Melbourne - 22/8/2015. Một ngày thứ bảy đẹp trời cuối mùa đông Miệt Dưới, 48 thành viên đại diện thuộc Ban Mục Vụ các cộng đoàn giáo xứ VN, và các hội đoàn CG VN tại Melbourne đã dành một ngày thứ Bảy để gặp nhau tại trụ sở Dòng Tên nằm giữa thành phố Một ngày thật tuyệt, không quá lạnh và dĩ nhiên không khí thật ấm cúng, tại khu vực nhà dòng đầy thơ mộng, với những bãi cỏ xanh nằm dưới rặng cây cao bóng mát sát bên cạnh Sở Thú Melbourne trên con đường mang tên rất đẹp: Royal Parade. Có thể dịch thế nào đây cho con đường rợp lá xanh dù cuối mùa đông? Con đường có lá me bay? Không phải! Con đường đi bách bộ của hoàng gia hay dành riêng cho hoàng gia! Nhưng hôm nay là những mái tóc vừa xanh, vừa hoa râm, vừa bạc của những khuôn mặt đang làm công tác mục vụ khắp thành phố.

Mời coi hình

9:30, mọi người đã tề tựu đông đủ trong hội trường nhà Dòng. Linh mục Giuse Trần Ngọc Tân, Quản nhiệm Trung Tâm Vinh Sơn Liêm mở màn ngày tĩnh tâm với bài nói chuyện mang nội dung “Truyền giáo theo tinh thần của Đức Thánh Cha Phanxicô.”

Vị linh mục trẻ mới về làm quản nhiệm Trung Tâm VSL khoảng một năm bằng những phong cách nói chuyện đôi khi dí dỏm, đôi khi mạnh bạo đã đưa người nghe (1) từ bản chất của người tông đồ (nói cách khác là bản chất của người làm nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng), (2) đến nội dung khá rộng “truyền giáo cho thế giới hôm nay”. Nội dung xoay quanh một câu nói của ĐTC Phanxicô, “Tôi muốn một Giáo Hội nghèo cho người nghèo.” Cái nghèo mà ĐTC đề cập đến là lối sống đơn sơ của chính ĐTC: tự trả tiền khách sạn, không đi xe riêng mà cùng đáp xe buýt với các vị Hồng Y vừa bầu Ngài làm Giáo Hoàng; là không ở trong căn phòng dành riêng sang trọng mà chọn ở một căn phòng vừa đủ; là tự dọn dẹp hành lý của mình; là tự xách chiếc vali nhỏ mỗi lần lên xuống máy bay; là không dùng những chiếc xe sang trọng; là để cho trẻ em leo cả lên ghế ngồi, rờ đầu và lấy nón trằng Giáo Hoàng của Ngài; là ôm hôn những người bệnh hoạn, tàn tật, có khuôn mặt quái dị; là làm lễ xong lại đứng cuối nhà thờ bắt tay và hỏi thăm tín hữu đôi câu; là tự nhận mình là Giám Mục Roma thay vì là Giáo Hoàng, vân vân và vân vân.
Ngài nói, người nghèo là đa số trên thế giới. Họ chiếm tới 80 phần trăm dân số thế giới. Người mục tử phải đến với họ. Ngài đã chọn khẩu hiệu Phanxicô Khó Khăn của vị thánh đã từ bỏ sự giàu sang để sống khó nghèo. Vị Thánh thuộc thành phố Assisi, miền nam nước Ý. Điểm nổi bật trong thông điệp của ĐTC Phanxicô là sự khiêm nhường. Ngài đã từ bỏ chiếc áo lông chồn đắt tiền, bỏ chiếc mũ ba tầng mà chọn chiếc mũ một tầng đơn giản. Ngài không dùng đại từ “chúng tôi” có vẻ xa cách, nhưng dùng chữ “tôi” bình dân và gần gũi.

Giáo Hoàng Phanxicô là mẫu người gần gũi với mọi người. Ngài tôn trọng những thể chế của Giáo Hội, nhưng muốn Giáo Hội là một cộng đoàn khiêm tốn. Dĩ nhiên Giáo Hội không thể nào hành xử như một tổ chức phi chính phủ chuyên làm công việc bác ái. Giáo Hội có nhiệm vụ loan báo Tin Mừng cho muôn dân. Vì thế, Ngài nói “Đức Tin phải được đề nghị, nhưng không được áp đặt”. Với giới truyền thộng Ngài gọi họ là anh em dù không cùng tôn giáo.
ĐTC Phanxicô là con người không bao giờ bi quan. Ngài lúc nào cũng cười tự nhiên và câu chuyện của Ngài mang đầy tính hài hước. Trọng tâm của Ngài là Lòng Chúa Thương Xót và sự hiệp nhất trong Chúa Thánh Thần. Đó cũng là phần kết của bài nói chuyện buổi sáng của Cha Trần Ngọc Tân, Quản Nhiệm Trung Tâm Vinh Sơn Liêm.

