Sài Gòn: Thời gian gần đây, các doanh nhân Công giáo tại Sàigòn đã tham dự cuộc thảo luận làm sao để cải thiện cách thức để họ sống đời sống đức tin và rao giảng Tin Mừng trong môi trường làm việc của mỗi người.

Khoảng 250 doanh nhân đã đến tham dự cuộc hội thảo vào ngày 14-12 tại Văn phòng Tòa Tổng Giám mục Sàigòn. Họ cũng tham dự thánh lễ riêng và cùng vui vẻ tham dự buổi ăn trưa.

Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, người đã mời các doanh nhân đến họp tại tòa giám mục của Ngài, nói với Thông tấn xã Công giáo Á Châu rằng các doanh nhân đã xin ngài tổ chức cuộc họp mặt này để giúp họ phát triển đức tin.

Ông Vũ Hưng Bình, một Giám đốc Công ty xe buýt, nói trong buổi họp rằng doanh nghiệp của ông thành công bởi vì ông có mối quan tâm đến tất cả các nhân viên trong công ty cả đến những người không Công giáo. Ông Bình cho biết ông đã khuyến khích nhân viên, một số nhân viên của ông đến từ các vùng khác khau của đất nước, và thậm chí còn nâng đỡ phần tài chánh khi họ gặp khó khăn. Những cử chỉ đó đã tạo nên mối quan hệ làm việc "thành thật".

Ông Nguyễn Viết Thảo, một tham dự viên khác, thuật lại: "Tôi cho phép tất cả các nhân viên của tôi, không phân biệt tôn giáo, được nghỉ Lễ Giáng sinh, Phục sinh và Phật đản. Bằng cách đó, họ có thể cùng gia đình tham gia vào các hoạt động tôn giáo, cầu nguyện và vui chơi".

Cha Giuse Vương Sĩ Tuấn, người tổ chức buổi họp mặt, phát biểu với Thông tấn xã Công giáo Á Châu rằng buổi họp mặt mang đến cho các doanh nhân Công giáo cơ hội giúp nhau sống đức tin của mình và giúp nhắc nhở họ tham dự vào các hoạt động của Giáo hội.

Các tham dự viên chia thành năm nhóm để thảo luận về các hoạt động xã hội mà họ có thể tham gia và cách thức thực hiện sứ mệnh rao giảng Tin Mừng của mình trong năm 2004, năm mà các Giám mục Việt Nam đã qui định là Năm Truyền giáo. Nhiều doanh nhân thừa nhận rằng rao giảng Tin Mừng hiệu quả đòi hỏi họ phải sống đời sống mẫu mực, chẳng hạn phải là các cha mẹ chung thủy và phải cầu nguyện trong gia đình. Ông Bình đề nghị họ tổ chức các buổi gặp gỡ cho giới trẻ nhằm chia sẻ kinh nghiệm sống đức tin trong môi trường làm việc của họ. Sau đó, ông nói với Thông tấn xã Công giáo Á Châu rằng bản thân anh cố gắng ra giảng Tin Mừng bằng cách bày tõ mối quan tâm và chăm sóc cho nhân viên của mình và ủng hộ các hoạt động từ thiện của nhà nước.

Anh Đinh Bình Định, 32 tuổi, Giám đốc một công ty quảng cáo, phát biểu với tham dự viên rằng doanh nhân Công giáo có thể đóng góp trực tiếp vào việc truyền giáo bằng cách lập một quỹ và mỗi tháng đóng góp vào quỹ tối đa 200.000 đồng (khoảng 13 Mỹ kim).

Trong cuộc họp, Đức Hồng y Mẫn nói rằng số người đến Sàigòn từ các tỉnh khác đã lên đến 1,2 triệu, nhưng 400.000 người trong số đó chưa có việc làm. Ngài nói rằng điều này dễ dẫn một số người tham gia vào việc buôn bán ma túy và tệ nạn mại dâm, và điều mà ngài quan tâm nhất là Giáo hội phải tìm cách chăm sóc cho họ. Ngài kêu gọi các doanh nhân Công giáo làm việc với Giáo hội để tạo việc làm cho những người di dân nội địa này.

Một chủ công ty hàng thủ công mỹ nghệ cho hay bà sẽ đào tạo nghề cho người khuyết tật và tạo việc làm cho họ tại công ty của bà. Nhiều tham dự viên hứa đóng góp vào quỹ học bổng của Tổng giáo phận dành cho sinh viên nghèo và tuyển dụng họ khi họ ra trường.

Một tham dự viên nói với Thông tấn xã Công giáo Á Châu rằng buổi họp mặt đã liên kết các doanh nhân Công giáo ở Tổng Giáo phận Sàigòn và tạo ra các cơ hội để họ cộng tác với nhau và cộng tác với Giáo hội. Các doanh nhân Công giáo chọn Thánh Matthêu Lê Văn Gẫm, một thương gia Việt Nam tử đạo năm 1847 làm bổn mạng của họ.

Cha Tuấn nói rằng các đề nghị của tham dự viên sẽ là một phần của chương trình hành động mà Tổng Giáo phận sẽ thực hiện vào năm 2004.