1. Một linh mục, vị ân nhân nhiều năm qua của chúng tôi, vừa qua cơn “thập tử nhất sinh” lần thứ hai.

Lần đầu, cha bị bệnh về não, mọi người cầu nguyện, cha hồi sinh và hân hoan mừng thọ tuổi 80. Xem hai lần video cha mừng thọ, tôi vui vì biết được một quá khứ phục vụ lẫy lừng của cha. Chắc chắn vì lòng thương xót của Chúa, chứ không phải vì cha rất yêu thương người nghèo và hay trợ giúp các linh mục vùng sâu vùng xa xây nhà thờ.

Lần thứ hai này, cha cũng hôn mê sâu trong nhiều ngày và ít có hy vọng qua khỏi cơn bệnh nặng. Thế mà kỳ diệu, một lần nữa, cha lại hồi sinh và ngồi xe lăn vui vẻ mừng kỷ niệm 40 năm linh mục.

Tôi vui, một niềm vui mùa hè và mơ màng hiểu về mầu nhiệm sự sống bắt nguồn từ Thiên Chúa.

2. Tôi có một cảm xúc khó tả khi được biết tin cha Giám đốc VietCatholic – Liên Hiệp Truyền Thông Công Giáo - được phép về hưu. Nhưng tôi vẫn vui vì đọc được hàng chữ “…và trong thời gian hưu trí sẽ tiếp tục lo cho Truyền thông Công Giáo”. Và đoạn văn này của bản tin: “Trong hành trình kế tiếp sang giai đoạn mới trong đời sống linh mục của mình, Cha Nghị dành thời gian còn lại (tùy vào tình trạng sức khỏe cho phép) sẽ cộng các với các linh mục và giáo dân trong VietCatholic Network trong sứ mạng truyền giáo qua truyền thông Công Giáo.

Tôi thầm nghĩ, đây là một công việc mà cha khó lòng bỏ qua. Cái bóng của cha trong công việc này, thời gian qua là rất lớn, và chắc là cũng mang lại cho cha một niềm vui, niềm vui truyền thông của vị mục tử trong thời đại @.

Tôi nhớ lại ở thời điểm cuối năm 2003, nhóm xã hội của tôi bế tắc về tài chánh, tôi viết 20 lá thư gửi đi các nơi để mong được trợ giúp. Nhưng chỉ có cha Gioan là người duy nhất trả lời và đồng ý trợ giúp 1.000 Usd tiền học bổng. Cảm kích trước nghĩa cử của Cha, tôi hăng hái viết bài trên Website nổi tiếng của cha mà mãi đến năm 2000 tôi mới được biết đến. Thế rồi, nhờ phương tiện truyền thông của Cha mà nhóm công tác xã hội Bông Hồng Xanh của tôi có “nhịp thở” mạnh hơn và “xanh mướt” hơn. Tôi không bao giờ quên ơn này và hẳn là những người cùng khổ mà chúng tôi chạm tay đến cũng hàm ơn Cha mà không hề biết!

Tôi tạ ơn Chúa vì đã cho đường đời của tôi gặp những vị mục tử dấn thân phục vụ và còn tiếp tục mang lại ích lợi cho dân Chúa ở nhiều nơi trên thế giới, dù tuổi đời đã có thể nghỉ ngơi, vui thú điền viên.

3. Một công việc khá nặng nề của gia đình kéo dài hai tháng vừa qua chấm dứt. Tôi thở phào, vui hẳn lên. “Nhan sắc” của tôi héo hon, khô khốc như mùa hè sẽ được “chăm sóc” lại. Chưa bao giờ tôi cảm thông - với những người có gia đình - nhiều như thế! Tôi từ chối một hai lời mời vì không thể “cất bước đi”.

Nghĩ đến đây tôi lại thoáng buồn; khi đi công tác xã hội, tôi bắt gặp sự nghiêm khắc của một linh mục đối với giáo dân. Tôi than thở trong lòng: “Cha ơi, vừa nuôi con vừa kiếm kế sinh nhai đã là rất khó khăn, khổ sở (trong xã hội Việt Nam) rồi; thế mà khi đến với Chúa trong ngày Chúa Nhật, vị mục tử lại còn “khúc chiết” từng việc, “cặn kẽ” từng chút, thì niềm vui tâm linh có ảnh hưởng không? Cha ơi, “dễ dàng mà không dễ dãi” khi sinh hoạt tôn giáo là cách đơn giản nhất làm mọi người nhẹ lòng. Con đã trộm nghĩ như vậy!”

4. Chàng kỹ sư trẻ tuổi, ân nhân của nhóm chúng tôi, sau nhiều tháng mất việc làm đã có được công việc mới. Cậu hớn hở nhắn tin qua Viber: “Cảm ơn chị đã cầu nguyện. Em có được công việc mới, phù hợp và nơi làm việc chỉ cách xa nhà 30 phút đi xe. Hy vọng vẫn được về Việt Nam để song hành cùng các bạn trong công tác thiện nguyện”.

Tuổi trẻ mà không được làm việc để sinh nhai hoặc cống hiến là một nỗi buồn dài “vô tận”. Thời gian, sức khỏe, tài năng là vốn quý nhưng sự cần mẫn và ham làm việc là điều quý hơn cả. Tôi đã từng buồn chán vì không tìm được niềm vui trong công việc “lãnh lương hằng tháng”; cho đến khi rẽ lối, làm thêm công việc mình thích, thì cuộc sống thăng hoa và cái công việc buồn chán kia cũng bỗng vui lây…

Tôi đã nghĩ, ai tìm thấy hạnh phúc trong công việc, dù là ở bậc nào (tu trì, hôn nhân, độc thân…) thì đã “bước một chân vào thiên đàng” rồi, có đúng không ạ?

5. Mỗi tháng tôi viết một bài trên báo Bài Giảng Chúa Nhật của Tòa Giám Mục Sài Gòn. Công việc này đã kéo dài bảy năm qua. Mới đây cha tổng biên tập cũng xin nghỉ vì cao tuổi. Một linh mục khác thay thế vị trí này, tiếp tục mời tôi cộng tác. Tôi vui vẻ trả lời: “Con đã về hưu năm năm, nghĩa là hoàn thành nghĩa vụ đối với xã hội; là “tỷ phú về thời gian” nhưng con thích rong chơi và làm những gì tùy thích, vì thế, tất cả mọi thứ đều là “sắc sắc không không”, nghĩa là “có cũng được mà không có cũng được”.

Nhiều người nghỉ hưu lại làm được nhiều việc tốt hơn khi trong tuổi lao động, nhất là trong lãnh vực nghiên cứu. Có từ ngữ trong kinh tế mô tả về tình trạng này là “tự do tài chính” (nghĩa là không phải làm việc mà vẫn đủ tài chính để sinh sống).

Người cao tuổi sẽ vui khi vẫn được cống hiến cho Giáo Hội công việc tự chọn nào đó. Và dĩ nhiên, Giáo Hội vẫn luôn đón nhận thành quả công việc, dù to hay nhỏ, miễn là ích lợi cho Dân Chúa hôm nay.