ nhưng được người Anh cứu thoát. Sau cùng thì ông cũng chết vào năm 1622 vì bị đầu độc, người ta nghi ngờ là người Da Đỏ đã giết ông.)

Sách giáo khoa cuả Mỹ tiếp tục ca tụng những người Pilgrim là những người đã thiết lập ra nền tự do tôn giáo ở Hoa Kỳ. Thật ra họ không hề làm điều đó, theo lời ông Chesterton, cố văn hào người Anh, những chính quyền mà người Thanh giáo thành lập sau này thực sự đã đi trái với những gì mà họ mong ước về một thế giới mới không có đàn áp khi còn ở bên Anh. Họ cho rằng dòng vua Stuarts đã không lập ra một Giáo Hội thệ phản 'tinh tuyền' đủ vì vẫn còn có nhiều yếu tố Công Giáo như có chức linh mục (do đó mà họ tự nhận là Puritan, nghiã là thanh luyện cho ra tinh tuyền). Họ chém đầu vua Charles vì vợ ông là người Công Giáo. Và ở bên Mỹ, thành phố Salem mà họ thành lập đã từng dựng nên dàn hoả để thiêu sống tất cả những ai không 'Puritan' đủ, họ buộc tội những người này là phù thủy.

"Họ không tin linh mục, nhưng họ lại tin có phù thủy" ông Chesterton đã giễu như vậy.

Vậy thì ai đã chủ trương tự do tôn giáo? Trong năm 1621, một năm sau khi những người Thanh giáo đến Plymouth, thì một nhóm di cư Công Giáo từ Anh quốc đã đến Ferry, Newfoundland để định cư trong vùng đất cuả Bá Tước Baltimore là George Calvert, những người di dân này sau đó lại đi theo con trai của Calvert là Cecilius khi ông này được cấp thêm một vùng đất mới vào năm 1832. Ông đặt tên nó là Maryland.

Maryland, tên được đặt để vinh danh nữ hoàng Henrietta Maria người Pháp, vợ vua Charles đã bị chặt đầu như đã nói ở trên, là khu định cư Công Giáo đầu tiên cuả thế giới mới, và nguyên tắc sáng lập của nó là. .. tự do tôn giáo.

Đó là lý do tại sao mà văn hào G.K. Chesterton cuả Anh đã từng phiếm luận rằng nước Anh cũng nên mừng Lễ Tạ Ơn mới phải...bởi vì nhờ đó mà những người Puritan cực đoan đã rời khỏi nước Anh!