TRUNG QUỐC PHÁ GIÁ ĐỒNG NỘI TỆ

Trong 3 ngày từ 11 đến 13.08.2015, Ngân hàng Nhân dân Trung quốc (People's Bank of China, PBOC) đã 3 lần liên tiếp điều chỉnh giá đơn vị đồng Yuan (nhân dân tệ) so với mỹ kim với những mức độ giảm dần : 1,9%, rồi 1,60% và 1,10% so với hối giá trước. Để đổi 1 mỹ kim, ngày 10.08.2015, người ta chỉ cần có 6,11 yuan nhưng, ngày 13.08.2015, người đó phải có 6,40 yuan. Đây là mức phá giá kỷ lục của nước này từ năm 1994.

Nhân dịp này, chúng ta cùng tìm biết tại sao PBOC phải hành động như vậy và những ảnh hưởng hành động này đối với các quốc gia khác, đặc biệt với Việt Nam. Hôm 07.04.2015 tại Bắc kinh, Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư đảng Cộng sản Trung quốc Tập Cận Bình chứng kiến việc ký kết các văn bản thỏa thuận hợp tác giữa hai đảng giai đoạn 2016-2020. Trong đó, có các Điều khoản Tham chiếu Nhóm công tác hợp tác tài chính tiền tệ giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và PBOC.

Ngân hàng này biện hộ rằng họ phá giá yuan để phản ảnh sát thực với diễn biến thị trường và khẳng định sẽ không hạ giá thêm vì dựa vào tình hình trong nước và quốc tế, không có cơ sở nào để nhận thấy giá trị đồng yuan sẽ tiếp tục đi xuống.

I.- NGUYÊN NHÂN SỰ PHÁ GIÁ.

A/. Gia tăng khả năng cạnh tranh hàng hóa Trung quốc xuất cảng.

Số liệu thống kê cho thấy xuất cảng trong tháng 7 đã sụt 8,3% so với tháng trước và mức tăng trưởng kinh tế trong tháng này cũng đã giảm 6% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn dự báo thị trường. Như vậy, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đã chậm lại đáng kể trong năm nay, và dự kiến sẽ ở mức thấp nhất 25 năm qua nếu không đạt được mục tiêu 7% họ đã đề ra. Rõ ràng nước này đang trong thời kỳ khó khăn : tăng trưởng đã giảm từ hai chữ số vài năm trước, xuống chỉ còn 7% bây giờ và còn chưa chắc như dự báo. Mô hình phát triển dựa chủ yếu vào đầu tư và xuất khẩu cũng đã mất tác dụng. Thị trường chứng khoán đang sụp đổ lại càng khiến họ lo ngại.

Việc hạ giá nội tệ sẽ có tác động tích cực lên xuất cảng vì giá thành phẩm Trung quốc sẽ ít đắt đỏ hơn trên thị trường thế giới. Thí dụ khi Trung quốc bán món hàng A sang Hoa kỳ :

- với hối giá một mỹ kim tương đương với 6,11 yuan, món hàng A trị giá 1 000 yuan, tức giá nhập vào Hoa kỳ là :

1 mỹ kim * 1 000 / 6,11 = 163,67 mỹ kim ;

- nếu hối giá mỹ kim là 6,40 yuan thì giá hàng A sẽ là :

1 mỹ kim * 1 000 / 6,40 = 156,25 mỹ kim.

Giá giảm, có thể người tiêu thụ ở Mỹ sẽ mua nhiều hơn.

[Giá thành phẩm nội địa tính bằng yuan không thay đổi khi đơn vị này là 6,11 hay 6,40 so với mỹ kim, nhưng bán nhiều hàng A hơn thì tổng giá xuất cảng gia tăng…]

Một thí dụ khác ngược lại khi Trung quốc nhập cảng hàng từ Hoa kỳ :

- với hối giá một mỹ kim = 6,11 yuan, một loại máy B trị giá 2000 mỹ kim, có giá mua là :

6,11 * 2000 = 12 220 yuan ;

- khi mỹ kim tương đương với 6,40 yuan, thì giá máy B sẽ tăng lên:

6,40 * 2000 = 12 800 yuan.

Cán cân thương mại Trung quốc qua hai thí dụ trên :

> Xuất cảng : 1 000

> Nhập cảng : 12 800

-11 800 yuan

Cán cân thương mại = Xuất cảng - Nhập cảng ; dấu âm (-) cho thấy cán cân này bị khiếm hụt. Nếu là số dương (+) thì Cán cân thương mại thặng dư.

