Hãng tin A.P. có bản ghi nhanh về ngày thứ năm chuyến viếng thăm Mỹ Châu La Tinh của Đức Giáo Hoàng Phanxicô:

9:30 giờ sáng: Đức GH Phanxicô đã lên giáo hoàng xa tiến về cuộc gặp gỡ công cộng thứ nhất trong ngày (9 tháng 7) tại Bolivia, tức Thánh Lễ ngoài trời tại Công Viên Chúa Kitô Cứu Chuộc ở Santa Cruz.

Các cận vệ của Đức Giáo Hoàng chạy bộ khá nhanh cạnh giáo hoàng xa của ngài trong lúc Đức Giáo Hoàng vẫy tay chào công chúng.

Con đường của đoàn hộ tống được xếp hàng dài bởi người dân Bolivia tay cầm cờ vẫy hân hoan, bị hàng rào cảnh sát án ngữ.

10:15 giờ sáng: Đức GH Phanxicô bắt đầu cử hành Thánh Lễ ngoài trời tại Thành Phố Santa Cruz của Bolivia.

Hàng trăm ngàn người đã đứng chật ních ở Công Viên Chúa Kitô Cứu Chuộc và các con phố gần đó.

Hàng mấy ngàn người ngủ qua đêm tại Công Viên để có chỗ tốt ở hàng đầu.

Đức Phanxicô tới Bolivia vào xế chiều hôm thứ Tư sau ba ngày ở Ecuador.

11.00 giờ sáng: Cử hành Thánh Lễ đầu tiên ở Bolivia, Đức GH Phanxicô lên tiếng kêu gọi tín hữu từ bỏ chủ nghĩa tiêu thụ, chủ nghĩa mà theo ngài chỉ tạo ra các rào cản giữa mọi người.

Đức Phanxicô ngỏ lời với hàng trăm ngàn người tại Công Viên Chúa Kitô Cứu Chuộc ở Santa Cruz.

Ngài nói rằng chủ nghĩa tiêu thụ bao hàm một luận lý học trong đó, mọi sự đều trở thành một đồ vật để tiêu thụ và thương lượng. Ngài nói rằng chủ nghĩa này loại bỏ con người, nhưng ta cần điều ngược lại nếu muốn hoàn thành đời sống.

Ngài nói: “Một đời đáng nhớ đòi phải có [sự tham dự] của người khác”.

Sau Thánh Lễ, biến cố chính trong ngày của Đức Phanxicô sẽ là bài diễn văn với hội nghị thượng đỉnh các nhóm thường dân mà việc bênh vực người nghèo và người bị hất hủi của họ vốn được vị giáo hoàng đầu tiên của Mỹ Châu La Tinh cổ vũ.

12 giờ trưa: Với một đám đông bao la và một bàn thờ tạm, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cần một nơi để thay trang phục trước khi cử hành Thánh Lễ. Nơi gần nhất có được là tiệm Burger King.

Thành thử vị giáo hoàng nổi tiếng không cần đình đám này đã sử dụng tiệm ăn đồ nhẹ trước khi bước lên bàn thờ. Tiệm ăn này đã đóng cửa không buôn bán vì Thánh Lễ, trong đó, Đức Giáo Hoàng sẽ lên án chủ nghĩa tiêu thụ.

1:15 giờ chiều: Chính phủ Á Căn Đình đang thi hành một chiến dịch rộng lớn để cung cấp dịch vụ y tế cho hơn một triệu người Á Căn Đình dự tính tràn qua biên giới vào lân bang Paraguay để tham dự Thánh Lễ do người đồng hương nổi tiếng của họ cử hành là Đức GH Phanxicô.

Bộ Trưởng Y Tế nói rằng họ đang thiết lập các trạm y tế tạm thời tại các địa điểm dọc biên giới với Paraguay, nơi Đức Giáo Hoàng sẽ tới vào hôm thứ Bẩy.

Cố gắng này bao gồm các xe cứu thương phụ trội, các trực thăng và các máy bay trang bị đặc biệt, cũng như các lều bệnh viện quân sự và các nhà vệ sinh lưu động.

Nhiều người Á Căn Đình đã bắt đầu lên đường qua Paraguay vì thứ Năm là ngày lễ nghỉ của cả nước.

Đức Giáo Hoàng bỏ Á Căn Đình trong chuyến tông du lần này, một phần vì Tòa Thánh muốn tránh các nước nơi sắp sửa tổ chức bầu tổng thống.

2:45 giờ chiều: Tòa Thánh đang cố gắng giải thích “tượng chịu nạn Cộng Sản” mà Tổng Thống Bolivia Evo Morales tặng Đức GH Phanxicô; Tòa Thánh nói rằng đây là một biểu tượng của đối thoại chứ không phải là một pha trộn có tính xúc phạm giữa đức tin và ý thức hệ.

