Ngày 23 tháng Tư 1915, bọn cầm quyền Thổ Nhĩ Kỳ ra lệnh tàn sát người Armenia. Ước tính từ 1 triệu đến 1.5 triệu người Armenia đã bị giết chết từ năm 1915 đến năm 1918 trong các vụ thảm sát, trong các trại tập trung, và trong các cuộc cưỡng bức trục xuất.

Tuy nhiên, do những dàn xếp chính trị lắt léo, không một tên nào phạm tội ác chống nhân loại nghiêm trọng như thế bị đưa ra xét xử sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Nhà cầm quyền Thổ Nhĩ Kỳ, do đó, luôn phủ nhận tội ác này, coi như chưa từng xảy ra.

Nỗi oan ức đó đã khiến người Armenia đề ra nhiều sáng kiến kêu gọi sự chú ý của thế giới. Năm nay, kỷ niệm 100 năm biến cố bi thảm này, Đức Thượng Phụ Karekin Đệ Nhị đưa ra sáng kiến tất cả các nhà thờ Kitô Giáo của người Armenia trên toàn thế giới cử hành thánh lễ càu hồn cho những nạn nhân và rung chuông 100 lần vào lúc 19:15. Thời điểm 19:15 là để nhắc nhớ đến năm 1915.

Sáng kiến này được chào đón trên thế giới. Tuy nhiên, các nhà thờ Armenia tại Thổ Nhĩ Kỳ không thể tham gia sau những răn đe của Thổ Nhĩ Kỳ.

Từ sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, các triều Giáo Hoàng đều mạnh mẽ lên án tội ác này.

Gần đây nhất là chuyện Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ chính thức đưa công hàm phản đối với Vatican sau khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô đề cập đến việc tàn sát hàng loạt người Armenia trong thời gian từ 1915 – 1918 và gọi đó là "cuộc diệt chủng đầu tiên của thế kỷ 20."

Đức Giáo Hoàng đã đề cập một chút về những tội ác diệt chủng chống lại người Armenia trong một cuộc tiếp kiến hôm 04 tháng 6 năm 2013 với Đức Thượng Phụ Công Giáo Nerses Bedros Tarmouni thứ 19 của thành Cilicia.

Đức Thượng Phụ đã tặng cho Đức Giáo Hoàng một cây thánh giá bằng đồng hai người mới khiêng nổi. Trong đoàn tùy tùng của Đức Thượng Phụ có một cặp vợ chồng đi theo với trách nhiệm khiêng cây thánh giá này. Người phụ nữ nói với Đức Giáo Hoàng rằng gia đình cô là nạn nhân của nạn diệt chủng Armenia hồi năm 1915.

Đức Thánh Cha đáp lại:

-Đó là tội ác diệt chủng tàn ác trên quy mô lớn đầu tiên của thế kỷ XX.

Giáo Hội Armenia hiện có khoảng 350,000 thành viên ở rải rác trong khu vực Trung Đông; đông nhất là là tại Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ

Vài năm trước đây, khi còn là Tổng Giám mục của Buenos Aires, Đức Hồng Y Jorge Bergoglio đã mô tả vụ sát hại và trục xuất hàng triệu người Armenia là "tội phạm trầm trọng của Đế Quốc Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ chống lại người dân Armenia và toàn thể nhân loại."

Trong công hàm chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ "bày tỏ sự thất vọng" về những nhận xét của Đức Giáo Hoàng. Họ đã bày tỏ sự không hài lòng của mình với đại diện ngoại giao Vatican cả tại Ankara và Rôma.

Trong thế kỷ thứ 20, một cuộc diệt chủng kinh hoàng khác thường được đề cập đến là việc tàn sát người Do Thái của Đức Quốc Xã. Nhưng đó là cuộc diệt chủng thứ hai. Ngoài ra còn có những cuộc diệt chủng khác tiêu biểu là cuộc diệt chủng do Liên Sô thực hiện đối với người Đông Âu, cuộc tàn sát hơn 60 triệu người Trung Hoa của Mao Trạch Đông trong các chiến dịch thanh trừng giai cấp và trong 10 năm thi hành cuộc cách mạng văn hóa (1966-1976).