Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến thăm 3 nước Phi Châu trong tháng 11

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến thăm Kenya, Uganda, và Cộng hòa Trung Phi trong tháng Mười Một. Đức Tổng Giám Mục Charles Daniel Balvo, sứ thần tại Kenya, nói với Đài phát thanh Vatican rằng chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng sẽ bắt đầu tại Nairobi, thủ đô của Kenya.

Từ Nairobi, ngài sẽ sang Kampala, thủ đô của Uganda; và kết thúc chuyến đi tại Bangui, thủ đô của Cộng hòa Trung Phi.

Một lịch trình đầy đủ về chuyến tông du này sẽ được công bố vào tháng Mười

82.5% trong tổng số 45 triệu dân Kenya theo Kitô Giáo trong đó người Công Giáo chiếm 24% dân số. Người Hồi Giáo chỉ chiếm 11% tại quốc gia. Tuy nhiên, trong thời gian qua, nhiều nhóm cực đoan Hồi Giáo đã muốn biến Kenya thành một quốc gia Hồi Giáo. Lúc 5:30 sáng ngày thứ Năm 2 tháng 4, tức là thứ Năm Tuần Thánh vừa qua, bọn khủng bố Al-Shabaab với chủ trương nhằm thiết lập một nhà nước Hồi Giáo theo luật Sharia tại Kenya đã gây ra cuộc thảm sát tại Đại Học Garissa, cách thủ đô Nairobi của Kenya 350km về hướng Đông Bắc và cách biên giới với Somali 150km. 148 sinh viên bị giết chết và 79 sinh viên khác bị thương nặng.

Mohamed Mohamud, một thầy giáo người Kenya đã dạy học nhiều năm tại nước này cùng với Abdirahim Abdullahi, đã từng tốt nghiệp Luật Khoa tại đại học Nairobi vào năm 2013 và là con trai của tỉnh trưởng tỉnh Mandera, ở phía Bắc Kenya, giáp biên giới với Kenya đã dẫn đường cho bọn khủng bố Al-Shabaab từ Somali đột nhập vào Kenya gây ra cuộc thảm sát này. Abdirahim Abdullahi bị bắn chết cùng với 3 tên khủng bố khác trong khi Mohamed Mohamud nhanh chân tẩu thoát. Chính phủ trao giải thưởng lên đến 215,000 Mỹ Kim cho ai chỉ điểm dẫn đến việc bắt sống hay giết chết y nhưng đến nay vẫn chưa biết tông tích tên khủng bố này.

Kenya có 4 tổng giáo phận, 21 giáo phận và một miền Giám Quản Tông Tòa.

2. Vài nét về Giáo Hội tại Uganda

Chặng thứ hai trong chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô là nước Uganda.

Uganda có 31,100,000 dân trong đó 42% là người Công Giáo thuộc 4 tổng giáo phận và 16 giáo phận.

Người dân Uganda thuộc 50 nhóm chủng tộc khác nhau, trong đó đông nhất là bộ tộc Baganda, Bakiga và Banyankore. Cùng vì nhiều sắc tộc như thế, nên ngôn ngữ chính thức tại Uganda là tiếng Anh, ngôn ngữ bán chính thức là Kishwahili, trong khi tiếng Lugana chỉ được dùng trong việc giao dịch buôn bán.

Uganda có đa số dân theo Kitô giáo, trong số này đông nhất 42% theo Công Giáo, tức là gần 12 triệu 700 ngàn tín hữu, tiếp đến là 40% theo Anh giáo, phần còn lại là các giáo phái khác, đặc biệt là các nhóm Pentecostal, 5% theo đạo cổ truyền của Phi châu và sau cùng là 12% theo Hồi giáo.

Ơn gọi linh mục tại Uganda rất đông nhưng thiếu các chủng viện và những phương tiện cần thiết để đào tạo linh mục nên Giáo Hội tại đây vẫn trong tình trạng thiếu linh mục trầm trọng. Theo tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, mỗi một linh mục ở Uganda phải phục vụ số giáo dân nhiều gấp 10 hay 20 lần tại Âu Châu.

