Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Ngày Thế giới về đời sống thánh hiến lần thứ 19 tại Vatican.

Những hình ảnh mà quý vị và anh chị em vừa xem thấy là nghi thức làm phép nến và đoàn rước đông đảo gồm 50 tu sĩ nam nữ, đại diện cho các hình thái khác nhau của đời sống Thánh Hiến trong thánh lễ Đức Mẹ Dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh và cũng là Ngày Thế giới về đời sống thánh hiến lần thứ 19 do Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự tại Đền thờ Thánh Phêrô hôm thứ Hai 2 tháng 2.

Đồng tế với Đức Thánh Cha có Đức Hồng Y João Aviz de Braz, Tổng Trưởng Bộ các dòng tu, Đức Tổng Giám Mục Tổng thư ký José Rodríguez Carballo, OFM, các chức sắc của Bộ này, một số các cha Bề trên Tổng quyền, và các linh mục dòng, trước sự hiện diện của hàng ngàn tu sĩ nam nữ và giáo dân.

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha nhắn nhủ những người thánh hiến hãy đạt tới sự khôn ngoan qua sự tuân phục và tuân giữ tu luật. Ngài nhận xét rằng: “Tin mừng của ngày lễ hôm nay 5 lần nhấn mạnh đến sự tuân phục của Mẹ Maria và Thánh Giuse đối với 'Lề luật của Chúa' (Xc Lc 2,22.23.24.27.39). Chúa Giêsu không đến để làm theo ý riêng, nhưng là theo ý Chúa Cha, và đây là 'lương thực' của Ngài như chính Ngài đã nói (Xc Ga 4,34). Vì thế ai theo Chúa Giêsu thì cũng tiến bước trên con đường vâng phục, như bắt chước ‘sự hạ cố’ của Chúa, hạ mình và đón nhận ý Chúa Cha làm ý mình, đến độ tự hủy và hạ nhục chính mình (Xc Pl 2,7-8). Đối với một tu sĩ, tiến bước chính là hạ mình trong việc phục vụ. Một hành trình giống như con đường của Chúa Giêsu, Đấng ‘không giữ cho mình đặc ân như Thiên Chúa’ (Pl 2,6). Hạ mình trở nên đầy tớ để phục vụ.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng con đường ấy có hình thức là tu luật, thấm đượm đoàn sủng của vị sáng lập. Đối với mọi người, qui luật không thể thay thế được chính là Tin Mừng, là sự hạ mình của Chúa Kitô, nhưng Chúa Thánh Linh, trong tinh thần sáng tạo vô biên, cũng diễn tả điều ấy qua nhiều tu luật của đời sống thánh hiến, và tất cả các tu luật ấy đều nảy sinh từ sự bước theo Chúa Kitô, từ con đường hạ mình phục vụ”.

Đức Thánh Cha xác quyết rằng qua “luật” ấy, những người thánh hiến có thể đạt được sự khôn ngoan, đây không phải là một khả năng trừu tượng, nhưng là công trình và là hồng ân của Chúa Thánh Linh, và dấu chỉ tỏ tường của điều này chính là niềm vui. Đúng vậy, niềm vui của tu sĩ là kết quả của con đường hạ mình như Chúa Giêsu.. Và khi chúng ta buồn sầu, thì chúng ta hãy tự hỏi xem chúng ta có đang sống chiều kích hạ mình hay không”.

Đức Thánh Cha nhắc đến tấm gương của hai cụ già, Simeon và Anna, là những người ngoan ngoãn đối với Chúa Thánh Linh (Tin Mừng nhắc điều này 4 lần), được Chúa hướng dẫn và linh hoạt. Chúa đã cho họ sự khôn ngoan qua hành trình dài của cuộc sống trên con đường tuân phục lề luật, một sự tuân phục một đàng hạ nhục và hủy diệt, nhưng đàng khác đó là sự tuân phục giữ gìn và bảo đảm hy vọng, và giờ đây đầy tính sáng tạo vì đầy Thánh Linh..

Áp dụng những điều trên đây vào thực trạng của các dòng tu, Đức Thánh Cha nhắc đến sự thích ứng tu luật với thời đại và khẳng định rằng: “sự canh tân đích thực chính là một công trình của đức khôn ngoan, được hun đúc trong tinh thần ngoan ngoãn và vâng phục”.

Tăng cường và đổi mới đời sống thánh hiến diễn ra qua lòng yêu mến nồng nhiệt hơn đối với tu luật, và qua khả năng chiêm ngưỡng và lắng nghe những người cao niên trong hội dòng. Như thế “kho tàng”, đoàn sủng của mỗi gia đình dòng tu được bảo tồn nhờ sự tuân phục và khôn ngoan. Và qua con đường ấy, chúng ta được gìn giữ, tránh được tính trạng sống đời thánh hiến của chúng ta một cách 'tùy hứng' và thiếu cụ thể, như thể đó là một thứ tri thức, biến thành một sự “chế nhạo” đời tu, trong đó người ta sống theo Chúa mà không từ bỏ, cầu nguyện mà không có sự gặp gỡ, sống huynh đệ không có hiệp thông, vâng phục mà không tín thác, bác ái mà không có chiều kích siêu việt”

2. Số nữ tu đã giảm mạnh trong một thập niên vừa qua, trong khi số nam tu gần như không đổi

Nhân ngày Thế giới về đời sống thánh hiến lần thứ 19, Văn Phòng Thống Kê Trung Ương của Tòa Thánh đã đưa ra những con số thống kê cho thấy số nữ tu đã giảm mạnh trong một thập niên vừa qua, trong khi số nam tu gần như không đổi.

Năm 2002, toàn Giáo Hội có 782,932 nữ tu. Đến năm 2013 chỉ còn 693,575 chị, tức là giảm mất 89,357 chị hay 11.4%. Cái chết là nguyên nhân chính cho sự sụt giảm này.