Ông Morales tặng Đức Phanxicô tượng chịu nạn được khắc vào một chiếc búa liềm khi hai vị gặp nhau vào hôm thứ Tư lúc Đức Phanxicô mới đặt chân lên Bolivia.

Tòa Thánh không mong chờ món quà quái lạ này và lập tức tỏ ý khó chịu.

Chuyện bất ngờ là tượng chịu nạn này khởi thủy do nhà tranh đấu Dòng Tên là Cha Luis Espinal nghĩ ra; ngài bị ám sát năm 1980 bởi các nhóm bán quân sự đáng hoài nghi trong các tháng dẫn tới cuộc đảo chánh quân sự. Đức Phanxicô cũng là một tu sĩ Dòng Tên và hôm qua, ngài đã dừng giáo hoàng xa để cầu nguyện tại địa điểm nơi thi thể Cha Espinal bị liệng bỏ.

Phát ngôn viên Tòa Thánh, Cha Federico Lombardi, nói rằng Đức Giáo Hoàng không hề có ý niệm gì về việc Cha Espinal nghĩ ra một tượng chịu nạn như thế.

Cha Lombardi cho hay các linh mục cùng Dòng Tên với Cha Espinal nói rằng cha nghĩ ra tượng chịu nạn này như một biểu tượng của đối thoại và dấn thân cho tự do của Bolivia trong thời sóng gió.

Nhiều nhà thần học của Giáo Hội đã cay đắng lên tiếng tố cáo ảnh hưởng Mácxít đối với thần học giải phóng, nhưng Đức Phanxicô cố gắng phục chỉnh phong trào này bằng cách loại bỏ chủ nghĩa Mác.

4:30 giờ chiều: Theo chương trình, Đức GH Phanxicô sẽ đọc bài diễn văn vào xế chiều trước đại biểu Cuộc Gặp Gỡ Thế Giới Lần Thứ Hai Các Phong Trào Bình Dân, một cuộc tụ tập đầy mầu sắc của những người bị tước đoạt ở Mỹ Châu La Tinh và các nhóm, như cơ quan bác ái Công Giáo Caritas, thường bênh vực họ.

Cuộc gặp gỡ đầu tiên của các phong trào này được tổ chức tại Vatican hồi tháng Mười năm ngoái. Hội Đồng Công Lý và Hòa Bình của Vatican tổ chức cuộc gặp gỡ lần này cùng với chính phủ Bolivia, sẽ gồm hơn 1,500 đại biểu.

Bên trong phòng thể thao Santa Cruz, những người bênh vực quyền đất đai từ Peru trao đổi kinh nghiệm với những người bị rời cư vì các dự án thủy điện tại Ba Tây, liên đoàn lao động chính của Bolivia và liên đoàn các tổ hợp hầm mỏ nổi bật ở đây cùng với liên đoàn lao động CUT của Brazil.

Cũng nổi bật là đại biểu của CONAMAQ, tổ chức thổ dân chính ở các cao nguyên của Bolivia, đại diện cho hai sắc dân chiếm ưu thế là Quichua và Aymara.

Và rồi còn có những người thực sự nghèo nữa, trong đó có hơn chục tổ hợp những người lượm rác gọi là "cartoneros" (lượm cáctôn) từ Á Căn Đình, những tổ chức đặc biệt thân thiết đối với Đức Giáo Hoàng.

5.00 giờ chiều: Một nhà lãnh đạo hàng đầu của một trong các nhóm thổ dân lớn nhất của Bolivia đang phát biểu nỗi thất vọng không được phép tham dự hội nghị thượng đỉnh về xã hội với Đức GH Phanxicô vào chiều thứ Năm.

Người Guarani vốn không thuận hảo với chính phủ của Tổng Thống Evo Morales vì quyết định của chính phủ này mở 22 khu vực hoang dã được bảo vệ cho việc thăm dò dầu hỏa và khí đốt.

Nhà lãnh đạo người Guarani, Celso Padilla, nói rằng “hội nghị thượng đỉnh đã hoàn toàn bị kiểm soát bởi người của chính phủ. Chính phủ chỉ cho phép tham dự những người gần gũi với họ. Chúng tôi bị cho ra rìa”.

Phó bộ trưởng phối hợp với các phong trào bình dân của Bolivia cho hay: người Guarani đáng lẽ đã được tham dự rồi nếu họ tìm cách tham dự một cách tích cực.

Cha Xavier Albo, một linh mục Dòng Tên, tác giả và là người có thế giá hàng đầu về người thổ dân Bolivia, nói rằng điều lạ là Đức Giáo Hoàng không tổ chức các cuộc gặp mặt riêng với các nhóm thổ dân trong suốt chuyến viếng thăm Nam Mỹ 9 ngày của ngài.

Cha nói: “Không có bất cứ hành vi riêng nào minh nhiên dành cho người thổ dân, mà đúng hơn họ được lồng vào các cuộc gặp gỡ với các phong trào xã hội và các giới khác”.