Do nhiều nơi không có linh mục coi sóc, năm 2010, một nhóm khoảng 20 người tự xưng là linh mục Công Giáo đã thành lập ra cái gọi là Giáo Hội Công Giáo Tông Truyền Uganda với chủ trương chống lại luật độc thân linh mục, lôi kéo được trên 10,000 người. Leonard Lubega, người lãnh đạo giáo phái này, tự gọi mình là linh mục dù ông ta chưa từng được truyền chức linh mục. Một nhân vật lãnh đạo khác của giáo phái này từng là một linh mục Chính thống giáo, chứ không phải linh mục Công Giáo.

3. Vài nét về Giáo Hội tại Cộng hòa Trung Phi

Cộng hòa Trung Phi có 5,390,000 dân trong đó 25% là người Công Giáo sinh hoạt trong một tổng giáo phận là tổng giáo phận thủ đô Bangui và 8 giáo phận. Tình hình an ninh tại Cộng hòa Trung Phi là rất đáng lo ngại. Thật vậy, các diễn biến gần đây cho thấy quân Hồi Giáo Seleka đã được tăng viện bởi các nhóm khủng bố quốc tế đặc biệt là từ Cộng Hòa Chad, nơi dung thân của quân Seleka.

Cuộc xung đột tại Cộng Hòa Trung Phi đã bùng lên từ ngày 10 tháng 12 năm 2012 giữa quân đội nước này và phiến quân Hồi Giáo Séléka. Do các yếu tố bất ngờ, đến cuối tháng 12 năm 2012, quân Hồi Giáo đã chiếm được nhiều thành phố và ngày 24 tháng Ba năm 2013 chiếm được thủ đô Bangui. Lãnh đạo phiến quân là Michel Djotodia được đưa lên làm tổng thống.

Quân Hồi Giáo Séléka bắt tay ngay vào việc cướp bóc, hãm hiếp, và thủ tiêu các tín hữu Kitô. Nhóm Hồi Giáo cực đoan này thực hiện âm mưu Hồi Giáo hóa đất nước bằng một cuộc diệt chủng người Kitô Giáo trên một quy mô lớn đến mức chính Michel Djotodia đã bất ngờ tuyên bố từ chức và đào vong ở nước ngoài hôm 10 tháng Giêng năm 2014 để tránh bị bắt đưa ra trước tòa án quốc tế về tội ác chống nhân loại.

Từ tháng Hai năm 2014, quân Séléka như rắn mất đầu đã mất quyền kiểm soát trên hầu hết các thành phố lớn tại Cộng Hòa Trung Phi và phải rút chạy sang Chad. Tuy nhiên, nhóm Hồi Giáo cực đoan này nhận được tăng viện cả về khí tài chiến tranh lẫn nhân sự và đã có khả năng trở lại gây chiến ngay tại thủ đô Cộng Hòa Trung Phi.

4. Tờ Quan Sát Viên Rôma đả kích một giáo xứ cử hành tang lễ cho một tên trùm Mafia huy hoàng như lễ phong thánh

Đám tang của một tên trùm mafia tại một giáo xứ ở Rôma đã gây ra sự tức giận tại Italia và khiến các chính trị gia thay nhau đưa ra những lời đả kích dữ dội.

Trưóc mặt tiền nhà thờ San Giovanni Bosco ở ngoại ô thành phố Rôma treo một bức chân dung rất lớn của tên trùm Vittorio Casamonica, 65 tuổi, như người ta vẫn từng thấy Tòa Thánh treo hình các vị Thánh hay Chân Phước trong các buổi lễ phong thánh tại tiền đình Đền Thờ Thánh Phêrô. Bức hình còn có cả một dòng chữ rất ngạo mạn “Re di Roma” – nghĩa là “Vua Thành Rôma”.

Một biểu ngữ khác còn ngạo mạn hơn được chăng ngang cửa chính của nhà thờ:

“Bạn đã chinh phục được Rôma, bây giờ bạn sẽ chinh phục thiên đường”.

