Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đức Thánh Cha đã về tới Vatican

Đức Thánh Cha Phanxicô đã trở lại Rome sau chuyến tông du kéo dài một tuần của ngài tới Sri Lanka và sau đó là Phi Luật Tân. Ngài đã đến sân bay Ciampino của Roma vào lúc 5:40 chiều thứ Hai. Như thông lệ sau các chuyến tông du quốc tế, ngay sau khi xuống sân bay, Đức Thánh Cha đã đến Đền Thờ Đức Bà Cả để tạ ơn trước khi trở về Vatican.

Chiếc máy bay của Đức Thánh Cha đã cất cánh từ sân bay Manila trong một chuyến bay gần 15 tiếng đồng hồ vào sáng sớm thứ hai, khi hàng trăm ngàn người Phi Luật Tân xếp hàng trên đường phố thủ đô để mong gặp Đức Giáo Hoàng một lần nữa.

Máy bay đã bay qua không phận Trung quốc, Mông Cổ, Nga, Bạch Nga, Ba Lan, Tiệp, Áo, Slovenia trước khi vào lãnh thổ Ý. Đường bay này dài hơn bình thường để tránh không bay ngang qua Ukraine nơi một chiếc may của hãng hàng không Air Malaysia đã bị bắn rơi hôm 17 tháng Bẩy năm ngoái. Đức Thánh Cha đã gởi điện chào thăm các vị nguyên thủ các quốc gia khi bay ngang bầu trời các nước.

Trong chuyến thăm ba ngày tới quốc gia Công Giáo lớn nhất châu Á, Đức Giáo Hoàng đã chiếm được con tim của người Phi Luật Tân khi ngài đến thăm các thành phố Tacloban và Palo để an ủi các nạn nhân của trận bão Hải Yến xảy ra hồi tháng 11 năm 2013.

Mặc dù thời tiết xấu, mưa nặng hạt, hơn 6 triệu người đã có mặt trong thánh lễ cuối cùng của Đức Giáo Hoàng tại Công viên Rizal của thủ đô Manila vào ngày Chúa Nhật 18 tháng Giêng.

2. Buổi triều yết chung thứ Tư 21 tháng Giêng

Đức Thánh Cha đã tái tục các hoạt động thường lệ của ngài với buổi triều yết chung bên trong Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục vào lúc 10:30 sáng thứ Tư 21 tháng Giêng.

Ngài đã nhắc lại các chủ đề ở Sri Lanka và Philippines, nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của gia đình trong xã hội. Đức Thánh Cha xúc động vì những bậc cha mẹ ở Phi Luật Tân có thể mô tả con cái của họ là "món quà từ Thiên Chúa." Ngài nhận xét rằng sự nghèo nàn không phải là hệ quả tất yếu khi có đông con, nhưng vì các mô hình kinh tế bất công đặt tiền bạc trước khi tất cả mọi thứ khác.

Nhắc đến Sri Lanka, Đức Thánh Cha nói:

“Sri Lanka vẫn còn bị ảnh hưởng của một cuộc nội chiến kéo dài. Trong cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo tôn giáo tôi đưa ra đề nghị rằng chúng ta làm việc cùng nhau như những tác nhân đem lại chữa lành, hòa bình và hòa giải.”

Hàng trăm nhà sư đã đến nghe Đức Thánh Cha nói về khoan dung tôn giáo hôm thứ Ba 13 tháng Giêng.

3. Nhận định của hàng giáo phẩm Phi Luật Tân về chuyến tông du của Đức Thánh Cha

Lúc 9:15 sáng thứ Hai, Đức Thánh Cha đã rời Tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở thủ đô Manila để đáp máy bay trở lại Vatican. Hàng trăm ngàn người Phi Luật Tân đã xếp hàng trên đường phố thủ đô để mong gặp Đức Giáo Hoàng một lần nữa.

Tại một cuộc họp báo sau khi máy bay chở Đức Thánh Cha cất cánh, Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, Tổng Giám Mục Manila, nói tất cả mọi người ở Phi Luật Tân "giờ đây ngập tràn lòng hân hoan biết ơn Thiên Chúa" vì chuyến tông du này, và đã được Đức Thánh Cha "thách thức" đối mặt với những vấn đề chẳng hạn như sự bất bình đẳng trong cả nước.

