Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Vụ tấn công khủng bố ở Paris gây ra nhiều khó khăn cho người di dân và tị nạn

Vụ tấn công khủng bố bi thảm nhất ở Pháp kể từ Thế chiến II, giết chết ít nhất 129 người và làm bị thương ít nhất 352 người, đang dẫn đến một cuộc tranh luận mới về mối liên hệ giữa những người tị nạn qua các quốc gia vùng Balkan và nguy cơ khủng bố.

Sau khi vụ tấn công xảy ra hôm 13 tháng 11, nước Pháp đã đóng cửa biên giới. Trước đó, quốc gia này là một trong những nước quảng đại đón dòng người tị nạn từ Iraq và Syria, nơi bọn khủng bố Hồi Giáo IS đang gieo rắc kinh hoàng.

Các nước như Hung Gia Lợi từ lâu lập luận rằng các chiến binh Hồi giáo có thể len lỏi vào con số hàng trăm ngàn người di cư chạy trốn chiến tranh và nghèo đói. Đây là một trong số các lý do được đưa ra bởi chính phủ Hung Gia Lợi để xây dựng một hàng rào chống di cư gây nhiều tranh cãi dọc theo biên giới với Croatia và Serbia. Thủ tướng Hungary Viktor Orbán, với khuynh hướng chống di cư tuyên bố ông sẽ theo dõi chặt chẽ những diễn biến ở Pháp giữa lúc đang có những lo ngại là các cuộc tấn công khủng bố có thể mở rộng sang nhiều quốc gia khác ở Tây và cả Đông Âu.

Hung Gia Lợi đã nói rõ là họ muốn xây dựng những hàng rào dọc biên giới với Rumani để ngăn chặn dòng người tị nạn. Vụ tấn công ở Pháp có khả năng tăng tốc cho việc xây dựng này.

Chính sách cứng rắn hơn dự kiến cũng sẽ được áp đặt cho 1,000 người tị nạn, chủ yếu là từ Syria, Afghanistan và Iraq đang bị giam trong các nhà tù chật kín người ở Hung Gia Lợi. Họ bị buộc tội nhập cư lậu vào Hung Gia Lợi bằng cách trèo qua hàng rào biên giới chống nhập cư khét tiếng của nước này.

Hơn 700 người đã được lệnh phải rời khỏi đất nước trong một diễn biến mà các nhà phê bình cho là vì động cơ chính trị muốn mua phiếu của cử tri. Chính phủ cho biết đa số người Hung Gia Lợi đã đi đến kết luận rằng có một mối liên hệ giữa di cư và chủ nghĩa khủng bố.

Các quốc gia khác, bao gồm cả nước láng giềng Slovenia và thậm chí cả Áo, cũng đang xây dựng các hàng rào để ngăn chặn dòng người tị nạn.

Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cho rằng châu Âu nên quan tâm nhiều hơn đến những cư dân lâu năm của mình đang bị các trào lưu cực đoan xúi giục tham gia vào thánh chiến Hồi Giáo. Trong một báo cáo, Liên minh châu Âu ước tính rằng có đến 6,000 mang quốc tịch các nước châu Âu đã gia nhập các nhóm chiến binh thánh chiến.

Nhiều người trong số họ có hộ chiếu có thể đi đi lại lại từ các nước như Pháp đến các đại bản doanh của Nhà nước Hồi giáo ở thành phố Mosul bên Iraq, và Raqqa bên Syria.

2. Một nhà lãnh đạo Giáo Hội Syria kêu gọi các nước đừng tài trợ cho các nhóm khủng bố

Một nhà lãnh đạo Giáo Hội tại Syria lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế ngăn chặn các nguồn tài trợ cho các nhóm khủng bố, sau cuộc tấn công ở Paris giết chết 129 người.

“Chúng tôi rất đau buồn sâu sắc trước diễn biến này. Chúng tôi bày tỏ lời chia buồn và liên đới với các nạn nhân của vụ thảm sát ở Paris.”, Đức Cha Georges Abou Khazen, Giám quản tông tòa Công Giáo nghi lễ La Tinh của Aleppo nói.

Ngài nói với thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc:

“Khủng bố là một ý thức hệ không tha cho bất cứ ai. Người dân Syria hiểu rất rõ điều này... Trong nhiều năm qua, chúng tôi đã bị thảm sát và chúng tôi đang sống trong sợ hãi.”

Đức Cha Khazen nói thêm là các cường quốc trên thế giới phải “ngừng tài trợ, ngừng cung cấp vũ khí và huấn luyện cho các nhóm khủng bố đang hoạt động tại Trung Đông, và bây giờ đang lan sang cả châu Âu.”

“Khủng bố là một con quái vật mà người ta không kiểm soát được, một hệ tư tưởng của cái chết không tôn trọng bất cứ điều gì hoặc bất cứ ai, chỉ biết chém giết tất cả mọi người ở khắp mọi nơi”.

