Hình ảnh chúa Giêsu trong bốn phúc âm (4)

4. Trong phúc âm thánh Gioan

Phúc âm thứ tư viết về lịch sử cùng giáo lý của Chúa Giêsu được cho là do Thánh Gioan, môn đệ Chúa Giêsu, người đã cùng đức mẹ Maria đứng dưới chân thập gía Chúa Giêsu lúc người qua đời, viết vào khoảng năm 90. - 100. sau Chúa giáng sinh (SCGS).

Khác với ba phúc âm theo Thánh Mattheo, Marco và Luca, hay còn gọi là Bản nhất lãm - Synoptik - với những lời thuật kể ngắn gọn qua những dụ ngôn. Thánh Gioan viết thuật những cuộc nói chuyện của Chúa vừa dài vừa bằng ngôn từ thần học khó hiểu cao siêu, chứa chất ngôn ngữ hình ảnh biểu tượng. Có người còn nghĩ cho rằng phúc âm theo Thánh Gioan chứa chất những chất liệu suy niệm thần bí chiêm niệm.

Nhưng phúc âm theo Thánh Gioan viết trên căn bản: Ai ở lại nơi Chúa Giêsu, người đó ở nơi Thiên Chúa và Thiên Chúa ở nơi người đó.

4.1. Chúa Giêsu, Người mặc khải Thiên Chúa

Con đường đời sống Chúa Giêsu nơi phúc âm theo Mattheo, Marco va Luca khác biệt hẳn với phúc âm theo Gioan. Nơi phúc âm nhất lãm Chúa Giêsu xuất hiện ra công khai chỉ hơn một năm và kết thúc dừng lại ở Giêrusalem. Còn nơi Thánh Gioan con đường đời sống Chúa Giêsu đi rao giảng kéo dài ba năm luân phiên thay đổi xảy ra giữa Galileo và Giêrusalem.

Thánh Gioan thuật lại những huấn từ mặc khải dài của Chúa Giêsu. Những huấn từ này tập trung chú trọng đến đề tài nhất định, như bánh sự sống (Ga 6), và huấn từ giã biệt (Ga 13-16).

Nơi phúc âm Nhất lãm triều đại nước Thiên Chúa và những hệ luận được chú trọng nhấn mạnh. Còn nơi Thánh Gioan bản thân Chúa Giêsu trở thành đề tài chính: uy quyền của Ngài là người mặc khải của Thiên Chúa và mối tương quan liên kết với Thiên Chúa Cha.

4.2. Hoàn cảnh khốn khó

Thánh Gioan viết giáo lý phúc âm Chúa Giêsu vào quãng thời gian Cộng đoàn xứ đạo thuở Hội Thánh lúc ban đầu khoảng năm 100. SCGS lúc đó đang trong hoàn cảnh khó khăn bị kỳ thị chèn ép. Điều này thấy rõ nơi nhiều chương đoạn nói đến sự nguy hiểm có người bị xua đuổi khỏi Hội đường Do Thái (Ga 9,22, 12,42,16,2). Điều này nói lên qúa trình sự kiện tách biệt ngăn chia giữa Hội đường Do Thái ở nơi địa phương với Cộng đoàn xứ đạo Chúa Kitô của Thánh Gioan.

Cộng đoàn xứ đạo Gioan hiểu cùng tin nhận Chúa Giêsu là người mặc khải chính thật của Thiên Chúa. Điều khác biệt này về Chúa Giêsu đưa đến sự ngăn cách chia rẽ với những người Do Thái khác ngay trong thành phố của họ.

Hậu qủa là càng ngày Cộng đoàn Giáo Hội Kitô giáo càng lâm vào tình trạng bị tách biệt ra khỏi, và mất đi đặc ân được bảo vệ, mà những Hội đường Do Thái giáo có. Một bầu khí lo âu sợ hãi đè nặng lan rộng trong cộng đoàn Kitô hữu, và như có phản ứng nổi lên sự hoài nghi cùng bỏ quay lưng lại với Cộng đoàn xứ đạo Chúa Kitô (Ga 6,66).