Sau một nghi lễ long trọng trong nhà thờ, quan tài được khiêng ra một đoàn xe đưa tang cực kỳ xa hoa như cảnh an táng một vua chúa thời trung cổ, nhưng còn huy hoàng hơn đám tang vua chúa vì có thêm một tiết mục mới không vua chúa thời xưa nào có được là cảnh những cánh hoa tulip rơi từ đoàn trực thăng xuống trong khi ban nhạc chơi các giai điệu chủ đề trong bài “The Godfather” mà người Việt thường dịch là Bố Già.

Tên trùm Vittorio Casamonica là một trong những nhà lãnh đạo của gia tộc Casamonica, đã bị buộc tội bắt cóc, tống tiền và buôn bán ma túy.

Trước tai tiếng trầm trọng mà nhiều người xem như một cử chỉ công khai thách thức những giáo huấn gần đây của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về bọn tội phạm Mafia, vị linh mục chính xứ San Giovanni Bosco nói rằng ngài không kiểm soát được những gì xảy ra bên ngoài nhà thờ.

Trong khi đó Giám mục phụ tá Rôma là Đức Cha Giuseppe Marciante giải thích với tờ Avvenire của Hội Đồng Giám Mục Italia rằng “không ai báo cho chúng tôi biết, thậm chí cả cảnh sát cũng chẳng nói gì”.

Ngài nói thêm: “Tất nhiên, nếu chúng tôi đã có những nghi ngờ về kiểu trình diễn loại này, chúng tôi đã có biện pháp phòng ngừa. Chúng tôi hoàn toàn không chấp nhận tiến hành tang lễ như thế.”

Đức Tổng Giám mục Vincenzo Bertolone của tổng giáo phận Catanzaro-Squillace, cáo thỉnh viên án phong thánh cho cha Pino Puglisi, người đã bị Mafia giết, nói với tờ Quan Sát Viên Rôma rằng “đám tang Kitô Giáo không phải là lễ tuyên dương cuộc đời của người quá cố”.

Ngài nói thêm rằng “các chỉ thị hướng dẫn việc cử hành thánh lễ an táng yêu cầu buổi lễ phải được thực hiện một cách đơn sơ, không phô trương, không hoa, không nhạc, không hát hò, càng không phải là một buổi lễ tôn phong”.

5. Đừng bắt Đức Mẹ phải kính chào bọn côn đồ.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Để cho thấy Mafia đã ăn sâu vào xã hội Italia như thế nào, chúng tôi xin thuật hầu quý vị và anh chị em một câu chuyện khác.

Năm ngoái, một giám mục trong khu vực Calabria của Ý đã ra lệnh cấm tất cả các cuộc rước kiệu trên đường phố vô thời hạn. Ngài đã phải đưa ra biện pháp đau lòng này sau khi một đoàn rước đã khiêng kiệu Đức Mẹ đến nhà một tên trùm Mafia hôm 6 tháng 7 năm 2014.

Hôm 21 tháng 6 năm ngoái, Đức Thánh Cha đã đến thăm vùng này và trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã mạnh mẽ lên án nhóm bất lương mafia Ndrangheta đang hoành hành trong vùng. Đức Thánh Cha nói: “Mafia Ndrangheta nghĩa là: tôn thờ cái ác và khinh bỉ công ích. Cái ác này phải bị đánh bại, phải bị trục xuất… Những kẻ này bị tuyệt thông”.

Hai tuần sau đó, trong một đám rước của giáo xứ Công Giáo Oppido Mamertina, đoàn rước đã bất ngờ rẽ sang một lộ trình không được trù liệu lúc ban đầu để khiêng kiệu Đức Mẹ đến nhà một tên trùm Mafia Ndrangheta là Peppe Mazzagatti, đang bị quản thúc tại gia sau khi bị khởi tố về tội giết người. Cử chỉ này được nhiều người xem như một hành vi khiêu khích Đức Giáo Hoàng của những kẻ chủ mưu đưa đoàn kiệu đến nhà tên tội phạm.

Uất hận trước cử chỉ này Đức Cha Nunzio Galantino của giáo phận Cassano allo Ionio của giáo phận lân cận nhận xét: “Đừng bắt Đức Mẹ phải kính chào bọn côn đồ.”