Năm 2002, toàn Giáo Hội có 192,552 nam tu sĩ. Đến năm 2013, còn 190,267, tức là giảm mất 2,285 vị hay 1.18%.

Các dòng tu nam có đông thành viên nhất là Dòng Tên với 17,287 vị, tiếp đến là dòng Salêdiêng Don Bosco vớ 15,573 vị và dòng Anh Em Hèn Mọn với 14,123 bị.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành riêng năm nay là năm cầu nguyện cho đời sống thánh hiến, và khích lệ các Kitô hữu tái khám phá giá trị của đời sống thánh hiến. Ngài nói đó là thời gian để đổi mới và để cho thế giới thấy sức mạnh của tình huynh đệ.

Hôm 7 tháng 11 năm 2014, Đức Thánh Cha nói:

"Đời sống thánh hiến có thể giúp các Giáo Hội và toàn xã hội bằng cách đưa ra những chứng của tình huynh đệ, cho thế giới thấy rằng chúng ta có thể sống với nhau như anh em trong sự đa dạng".

3. Đức Thánh Cha công bố sẽ thăm Bosnia-Herzegovina

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 1 tháng Hai, sau khi ban phép lành cho mọi người, Đức Thánh Cha đã thông báo về cuộc viếng thăm sắp tới của Ngài.

Đức Thánh Cha nói:

“Anh chị em thân mến, tôi muốn loan báo: thứ Bẩy 6 tháng 6 tới đây, nếu Chúa muốn, tôi sẽ đến thành Sarajevo, thủ đô nước Bosnia-Herzegovina. Ngay từ bây giờ tôi xin anh chị em cầu nguyện để cuộc viếng thăm của tôi nơi các dân tộc yêu quí này là một sự khích lệ cho các tín hữu Công Giáo, khơi dậy những men thiện hảo và góp phần củng cố tình huynh đệ và hòa bình, đối thoại liên tôn và thân hữu”

Sarajevo chỉ cách Rôma một giờ bay và là thủ đô của nước Bosnia-Herzegovina rộng hơn 51 ngàn cây số vuông với 3 triệu 700 ngàn dân cư, đông nhất là người Hồi giáo 43%, tiếp đến là các tín hữu Chính Thống Serbi gần 30% và sau cùng là các tín hữu Công Giáo 18%, đa số là người gốc Croát. Chiến tranh giữa 3 nhóm dân này đã diễn ra trong 4 năm từ năm 1991 đến 1995 làm 100,000 người bị thiệt mạng. Nhiều tội phạm chiến tranh vẫn đang bị truy nã.

4. Đức Thánh Cha tái liên đới với các tín hữu Kitô Trung Đông

Sáng ngày 30 tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô tái liên tiếng bày tỏ tình liên đới và kêu gọi cầu nguyện cho các tín hữu Kitô bị bách hại tại Trung Đông, nhất là tại Syria và Iraq.

Ngài trình bày lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến 30 thành viên Ủy ban hỗn hợp quốc tế đối thoại thần học giữa Công Giáo và các Giáo Hội Chính Thống Đông Phương nhóm họp tại Roma trong một tuần qua. Đức Thánh Cha nói:

“Trong lúc này, chúng ta đặc biệt chia sẻ nỗi kinh hoàng và đau khổ vì những gì xảy ra tại Trung Đông, đặc biệt tại Iraq và Syria. Tôi nhớ đến tất cả mọi người dân trong vùng, trong đó có các anh chị em Kitô chúng ta và nhiều nhóm thiểu số, đang phải chịu những hậu quả của cuộc xung đột cam go. Cùng với anh em, tôi cầu nguyện hằng ngày để sớm có một giải pháp thương thuyết, và khẩn cầu lòng từ nhân thương xót của Thiên Chúa đối với những người bị thương tổn vì thảm trạng bao la này.”

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng:

“Tất cả các tín hữu Kitô đều được mời gọi cộng tác với nhau trong sự chấp nhận và tín nhiệm nhau để phục vụ chính nghĩa hòa bình và công lý. Ước gì nhờ lời chuyển cầu và tấm gương của nhiều vị tử đạo và các thánh, đã can đảm làm chứng tá cho Chúa Kitô trong tất cả các Giáo Hội chúng ta, nâng đỡ và củng cố anh em cùng với các cộng đoàn của anh em”.

Trước đó trong phần đầu bài diễn văn, Đức Thánh Cha nhắc đến quá trình hoạt động từ năm 2003 của Ủy ban hỗn hợp đối thoại gồm đại diện của Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất Kitô và các Giáo Hội Chính Thống Đông phương. Trong 10 năm đầu, Ủy ban đã nhìn lại quá khứ và cứu xét sự hiệp thông của các Giáo Hội với nhau trong những thế kỷ đầu tiên, và trong cuộc gặp gỡ lần này, Ủy ban đã nghiên cứu sâu rộng về bạn chất của các bí tích, nhất là bí tích Rửa Tội.

Đức Thánh Cha nói: “Tôi cầu mong công việc mà anh em đã khởi sự có thể mang lại thành quả dồi dào cho việc nghiên cứu chung về thần học và giúp chúng ta ngày càng sống tình thân hữu huynh đệ sâu xa hơn”.

Trong Ủy ban hỗn hợp đối thoại thần học này, ngoài Công Giáo còn có đại diện của 7 Giáo Hội Chính Thống Đông Phương, như Giáo Hội Copte Ai Cập, Giáo Hội Arméni Tông truyền (Arméni, Liban), Giáo Hội Chính Thống Ethiopia, Eritrea, Siro Malankara (Ấn độ).

Ngoài ra cũng có Ủy Ban hỗn hợp quốc tế đối thoại thần học giữa Giáo Hội Công Giáo và 14 Giáo Hội Chính Thống, đông đảo hơn với gần 60 thành viên

5. Thay đổi nghi thức trao dây Pallium cho các vị Tổng Giám Mục chính tòa

Theo quyết định mới của Đức Thánh Cha Phanxicô, dây Pallium từ nay sẽ được trao cho vị Tổng Giám Mục đứng đầu giáo tỉnh trong một buổi lễ tại chính ngay giáo phận của ngài.