6:55 giờ tối: Đức GH Phanxicô đang kêu gọi phải có nhiều thay đổi trong trật tự kinh tế thế giới, là trật tự hiện chỉ biết theo thứ luận lý học lợi nhuận và loại bỏ nhiều người và phá hủy môi sinh.

Ngài đưa ra các nhận định trên trong bài diễn văn trước Cuộc Gặp Gỡ Thế Giới Lần Thứ Hai Các Phong Trào Bình Dân tại Snata Cruz, Bolivia.

Ngài nói rằng hiện cần phải có “một thay đổi thực chất, một thay đổi cơ cấu”. Lời ngài: “hệ thống này không đứng vững, các nông dân không thể chịu đựng được nó, các công nhân không thể chịu đựng được nó, các cộng đồng không thề chịu đựng được nó, người dân không thể chịu đựng được nó mà đất đai cũng không thể chịu đựng được nó”.

7:20 giờ tối: Đức GH Phanxicô tạ lỗi vì các tội và “xúc phạm” Giáo Hội Công Giáo đã phạm chống lại các thổ dân thời thực dân xâm chiếm Mỹ Châu.

Vị giáo hoàng Mỹ Châu La Tinh đầu tiên trong lịch sử “khiêm cung” xin sự tha thứ vào hôm thứ Năm trong cuộc gặp gỡ tại Bolivia với các nhóm thổ dân và các nhà tranh đấu khác và trước sự hiện diện của tổng thống thổ dân đầu tiên của Bolivia, Ông Evo Morales.

Đức GH Phanxicô nhận định rằng các nhà lãnh đạo Giáo Hội ở Mỹ Châu La Tinh trong quá khứ đã nhận rằng “nhân danh Thiên Chúa, người ta đã phạm nhiều tội lỗi nặng nề chống lại người bản địa của Mỹ Châu”. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đưa ra lời xin lỗi chung vào năm 2000 vì các tội lỗi của Giáo Hội trong quá khứ và năm 2001, ngài lại gửi một điện thư (email) xin lỗi vì các lạm dụng của các nhà truyền giáo đối với các thổ dân của Đại Dương Châu.

Nhưng Đức GH Phanxicô đi xa hơn và trực tiếp hướng lời xin lỗi của ngài vào người thổ dân của lục địa ngài.

Lời ngài nói: “Tôi khiêm cung xin sự tha thứ, không những vì các xúc phạm của chính Giáo Hội, mà còn vì các tội ác chống lại người bản địa thời gọi là chinh phục Mỹ Châu nữa”.

7:40 giờ tối: Đức GH Phanxicô đã kết thúc bài diễn văn mạnh mẽ của ngài trước cuộc tụ tập của các phong trào xã hội; ngài cực lực kết án các chính phủ thế giới vì điều ngài gọi là “hèn nhát” trong việc bảo vệ Trái Đất.

Ngài nói rằng sự hèn nhát này là một “tội nặng”. Lặp lại khảo luận về môi sinh tháng rồi của ngài, Đức Giáo Hoàng nói rằng Trái Đất “đang bị cướp bóc, để cho hoang phế và tàn hại mà không bị trừng phạt” trong khi “hết thượng đỉnh quốc tế này tới thượng đỉnh quốc tế khác diễn ra mà chẳng đem lại một kết quả nào có ý nghĩa”.

Ngài nhận định như thế vào tối thứ Năm với hơn 1,500 nhà tranh đấu, phần lớn từ Mỹ Châu La Tinh và nhiều người từ quê hương Á Căn Đình của ngài. Ngài nói với họ rằng tương lai của nhân loại, về căn bản, đang nằm trong tay các đại cường và các giới ưu tú chứ không nằm trong tay người dân thường.

Ngài thúc giục họ hãy giữ vững cuộc tranh đấu của họ. Rồi ngài xin họ cầu nguyện cho ngài và gửi đi “các tiếng vang tốt đẹp”.

9:05 giờ tối: Đức Giáo Hoàng Phanxicô kết thức ngày đầy đủ thứ nhất tại Bolivia bằng việc tới thăm Đức Hồng Y yếu đau Julio Terrazas, người đang nằm trong bệnh viện nên không thể tham dự cuộc thăm viếng thành phố Santa Cruz của Đức Giáo Hoàng.

Phát ngôn viên Tòa Thánh, Cha Federico Lombardi, cho hay: Đức Phanxicô đã đi thăm người bạn già của mình trước khi lui về nghỉ đêm.

Trong ngày đầy đủ thứ nhất ở Bolivia, Đức Phanxicô đã đưa ra lời xin lỗi có tính lịch sử vì các tội lỗi và tội ác của Giáo Hội Công Giáo đối với người thổ dân thời thực dân chinh phục Mỹ Châu.