"Các linh mục, tu sĩ, giáo dân, tất cả chúng tôi đã nhận được những thông điệp rất rõ ràng," Đức Hồng Y Tagle nói. "Chúng tôi sẽ kêu gọi tất cả mọi người biến những thông điệp này thành hành động."

Đức Hồng Y nói thêm rằng thông điệp của Đức Thánh Cha về thu hẹp khoảng cách giữa người giàu và người nghèo là một thông điệp "không chỉ cho các Kitô hữu nhưng cho tất cả mọi người."

Đức Hồng Y Tagle cũng cho biết Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đưa ra một thách thức văn hóa là đừng mù quáng chấp nhận mọi sự mới lạ.

"Tôi nghĩ rằng Đức Thánh Cha cũng mời gọi chúng ta phải sáng suốt và phải có sự phê phán. Không phải tất cả mọi thứ mới đều đương nhiên là tốt đâu. Ở đây tôi nghĩ rằng chúng ta cần chú ý đến linh đạo Kitô giáo về khả năng phân định. Làm thế nào để chúng ta đắm mình trong thế giới của Thiên Chúa, trong lời cầu nguyện, trong giáo lý của Giáo Hội, và với nguồn mạch sâu xa này đương đầu với những thay đổi trên thế giới?"

Đức Hồng Y Tagle nói rằng khi nói chuyện riêng với Đức Thánh Cha Phanxicô, vị Giáo Hoàng thường lặp đi lặp lại rằng lòng đạo đức bình dân là một nền tảng vững chắc của các tín hữu Kitô.

Đức Hồng Y Tagle nói:

"Ngài nói rằng chính đức tin đơn sơ là điều giúp cho mọi người sống sót qua những thay đổi trong xã hội".

Đức Giám Mục Mylo Vergara, người đứng đầu Ủy ban Truyền thông của các Giám mục Phi Luật Tân, nói rằng chuyến đi đầy bất ngờ.

"Anh chị em đã chứng kiến là Đức Giáo Hoàng đã không đọc những bài giảng được chuẩn bị sẵn," Đức Cha Vergara nói. Ngài gọi đó là "bài giảng của con tim".

Đức Cha Vergara cũng đề cập đến sự kiện diễn ra hôm thứ Bảy tại Tacloban, khi cơn bão nhiệt đới Amang tràn vào khu vực này.

"Tôi nghĩ đó cũng là lần đầu tiên Đức Giáo Hoàng mặc một chiếc áo mưa khi cử hành thánh lễ".

Trong cuộc họp báo, các Giám Mục cũng khẳng định rằng các vị đã mời Đức Thánh Cha Phanxicô trở lại Phi Luật Tân vào năm tới trong Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế tại Cebu.

4. Chỉ một ngày sau khi đón Đức Thánh Cha, Tổng thống Phi Luật Tân phàn nàn các Giám Mục nước này

Sau khi chào đón Đức Thánh Cha Phanxicô đến Phi Luật Tân vào ngày 15 tháng Giêng vừa qua, ngay ngày hôm sau tổng thống Benigno Aquino đã lên tiếng phàn nàn các giám mục Công Giáo nước này với cáo buộc cho rằng các ngài đã chỉ trích vu vơ sự lãnh đạo của ông.

Tổng thống Benigno Aquino đã phàn nàn rằng các Giám Mục Công Giáo đã ít chú ý tới tệ nạn tham nhũng của những tổng thống tiền nhiệm, nhưng "bây giờ dường như các vị ấy nghĩ rằng cách thức để trung thành với đức tin là phải tìm cho ra một cái gì đó để chỉ trích." Ông nói rằng một vị Giám Mục thậm chí đã chỉ trích kiểu tóc của ông.

Cáo buộc này đã được một phóng viên nêu ra với Cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh trong buổi họp báo chiều thứ Sáu 16 tháng Giêng. Có lẽ, tổng thống muốn khéo léo phàn nàn với Đức Thánh Cha là các Giám Mục nước này đã hành xử quá đáng.

Thực ra, Aquino đã mâu thuẫn với các nhà lãnh đạo Giáo Hội vì sự thúc đẩy việc ban hành các đạo luật về gia đình từng bị các giám mục Phi Luật Tân phản đối gay gắt.