“Ở Syria, chúng tôi biết rõ điều này, vì trong nhiều năm qua, chúng tôi đã phải chịu đựng các cuộc tấn công khủng bố khiến hàng mấy triệu người phải xin tị nạn. Tất cả những điều này đã xảy ra trước sự thờ ơ của cộng đồng quốc tế.”

Theo Đức Cha Khazen, dưới ánh sáng của các cuộc tấn công ở Paris, thế giới cần phải tìm một kế hoạch mạnh mẽ và thống nhất để chống khủng bố.

“Như chúng tôi đã nói nhiều lần, các nhóm khủng bố như Nhà nước Hồi giáo được tài trợ, vũ trang, và được đào tạo bởi các cường quốc, vì những lợi ích thuần túy kinh tế và chính trị. Ai ủng hộ họ? Đó là một câu hỏi đã được đặt ra bởi Đức Giáo Hoàng, mà không ai đếm xỉa đến.”

3. Đức Giáo Hoàng có thể sẽ đến thăm Auschwitz và Czestochowa?

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho biết Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ngỏ ý muốn đến thăm Auschwitz và tôn kính hình ảnh Đức Mẹ Đen tại Czestochowa.

Ông Duda đưa ra tuyên bố trên sau cuộc tiếp kiến Đức Thánh Cha Phanxicô hôm 9 tháng 11. Đức Thánh Cha sẽ đến thăm Kraków trong khuôn khổ Ngày Giới Trẻ Thế Giới từ 25 đến 31 tháng 7 năm tới 2016.

Tưởng cũng nên nhắc lại sáng thứ Hai 9 tháng 11, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến Tổng thống Andrzej Duda.

Sau đó, ông Andrzej Duda đã hội kiến với Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, có Đức Ông Antoine Camilleri, người Malta, Thứ trưởng ngoại giao, hiện diện.

Thông cáo của Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết: “Trong các cuộc hội kiến thân mật, có nói đến sự đóng góp tích cực của Giáo Hội Công Giáo cho đã hội Ba Lan, và cả trong cuộc viếng thăm Đức Thánh Cha sẽ thực hiện tại Cracovia nhân dịp Ngày Quốc tế giới trẻ sắp tới.”

Tiếp đến, các vị cũng đề cập đến một số vấn đề có liên hệ tới hai bên, như sự thăng tiến gia đình, nâng đỡ các giai tầng xã hội túng thiếu nhất, và việc tiếp đón người di dân.

Sau cùng, các vị cũng thảo luận về một số vấn đề liên hệ tới Cộng đồng quốc tế, như hòa bình và an ninh, cuộc xung đột tại Ucraina và tình trạng ở Trung Đông.

Thông báo cho cho biết, sau khi hội kiến riêng với tổng thống Duda, Đức Thánh Cha đã gặp phu nhân Agata cùng với ái nữ Kinga và đoàn tùy tùng của Tổng thống gồm 10 người. Trong dịp này, tổng thống Ba Lan đã tặng Đức Thánh Cha ảnh Đức Mẹ Đen ở Czestochowa với khung trang trí rất đẹp. Ông nói: “Xin Đức Mẹ bảo vệ Đức Thánh Cha”.

Đức Thánh Cha đã tặng lại Tổng thống một mề-đai hòa bình, và ngài giải thích ý nghĩa. Ngài cũng tặng tổng thống thông điệp Laudato Sì về việc bảo vệ thiên nhiên và Tông huấn Evangelii gaudium (Niềm vui Phúc Âm). Ngài đích thân trao tặng các mề đay và tràng chuỗi Mân Côi cho những người thuộc đoàn tùy tùng.

Trước khi giã từ tổng thống Ba Lan, Đức Thánh Cha nói: “Tôi rất hài lòng vì được đích thân gặp Tổng thống và xin Tổng thống cầu nguyện cho tôi”.

4. Các Giám Mục Úc trở thành mục tiêu của các vụ kiện chống phân biệt đối xử vì các ngài lên tiếng bảo vệ hôn nhân truyền thống.

Martine Delaney, một chính trị gia của Đảng Xanh, người được sinh ra một người đàn ông nhưng bây giờ đổi giống để sống như một người phụ nữ đã đâm đơn kiện các Giám Mục Công Giáo Úc. Ông ta cho rằng một cuốn sách nhỏ được các Giám Mục soạn thảo nhằm bảo vệ hôn nhân truyền thống là bôi bác người đồng tính và những người chuyển đổi giới tính.

