Trong một diễn biến ngoại giao tệ hại, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu hồi đại sứ cạnh Tòa Thánh là ông Mehmet Pacaci về nước để phản đối một tuyên bố công khai mạnh mẽ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô lên án tội ác diệt chủng chống lại người Armenia.

Sáng Chúa Nhật 12 tháng Tư, Chúa Nhật Kính Lòng Thương Xót Chúa, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô nhân dịp tưởng niệm biến cố 100 năm cuộc diệt chủng gần 1 triệu 500 ngàn người Armenia do đế quốc Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ gây ra và tôn phong thánh Gregorio Nazek người Armenia làm Tiến Sĩ Hội Thánh thứ 36 của Giáo Hội Công Giáo.

Trước sự hiện diện của Tổng thống Cộng hòa Armenia, Đức Tổng Thượng Phụ Karekin II ở Armenia và Thượng Phụ Aram I của Giáo Hội Armenia Tông truyền ở Liban, Đức Thượng Phụ Nerses Bedros XIX của Công Giáo Armenia, hơn 20 Giám Mục của Giáo Hội này và hơn 9 ngàn tín hữu đa số là người Armenia đến từ các nơi trên thế giới; Đức Giáo Hoàng nói cái chết của khoảng 1,5 triệu người Armenia dưới bàn tay của chế độ Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1915 là “diệt chủng đầu tiên của thế kỷ 20”.

Tuyên bố của Đức Thánh Cha Phanxicô giống y như những gì Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết trong thông cáo chung với Đức Tổng Thượng Phụ Karekin II khi ngài thăm Armenia vào năm 2001. Tuy nhiên, lần đó Thổ Nhĩ Kỳ không phản đối dữ dội như lần này.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nói các tuyên bố của Đức Giáo Hoàng là “quá xa sự thật lịch sử và pháp lý”, và “không thể chấp nhận được”. Ông còn lên tiếng khuyên các nhà lãnh đạo tôn giáo đừng bao giờ “tuyên bố vô căn cứ” để khuấy động hận thù.

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ triệu tập sứ thần Tòa Thánh tại Thổ Nhĩ Kỳ là Đức Tổng Giám Mục Antonio Lucibello để bày tỏ sự bất bình về những lời của Đức Giáo Hoàng.