Ba nhân viên cảnh sát đi kèm với đoàn rước đã bỏ đi để phản đối sự kính trọng dành cho một tên tội phạm. Bộ trưởng Nội vụ Italia là ông Angelino Alfano hoan nghênh hành động của họ, nói rằng cử chỉ tôn vinh tên trùm tội phạm này thật là “tồi tệ và kinh tởm.”

Trước những diễn biến này, Đức Giám Mục Francesco Milito của Oppido-Palmi đã ban hành lệnh cấm tất cả các cuộc rước kiệu trên đường phố vô thời hạn cho đến khi có lệnh mới.

6. Tuyên ngôn của các nhà lãnh đạo Hồi Giáo tại Li Băng

Các nhà lãnh đạo Hồi giáo Sunni ở Li Băng sau phiên họp khoáng đại ở thủ đô Beirut đã đưa ra Tuyên bố Beirut về Tự do Tôn giáo.

Tuyên bố có đoạn viết:

“Từ chối sự hiện diện của các cộng đồng Kitô hữu, quyền tự do tôn giáo của họ và phá hủy các nhà thờ, tu viện và các cơ sở giáo dục và xã hội của họ là trái ngược với giáo lý của Hồi giáo, và vì những lạm dụng được thực hiện dưới danh nghĩa Hồi Giáo, chúng tôi khẳng định đây là một sự vi phạm trắng trợn các nguyên tắc của Hồi Giáo”.

Li Băng hiện có 6,185,000 dân trong đó người Hồi Giáo chiếm 54%, các tín hữu Kitô thuộc mọi hệ phái chiếm 40.5%.

Vào năm 1943, nước này gần như toàn tòng Kitô Giáo nên Hiệp Ước quốc gia năm 1943 quy định rằng tổng thống Li Băng phải là một Kitô hữu Maronite.

7. Monaco xin lỗi vì đã trục xuất người Do Thái

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm thế chiến thứ hai khởi sự từ 1 tháng 9 năm 1939 và kết thúc ngày 2 tháng 9 năm 1945, Đức Tổng Giám mục Bernard Barsi, nhà lãnh đạo Công Giáo cao cấp nhất của vương quốc Monaco, đã chủ sự một buổi lễ trong đó Thái tử Albert Đệ Nhị đã xin lỗi về việc dân tộc mình đã trục xuất những người tị nạn Do Thái trong Thế chiến thứ hai.

Thái tử Albert Đệ Nhị nói:

“Chúng tôi đã phạm vào một lỗi lầm không thể khắc phục được khi giao cho nước láng giềng những phụ nữ, đàn ông và một đứa trẻ đã xin tị nạn với chúng tôi để thoát khỏi các cuộc bách hại họ đã phải chịu đựng ở Pháp,”

Thái tử Albert nói thêm: “Trong cơn hoạn nạn, họ đã tìm đến với chúng tôi, nghĩ rằng họ sẽ tìm thấy sự trung lập.”

Monaco nằm ven biển Địa Trung Hải về phía Nam nước Pháp gần biên giới với Ý. Đất nước này chỉ rộng có 6 cây số vuông với một đường biên giới dài 6km với nước Pháp. Monaco có 30,600 dân trong đó 90% dân số là người Công Giáo.

8. Hội Đồng Giám Mục Đức cử hai Giám Mục sang thăm Hội Đường người Do Thái tại Rôma

Củng nhân dịp kỷ niệm 70 năm thế chiến thứ hai kết thúc vào ngày 2 tháng 9 năm 1945 và 50 năm thông điệp Nostra Aetate, Hội Đồng Giám Mục Đức đã cử hai giám mục Đức, được hai giáo sĩ Do Thái của Đức tháp tùng đến thăm hội đường Do Thái tại Rome vào ngày 9 tháng 9.