Ủy ban chống phân biệt đối xử tại tiểu bang Tasmania đã chấp nhận đơn kiện và đang chuẩn bị nghe điều trần về đơn khiếu nại đưa ra bởi Delaney. Ông hay bà này cáo buộc rằng cuốn sách nhỏ của các Giám Mục, nhan đề “Don’t Mess with Marriage”, làm tổn hại “hạnh phúc của cặp vợ chồng đồng tính và gia đình của họ trên khắp Tasmania.”

Đức Tổng Giám Mục Julian Porteus của Hobart, Tasmania là mục tiêu chính của đơn khiếu nại chống phân biệt đối xử này.

Các Giám Mục Úc cho biết các ngài không có ý định bôi nhọ nhân phẩm của những người đồng tính. Đồng thời, các nhà lãnh đạo Giáo Hội bày tỏ lo ngại về các nỗ lực nhằm khống chế tự do ngôn luận và tự do tôn giáo tại Úc bằng các thủ đoạn kiện tụng vô nghĩa.

5. Tổng chưởng lý Tư pháp Úc chỉ trích tâm tình bài Công Giáo

Trong một phát biểu gần đây tại Sydney, Australia’s Attorney General, tạm dịch là Tổng chưởng lý của Úc Đại Lợi đã mạnh mẽ chỉ trích tâm tình chống Công Giáo của một số nhà văn và ký giả Úc có khuynh hướng duy đời cực đoan.

“Tự do tôn giáo trong mọi khiá cạnh đều quan trọng như quyền tự do chính trị,” Thượng nghị sĩ George Brandis nói.

“Các thành viên của cộng đồng Hồi giáo một đôi khi là nạn nhân của những nghi ngờ và thù địch, chống lại họ bởi những người tìm cách đổ lỗi bạo lực khủng bố cho những giáo huấn trong Koran. Tuy nhiên, các Kitô hữu - đặc biệt là người Công Giáo -- thường xuyên là đối tượng của sự nhạo báng và xúc phạm của các nhà văn nổi tiếng và các nhà bình luận.”

Brandis sau đó trích dẫn một nhận xét của một vị thẩm phán tòa án cao đã nghỉ hưu cho rằng tâm tình bài Công Giáo là “sự phân biệt chủng tộc của những người trí thức,” hay đúng hơn là của “những kẻ mạo danh trí thức.”

6. Đức Hồng Y Gerhard Ludwig Müller khai mạc cuộc họp của Hội Đồng Giám Mục Chí Lợi

Đức Hồng Y Gerhard Ludwig Müller, tổng trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, đã cử hành thánh lễ khai mạc cuộc họp của Hội Đồng Giám Mục Chí Lợi tại một nhà tĩnh tâm ở Punta de Tralca.

Đức Hồng Y Müller nói: Chúa Giêsu “hướng những lời giảng dạy của Ngài trước hết đến các môn đệ, đặc biệt là nhóm mười hai là những người thường xuyên sống với Người, và truyền cho họ rao giảng Tin Mừng cho toàn thế giới”

“Dù bất cứ là vì lý do gì, Chúa đã không làm theo kiểu 'tiếp thị' của thế gian với tất cả các phương pháp ồn ào và ầm ĩ của nó. Ngài đã không viết một cuốn sách, nhưng thay vào đó Ngài thành lập một cộng đồng, là Giáo Hội, là nhiệm thể của mình.”

Phê bình thái độ tháo thứ chiều theo trào lưu tục hóa, Đức Hồng Y nói:

“Công việc của Giáo Hội không phải là phản ánh các ý kiến của các thành viên của mình. Nhưng công việc của Giáo Hội là phản ánh quan điểm của người đứng đầu và là người sáng lập ra mình là Chúa Giêsu Kitô”

Đứng trước hiện trạng nhiều người Công Giáo bỏ đạo để gia nhập các giáo phái Tin Lành, Đức Hồng Y kêu gọi một tiến trình thanh tẩy trong Giáo Hội, để gương mặt Giáo Hội tiếp tục tỏa sáng.

“Hôm nay, một tiến trình thanh tẩy đau đớn đang diễn ra, nhưng nó cũng hệt như khi Chúa Giêsu lật nhào bàn ghế xua đuổi những người mua bán trong đền thờ. Thanh tẩy là đau đớn và khó chiụ nhưng chúng ta phải luôn trung tín và đừng chán nản. Một số bỏ đi, nhưng chúng ta phải giữ vững niềm tin nơi cuộc đối thoại với Chúa Giêsu trong Giáo Hội của Người.”

Chí Lợi hay còn gọi là Chilê có 17,508,000 dân. 66.7% là người Công Giáo. 17% theo các giáo phái Tin Lành. Giáo Hội tại nước này có 5 tổng giáo phận, 16 giáo phận và một giáo phận quân đội.

7. Đức Cha Carl Kemme cho biết về tiến trình phong thánh cho cha Emil Kapuan

Án phong thánh cho cha Emil Kapuan, tuyên úy quân đội Mỹ, người đã được trao tặng Huân chương Danh dự của Hoa Kỳ vào năm 2013, đã hoàn tất tại giáo phận Wichita, Kansas 4 năm qua nhưng có lẽ phải mất vài năm nữa để hoàn thành.