Nhất là sau khi thành Giêrusalem vào khoảng năm 70. SCGS bị tàn phá, Do Thái giáo sống trải qua thời kỳ chuyển đổi. Họ đi tìm cách thế mới để sống còn cùng bảo vệ giữ lại bản sắc căn cước tính gốc của mình. Vì thế, những người bỏ không theo Do Thái giáo ở ngay trong Hội đường Do Thái địa phương bị nhìn với con mắt ác cảm không thân thiện, và bị loại trừ khỏi Hội đường (Ga 16,1-4).

4.3. Từ khởi thủy đã có ngôi Lời - Logos.

Ngày xưa trước thời Công đồng Vatican 2., sau mỗi thánh lễ Misa bài phúc âm Chúa Giêsu theo Thánh Gioan „ Từ nguyên thủy đã có ngôi Lời…(Ga 1, 1-18), được đọc lên. Bài phúc âm này không phải là bài kết thúc phúc âm, nhưng là bài tựa khởi đầu sách phúc âm Chúa Giêsu theo Thánh Gioan.
Ngôi lời - Logos là gì? Lời - Logos - có thể theo nguyên ngữ Hylạp có nghĩa là lời nói. Nhưng Logos cũng có thể là nguyên lý của trí khôn lý trí tận trong thâm tâm.

Bài tự khởi đầu sách phúc âm Chúa Giêsu cũng nói lên chương trình của Chúa Giêsu, đấng là người mặc khải của Thiên Chúa sai đến trần gian đứng ở trung tâm. Bài tựa khởi đầu đồng hoá nhận dạng Chúa Giêsu với Lời của trời cao bắt nguồn trực tiếp ngay bên Thiên Chúa, và Lời Thiên Chúa đã cùng chung vào việc sáng tạo vũ trụ, sự sống muôn loài trong đó.

Như hình ảnh gương mẫu cho ngôi Lời, sự khôn ngoan (KN 8,22-31, Sirach 24) của Israel được cá nhân hóa đem vào trình thuật diễn tả cho thêm cặn kẽ sáng tỏ.

Từ sự gần gũi sát bên Thiên Chúa có một không hai này, ý muốn của Thiên Chúa được mặc khải ra, Ngôi Lời đã đem ánh sáng vào trong trần gian. Thora - Lề luật cũ bây giờ qua đó tỏ hiện trong ánh sáng mới .

Sự tin tưởng xác tín Thiên Chúa nơi con người Chúa Giêsu được nhận ra rõ ràng, dần ăn rễ sâu nơi lòng tin của Cộng đoàn Kitô giáo. Chúa Giêsu, Lời của Thiên Chúa, là người được Thiên Chúa sai đến đại diện, là nơi chốn sự hiện diện của Thiên Chúa.

4.4. Vị sứ gỉa được sai đến

Vai trò Chúa Giêsu, Đấng cứu thế, được Thiên Chúa sai đến đại diện cho Thiên Chúa phù hợp hoàn toàn với ý muốn của Thiên Chúa „ Ta và Cha ta là một“ (Ga 10,30).

Là Sứ giả, Chúa Giêsu nhận chứng từ đích thực từ nơi Thiên Chúa, và thực hiện theo ý muốn của Thiên Chúa với hoàn toàn quyền uy (5, 36-40).

Ai tin nhận sứ mạng của Chúa Giêsu được Thiên Chúa sai đến, người đó có được sự sống đời đời (Ga 5,24, 6,29, 12,44, 17,8).
Chúa Giêsu không mang vào trần gian đức tin về sự chân thật theo khía cạnh khách quan, nhưng ngài chính là sự cứu rỗi của Thiên Chúa. Sự tập trung vào mối tương quan liên kết với Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu nẩy sinh khía cạnh thần bí chiêm niệm.
Mối tương quan liên kết chặt chẽ ở lại trong Chúa Giêsu được diễn tả sống động sâu sắc qua hình ảnh cây nho và nhánh cành nho chung hợp gắn liền với nhau, và chỉ có thể sinh hoa trái nếu gắn bó liền với nhau. Trong tình trạng chia tách lìa khỏi nhau sự lưu lại sẽ trở thành vấn đề sống chết (Ga 15,5).

