#WeAreN: Chúng Tôi Là Kitô Hữu

Vài năm gần đây, các nhóm phiến quân Hồi giáo, hậu thân của Al-Qaeda, ở vùng Syria, Iraq đã thực hiện những cuộc khủng bố và tàn sát nhắm vào Kitô hữu và những nhóm thiểu số... Với thời gian và tham vọng, từ những nhóm phiến quân rời rạc, hung bạo chúng hội tụ dưới ngọn cờ màu đen biểu tượng cho cuộc thánh chiến đã trưởng thành trong thời gian kỷ lục. Bằng những phương thức dã man, chúng gây kinh hoàng cho các binh sỹ Iraq và Syria, và chớp nhoáng đã dành quyền kiểm soát và thống trị cả một khu vực rộng lớn thuộc lãnh thổ Iraq và Syria.

Ngày 30-06-2014, Abu Muhammad al-Adnani, phát ngôn viên của tổ chức Nhà Nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL) thông báo một Nhà Nước Hồi giáo đã được thành lập trên khu vực tây bắc Syria đến đông bắc Iraq, và Abu Bakr al-Baghdadi, lãnh tụ của nhóm, sẽ trở thành “Caliph Ibrahim”, tức “Giáo chủ Hồi giáo”.

Nhà nước Hồi giáo, tiếng Anh gọi là “Islamic Caliphate”, là một khối Hồi giáo được lãnh đạo bởi người tự xưng (hoặc được tuyển cử) kế vị của tiên tri Muhammad. Nhân vật này được gọi là “Caliph”, thường được dịch là “Giáo chủ Hồi giáo”, đó là nhân vật lãnh đạo có quyền hành tuyệt đối trên cả hai lãnh vực thần quyền và thế quyền không giới hạn lãnh thổ, biên cương. Nhà nước Hồi giáo được cai trị bằng luật Sharia nghiêm nhặt. Gần đây nhất, cha Canon Andrew White, tổng đại diện Anh Giáo tại thủ đô Baghdad nói với tờ The Independent của Anh hôm 8 tháng 12 rằng bọn khủng bố Hồi giáo IS đã chặt đầu bốn trẻ em theo đạo Kitô vì chúng không chịu cải đạo sang Hồi giáo.

Các cộng đoàn Công Giáo hiện diện trên vùng đất này từ thế kỷ thứ nhất với dấu chân truyền giáo của các thánh Tông đồ, trước khi khối Hồi giáo Ả rập xuất hiện vào thế kỷ thứ sáu. Với sự tàn bạo không lượng, và tham vọng không tưởng, họ đã xem các Kitô hữu là đối tượng khủng bố. Hằng trăm ngàn Kitô hữu đã phải trốn chạy lìa bỏ quê hương của mình tỵ nạn ở các quốc gia láng giềng. Chúng phổ biến “tối hậu thư” buộc Kitô hữu hoặc phải cải đạo sang Hồi giáo, hoặc phải đóng thuế thật nặng, hoặc phải bỏ sự nghiệp, nhà cửa mà ra đi. Nhà nước Hồi giáo đã cho sơn trước nhà của các Kitô hữu một mẫu tự Ảrập (ن) tương tự như mẫu tự “N” trong hệ thống chữ Latinh (phát âm như “nūn”). Mẫu tự đó có nghĩa “Nasara” hoặc “Nazaren”, có nghĩa là Kitô hữu mang nặng tính miệt thị. Sau khi sơn nhà cửa của các Kitô hữu với dấu hiệu này, các thành phần khủng bố ra tay cướp đoạt, tiêu diệt và tàn sát. Những tu viện, thánh đường cổ kính từ thế kỷ thứ tư ở Syria và Iraq bị đốt sạch. Cờ màu đen của Nhà nước Hồi giáo được gắn trên các nóc giáo đường thay cho Thánh giá. Thật đau lòng khi nghe Tổng Giám mục nghi lễ Chaldean, Bashar M Warda nói: “Lần đầu tiên sau hơn 1600 năm, tháng Sáu vừa qua, thành phố Mosul không có thánh lễ.”

Nhà của Kitô hữu được đánh dấu chữ ن.

