Thượng phụ Kirill của Chính thống Nga lên tiếng ca ngợi lập trường "cân bằng" của Vatican về cuộc xung đột ở Ukraine, trong khi lên án thái độ “bài Nga” của Giáo Hội Công Giáo Ukraine, trong một diễn từ trước các giám mục Chính thống giáo họp tại Mạc Tư Khoa.

Phát ngôn viên của Chính thống giáo Nga đã liên tục đổ lỗi cho Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Byzantine là khuấy lên sự oán giận đối với Nga, và Đức Thượng Phụ Kirill củng cố lập luận này. Ông cáo buộc rằng người Công Giáo Ukaine đã tạo ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine hiện nay khi "thúc đẩy lật đổ chính quyền Viktor Yanukovych bằng những khẩu hiệu dân tộc và bài Nga."

Tuy nhiên, Thượng Phụ Chính Thống Giáo Nga đã phân biệt Giáo Hội Công Giáo Ukraine và Tòa Thánh, nói rằng Vatican đã "luôn luôn theo đuổi một lập trường cân bằng," kêu gọi đàm phán hòa bình và cảnh báo chống lại bạo lực.

Cuối năm 1991, Liên Sô sụp đổ và Ukraine trở thành một quốc gia độc lập như ngày nay. Tuy vậy, người Nga (chiếm ¼ dân số) vẫn tiếp tục nắm giữ những chức vụ quan trọng trong guồng máy công quyền và trong các hoạt động xã hội. Cuộc 'cách mạng' đã bắt đầu khi Tổng thống Viktor Yanukovych bất ngờ chấm dứt giai đoạn cuối cùng cuả cuộc đàm phán với Liên Hiệp Châu Âu và muốn đưa đất nước Ukraine trở lại quỹ đạo của Mạc Tư Khoa.

Người dân Ukraine muốn đoạn tuyệt với Nga và hội nhập vào Liên Hiệp Châu Âu, đã tổ chức những cuộc biểu tình khổng lồ tại quảng trường Maidan Nezalezhnosti. Giáo Hội Công Giáo đã đồng hành với dân chúng Ukraine trong những cuộc biểu tình long trời lở đất. Sau khi đàn áp dã man dân chúng không thành công, Viktor Yanukovych bỏ trốn sang Nga. Quân Nga lập tức xâm lược Crimea và kích động người Nga tại miền Đông Ukraine nổi loạn.