Trong thư đề ngày 12 tháng Giêng gửi đến các vị Sứ thần và Khâm Sứ Tòa Thánh trên thế giới, Đức Ông Guido Marini, Trưởng Ban nghi lễ phụng vụ của Tòa Thánh, đã thông báo quyết định trên đây của Đức Thánh Cha.

Dây Pallium là dây làm bằng lông chiên màu trắng có 6 hình thánh giá màu đen, biểu tượng quyền của vị TGM đứng đầu giáo tỉnh và sự hiệp thông với Đức Thánh Cha. Vị TGM đeo dây này ở cổ và vai như vị mục tử nhân lành vác chiên trên vai. Cho đến nay, các vị TGM chính tòa vẫn về Roma để nhận dây Pallium từ Đức Thánh Cha trong thánh lễ ngài cử hành ngày 29-6, lễ kính thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ, trừ trường hợp ngoại lệ, dây này được vị Đại Diện Tòa Thánh trao trong một buổi lễ tại Giáo Hội địa phương.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican hôm 29 tháng Giêng, Đức Ông Guido Marini nói:

“Ý nghĩa sự thay đổi này là làm nổi bật hơn quan hệ giữa vị tân TGM chính tòa với Giáo Hội địa phương của các vị, và để tạo cơ hội cho nhiều tín hữu được hiện diện tại nghi thức rất ý nghĩa đối với họ, và nhất là là cho các Giám Mục thuộc hạt - trong cùng một giáo tỉnh -, để tham dự lễ trao dây Pallium. Theo chiều hướng đó, ý nghĩa buổi lễ ngày 29-6 vẫn được giữ nguyên, tức là nhấn mạnh mối giây hiệp thông và cũng là sự hiệp thông theo phẩm trật giữa Đức Thánh Cha và các vị tân TGM chính tòa, và đồng thời, qua sự trao giây này ở địa phương, có thêm mối liên hệ với Giáo Hội địa phương”.

Theo quyết định mới, dây Pallium vẫn được Đức Thánh Cha làm phép trong ngày 29 tháng 6 tại Đền thờ Thánh Phêrô, trong thánh lễ đồng tế với các vị tân Tổng Giám Mục chính tòa, như thói quen từ trước đến nay, nhưng Đức Thánh Cha chỉ trao giây này cho các vị theo thể thức riêng và đơn sơ. Sau đó, tại giáo phận thuộc quyền, lễ nghi trao giây Pallium sẽ được tổ chức trong một lễ nghi trọng thể, trong đó vị Đại diện Tòa Thánh, được Đức Thánh Cha ủy quyền, trao cho vị tân TGM chính tòa trước sự hiện diện của các GM trong cùng giáo tỉnh và các tín hữu.

Quyết định của Đức Thánh Cha không thay đổi khoản giáo luật khoản số 437 triệt 1 theo đó, vị tân Tổng Giám Mục chính tòa phải đích thân hoặc nhờ đại diện xin Đức Thánh Cha ban dây Pallium trong vòng 3 tháng sau khi thụ phong Giám Mục, hoặc nếu đã là Giám Mục rồi thì tính từ lúc được bổ nhiệm.

6. Một linh mục Dòng Cát Minh sẽ giảng tĩnh tâm Mùa Chay cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô và các thành viên của Giáo triều Rôma

Cha Bruno Secondin, một linh mục Dòng Cát Minh đang giảng dạy tại Đại học Giáo hoàng Gregoriô ở Rôma, sẽ giảng tĩnh tâm Mùa Chay cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô và các thành viên của Giáo triều Rôma.

Tuần tĩnh tâm tập trung vào tiên tri Ê-lia, sẽ diễn ra từ ngày 22 đến 27 Tháng Hai, tức là Tuần Thứ Nhất Mùa Chay, tại một nhà tĩnh tâm ở Ariccia, một thành phố nhỏ gần ngoại ô Rôma. Đây là nhà tĩnh tâm của các cha dòng Thánh Phaolô. Năm ngoái, tuần tĩnh tâm Mùa Chay cũng đã diễn ra tại đây từ 9 đến 14 tháng Ba. Vị thuyết giảng trong dịp này là Đức Ông Angelo De Donatis, một cha sở của giáo phận Rôma.

Truyền thống Đức Giáo Hoàng và giáo triều Rôma tham dự tuần tĩnh tâm đã có từ năm 1925. Trong 39 năm sau đó, các tuần tĩnh tâm này chỉ diễn ra vào Mùa Vọng. Đến năm 1964, Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục mới đề ra Tuần tĩnh tâm Mùa Chay và cũng mở rộng danh sách các vị thuyết giảng. Cho đến lúc đó, các vị giảng thuyết đều là các cha dòng Tên.

Thông thường, tuần tĩnh tâm của giáo triều Rôma được tổ chức tại nhà nguyện Redemptoris Mater – Mẹ Đấng Cứu Chuộc - trong dinh Tông Tòa của Tòa Thánh. Năm ngoái, trước khi thôi giữ chức Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Đức Hồng Y Tarcisio Bertone đã thông báo ý định của Đức Thánh Cha muốn tổ chức tĩnh tâm bên ngoài Vatican.

7. Tòa Thánh thay đổi truyền thống thả chim bồ câu hòa bình

Tòa Thánh đã phải thay đổi một cử chỉ truyền thống là thả chim bồ câu sau những khiếu nại của các nhóm bảo vệ động vật ở Ý.

Trong nhiều năm, vào ngày Chúa Nhật cuối cùng của tháng Giêng, Đức Giáo Hoàng cùng với hai trẻ em thuộc Công Giáo Tiến Hành Italia sẽ thả một cặp bồ câu trắng trong trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật. Nhưng năm ngoái, cử chỉ hòa bình này đã ngay lập tức được đáp lại bằng bạo lực: hai chú chim bồ câu đã bị hai con chim lớn tấn công khiến anh chị em tín hữu tại quảng trường Thánh Phêrô phải hồi hộp lo lắng.