B/. Trung quốc phấn đấu để Quỹ Tiền tệ Quốc tế đưa yuan vào rổ tiền tệ dự trữ.

Trước năm 1978, là nước cộng sản, Trung quốc có một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, rất ít giao thương với quốc tế, nên chỉ áp dụng một tỷ giá. Tỷ giá này được tính theo 13 loại tiền khác nhau, rồi dựa vào giá trung bình mỹ kim và mã kim (Mark) Tây Đức. Lúc đó, tỷ giá yuan được định cao so với thực giá trị (1,5 yuan đổi 1 mỹ kim, ảo tưởng ‘yuan mạnh’, nhưng không dễ đổi) đã đưa đến sự yếu kém trong xuất cảng (đồng thời, còn thêm yếu tố khác : hàng rất kém chất lượng) và được bù đắp bởi lợi nhuận thu được do nhập cảng bởi nhà nước độc quyền. Do đó, tỷ giá hối đoái chính thức không giữ vai trò quan trọng trong ngoại thương Trung quốc.

Từ 1978, Trung quốc bắt đầu cải cách kinh tế và nhà nước không còn độc quyền về ngoại thương, nên đã thay đổi chính sách tỷ giá hối đoái để đáp ứng những nhu cầu mới của nền kinh tế. Năm 1979, nước này có khoảng 10 công ty chuyên lo các giao dịch ngoại thương. Số này đã tăng đến 800 công ty xuất nhập cảng được phép hoạt động vào giữa thập niên 1980. Tuy nhiên, tỷ giá hối đoái chính thức yuan vẫn bị định cao hơn thực giá và thay đổi theo giá thị trường thế giới. Bên cạnh tỷ giá này, còn có một hối giá khác được áp dụng cho các giao dịch nội biên.

Từ nhiều năm qua, để tăng cường vị thế đồng yuan, Trung quốc đã ký hợp đồng hoán đổi tiền tệ với khoảng 30 nước và có ngân hàng thanh toán tại gần 10 quốc gia. Từ năm 2013, yuan đã được coi như nằm trong nhóm 10 ngoại tệ được dùng để giao dịch nhiều nhất thế giới, nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, cán cân thanh toán và vãng lai thặng dư cùng chính sách nới lỏng sự ‘độc tài’ của PBOC. Trung quốc từ từ thuyết phục các nước dùng yuan để thanh toán các nghiệp vụ xuất nhập cảng và, thậm chí, cả việc đi vay nước ngoài cũng sẽ bằng đồng yuan.

Tân gia ba (Singapore), Luân đốn (London) và Hương cảng (Hong kong) đang đóng vai trò quan trọng để kết nối Trung quốc với toàn thế giới và sẽ chia trách nhiệm này với Thượng hải (Shanghai) trong tương lai. Các địa danh này là các ngả quan trọng để Trung quốc thâm nhập vào các thị trường tài chính toàn cầu, khuyến khích việc giao dịch bằng đồng yuan qua Ngân hàng Công Thương Trung quốc (ICBC, Industrial and Commercial Bank of China). Tuy nhiên, tiền này đang phải phấn đấu nhiều và lâu để bắt kịp các tiền tệ lớn trên thế giới, vì Trung quốc vẫn còn kiểm soát đồng yuan, nên đây không là đồng tiền được tự do chuyển đổi. Hối giá đồng yuan so với các ngoại tệ khác không được thả nổi, tức không được định bởi luật cung cầu mà được định bởi thẩm quyền tài chính.

Ngày 21.07.2005, Trung quốc đưa vào một chính sách tiền tệ mới, chấm dứt việc áp dụng một tỷ giá hối đoái được coi như bất biến trong gần 10 năm. Sự chuyển đổi này có ba thay đổi chính :

1. Mệnh giá yuan được tham chiếu với một rổ gồm nhiều đồng tiền khác theo quy luật cung cầu của thị trường ;

2. Tỷ giá hối đoái chính thức là 8,11 yuan đổi một mỹ kim với biên độ dao động (central parity, tiếng Anh và cours pivot, tiếng Pháp) hàng ngày là +/-0,3% (tăng hay giảm 0,3% tỷ giá 8,11) ;

3. Cơ chế tỷ giá cố định được thay thế bằng cơ chế tỷ giá thả nổi có kiểm soát.

Tháng 5/2007, PBOC điều chỉnh biên độ dao động hàng ngày là +/-0,5% để làm tăng tính linh hoạt cho tỷ giá. Cuối năm 2008, một mỹ kim chỉ đổi được 6,83 yuan. Ngày 16.04.2012, biên độ dao động yuan so với mỹ kim được nới rộng lên +/-1% mỗi ngày.