Thông báo từ Hội đồng Giám mục Đức cho biết cử chỉ hòa giải này hy vọng sẽ “vinh danh những nơi và những người như Đức Hồng Y Augustine Bea và Rabbi Do Thái Elio Toaff của thành Rôma là những người đã có công trong việc hình thành tuyên ngôn Nostra Aetate, của Công Đồng Chung Vatican II về quan hệ của Giáo Hội với các tôn giáo không phải là Kitô Giáo.”

Thông điệp Nostra Aetate đã được Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục công bố ngày 28 tháng 10 năm 1965.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã là vị Giáo Hoàng đầu tiên đến thăm hội đường Do Thái tại Rome vào ngày 13 tháng Tư năm 1986.

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 cũng đến thăm hội đường Do Thái này vào ngày 17 tháng Giêng năm 2010.

9. Đức Thánh Cha tiếp kiến cha Samir Yousif người coi sóc 5000 người tị nạn Iraq

Tại buổi tiếp kiến chung ngày 26 tháng 8, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp Cha Samir Yousif, một linh mục Công Giáo nghi lễ Chanđê đang chăm sóc 5,000 người tị nạn trong năm ngôi làng thuộc khu vực Amadiya của Iraq Kurdistan.

Cha Yousif, đã được mời ngồi chỗ danh dự với các giám mục trong buổi triều yết chung. Theo tờ Quan Sát Viên Rôma, ngài đã trình lên Đức Giáo Hoàng những hình ảnh “đau đớn không thể tưởng tượng và tuyệt vọng” mà những người tị nạn chạy trốn quân khủng bố Hồi Giáo IS phải chịu đựng.

Cha Yousif đã bày tỏ lòng biết ơn với Đức Thánh Cha về những tố giác trước thế giới thay mặt cộng đoàn Kitô hữu Iraq và về sự trợ giúp của Thánh Bộ Truyền giáo, các giám mục Ý, và Caritas.

“Chúng tôi không đánh mất niềm hy vọng một ngày nào đó, Đức Giáo Hoàng có thể đích thân đến thăm chúng tôi,” cha Yousif nói thêm.

10. Phi Châu sẽ giúp thế giới bảo tồn ý nghĩa đích thực của hôn nhân Kitô Giáo

Đức Hồng Y Robert Sarah nói với một tuần báo Công Giáo tại Benin rằng Phi Châu chắc chắn sẽ giúp thế giới bảo tồn được ý nghĩa đích thực của hôn nhân Kitô Giáo.

“Tôi có niềm tin tuyệt đối vào văn hóa Phi châu,” Đức Hồng Y Sarah, tổng trưởng Thánh Bộ Phụng Tự và kỷ luật bí tích nói. “Tôi chắc chắn rằng Phi châu sẽ cứu các gia đình.”

Phát biểu với tờ La Croix du Benin trong chuyến thăm Benin, nơi ngài tham dự cuộc hành hương kính Đức Mẹ toàn quốc, Đức Hồng Y nhận xét rằng ngày xưa Thánh Gia Nagiarét đã tìm thấy nơi trú ngụ an toàn ở Ai Cập, tức là ở châu Phi thì ngày nay “trong thời hiện đại này châu Phi một lần nữa sẽ cứu các gia đình. “

Là người gốc Guinea, Đức Hồng Y Sarah, đã nói tại Benin về việc xuất bản cuốn sách mới của mình có tựa đề God or Nothing “Chọn Thiên Chúa hay mất hết không còn gì cả”. Trong cuốn sách này, Đức Hồng Y trình bày những suy tư của ngài về tình trạng của những người Công Giáo ly dị và tái hôn. Ngài nói rằng họ đang “trong một tình huống về khách quan là mâu thuẫn với lề luật pháp của Thiên Chúa.”

Đức Hồng Y cũng tấn công những trào lưu cực đoan về hôn nhân và tính dục của con người, và cáo buộc là các tổ chức giàu có và những chính phủ ở phương Tây “đang cố gắng áp đặt triết lý này bằng mọi cách có thể, đôi khi đến mức bắt buộc một cách sỗ sàng.”