Cuối cùng, hai chú chim bồ câu cũng thoát nạn. Tuy nhiên, các nhóm bảo vệ động vật phàn nàn rằng việc thả chim bồ câu nhỏ ở trung tâm của Rôma có thể là dành cho chúng một bản án tử hình. Vì thế, năm nay, bong bóng đã được thả để thay thế.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II có lần đã thả một cặp bồ câu trong dịp này nhưng những con chim bồ câu lại quay lại cửa sổ phòng làm việc của ngài, không chịu bay đi.

8. Đức Thánh Cha đề cao nông nghiệp

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi đề cao vai trò của giới nông dân, bài trừ nạn nghèo đói và bảo tồn môi sinh.

Trong buổi tiếp kiến sáng 31 tháng Giêng, dành cho 200 đại diện của Liên đoàn toàn quốc nông dân Italia, nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Liên đoàn, Đức Thánh Cha khẳng định rằng: “Không có nhân loại nếu không có sự canh tác đất đai; không có đời sống tốt đẹp nếu không có lương thực mà đất đai sản xuất cho con người thuộc mọi đại lục. Vì thế ngành nông nghiệp có một vai trò chủ yếu. Hoạt động của những người canh tác, quảng đại dành thời giờ và năng lực cho công tác này, thực là một ơn gọi đích thực. Ơn gọi này đáng được nhìn nhận và đánh giá một cách thích hợp, cả trong những chọn lựa cụ thể về chính trị và kinh tế”.

Trong ý hướng đó, Đức Thánh Cha kêu gọi loại bỏ những chướng ngại đe dọa ngành nông nghiệp, khiến cho các thế hệ trẻ không còn cảm thấy được thu hút dấn thân trong canh nông nữa.

Cũng trong chiều hướng này, Đức Thánh Cha mời gọi chú ý đến tình trạng nghèo đói vẫn còn đè nặng trên rất nhiều người trong nhân loại. Ngài nói: “Sự tuyệt đối hóa các qui luật thị trường, nền văn hóa gạt bỏ và phung phí lương thực đã lên tới mức độ không thể chấp nhận được, cùng với những yếu tố khác, đang gây đau khổ và lầm than cho bao nhiêu gia đình. Vì thế cần xét lại tường tận hệ thống sản xuất và phân phối lương thực”.

Đức Thánh Cha cũng nhận xét rằng con người không những được kêu gọi canh tác đất đai nhưng còn bảo tồn đất nữa. Hai điều này có liên hệ mật thiết với nhau. Mỗi nông dân đều biết rõ thật là khó canh tác trong một thời đại có những biến đổi mau lẹ về khí hậu và những biến cố khí hậu thái cực ngày càng lan tràn. Làm sao tiếp tục sản xuất lương thực tốt cho cuộc sống của mọi người, khi mà sự ổn định khí hậu bị lâm nguy, khi mà không khí, nước và đất đai không còn tinh khiết vì bị ô nhiễm?

Sau cùng, Đức Thánh Cha cũng cổ võ một nền nông nghiệp ít ảnh hưởng tiêu cực tới môi sinh: làm sao để việc canh tác của chúng ta đồng thời cũng là một công trình bảo tồn đất đai? Chỉ như thế các thế hệ tương lai mới có thể tiếp tục ở trên trái đất và canh tác đất đai”.

9. Hai Giám Mục Việt Nam tham dự Thượng Hội đồng Giám Mục thế giới thứ 14

Hôm 31 tháng Giêng, Văn phòng Thượng Hội Đồng Giám Mục đã công bố danh sách các nghị phụ đại biểu sẽ tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới về gia đình vào tháng 10 năm nay. Các vị do các Hội Đồng Giám Mục liên hệ bầu lên và được Đức Thánh Cha phê chuẩn.

Hai đại biểu được Hội Đồng Giám Mục Việt Nam bầu lên là Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, Tổng Giám Mục Sàigòn, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, và Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám Mục Phụ tá giáo phận Xuân Lộc. Đại biểu dự khuyết là Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Giám Mục giáo phận Mỹ Tho.

Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới kỳ thứ 14 sẽ tiến hành tại Roma từ ngày 4 đến 25-10-2015 về chủ đề “Ơn gọi và sứ mạng của gia đình trong Giáo Hội và trong thế giới ngày nay”.

Theo qui luật hiện hành (điều 6,1,3), các Hội Đồng Giám Mục có dưới 25 thành viên thì được bầu 1 đại biểu, từ 26 đến 50 thành viên được bầu 2 đại biểu, từ 51 đến 100 thì được 3 đại biểu, từ 100 trở lên thì được 4 đại biểu. Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ và Pháp, mỗi nước có 4 đại biểu, và có 2 thành viên dự khuyết.

Ngoài ra, có các nghị phụ do Đức Thánh Cha bổ nhiệm. Con số các vị chiếm tối đa 15% tổng số các nghị phụ.

Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới kỳ thứ 13 tiến hành tại Roma từ ngày 7 đến 28-10-2012 về chủ đề “Tái truyền giảng Tin Mừng để thông truyền đức tin Kitô”, có 262 nghị phụ.

10. Phim mới ca ngợi những nỗ lực cứu giúp người Do Thái của Đức Giáo Hoàng Piô XII

Một bộ phim mới có tưạ đề “Shades of Truth”, nêu bật những nỗ lực cứu giúp người Do Thái của Đức Piô XII trong suốt thời gian xảy chiến dịch diệt chủng của người Do Thái của Đức Quốc Xã sẽ được chính thức ra mắt vào ngày 1 tháng Tư năm nay.

Tờ Quan Sát Viên Rôma cho biết bộ phim sẽ được giới thiệu trước tại Vatican vào ngày 02 tháng 3, và sau đó chiếu tại liên hoan phim Cannes trước khi công chiếu rộng rãi.