[biên độ dao động (hay biên độ tỷ giá) là tỷ giá giới hạn được phép tăng hay giảm. Thí dụ : Ngày 16.04.2012, 1 mỹ kim đổi được 6,83 yuan, tỷ giá đó không chỉ là 6,83 mà có thể tăng 1% tức đến 6,8983 hay giảm 1% tức tới 6,7617 yuan.]

Ngày nay, nền kinh tế Trung quốc được xếp hạng nhì thế giới, nên đảng cộng sản Tàu chỉ thị PBOC nỗ lực để được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF, International Monetary Fund, tiếng Anh và Fonds Monétaire International, tiếng Pháp) công nhận yuan là một đồng tiền có cơ chế tỷ giá linh hoạt hơn hầu nhập ‘giỏ tiền tệ’ có Quyền rút vốn đặc biệt (SDR, Special Drawing Rights, tiếng Anh và Droits de Tirage Spéciaux, tiếng Pháp), được IMF sử dụng để cho các nước thành viên vay. SDR là một loại tiền dự trữ quốc tế, hiện được tính giá trị từ 4 loại ngoại tệ mạnh : mỹ kim (USD), euro (EUR), yen Nhật (JPY) và bảng Anh (GBP).

Giữa năm 2014, đồng yuan đã vượt franc Thụy sĩ để làm tiền tệ được sử dụng phổ biến nhất trong hệ thống thanh toán quốc tế, tức nhảy 20 hạng so với năm 2012. Nhưng yuan chỉ chiếm 1,4% số thanh toán toàn cầu, thua xa mỹ kim với 42,5% số này. Đồng yuan không thể trở thành tiền tệ dự trữ toàn cầu khi Trung quốc vẫn duy trì cơ chế kiểm soát mà họ cho là cần thiết để quản lý kinh tế trong nước. Đồng mỹ kim sẽ không đóng vai trò trung tâm trong hệ thống tài chính toàn cầu, nếu Mỹ không cho phép tự do trao đổi với các tiền tệ khác, và không sử dụng luật pháp, can thiệp để giữ giá không biến động theo thị trường. Nói cách khác, Trung quốc vừa muốn đạt mục đích ngoại giao khi yuan trở thành tiền tệ quan trọng trên thế giới, vừa không muốn kinh tế trong nước phải trả giá.

-> Nhận xét.

Thoáng nhìn vào 2 lý do nêu trên, chúng ta có thể ngộ nhận là chúng giúp nhau. Nhưng thật sự, chúng gây khó khăn cho nhau.

Việc hạ giá nội tệ Trung quốc vừa qua đã gây xáo động thị trường toàn cầu, nhất là tại Á châu, nhiều quốc gia cũng hạ giá nội tệ của mình khiến người ta lo ngại một nguy cơ chiến tranh tiền tệ mới. Do đó, các cán bôả PBOC phải lên tiếng là họ chỉ muốn kéo sát giá yuan chính thức với giá tự do, và để thuyết phục IMF sớm chấp thuận thu nhập yuan vào rổ tiền tệ dự trữ toàn cầu. Các loại tiền USD, EUR, JPY và GBP đều là những ngoại tệ được tự do hoán đổi và tỷ giá được thả nổi (giao động theo luật cung cầu).

Trong lần đánh giá năm 2010, yuan bị IMF bác việc gia nhập rổ tiền tệ dự trữ toàn cầu vì chưa đáp ứng tiêu chí sử dụng tự do (nước cộng sản độc tài thì làm gì có tự do). Thời gian qua, IMF quyết định sẽ có phiên duyệỉt xét vào giữa năm 2016. Sau ba lần phá giá đồng yuan tháng 08.2015, trong một thông cáo vừa công bố, IMF cho biết họ hoãn lại việc có ý kiến để đưa yuan vào giỏ tiền tệ này cho đến tháng 9/2016, dựa trên những tiến bộ từ Trung quốc trong việc cải cách nền tài chính.

(Còn tiếp)

Hà Minh Thảo