Phần sinh hoạt và đặt câu hỏi sau đó được sinh động thêm với sự lèo lái của MC Quang Minh. Phần nhiều những thắc mắc xoay quanh chủ đề làm thế nào thực hiện công tác mục vụ theo tinh thần ĐTC Phanxicô. Có những ưu tư trong việc giúp cho giới trẻ biết và sống gần Chúa trong xã hội nước Úc mang tiếng là ngập tràn khuynh hướng thế tục ngày nay. Điều quan trọng là phải thay đổi cho thích hợp với môi trường xã hội nước Úc và văn hoá không giống như ở quê nhà Việt Nam của thế hệ ông bà. Cuộc thảo luận ngắn nhưng những đầy tiếng cười nhờ cách nói chuyện dí dỏm của cha giảng thuyết (mà cha nói đã thay đổi nhiều “theo kiểu Úc”)đã làm mọi người gật gù tán thưởng.

Buổi chiều, chủ đề nói chuyện của Cha Phạm Minh Ước, dòng Tên cùng mang một nội dung. Đó là nói về “Truyền giáo theo tinh thần Đức Phanxicô”. Đó cũng là một khó khăn cho Cha Phạm Minh Ước, dòng Tên, người thuyết giảng buổi chiều. Nhưng lối nói chuyện với nhiều thí dụ và hình minh hoạ đã đưa người nghe từ không đến có, từ chăm chú đến tiếng ... à mãn nguyện (ý nói hiểu rồi!).

Phần đầu là ít dòng về “con người Phanxicô”. Có thể tóm tắt bằng ít chữ: khiêm tốn, đơn giản. Khi chọn tước hiệu Phanxicô Assisi, Ngài đã ám chỉ tinh thần khó nghèo của Giáo Hội dưới triều đại của Ngài. Giáo Hội phải được nhìn dưới hai khía cạnh: Thể chế và thiêng liêng. Đường lối của Ngài toả sáng chiều kích thiêng liêng của Giáo Hội với tinh thần Assisi bao trùm toàn Giáo Hội. Chính ý nghĩa Thánh Giá ĐTC mang đã nói lên con đường Ngài sẽ đi để thực hiện nghĩa vụ của mình: Một mục tử vác trên vai một con chiên và một đàn chiên đông đúc bao vây chung quanh dưới hình ảnh chim bồ câu tượng trưng cho Chúa Thánh Thần bên trên. Đơn giản và đầy đủ ý nghĩa. Không một con chiên nào bị bỏ rơi.

Bàn về “Tại sao phải rao giảng Tin Mừng”, vị linh mục Dòng tên thuyết giảng nhắc lại vai trò tư tế, tiên tri và vương đế của người giáo dân mà Công Đồng Vaticanô 2 đã đề cấp tới cũng như Sắc Lệnh về Truyền Giáo Ad Gentes của Giáo Hội đã ghi rõ... “Giáo Hội được sai đi trình bày và thông ban tình yêu Thiên Chúa cho hết thảy mọi người và mọi dân tộc, nhận thức rằng mình còn phải thực hiện công việc truyền giáo bao la.” Món quà Đức Tin phải được chia sẻ và loan truyền cho mọi người. Chính ý thức về sự hiện diện của mình trong thế giới là làm chứng nhân. Đó chính là khía cạnh thiết yếu của đời sống người Kitô Hữu đích thực là “Người Bạn của Chúa Kitô”. Chúng ta đang sống trong thế kỷ 21, một thời đại thất vọng (với nhiều biến cố về kinh tế, tài chánh, môi sinh và luân lý), một thời đại cam chịu và trộn lẫn với hy vọng. Cam chịu như hai người lữ hành Emmau: trốn chạy, giả điếc và vô cảm của thế giới. Nhưng thế giới vẫn đầy hy vọng vì còn có Chúa đồng hành và đối thoại. Đây là thời đại của những biến chuyển rất nhanh và liên tục.

Trong một thế giới như vậy, chúng ta rao giảng những gì? – Đó là: Về tình yêu (Lòng Thương Xót vô bờ bến của Thiên Chúa) và sự gần gũi của Thiên Chúa với niềm tin là ngọn đèn đức tin không bao giờ tắt. Đừng mệt mỏi và mất kiên nhẫn với sự sẵn sàng tha thứ của Thiên Chúa. ĐTC Phanxicô nói: Giáo Hội phải là một bệnh viện, nơi chữa trị tất cả những bệnh nhân cần chăm sóc. Ngài không chấp nhận việc từ chối rửa tội cho những em bé sinh ra ngoài giá thú. Giáo Hội cũng phải rao giảng tinh thần nghèo khó của Đức Kitô để giải thoát khỏi ba loại lầm than về vật chất, luân lý, và tinh thần.