4.5. Chết vì tình yêu

Nói tới sự chết của Chúa Giêsu trên thập gía, Thánh Gioan không muốn sự trung lập dửng dưng, nhưng ông muốn nhìn vào thâm sâu hơn. Với Gioan thập gía và Chúa Giêsu được dương lên cao gắn liền với nhau. Sự chết của Chúa Giêsu phải được hiểu là biến cố cứu độ (Ga 12,27-33, 19,30,17,22).

Cái chết của Chúa Giêsu biểu hiện tình yêu của ngài với những người bạn hữu của ngài, và qua đó mang đến cho họ tình yêu thương:

„ Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy.10 Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người….
12 Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em… „( Ga 15,9-14).

Việc rửa chân cho các môn đệ trong trung tâm bữa tiệc sau cùng 13,1-30 biểu hiện tình yêu của Chúa Giêsu với các môn đệ của Ngài, và truyền gửi đi sứ điệp hình ảnh gương mẫu về cách sống tình yêu thương giữa các học trò với nhau.

Giới răn mới về tình yêu thương có mục đích thu họp các học trò chung hợp lại với nhau (13,34). Được như thế, họ cần phải liên kết gắn liền với Chúa Giêsu.

4.6. Những ngôn ngữ hình ảnh về Chúa Giêsu

Thánh Gioan trong phúc âm của mình đã vẽ lên hình thể Chúa Giêsu là con đường, là ánh sáng, là sự sống, là sự thật.

Chúa Giêsu là con đường, và chỉ đường cho con người tìm đến sự sống chân thực.

Chúa Giêsu là ánh sáng đến trong trần gian giữa đêm tối tội lỗi. Ánh sáng ngài chiếu soi làm cho sáng tỏ bản tính con người. Trong Chúa Giêsu chúng ta nhận ra mình là ai.

Chúa Giêsu là ánh sáng nội tâm từ bên trong thâm tâm chiếu sáng tỏa ra bên ngoài. Nên ánh sáng đó không thể bị dập tắt được. Ánh sáng Chúa Giêsu là ơn cứu độ chữa lành và là hạnh phúc. Ngài là ánh sáng đích thực chiếu soi cho con người, cùng mang đến sự sống. Và do đó, Chúa Giêsu là ánh sáng và sự sống nội tâm.
4.7. Thầy là…và những con số

Nơi ba phúc âm nhất lãm những dụ ngôn được dùng để tường thuật những lời giảng dạy của Chúa Giêsu. Trái lại nơi phúc âm Thánh Gioan những lời giảng dạy được trình giải ra bằng ngôn ngữ hình ảnh.

Hình ảnh theo Lalande diễn tả có tính cách một độc thoại ra bên ngoài, nhưng lại ẩn chứa trình bày điều gì khác hơn. Tất cả những gì Gioan thuật lại bằng hình ảnh đều như trình bày một thực thể đầy bí ẩn nhiệm mầu sâu xa hơn.

Như hình ảnh về nước. Nước không phải chỉ là một chất lỏng như nước uống, hay một hợp chất hóa học chung hợp lại, nhưng nước là hình ảnh diễn tả về sự sống, về sự tươi mát đổi mới, về sự thanh tẩy, và cũng về sự tàn phá , lụt lội hủy hoại.

