BỎ “ TIÊN HỌC LỄ” THÌ ĐẠO ĐỨC XÃ HỘI SẼ RA SAO?

Trước ngày “giải phóng” 30/04/1975 ở các phòng học của Trường Tiểu học Tư thục Cây Vông ( nằm cạnh nhà thờ giáo xứ Cây Vông, xã Diên Sơn, quận Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) đều treo câu “Tiên học lễ, hậu học văn”. Lễ và Văn là nền tảng đào tạo nên một con người tốt cho xã hội. Sách Luận ngữ có viết: “bác ngã dĩ văn, ước ngã dĩ lễ” (dùng văn chương mở rộng kiến thức của ta, dùng lễ để ước thúc hành vi bản thân ta).

Sau “giải phóng” câu khẩu hiệu “Tiên học lễ ,hậu học văn” biến mất trong tất cả các trường học và mãi đến những năm cuối của thập kỷ 80 và đầu những năm của thập kỷ 90 của thế kỷ trước mới thấy xuất hiện lại trong tất cả các trường học trên cả hai miền Nam và Bắc của đất nước ta. Biển hiệu “Tiên học lễ hậu học văn” được ngành giáo dục cho sơn phết thật to được treo ở mặt trước của mỗi trường học.

Bổng dưng vào năm 2014 Trường Trung học cơ sở Tô Hoàng (Hà Nội) đã đi tiên phong bỏ biển hiệu “Tiên học lễ hậu học văn”. Bài viết: “ Đại học,học…đại và yêu nước có học” được đăng trên Vietnam.net ngày 18/05/2014 đã đăng tải sự kiện ấy: “…Không chỉ tổ chức chào cờ, xếp nghi thức, Trường Trung học cơ sở Tô Hoàng ở Hà Nội đã có cách biểu thị tinh thần tự tôn dân tộc “dài hơi” khi thể hiện tư tưởng thoát khỏi cái bóng ám ảnh của Khổng giáo trong trường học. Từ năm học này, trường đã thay biển hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” (của Khổng tử), bằng các câu của người Việt ( “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”) và UNESCO (“Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”)” (vietnamnet.vn/vn/giao-duc/175887/dai-hoc--hoc----dai-va-yeu-nuoc-co-hoc.htlm).

Giữa các quốc gia trên thế giới luôn có sự tiếp thu văn hóa lẫn nhau không phân biệt Tây hoặc Tàu. Văn hóa hay chúng ta tiếp thu, văn hóa đồi bại thì chúng ta chối từ. Để có câu nói “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, ông Thân Nhân Trung cũng phải miệt mài tiếp thu những tinh túy từ Tứ thư, Ngũ kinh của Nho giáo mới đúc kết ra như vậy.

Bỏ “Tiên học lễ” thì đạo đức xã hội sẽ ra sao? Để trở thành một con người có văn hóa , thì phải có “Lễ”. Lễ là trật tự là khuôn phép. Lễ là cốt để giữ chừng mực cho sự hành vi của người ta : “ Đạo đức nhân nghĩa, phi lễ bất thành; giáo huấn chính tục, phi lễ bất bị; phân tranh biện tụng, phi lễ bất quyết; quân thần , thượng hạ, phụ tử ,huynh đệ, phi lễ bất định; hoạn học sự sư, phi lễ bất thân; ban triều , trị quân, lỵ quan, hành pháp, phi lễ uy nghiêm bất hành; đảo từ, tế tự, cung cấp quỷ thần, phi lễ bất thành, bất trang thị dĩ quân tử cung kính tổn tiết, thoái nhượng dĩ minh lễ” ( Đạo đức nhân nghĩa, không có lễ không thành; dạy bảo sửa đổi phong tục, không có lễ không đủ; xử việc phân tranh kiện tụng, không có lễ không quyết; vua tôi, trên dưới, cha con, anh em, không có lễ không định; học làm quan, thờ thầy, không có lễ không thân; xếp đặt vị thứ trong triều, cia trị quân lính, đi làm quan, thi hành pháp lệnh, không có lễ, không uy nghiêm; cầu khẩn ,tế tự, cung cấp quỷ thần, không có lễ không thành kính, không trang chính. Bởi thế cho nên quân tử dung mạo phải cung, trong bụng phải kính, giữ gìn pháp độ, thoái nhượng để làm sáng rõ lễ - Lễ kí: Khúc lễ thượng).

Lễ khiến cho hành vi của người ta hợp với đạo Trung dung : “ Cung nhi vô lễ tắc lao; thận nhi vô lễ tắc tỷ; dũng nhi vô lễ tắc loạn; trực nhi vô lễ tắc giảo” (Cung kính mà không có lễ thì phiền; cẩn thận mà không có lễ thành ra sợ hãi; dũng mà không có lễ thì loạn;trực mà không có lễ thành ra vội vã – Luận ngữ: Thái Bá VIII , 2).

Sự giáo hóa của lễ tinh vi lắm và có hiệu quả rất sâu xa: “Lễ chi giáo hóa dã vi, kỳ chỉ tà dã ư vị hình, sử nhân nhật tỷ thiện, viễn tội, nhi bất tự tri dã” (Sự giáo hóa của Lễ rất cơ mầu, ngăn cấm điều bậy ngay lúc chưa hình ra, khiến người ta ngày càng đến gần điều thiện, tránh xa điều tội, mà tự mình không hay biết – Lễ kí: Kinh giải, XXVI).

Sách Quản tử viết: “ Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ thị vi tứ duy” (Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ là bốn giềng mối chính). Không có Lễ thì không có Nghĩa, Liêm, Sỉ.