11. Người Công Giáo Trung quốc yêu cầu trả tự do cho một Giám Mục bị nhà cầm quyền bỏ tù từ năm 1996.

Người Công Giáo tỉnh Hà Bắc, Trung quốc, đã gởi kiến nghị lên nhà nước yêu cầu phóng thích Đức Cha Giacôbê Tô Chí Dân (Su Zhimin 蘇志民), là Giám Mục giáo phận Bảo Định, đã bị nhà cầm quyền bỏ tù từ năm 1996.

Diễn biến này xảy ra sau khi Chủ tịch Trung quốc là Tập Cận Bình công bố lệnh ân xá cho các tù nhân cao tuổi. Đức Cha Giacôbê năm nay đã 82 tuổi.

Đấng bản quyền của giáo phận Bảo Định thuộc tỉnh Hà Bắc hiện nay là Đức Cha Phanxicô An Thụ Tân (An Shuxin 安樹新). Ngài được cả Tòa Thánh và nhà cầm quyền Bắc Kinh công nhận. Tuy nhiên, một số lớn linh mục và anh chị em giáo dân không công nhận quyền bính của ngài và tha thiết yêu cầu nhà cầm quyền trả tự do cho Đức Cha Giacôbê về coi sóc giáo phận.

Đức Cha Phanxicô An Thụ Tân là Giám Mục Thầm Lặng được Tòa Thánh tấn phong Giám Mục Phó giáo phận Bảo Định với quyền kế vị. Ngài bị bắt vào tháng 5 năm 1996 cùng với Đức Cha Giacôbê Tô Chí Dân. Trong vòng 10 năm người ta không biết chính xác các ngài bị giam giữ tại đâu.

Ngày 24/08/2006, Đức Cha Phanxicô An Thụ Tân được trả tự do nhưng bị quản thúc tại gia. Đức Cha Giacôbê Tô Chí Dân tiếp tục bị giam giữ. Tháng 11 năm 2003, có người thấy Đức Cha Giacôbê đang nằm điều trị trong bệnh viện của Công An Bảo Định. Từ đó cho đến nay người ta không biết ngài bị giam giữ nơi nào.

Trong một quyết định gây kinh ngạc và sững sờ cho các linh mục và anh chị em giáo dân tại Bảo Định, cuối tháng Mười năm 2009, Đức Cha Phanxicô An Thụ Tân và 10 linh mục thầm lặng quyết định gia nhập Hội Công Giáo Yêu Nước. Hệ quả của hành động này là Trung quốc nhanh chóng công nhận ngài là Giám Mục giáo phận Bảo Định.

12. Kim Davis một biểu tượng bất khuất cho niềm tin Kitô

Trong một diễn biến tệ hại có một ảnh hưởng sâu rộng trong lịch sử Hoa Kỳ, hôm thứ Sáu ngày 26 tháng 6, Tối cao Pháp viện Mỹ đã ra phán quyết buộc tất cả các tiểu bang trên toàn lãnh thổ phải công nhận hôn nhân đồng tính.

Tuy nhiên cuộc chiến tư pháp tại Mỹ vẫn chưa kết thúc. Hôn nhân truyền thống vẫn chưa thua cuộc.

Viện dẫn niềm tin Kitô cũa mình và tu chính án thứ nhất của Hoa Kỳ bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, Kim Davis một nữ thư ký tại Rowan County thuộc Kentucky nhất định không cấp giấy chứng nhận kết hôn cho bất cứ cặp đồng tính nào.

Kim Davis chỉ mới nhận công việc này hồi tháng Giêng năm nay. Cô thay thế cho mẹ mình là người đã làm cùng công việc ấy trong 37 năm.

Các cặp đồng tính kiện cô ra tòa. Hàng trăm Kitô hữu kéo cờ xí biểu ngữ ũng hộ cô trước tòa. Vụ kiện giằng dai đến tối thứ Hai 31 tháng 8, tòa xử cô thua kiện và phải cấp giấy chứng nhận kết hôn cho các cặp đồng tính.

Tuy nhiên, sáng thứ Ba 01 tháng Chín Kim Davis vẫn cương quyết không cấp bất chấp bị đe dọa đuổi việc, bị phạt tiền hay tù tội.