Đức Cha Carl Kemme, Giám Mục giáo phận Wichita, Kansas, đã dẫn đầu một phái đoàn từ tiểu bang quê hương của Cha Kapuan sang Vatican để hỏi thăm về tiến trình phong thánh cho ngài. Một cuộc điều tra cấp giáo phận tại Wichita đã được hoàn thành vào năm 2011, và các hồ sơ đã được gửi đến Vatican.

Một câu hỏi quan trọng hiện nay này là Cha Kapaun, người đã qua đời trong một trại tù ở Bắc Triều Tiên vào năm 1951, có thể được xem là một vị tử đạo vì đức tin hay không.

Ít nhất đã có hai phép lạ được cho là nhờ sự cầu bầu của ngài.

8. Các nhà lãnh đạo tôn giáo đến thăm Bắc Triều Tiên

Một nhóm 150 nhà lãnh đạo tôn giáo, đại diện cho các tôn giáo tại Nam Hàn, đã đến thăm Bắc Triều Tiên trong tuần này, nhờ một sự cởi mở hiếm hoi của chế độ độc tài Bắc Triều Tiên.

Các nhà lãnh đạo tôn giáo đã gặp nhau để “cùng cầu nguyện cho hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên” ở chùa Phật giáo Singyesa, một địa điểm cổ đại đã được xây dựng lại vào năm 2004 với sự giúp đỡ từ Nam Hàn. Ngôi chùa thường được dùng làm vị trí cho những cuộc họp tôn giáo chính thức được cho phép ở Bắc Triều Tiên.

Bắc Hàn đã cho phép hai đoàn Kitô giáo đến thăm gần đây: thứ nhất là hiệp hội các linh mục Công Giáo và thứ hai là một nhóm thuộc Hội đồng các Giáo Hội Thế giới. Hai nhóm đã đến thăm hai nhà thờ Kitô Giáo duy nhất tại quốc gia này - một nhà thờ Công Giáo, và một nhà thờ Tin Lành - ở Bình Nhưỡng.

Theo thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, khoảng 200 người Công Giáo tham dự các sinh hoạt mỗi tuần tại nhà thờ Công Giáo duy nhất này, mặc dù họ không thể cử hành thánh lễ vì không có linh mục Công Giáo được phép cư trú tại đây.

9. Liên Hợp Quốc tăng quân gìn giữ hòa bình ở Trung Phi nhưng phải sau chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng

Liên Hợp Quốc có kế hoạch đẩy mạnh các nỗ lực gìn giữ hòa bình tại Cộng hòa Trung Phi nơi đang xảy ra nhiều cuộc bạo động. Nhưng quân bổ sung của Liên Hợp Quốc chỉ có thể đến được sau chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào cuối tháng này.

Leo thang bạo lực tại Cộng hòa Trung Phi có thể hủy hoại kế hoạch chuyến thăm của Đức Thánh Cha. Theo chương trình ngài sẽ đến thủ đô Bangui vào ngày 29 tháng 11, trong chuyến tông du ba nước châu Phi là Kenya, Uganda và Trung Phi.

Các quan chức Vatican đã khẳng định chương trình tông du của Đức Thánh Cha không thay đổi vì tình hình chính trị của đất nước.

Cha Lombardi, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết Đức Thánh Cha tiếp tục giữ chương trình viếng thăm Trung Phi mặc dù Bộ quốc phòng Pháp cảnh giác rằng đó là một cuộc viếng thăm có nhiều rủi ro. Cha nói với báo Công Giáo La Croix ở Pháp: “Chúng tôi tiếp tục tổ chức cuộc viếng thăm, theo chiều hướng đó, trừ khi có chuyện bất ngờ.. Chúng tôi biết rõ về tình hình Trung Phi”.

Hãng tin Công Giáo quốc tế I.Media truyền đi hôm 12-11-2015 từ Vatican, cũng trích thuật lời tuyên bố của một nguồn tin ở Vatican nói rằng “Công cuộc chuẩn bị ở thủ đô Bangui vẫn tiến hành và tất cả cho thấy Đức Giáo Hoàng sẽ đến đây. Đối với ngài, không đến đó là một thất bại”.

Một lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế đã xua đuổi quân phến loạn Hồi Giáo Seléka ra khỏi Bangui vào tháng Giêng năm 2014, và hiện nay có hơn 11,000 binh sĩ Liên Hiệp Quốc tại Cộng hòa Trung Phi. Nhưng trước những leo thang bạo lực gần đây tại quốc gia này, nhiều lực lượng của Liên Hợp Quốc phải sớm được bổ sung.