Đầu năm 2008, báo động tình trạng nhiều học sinh trên cả nước bỏ học. Nhân sự kiện này tác giả Bút Bi có đăng mẩu chuyện “Vì sao con bỏ học?” trên báo Tuổi trẻ ra ngày 12/03/2008. Mẩu chuyện như sau:

“ Con là Nguyễn Văn Tèo. Nay con rấm rứt viết thơ này để bày tỏ nỗi niềm vì sao con nghỉ học, cái việc mà hổm rày người lớn bàn tán tùm lum.

Vì sao con nghỉ học? Mấy cô chú nói đúng rồi đó: Nhà con nghèo, con phải đi làm kiếm ăn; con học yếu,con nản… Nhưng đâu chỉ có vậy. Con nghỉ học còn vì nhiều chuyện phát ớn…

Hồi con học lớp 2, thầy dạy vẽ cho cả lớp chủ đề “ Vẽ về quyền thiếu nhi”. Nhà con nghèo, con thèm được ăn no nên con vẽ hai bát cơm to. Thầy nói con vẽ sai, phải vẽ trẻ em vui chơi, có chim bồ câu và trái địa cầu mới đúng. Con bị 1 điểm.

Lên lớp 3, con được dự thi “vở sạch chữ đẹp”. con mừng lắm nhưng té ra lại khổ cái thân: con không được đưa cuốn vở mình đang học để đi thi mà trường bắt mua một cuốn vở mới, chép lại y chang cuốn vở đã học để đi thi cho nó sạch và đẹp. con thấy thi thố kiểu này chẳng sạch và đẹp chút nào!

Mới đây trường chúng con có đoàn thanh tra dự giờ. Trường gom hết học sinh xịn nhứt khối về một lớp, tụi con giải toán rẹt rẹt, đọc bài re re làm mấy thầy thanh tra khen quá trời đất! Tụi con mắc cười bể bụng luôn…Và nhiều chuyện nữa mắc cười lắm.

Con kể mấy chuyện này với ngoại. Ngoại buồn lắm. ngoại nói học hành kiểu đó thì khó thành người. Con sợ quá, chẳng thà con làm con người không biết chữ chớ biết chữ mà thành con khác thì con không chịu.

Vì vậy mà con nghỉ học!”

Câu kết của mẩu chuyện rất là thâm thúy!

Mấy năm gần đây ngành giáo dục luôn ra rả “ nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”. Bệnh thành tích là bệnh trầm kha dưới chế độ xã hội chủ nghĩa. Trên các phương tiện thông tin đại chúng luôn xuất hiện câu: “ Lập thành tích chào mừng ngày lễ…” cho nên làm sao có thể “nói không” được!

Do không quan tâm đến việc học Lễ nên “nạn mất dạy” đang trong tình trạng báo động ở thủ đô Hà Nội: “một bộ phận các bạn trẻ là học sinh trung học, các ca sĩ, người dẫn chương trình…có những lời nói thô tục, những ứng xử không có văn hóa nơi công cộng làm ảnh hưởng đến nếp sống văn minh của thành phố”. UBND Thành phố Hà Nội có công văn số 3802/VP-VX do Phó Chủ tịch Thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn chỉ đạo gửi đến Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND quận,huyện, thị xã kiểm tra, xem xét có biện pháp xử lí‎ cụ thể, nhằm hạn chế cao nhất những hành vi thiếu văn hóa trong nhà trường và ngoài xã hội. Trước đó nhiều tờ báo và trang tin đã có phản ánh về nạn “mất dạy” tràn lan ở Thành phố Hà Nội- trái tim, Thủ đô của cả nước khiến dư luận bất xúc (petrotimes.vn/news/vn/xa-hoi/pho-chu-tich-ha-noi-yeu-cau-xu-ly-nan-mat-day-o-thu-do.htlm).

Nạn “mất dạy” ở Thủ đô Hà Nội hiện nay là không phải một sớm một tối mà có như Kinh Dịch từng viết: “Thần thí kỳ quân, tử thí kỳ phụ, phi nhất triêu, nhất tịch chi cố, kỳ sở do lai giả tiệm hỹ, do biện chi bất tảo biện dã” (Tôi giết vua, con giết cha không phải là cớ một sớm một tối, cái mà nó đã bởi đó mà đến vẫn là dần dần[tiệm tiến], vì kẻ phân biệt ,không phân biệt sớm đó thôi).

Cô giáo Nguyễn Thị Thuận- Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Tô Hoàng (từ năm 2008)- cho biết khi trường quyết định bỏ khẩu hiệu “Tiên học lễ ,hậu học văn” : “ ở mình có những cái đã quá lâu, quá cũ nhưng nhiều người vẫn ngại thay đổi khi đã cần phải thay đổi”.

Những ai cho rằng câu khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” là cũ, là lỗi thời cần phải thay đổi thì cũng giống như “ Người nào cho những bờ đê cũ là vô ích và phá bỏ đi thì một ngày kia sẽ bị tai hại của nạn lụt lội” (Will Durant, Lịch sử văn minh Trung Hoa, Nxb Văn hóa Thông tin, trang 342)

Người xưa có nói: “ Bất học lễ , vô dĩ lập” (không học lễ , không thể đứng thẳng với đời ) hoặc “ Bất tri lễ ,vô dĩ lập” (không biết lễ, không thể đứng thẳng với đời ).

Nguyễn Văn Nghệ

Tổ dân phố Phú Lộc Tây I ,Thị trấn Diên Khánh –Khánh Hòa