Vị tôi tớ Chúa là Đức Giáo Hoàng Piô XII đã dẫn dắt Giáo Hội trong một thời kỳ rất khó khăn từ 2 tháng Ba năm 1939 đến khi ngài qua đời ngày 9 tháng 10 năm 1958; tức là 19 năm 7 tháng và 7 ngày.

Sau thế chiến thứ Hai, ngài dành được rất nhiều cảm tình và lòng biết ơn của người Do Thái.

Moshe Sharett, Ngoại trưởng đầu tiên của Do Thái và sau đó là phó Thủ tướng Do Thái, đã từng cho biết như sau:

“Tôi nói với Đức Piô XII rằng nghĩa vụ đầu tiên của tôi là cám ơn ngài và qua ngài cám ơn Giáo Hội Công Giáo, nhân danh những người Do Thái, vì những gì các vị đã làm trong nhiều quốc gia để cứu thoát người Do Thái. Chúng tôi chân thành ghi ân Giáo Hội Công Giáo.”

Golda Meir, Thủ tướng Do Thái đã khóc thương Đức Piô XII như sau:

“Chúng ta chia sẻ nỗi đau chung của nhân loại trước sự qua đi của Đức Piô XII. Khi cuộc tử đạo đáng sợ xảy đến cho dân tộc chúng ta trong thập niên kinh hoàng của chủ nghĩa Quốc Xã Đức, tiếng nói của Đức Giáo Hoàng đã cất lên cho các nạn nhân. Đời sống trong thời đại chúng ta đã được phong phú hóa bởi một tiếng nói xuất phát từ những sự thật luân lý cao cả vượt lên trên những chao đảo của cuộc xung đột hàng ngày. Chúng ta than khóc một vĩ nhân phụng sự hòa bình.”

Dưới ảnh hưởng của những xuyên tạc lịch sử thêu dệt bởi cộng sản, các phe nhóm cực hữu và cả một số thành phần Công Giáo bất mãn với Giáo Hội như John Cornwell, một cựu chủng sinh, là người đã rất xông xáo trong chiến dịch phỉ báng Đức Piô XII với những cuốn sách như Hitler's Pope, nhiều người lầm tưởng là Đức Piô XII đã làm rất ít hay chẳng làm gì cả để cứu người Do Thái.

Cuốn phim do đạo diễn Liana Marabini thực hiện giở lại hơn 100,000 tài liệu và phỏng vấn hàng loạt những người có liên quan để tìm ra sự thật và tuyên dương lòng bác ái anh hùng của Đức Piô XII.

Trong phim, một nhà ngoại giao Do Thái, ông Pinchas Lapicide, người đã từng viết cuốn Three Popes and the Jews khẳng định Đức Piô XII là "người đóng vai trò quyết định trong việc cứu thoát tối thiểu 700,000 người Do Thái, nhưng có lẽ phải đến 860,000 người khỏi cái chết cầm chắc trong tay dưới nanh vuốt của Quốc Xã Đức".

Một người khác là nhà viết sử người Hung Gia Lợi, ông Jeno Levai, trưng ra những sử liệu lấy từ văn khố Tòa Thánh và các quốc gia để chứng minh rằng Đức Sứ Thần Tòa Thánh tại Hung và các Đức Giám Mục "đã can thiệp đi can thiệp lại theo những chỉ thị của Đức Piô XII" và nhờ những nỗ lực này "trong mùa thu và mùa đông 1944, không có một nhà thờ Công Giáo nào tại Budapest lại không mở rộng vòng tay chứa chấp những người Do Thái đang trốn chạy".

11. Hội nghị truyền giáo ở châu Âu

Phát biểu tại một hội nghị 3 ngày về truyền giáo ở châu Âu, Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về cổ vũ Tân Phúc Âm Hóa, cho biết:

“Giáo Hội thông truyền cho mọi thế hệ tất cả những gì Giáo Hội là. Bản chất của Giáo Hội là rao giảng Tin Mừng. Chúng ta đang họp nhau đây để làm rõ bất cứ điều gì hữu ích cho sứ mệnh đó.”

Hội nghị, quy tụ 40 thành viên đại diện cho các hội đồng giám mục châu Âu, đã kết thúc vào ngày 29 tháng Giêng. Đức Cha Nicholas Hudson, Giám Mục phụ tá của tổng giáo phận Westminster, Anh quốc, nói rằng có hai ý tưởng chính, mà ngài xem là cốt lõi trong thông điệp Niềm Vui Phúc Âm do Đức Giáo Hoàng Phanxicô đưa ra:

“Đầu tiên là việc dạy giáo lý phải giúp ích cho việc loan báo Tin Mừng; thứ hai giáo lý cần phải được kết hợp với linh đạo.”

12. Một Giám Mục và 50 linh mục, giáo dân bị cướp ở Venezuela

"Chúng tôi không thể tiếp tục như thế này, tôi không nhìn thấy hành động cụ thể nào chống lại bạo lực", Đức Cha Mariano José Parra Sandoval, Giám mục giáo phận Ciudad Guyana, Venezuela đã viết thư cho chính phủ nước này như trên sau khi bị cướp, cùng với 50 người khác trong một cuộc họp giáo xứ vào ngày 27 tháng Giêng.

"Lúc 8:00 tối, khi bước gần đến hội trường của giáo xứ Virgen del Valle, ở Ciudad Guyana, tôi cảm thấy mọi thứ đều rất yên tĩnh xung quanh. Nhưng ngay khi tôi bước vào nhiều tiếng quát tháo bắt tôi phải nằm xuống sàn nhà". Vị giám mục cho báo chí địa phương biết như trên.

Ngài nói thêm: "Tôi đã nói chuyện với thống đốc tiểu bang là chúng ta không thể tiếp tục như thế này. Tiền được chi vào rất nhiều thứ, nhưng chính phủ chẳng dành chút nào cho chi phí bảo vệ an toàn cho các công dân".