Thế rồi người ta thấy trên các trang mạng xã hội xuất hiện một “hashtag” #WeAreN, có nghĩa “chúng tôi là những Kitô hữu”. Và ngay sau đó người ta khám phá rằng Jeremy Courtney, một người Hoa Kỳ đang sống và làm việc cho một tổ chức tư nhân Hoa Kỳ tại Iraq, là tác giả của “hashtag” #WeAreN độc đáo và giàu ý nghĩa này. Cứ như thế hằng trăm ngàn ngườì tham gia các trang mạng xã hội như Twitter, FaceBook dùng nó thay cho “profile” của mình như hình thức hỗ trợ cho anh chị em Kitô hữu đang bị bách hại ở Iraq và Syria và cũng là một cách thế tuyên xưng đức tin của mình. Đúng vậy, các Kitô hữu khắp nơi đã đứng dậy trong tình liên đới với các anh chị em mình đang ở “nơi than khóc”, hay “chốn lưu đày”. Ngay cả những người tín đồ Hồi giáo thiện tâm, hiền hòa vẫn sát cánh bên các Kitô hữu. Họ cũng xuống đường mang biểu ngữ đòi hỏi quyền tự do cho những Kitô hữu. Một điều lạ kỳ là những người Kitô hữu đã dùng mẫu tự nguyên hàm chứa một sự sỉ nhục, bách hại dưới con mắt của Nhà nước Hồi giáo biến nó trở thành dấu hiệu của một niềm hãnh diện và tình liên đới. Như Kitô hữu đã bước theo Thánh giá, vì Chúa Kitô đã biến thập tự, biểu tượng của nhục hình, thành dấu hiệu của chiến thắng vinh quang.

Các nhà hoạt động đấu tranh cho tự do tôn giáo đòi hỏi các chánh quyền phương Tây hãy lưu ý đến thân phận của những Kitô hữu ở vùng Trung Đông. Nhiều nơi, những người biểu tình cũng đã mang những chiếc áo có chữ ن.

Biểu tình tuyên xưng “Chúng tôi là Kitô hữu”

Tiếng nói của những anh em Kitô hữu ấy cần được cộng đồng quốc tế lắng nghe. Các tín hữu đã kêu cứu trong tình trạng tuyệt vọng, đại diện Tòa Thánh đã không ngừng sử dụng các diễn đàn ngoại giao để cổ võ cho một giải pháp tốt đẹp cho các tín hữu và những người bị áp bức. Các Kitô hữu cũng có cùng những nhân quyền như bất cứ công dân nào khác và căn cước tôn giáo của họ không thể là cớ để họ bị kỳ thị ngay trên quê hương họ. Bởi vì sự bất công và tàn nhẫn ấy nó quá lớn để những ai dù ở thân phận, địa vị nào đều phải thấy cần làm điều gì đó ngăn cản làn sóng bạo lực này.

Đức Tổng Giám Mục Tomasi, Đại diện Thường trực của Tòa Thánh cạnh Liên Hiệp Quốc tại Genève phát biểu rằng: “Tòa Thánh đã tích cực dấn thân qua tiếng nói của Đức Thánh Cha Phanxicô, người đã không tiếc bất cứ cố gắng hay lời lẽ nào nhằm nói rằng con đường hợp lý duy nhất cho tương lai là con đường đối thoại và thương thuyết, để người ta có thể sống chung với nhau, tôn trọng nhau, thậm chí nhìn nhận các dị biệt của nhau, nhưng phải thừa nhận nhân tính nền tảng mà tất cả chúng ta đều có.”

Đặc biệt trong chuyến đi Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 28 tháng Mười Một, Đức GH Phanxicô đã nhân dịp này đã kêu gọi “chấm dứt mọi hình thức quá khích và khủng bố đã hủy diệt phẩm giá con người và lợi dụng tôn giáo.” Một cách cụ thể, Ngài đã quan tâm một cách sâu sắc về hành động man rợ xảy ra ở Syria và Iraq. Theo quan điểm của Ngài, trong khi chiến tranh chính đáng cho phép có những hành động quân sự để “chặn đứng những kẻ xâm lược bất chính,” đồng thời giải pháp tối thượng đáp trả cho bạo lực phải dựa trên cam kết hỗ tương để xây dựng hòa bình bằng công lý.

Đức GH và TP Barthôlômeô cũng đã ra một bản thông cáo chung kêu gọi các nhà lãnh đạo trong khu vực hãy nỗ lực trợ giúp những nạn nhân của Nhà nước Hồi giáo, và đặc biệt tạo điều kiện để cho những Kitô hữu đã hiện diện trong vùng gần 2000 năm được ở lại quê hương của họ. Các ngài cũng kêu gọi mỗi người thiện chí hãy không ngừng cầu nguyện cho tình trạng của những người anh em đau khổ ấy.

Và thảm trạng này không có dấu hiệu gì sẽ chấm dứt trong thòi gian sắp tới. Những Kitô hữu hôm nay là nạn nhân của những phán lệnh của những nhóm Hồi giáo cực đoan, một phần bởi vì họ không được bảo vệ bởi những cộng đồng Hồi giáo ôn hòa chính thống. Theo nghĩa đó, sự phát sinh các nhóm cực đoan như Boko Haram ở Phi Châu và ISIS là một bất hạnh của nhân loại, nhưng xem ra cũng rất “tự nhiên”, vì nó là hệ quả tất yếu do sự thất bại của cộng đồng Hồi giáo trong việc giải quyết nền tảng thần học của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.