Bàn về vai trò chứng nhân Tin Mừng, chúng ta phải làm gì để thực hiện vai trò chứng nhân ấy. Trước hết phải khiêm nhường, chấp nhận sự yếu đuối và tội lỗi của mình. ĐHY Tagle của Giáo Hội Philuậttân nói: “Giáo Hội cần khiêm nhường, đơn giản và khả năng thinh lặng lớn hơn”. Kế đến là phải hoà đồng với mọi người, tạo cơ hội tiếp xúc với càng nhiều người càng tốt. Thứ ba là không bi quan, không đầu hàng, luôn hy vọng theo tinh thần Phanxicô. Hoa quả của hy vọng là lòng can đảm. Tông đồ sẵn sàng lên đường can đảm để chia sẻ đức tin và để Chúa Thánh Thần làm những gì còn lại. Thứ tư là phải sống vui tươi, không u sầu, đến với tha nhân bằng bộ mặt đưa đám thì làm sao rao giảng Tin Mừng. Con tim có Thiên Chua không đánh mất tinh thần vui tươi và hài hước. Thứ năm là hãy học theo gương Thánh Giuse: lắng nghe Lời Chúa, không nghi ngờ và che dấu thất vọng, phải nhìn thẳng vào thực tế, quyết tâm và tôn trọng mọi thụ tạo của Chúa, biết săn sóc cho nhau, và xây dựng tình bạn chân thành.

Phải rao giảng như thế nào? Thứ nhất là can đảm nói thẳng trong tự do, không quảng cáo khi rao giảng Tin mừng để lôi cuốn người ta theo mình. Thứ hai là không áp đặt niềm tin, phải giới thiệu đức tin nhưng tôn trọng tín ngưỡng của người khác vì mỗi người đều có thể nhìn thế giới theo nhãn quan của mình. Thứ ba là không xâm phạm tự do của người khác, tránh bệnh qui chiếu Giáo Hội về mình, ngay cả đối với những người không sẵn sàng chia sẻ niềm tin với mình. ĐTC Phaolo VI nói: áp đặt niềm tin lên người khác là một sai lầm.

Tóm lại, cộng đoàn Dân Chúa là gì? Đó là một Giáo Hội nghèo cho người nghèo. Một Giáo Hội hiệp nhất, không bưng bít giả tạo những khác biệt và bất đồng. Phải có tinh thần chấp nhận như Thánh Phêrô. Phải hiểu rằng đã là một cộng đoàn thì phải có những khác biệt, những khác biệt nhỏ trong một sự đồng nhất toàn diện.

Phần thắc mắc, đóng góp và trả lời sau đó lần lượt diễn ra với những ý kiến được trình bày trong bốn tổ. Tựu trung đó là phải sẵn sàng gặp gỡ và gần gũi những anh em đang cô đơn trong cộng đoàn, phải có tinh thần chấp nhận người khác, chấp nhận những khác biệt trong tinh thần hiểu biết, không chỉ trích, chê bai và xa cách.

4:30 chiều, Thánh Lễ do Đức Giám Mục Vinh Sơn Nguyễn Văn Long chủ tế với ba cha đồng tế thuộc dòng Tên (Cha Phạm Minh Ước, Cha Trung và Cha Hoà) đã diễn ra trang nghiêm trong phòng họp nhà dòng. Trong bài giảng, vị Giám Mục Phụ Tá Tổng GP Melbourne đã nói về vai trò là muối men của anh em trong cộng đoàn trong việc làm tông đồ cho Chúa cho cộng đoàn và hội đoàn của mình. Ngài nhấn mạnh đến việc dấn thân khi Chúa mời gọi như ngày xưa Người đã mời gọi Môi-sen để đưa dân Chúa ra khỏi Ai-cập. Việc dấn thân làm muối men là một ơn gọi luôn luôn cần sự hun đúc và củng cố (như buổi tĩnh tâm hôm nay) ngõ hầu phát triển ơn gọi Tông đồ đã được trao phó cho mỗi người khi chịu phép rửa tội. Người Việt Công Giáo có một ơn gọi đó là làm chứng nhân trên quê hương thứ hai này như dân Do Thái xưa kia đã làm trong cuộc lưu đày. Chính người giáo dân dấn thân là một ơn gọi đặc biệt để trở thành tảng đá góc tường, thành một khí cụ của Chúa. Vì thế hãy xin Chúa luôn củng cố tinh thần của chúng ta như xưa kia Người đã giúp đỡ cho Môisen, Đa-vít qua những yếu hèn của con người. Hãy cầu xin như Thánh Inhaxio: xin cho con tình yêu của Ngài là con cảm thấy đã đầy đủ. Xin ơn Chúa luôn là hành trang cho chúng ta.

Sau thánh lễ là lời cám ơn của Anh Nguyễn Ngọc Trúc, Chủ tịch HĐMV CG Melbourne, phần chụp hình lưu niệm và bữa cơm chiều với món cơm tấm sườn bì chả trứng toàn Việt. Xin cám ơn Hội Đồng Mục Vụ TGP, cùng với các cha Hoà, Cha Trung và các anh chị trong Hội Đồng Mục Vụ đã chuẩn bị, lo lắng, sắp xếp cho các tham dự viên ngày tĩnh tâm đầm ấm, thân mật và rất ý nghĩa.
Trần Bá Nguyệt (Dân Chúa Úc Châu)