Thánh Gioan dùng ngôn ngữ hình ảnh là một nghệ thuật cao vời vừa về trí thức và vừa về thần học huyền bí. Vì bên trong luôn luôn ẩn chứa một ý nghĩa sâu xa. Thánh Gioan thuật lại những gì Chúa Giêsu làm hay nói đều ẩn chứa điều gì cần phải suy nghĩ sâu xa hơn nữa, điều gì thiêng liêng sâu tận trong tâm hồn con người. Và có thể vì thế, người ta cho rằng phúc âm Chúa Giêsu theo Thánh Gioan cao siêu thần bí, như con chim đại bàng bay vút tận lên trời cao vượt qúa tầm nhìn của con mắt con người chúng ta.
Thánh Gioan cũng dùng con số hình ảnh, như văn hóa thời lúc đó thịnh hành. Nơi Gioan hai con số được dùng như con số thánh là số ba và số bảy.
Con số ba là hình ảnh biểu hiệu nói về Thiên Chúa ba ngôi. Con số bảy nói về sự thay đổi biến dạng của con người qua nhờ sức sống thần linh của Chúa.

Ba lần lễ phục sinh vượt qua được nhắc đến, ba lần Chúa Giêsu ở Galiliea, nơi thập gía ngài nói ba lời.

Bảy dấu hiệu được tường thuật lại. Có bảy chứng từ về Chúa Giesu và Chúa Giêsu tự mình nói bảy lần Thầy là:

1. Thầy là bánh hằng sống 6,35.41.48.51
2. Thây là ánh sáng trần gian 8,12, 12,46
3. Thầy là cửa chuồng chiên 10,7.9
4. Thầy là người mục tử nhân lành 10,11.14
5. Thầy là sự sống lại và là sự sống 11,25
6. Thầy là đường dẫn đưa đến sự chân thật và sự sống 14,6
7. Thầy là cây nho 15,1.5

Và ngôn ngữ hình ảnh về nước cũng bảy lần được nói đến:

1. Gioan tẩy gỉa rửa bằng nước 1,26, 3,23
2. Nước để thanh tẩy rửa tay 2,66
3. Nước giải khát ở giếng Giacob miền Samaria 4,6
4. Nước hồ Betdatha ở thành Gierusalem 5,2
5. Nước Thầy sẽ ban cho 4,14
6. Dòng nước sự sống 7,37…
7. Máu và nước chảy ra từ cạnh sườn Chúa Giêsu 19,34
Sự căng thẳng giữa số sáu, hình ảnh sự bất toàn và số bảy, hình ảnh sự toàn vẹn trọn hảo thể hiện rõ nơi sáu chum nước ở tiệc cưới Cana, chỉ hướng về chum nước thứ bảy là trái tim Chúa mở ra trên thập gía mới được trọn vẹn.

Người phụ nữ Samaria có sáu đời chồng rồi, nhưng vẳn chưa được giải thoát cơn khát vọng tâm hồn. Chúa Giêsu như người thứ bảy mang đến cho đời sống tâm hồn chị ta sự giải thoát.

Thánh Gioan dùng ngôn ngữ hình ảnh với nghệ thuật cao vời. Ông thuật lại lịch sử Chúa Giêsu với ý nghĩa rất sâu sắc. Ông đặt vào môi miệng Chúa Giêsu những lời không bao giờ mang tính cách bề ngoài phô diễn, nhưng luôn luôn nói lên một thực thể thâm sâu nội tâm.

Hình ảnh bánh, cánh cửa, cây nho, nước, người chăn chiên không bao giờ chỉ diễn tả điều gì ở phía đàng trước, nhưng điều gì sâu xa hơn, điều gì có sức đánh động trái tim tâm hồn con người.

Lý do tại sao Thánh Gioan dùng hình ảnh là vì Thiên Chúa trở thành người trên trần gian trong Chúa Giêsu. Nơi Chúa Giêsu sự vĩnh cửu đã liên kết sâu xa với con người. Bản tính Thiên Chúa đã trở nên một với bản chất trần gian trên mặt đất.

Chúa Giêsu được trình bày bằng ngôn ngữ hình ảnh. Và qua đó phác họa lên sự chung hợp liên kết giữa Thiên Chúa cùng con người với nhau nơi chính bản thân Chúa Giêsu làm người trên trần gian.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long