Gần đây, sự tàn nhẫn của các nhóm Hồi giáo cực đoan đã buộc các nhà lãnh đạo Hồi giáo phải lên tiếng. Đó là những tiếng nói lẻ loi, muộn màng và hiếm hoi nhưng thực sự cần thiết. Vào ngày 11 tháng Mười Hai, các học giả Hồi giáo đã tham dự cuộc hội thảo hai ngày tại Đại Học Al-Azhar, Ai Cập về đề tài “Chống Chủ Nghĩa Cực Đoan và Khủng Bố.” Trong cuộc hội thảo, một Giáo Sĩ người Nigeria, Sheikh Ibrahim Saleh al-Hussaini, đã kêu gọi tất cả các nhà lãnh đạo Hồi giáo cùng tuyên bố các thành viên của ISIS là những người “vô đạo.” Tín hữu Hồi giáo gây chiến tranh chống lại người Hồi giáo khác là kẻ “vô đạo.” Tuy thế lời kêu gọi của ông không được hội nghị hưởng ứng và đồng ý.

Sự kiện bách hại này nhắc chúng ta, giáo dân Công Giáo Việt Nam, nhớ đến nỗi đau thương thời đạo Công Giáo bị bách hại trên quê hương. Lúc vua quan bắt giáo dân phân sáp, cấm cố, hễ ai quá khoá, là bước qua hình Thánh giá, thì quan truyền đem ra khắc hai chữ “nguyên đạo”, có ý ban khen kẻ ấy đã tuân lịnh vua mà bỏ đạo Chúa. Ngược lại những ai vững lòng kiên trung tuyên xưng đức tin, không chịu quá khoá, thì quan truyền khắc hai chữ “tả đạo” có ý phỉ báng đạo Chúa là tà đạo.

Riêng chúng ta ở trong một quốc gia tự do, dân chủ, chúng ta không phải chịu những hình thức bách hại nghiệt ngã như tình trạng ở Syria hay Iraq. Câu hỏi được đặt ra là liệu chúng ta có vì quan điểm chính trị, xã hội mà vất bỏ “căn tính” Kitô hữu của chúng ta hay không? Một số người Kitô hữu, một thời đã khai trên lý lịch của mình là “không Tôn Giáo”, một số ngần ngại nhìn nhận, tuyên xưng mình là người Kitô hữu. Vì công ăn việc làm, vì mối liên hệ đảng phái, chính trị, xã hội một số Kitô hữu đã không ngại từ bỏ lập trường tôn giáo của mình để được yên ổn, sợ tẩy chay, sợ phiền hà. Cũng bằng nhiều cách thế khác nhau, chúng ta làm ngơ hoặc vô tình ủng hộ những chính sách đi ngược lại giáo huấn của Giáo Hội.

Nhưng các bạn và tôi, chúng ta phải là những chứng nhân sống động của Chúa Kitô. Các Kitô hữu ở những nơi khác bị bách hại vì đã và đang làm chứng cho Chúa bằng chính sinh mạng của mình, còn chúng ta chỉ phải làm chứng bằng cách sống trung thành và chu toàn tuân giữ giáo huấn của Chúa Kitô và của Giáo Hội Ngài. Chúng ta phải sống và thực hành những nguyên tắc này mỗi ngày: khi chúng ta thực hiện nghĩa vụ công dân qua việc bỏ phiếu, lúc chúng ta đi mua sắm, hoặc khi chúng ta làm việc tại công xưởng, bệnh viện… Tôn giáo và nhà nước sẽ luôn mãi là hai thực tại cách biệt nhưng luôn có những tác động hỗ tương. Có những lúc xã hội, hay các tổ chức trần thế muốn áp đặt quan điểm của xã hội lên tôn giáo, hoặc muốn loại bỏ ảnh hưởng của tôn giáo trên xã hội. Đó chính là lúc xã hội cần có những Kitô hữu sẵn sàng làm vai trò chứng nhân can đảm và sống động ngay ở giữa đời. Với ảnh hưởng trên môi trường sống và làm việc, chúng ta làm chứng cho Chúa Kitô một cách sống động và hiệu quả. Giống như muôn người phản ứng lại sự tàn bạo của Nhà nước Hồi giáo, họ gióng lên tiếng nói và đòi hỏi chính quyền sở tại quan tâm giúp đỡ những người bị áp bức lưu đày. Đó cũng là là trách nhiệm của mỗi người chúng ta trong những gì chúng ta có thể làm: “Cầu nguyện, hành động, yểm trợ.”

Cầu Nguyện, Hành động, Yểm trợ. Chúng tôi là Kitô hữu.

Chắc chắn nếu Chúa hỏi chúng ta: “Abel, em của con ở đâu?” Chúng ta không muốn trả lời như Cain ngày xưa: “Con đâu phải là người giám hộ của em con.” Sáng Thế 4,9.