Bản tin của thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc hôm 30 tháng Giêng tường thuật rằng cha chính xứ, và hai linh mục khác, coi sóc các giáo xứ lân cận đã cho biết rằng từ đầu năm 2015 đến nay đây là lần thứ năm kẻ cướp đã tấn Công Giáo xứ này. Đức Cha Sandoval đã bị cướp đi một điện thoại cầm tay và một laptop.

Ngài nói thêm: “Chúng ta không thể đóng cửa nhà thờ vì mất an ninh. Chúng ta cần dạy người trẻ sống không bạo lực. Nhưng một điều chắc chắn, là hiện nay chúng ta không sống an toàn trong xã hội Venezuela.".

Tuyệt vọng và thiếu an ninh tại các thành phố của Venezuela đang đẩy các nhóm thanh niên tấn công người đi đường chỉ vì một vài đô la. Phạm pháp đô thị đã tăng lên và nhiều người tin rằng đó là hậu quả của tình hình kinh tế khủng khiếp mà đất nước đang trải qua.

13. Giáo Hội Công Giáo tại Ai Cập cảm thấy dễ thở hơn một chút dưới thời tổng thống mới

Kitô hữu Ai Cập đã nhìn thấy quyền lợi của họ được chú ý hơn nhiều dưới chính quyền của Tổng thống Abd al-Sisi. Người phát ngôn của Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Ai Cập cho thông tấn xã AsiaNews biết như trên.

Cha Rafic Greiche nói rằng ba giấy phép xây dựng mới các nhà thờ Công Giáo đã được phê chuẩn. Ngài lưu ý rằng giấy phép xây các nhà thờ Kitô giáo chưa bao giờ được cấp dưới thời gian cai trị của cựu Tổng thống Hosni Mubarak, cũng như chính phủ Hồi giáo cực đoan của tổng thống Mohamed Morsi là người đã bị quân đội lật đổ và bắt giam hôm 3 tháng 7 năm 2013.

Cha Rafic Greiche nói thêm: “Một số đơn xin phép xây dựng nhà thờ đã được nộp từ hơn một thập kỷ qua. Chính phủ mới cuối cùng đã bắt đầu phê duyệt các đơn xin này.”

Quốc hội mới của Ai Cập sẽ thảo luận về những thể chế đổi mới quá trình phê duyệt các nơi phụng tự. Trong một diễn biến đáng khích lệ, chính phủ đã mời các nhà lãnh đạo Kitô giáo giúp soạn thảo các quy luật mới.

14. Đức Hồng Y Malcolm Ranjith ca ngợi những nỗ lực hòa giải quốc gia của tân tổng thống

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại Sri Lanka đã có những thành quả nhãn tiền. Đó là những nhận định của Đức Hồng Y Malcolm Ranjith, Tổng Giám Mục thủ đô Colombo và cũng là nhà lãnh đạo cao cấp nhất tại quốc gia này.

Trong một diễn biến ngoạn mục, tổng thống Maithripala Sirisena đã quyết định trả lại cho nhiều gia đình người Tamil những đất đai bị trưng dụng làm doanh trại quân đội sau khi quân chính phủ chiến thắng quân nổi dậy Hổ Tamil trong cuộc chiến kéo dài từ 23 tháng 7 năm 1983 đến ngày 18 tháng 5 năm 2009.

Một số đơn vị quân đội đã được triệt thoái khỏi vùng này. Tổng thống Maithripala Sirisena cho rằng sự hiện diện của quân đội nhằm ngăn chặn một cuộc nổi dậy khác của người Tamil là “không cần thiết”. Một phần đáng kể đất đai của người Tamil đã bị các sĩ quan chia chác nhau để xây nhà riêng và các sân golf. Những phần đất này cũng sẽ được trả lại.

Nhà lãnh đạo Công Giáo hàng đầu của Sri Lanka cũng ca ngợi tổng thống vì những nỗ lực của ông nhằm thúc đẩy sự hòa hợp tôn giáo.

Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc cho biết thêm là ông Sirisena đã bổ nhiệm các chức sắc Phật giáo, Ấn Độ giáo, và người Công Giáo để lãnh đạo các văn phòng chính phủ về Phật giáo, Ấn Độ giáo, và Kitô giáo sự vụ.

Đức Hồng Y Malcolm Ranjith nói: “Thật là tốt đẹp khi thấy các cơ quan này được giao cho những người thuộc các tín ngưỡng khác nhau, là các tín hữu của các tôn giáo tương ứng". Ngài nói thêm rằng tổng thống mới "đã thực hiện những biện pháp quan trọng trong việc bảo đảm các quy định của pháp luật trong nước được thực hiện nghiêm chỉnh, thúc đẩy hòa bình và sự hài hòa giữa các cộng đồng khác nhau."

15. Thêm một thảm họa Charlie Hebdo

Hơn 200 người Hồi giáo, tức giận bởi biếm họa châm chích Muhammad trong một ấn phẩm của tờ Charlie Hebdo ở Paris, đã tấn công vào một trường nam sinh ở Pakistan và buộc trường này phải đóng cửa. Agence France-Presse cho biết như trên hôm 27 tháng Giêng.

Vụ tấn công xảy ra ở Bannu, một thành phố thuộc tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, là một tỉnh biên giới giáp ranh với Afghanistan. Bốn học sinh của trường bị thương, và nhiều cửa sổ bị đập vỡ.

Những kẻ tấn công sau đó đã cảnh cáo các thầy cô giáo và buộc nhà trường phải đóng cửa vô thời hạn.

16. Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha trong Tháng Hai

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Trong tháng Hai, ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha Phanxicô như sau:

- Ý chung: Cầu cho các tù nhân, nhất là các tù nhân trẻ, có cơ hội để gầy dựng lại cuộc sống đúng nhân phẩm.

