Cuốn Sách Về “Người Phụ Nữ Bất Diệt”

Trích Cuộc Phỏng Vấn Với Nữ Thần Học Gia Janie Hourcade

(ROMA, 4-3-2004 Zenit) -- Một trong những nữ thần học gia nổi tiếng người Pháp, đã trích dẫn lại lời đề nghị của Đức Thánh Cha, khi Ngài nói rằng:“Lúc này đây, chính là thời điểm của “một phong trào tranh đấu cho sự bình quyền của phụ nữ theo thời đại mới” để chúng ta cùng nhau nhìn nhận những người phụ nữ thiên tài, trỗi vượt.

Nữ thần học gia Janine Hourcade vừa mới viết xong một cuốn sách dưới nhan đề, “Người Phụ Nữ Bất Diệt: Những Người Đàn Bà Bí Ẩn” (L'Eternel Féminin. Femmes Mystiques," được xuất bản bởi nhà sách Carmel), với lời viết giới thiệu dẫn nhập của Đức Hồng Y Phaolô Poupard, Chủ Tịch Hội Đồng Đặc Trách Văn Hóa của Tòa Thánh.

Những cuốn sách khác cũng được viết bởi Hourcade gồm có “Có Phải Giáo Hội Ghét Đàn Bà?” được xuất bản vào năm 1990 và “Linh Mục Phụ Nữ?” được xuất bản vào năm 1993.

Hỏi (H): Vào ngày 8 tháng 3 này, Liên Hiệp Quốc dành ngày này để tôn vinh các phụ nữ trên khắp thế giới. Vậy, đối với người Kitô giáo, thì ngày đó có ý nghĩa như thế nào?

Hourcade (T): Thưa, đó là ngày mà mỗi một người Kitô giáo, hay bất kỳ một người dân bình thường hay một nhà lãnh đạo chính trị nào cũng phải tỏ bày tình yêu thương và sự quan tâm của họ đến cho các phụ nữ, đặc biệt là những người vẫn thường sát cách với họ như: những người vợ, những bà mẹ, những người chị, những người nữ công dân hay những nhân viên nữ giới trong chính phủ của họ, và xa hơn nữa, vượt khoảng không gian và chủng tộc, chính là các phụ nữ trên toàn thế giới.

Và trên tất cả những điều đó, thì những người Kitô giáo phải sống và thực hiện đúng trách nhiệm của mình giống như Chúa Giêsu Kitô vì chính Ngài vẫn hằng biểu lộ sự quan tâm và ưu ái đến cho những người phụ nữ.

(H): Cô vừa mới cho xuất bản một quyển sách nói về phụ nữ. Thế qua đó, cô muốn gởi gấm điều gì?

(T): Cuốn sách của tôi bắt đầu với dòng tư tưởng về “Người phụ nữ bất diệt”, đó là lối diễn tả của Goethe, vì chính ông đã từng nói rằng, “Người phụ nữ siêu phàm thu hút chúng ta đến cõi xa xăm, diệu vợi.”

Chính từ ý nghĩa đó, mà đã có những người phụ nữ khác thường đã ghi dấu nên lịch sử của Giáo Hội, từ Thánh Nữ Genevieve cho đến Mẹ Têrêsa Thành Calcutta, cả hai đã thể hiện trọn vẹn vai trò nữ tính của mình.

Tính nữ tính đó đã không hề cản ngăn họ qua việc thi hành những sứ vụ về chính trị, xã hội, phúc âm và linh hướng, mà trái lại, qua đó, họ còn chứng tỏ cho chúng ta thấy được rằng, không cần phải là linh mục thì họ mới có quyền trong phẩm trật giáo hội, và họ mới có thể thi hành những tác vụ lớn lao và quan trọng trong Giáo Hội và trên toàn cả thế giới. Chính vì thế những cuộc tranh cải, những cuộc khẩu chiến và những oán giận trong bối cảnh kể trên là hoàn toàn vô ích.

(H): Đức Gioan Phalô Đệ Nhị vừa mới mừng kỷ niệm 25 năm trong triều đại Giáo Hoàng. Thế điều gì gây ấn tượng cho cô nhất về vị Giáo Hoàng này qua những giảng dạy của Ngài về phụ nữ và nhất là thái độ của Ngài đối với phụ nữ?

(T): Thật ra, có rất nhiều điều cần phải đề cập đến về những giáo huấn giảng dạy của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị về người phụ nữ. Về điểm này, thì tất cả mọi người phụ nữ phải cần tỏ lòng biết ơn một cách sâu sắc đối với Ngài. Ngài đã rao giảng về nhân phẩm của người phụ nữ, về Đức Tin vô bờ bến và thâm sâu của những người phụ nữ siêu phàm, qua các bản văn chính thức cũng như qua những khía cạnh cá nhân.

Lần đầu tiên Ngài bày tỏ sự mến mộ và qúy trọng của mình trước sự hiện diện của Nữ Giáo Sư và cũng đồng thời là Phó Bộ Trưởng Cộng Đồng Chung Châu Âu, là Maria Antonietta Macciochi, vì Bà vốn bị ảnh hưởng bởi Chủ Nghĩa Mác và Phong Trào Đòi Bình Quyền Cho Phụ Nữ. Thế thì làm sao mà chúng ta, là những người phụ nữ của thế kỷ 21 không thể bị lôi cuốn bởi thách thức mà Ngài gọi chúng ta là: “một phong trào tranh đấu cho sự bình quyền của phụ nữ theo thời đại mới”, không phải bằng những cuộc chiến chết chóc và sự tùng phục những người gia trưởng nữa?