- Ý truyền giáo: Cầu cho các cặp vợ chồng đã ly thân được các cộng đoàn Kitô hữu đón nhận và giúp đỡ.

17. Vatican “tấn công” phẫu thuật thẩm mỹ

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Trong phần sau chúng tôi xin giới thiệu với quý vị và anh chị em một trong những câu chuyện thời sự tuần qua được nhiều phương tiện truyền thông đề cập đến với những hàng tít giật gân như “Vatican ‘tấn công’ phẫu thuật thẩm mỹ.

Theo thống kê của Hội Giải Phẩu Thẩm Mỹ Hoa Kỳ, Brazil là nước đứng đầu thế giới về số ca giải phẩu thẩm mỹ trong năm 2013 với 1,491, 721 ca. Hoa Kỳ đứng thứ hai với 1,452, 356 ca. Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng Nam Hàn mới là quốc gia đứng đầu về Giải Phẩu Thẩm Mỹ. Trong năm 2014, Bộ Du Lịch và Di Trú Đại Hàn ghi nhận 7.5 triệu người đã đến sửa sắc đẹp tại Hán Thành, nơi có cả một làng gồm toàn các thẩm mỹ viện.

Những hình ảnh mà quý vị và anh chị em đang xem thấy là một trong những show quảng cáo hàng ngày hàng giờ của các đài truyền hình Nam Hàn cho GangNam tức là cho các dịch vụ sửa sắc đẹp.

Người phụ nữ lao động lam lũ này có 3 đứa con. Sau khi sửa sắc đẹp, cô ta đẹp như tiên. Cô tiến ra khán đài trước sự trầm trồ của các phụ nữ khác. Cô đẹp lộng lẫy đến mức chỉ có anh chồng còn nhìn ra được cô ta là vợ mình. Tất cả ba đứa con, không đứa nào còn nhận ra được đó là mẹ của chúng.

Tài liệu mới của Vatican đã lên án phẫu thuật thẩm mỹ phụ nữ, gọi đó là "một tấn kích đối với căn tính phụ nữ."

Tài liệu này được hình thành ra bởi một nhóm phụ nữ cố vấn cho Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa và sẽ được dùng như một hướng dẫn thảo luận trong khóa họp khoáng đại về những vấn đề liên quan đến phụ nữ trong Giáo Hội kéo dài từ 04 đến 07 tháng Hai dưới sự chủ toạ của Đức Hồng Y Gianfranco Ravasi.

Tài liệu có đoạn viết "phẫu thuật thẩm mỹ giống như một Burqa làm bằng thịt." Burqa là áo choàng truyền thống mà phụ nữ Hồi giáo thường mặc nơi công cộng.

Tài liệu cảnh báo chống lại những phẫu thuật thẩm mỹ nói "phẫu thuật thẩm mỹ không xuất phát từ nhu cầu cần được điều trị y khoa có thể là một tấn kích đối với bản sắc nữ tính. Nó cho thấy một sự từ chối cơ thể đến mức phủ nhận những 'hương vị' lẽ ra phải được tôn trọng trong cuộc sống".

Những chỉ trích về phẫu thuật thẩm mỹ tự chọn là một phần trong một phân tích rộng hơn về những thách thức mà người phụ nữ hiện đại phải đối diện trong Giáo Hội và xã hội.

Tờ Christian Post ghi nhận rằng tài liệu về phẫu thuật thẩm mỹ của Tòa Thánh được đưa ra trùng hợp với tuyên bố của siêu người mẫu Andressa Urach của Brazil, người đã quả quyết là sửa sắc đẹp là một tội lỗi.

Siêu người mẫu Andressa Urach, xướng ngôn viên của nhiều chương trình truyền hình Brazil, năm nay 27 tuổi, đang cố giành giật lại mạng sống sau một ca giải phẩu thẩm mỹ ở bệnh viện Conceiaicao ở Porto Alegere. Có lúc các bác sĩ nghĩ rằng Andressa Urach đã qua đời. Tuy nhiên, hiện cô vẫn còn sống. Cô nói với tờ Daily Mail là cô tin đã từng vượt qua lằn ranh của cuộc sống và gặp gỡ Chúa.

Cô nói:

"Tôi biết rằng tôi đã rời khỏi cơ thể của tôi và đã chết. Tôi đã đến một chỗ hoang vắng, giống như một sa mạc, hoàn toàn im lặng. Đó là khi tôi biết rằng Thiên Chúa thực sự hiện hữu. Tôi cảm thấy sự hiện diện của Ngài. Tôi biết tôi đang đứng trước ngày chung thẩm của mình. Cuộc sống của tôi lóe lên trước mắt tôi như một bộ phim. Tôi cảm thấy xấu hổ và biết tôi không xứng đáng được lên thiên đàng. Tôi cầu xin sự tha thứ và cầu xin Chúa cho tôi một cơ hội khác, và hứa sẽ hoán cải."

Andressa Urach nói cô không nghĩ là cô đủ sức chống lại trào lưu “nghiện” sửa sắc đẹp của phụ nữ ở Brazil nhưng cô sẽ chiến đấu chống lại não trạng này đến hơi thở cuối cùng.

18. Vatican sẽ cung cấp cho người vô gia cư ở Rôma chỗ cắt tóc và cạo râu miễn phí

Vatican sẽ cung cấp cho người vô gia cư ở Rôma không chỉ các phòng tắm mà thôi nhưng còn cả chỗ cắt tóc và cạo râu khi cơ sở mới được khánh thành vào tháng Hai, người đứng đầu văn phòng bác ái của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cho biết như trên.

Năm ngoái, Tòa Thánh công bố sẽ cung cấp các phòng tắm vòi sen ở quảng trường Thánh Phêrô cho những người vô gia cư. Tờ Avvenire, tức là Tương Lai, hôm thứ Năm 29 tháng Giêng trích thuật lời Đức Tổng Giám mục Konrad Krajewski cho biết Vatican cũng sẽ cung cấp chỗ cắt tóc và cạo râu bắt đầu từ ngày 16 tháng 2 tại một khu vực dưới hàng cột của quảng trường Thánh Phêrô.

Đức Tổng Giám mục Konrad Krajewski, với chức danh chính thức là Quan Phát Chẩn của Đức Giáo Hoàng, cho biết nhiều thợ hớt tóc tại kinh thành Rôma đã tình nguyện cắt tóc và cạo râu miễn phí cho người vô gia cư vào thứ Hai hàng tuần, là ngày mà các cửa hàng của họ theo thói quen sẽ đóng cửa.

Tờ báo cho biết những người thợ hớt tóc tại kinh thành Rôma tốt lành này đã tặng ghế, dụng cụ cắt tóc và gương.

Đức Tổng Giám mục Konrad Krajewski đã đưa ra ý tưởng xây dựng nhà tắm tại Quảng trường Thánh Phêrô vào năm ngoái sau khi ngài mời một người vô gia cư đi ăn với ngài nhưng người này từ chối và nói rằng người ông rất hôi vì không tìm được chỗ tắm rửa.

Đề nghị của Đức Tổng Giám mục đã ngay lập tức nhận được sự ủng hộ của Đức Thánh Cha với các dự án vòi sen và sau đó mở rộng thêm việc cắt tóc và cạo râu.

19. Mở án phong chân phước cho chị Chiara Lubich, người sáng lập phong trào Focolare

Tiến trình điều tra để phong Chân Phước cho chị Chiara Lubich, người sáng lập phong trào Focolare, tức là Tổ Ấm, đã được bắt đầu ở cấp giáo phận vào hôm thứ Ba 27 tháng Giêng dưới hình thức một buổi kinh chiều tại nhà thờ chính tòa Frascati, gần Rôma.

Chị Chiara Lubich đã được sinh ra ở Trento, miền Bắc nước Ý. Chị đã thành lập Phong trào Quốc tế Focolare, mà đặc sủng là thúc đẩy hòa bình và sự hiệp nhất của tất cả mọi người, ở Frascati.

Trong một thông điệp gởi đến những người tham dự buổi lễ, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh nói Đức Giáo Hoàng Phanxicô hy vọng rằng gương sáng của chị Chiara Lubich sẽ truyền cảm hứng cho "sự canh tân lòng trung thành với Chúa Kitô và lòng quảng đại phục vụ cho sự hiệp nhất của Giáo Hội" giữa những người đã noi theo di sản tinh thần quý giá của cô.

Đức Hồng Y Parolin nói Đức Giáo Hoàng cũng mong mỏi cuộc đời và các tác phẩm của chị Chiara Lubich sẽ được các tín hữu trên toàn thế giới biết đến nhiều hơn.

Chị Chiara Lubich (tên rửa tội là Silvia) sinh tại thành phố Trentô, miền Bắc Italia, vào năm 1920. Năm 1943, giữa thời thế chiến thứ hai, cùng với vài người bạn, Chị Chiara Lubich đã bắt đầu sống thực hành giáo huấn phúc âm trong cảnh sống hằng ngày. Nhóm bạn sống phúc âm này quy tựu lại với nhau thành một cộng đoàn nhỏ, gọi là "Focolare", tức "Tổ Ấm", khai sinh một phong trào sống phúc âm giữa đời, mà hiện nay được biết đến với tên gọi "Phong Trào Tổ Ấm", có mặt tại 182 quốc gia, thuộc khắp năm châu, với khoảng 4 triệu thành viên. Ðiều đặc biệt là trong số thành viên của Phong Trào "Tổ Ấm", có cả những thành viên kitô, nhưng không phải là Công Giáo, đến từ 350 Giáo Hội kitô, hoặc cộng đồng Giáo Hội kitô khác nhau. Và có cả những anh chị em hồi giáo, do thái giáo, phật giáo, ấn độ giáo, lão giáo, vân vân,... đến sinh hoạt trong phong trào. Như thế, với dòng thời gian, từ một "tổ ấm" nhỏ sống tinh thần phúc âm, một phong trào lớn được khai sinh, dựa trên tinh thần tu đức hiệp thông, quy tụ những con người thuộc mọi lứa tuổi, chủng tộc, văn hoá, ngôn ngữ, ngành nghề, hoàn cảnh xã hội. Ðó là những con người dấn thân trở thành "men tình yêu thương", nhắm xây dựng một thế giới liên đới hơn, hiệp nhất hơn.

Nhìn chung, trong hơn 60 năm sinh hoạt, Phong Trào Tổ Ấm do chị Chiara Lubich sáng lập và làm chủ tịch, đã gợi hứng và khai sinh biết bao sáng kiến cụ thể, cho người lớn, cũng như cho các bạn trẻ và cho cả những trẻ nhỏ nữa.

Dấn thân của Chị Chiara Lubich đã mang lại nhiều giải thưởng tôn vinh chính cá nhân của Chị: năm 1977, Chị được giải thưởng Templeton vì sự Tiến Bộ Tôn Giáo; năm 1996, giải thưởng của UNESCO vì sự nghiệp giáo dục cho Hoà Bình; năm 1998, giải thưởng Âu Châu về Nhân Quyền. Ðặc biệt, từ năm 1996 đến khi qua đời, chị Chiara Lubich, đã nhận được 9 Bằng Tiến Sĩ Danh Dự, từ các Ðại Học tại Âu Châu, Châu Mỹ La Tinh, Á Châu và Hoa Kỳ. Nhiều thành phố trên thế giới đã công nhận Chị là "Công Dân Danh Dự" của thành phố.

Chị Chiara Lubich là một giáo dân đơn sơ, nhưng có một uy quyền tinh thần rất cao. Ðược Ðức Gioan XXIII đón tiếp, được Ðức Phaolô VI lắng nghe, và được Ðức Gioan Phaolô II mộ mến, Chị Chiara Lubich đã tham dự hai Thượng Hội Ðồng Giám Mục Thế Giới.