5. Nhận định của Cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, về chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại Phi Luật Tân

Sau thánh lễ chiều Chúa Nhật 18 tháng Giêng tại công viên Rizal của thủ đô Manila, Cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã có cuộc họp báo dành cho các ký giả tường thuật chuyến tông du Phi Luật Tân của Đức Thánh Cha về tác động của chuyến đi này.

Khía cạnh đầu tiên cha Lombardi muốn nhấn mạnh là những con số rất lớn những người tham dự các biến cố với Đức Giáo Hoàng. Ngài nhìn thấy "những kỳ vọng lớn lao và mong muốn mãnh liệt được hiện diện bên cạnh Đức Giáo Hoàng". Điều đó cho thấy người Phi Luật Tân có một cảm xúc tôn giáo rất mạnh.

Khía cạnh thứ hai là Đức Giáo Hoàng đã công bố Tin Mừng một cách chú tâm đặc biệt đến sự nhạy cảm của người dân địa phương. Ngài nhấn mạnh đến những giọt nước mắt và sự than khóc là điều người dân ở đây hiểu rất rõ. Nhưng, Đức Giáo Hoàng nói với họ rằng họ cũng phải đi xa hơn tình cảm để vươn tới một sự hoán cải thực sự và sau đó chuyển thành hành động, giống như Đức Giáo Hoàng giải thích với những người trẻ ở Manila rằng họ phải "cảm nhận, suy nghĩ và hành động".

Cha Lombardi cũng nói đến sự bất bình đẳng đầy tai tiếng ở Phi Luật Tân mà, theo quan điểm của Đức Giáo Hoàng, là "một cái gì đó phải được được giải quyết với một quyết tâm". Nhận định này của Cha Federico Lombardi có lẽ là để trả lời những phàn nàn của các Giám Mục Phi Luật Tân với đường lối lãnh đạo của tổng thống Aquino. Đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, người nghèo là trung tâm của Tin Mừng và ngài mong muốn rằng Giáo Hội có thể đề cao tầm nhìn này để giúp xã hội thay đổi. Chuyến đi này, theo đánh giá của cha Lombardi, là một kinh nghiệm đáng kinh ngạc về các khả năng Giáo Hội có thể giúp thay đổi đời sống xã hội, nhưng đó cũng chính là một thách đố đối với Giáo Hội và dân Chúa.

Khi được hỏi về những tác động của cuộc tông du này lên chính Đức Giáo Hoàng, cha Lombardi trả lời rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô là một người rất chú ý đến đối thoại, đến cả tiếp nhận lẫn trao ra. Ngài đặc biệt nhắc đến những lời Đức Hồng Y Bergoglio nói ngay tại thời điểm ngài được bầu làm Giáo Hoàng rằng ngài phải đến châu Á, là nơi đã không có một chuyến tông du chính thức nào trong hai thập kỷ qua. Trong chuyến đi tới ba nước châu Á khác nhau, Cha Lombardi cho biết, Đức Giáo Hoàng đã cảm nhận được "sự kỳ vọng rất lớn" của người dân và hiểu được sự cần thiết phải tập trung vào việc rao giảng Tin Mừng tại lục địa này.

Trong khi người dân đã thể hiện một sự quan tâm rất lớn đến những thông điệp của Đức Thánh Cha, Cha Lombardi bày tỏ mong muốn rằng giới cầm quyền cũng nên đón nhận những thông điệp này vào tâm hồn mình.

6. Đức Giáo Hoàng gặp gỡ thân phụ cô gái tử thương trong tai nạn sau thánh lễ ở Tacloban

Sáng Chúa Nhật 18 tháng Giêng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã có cuộc gặp gỡ với cha của Kristel Padasas, một tình nguyện viên 27 tuổi đã chết sau Thánh Lễ hôm thứ Bảy tại Tacloban.

Cô Kristel Mae Padasas, đã chết vì giàn giáo của khán đài cử hành Thánh Lễ rớt trúng đầu. Cô là nhân viên của Catholic Relief Service từ sau trận bão Hải Yến đổ vào vùng này hồi tháng 11 năm 2013.

Theo các viên chức y tế địa phương, sự việc xảy ra sau Thánh Lễ khi người phụ nữ và nhóm của cô đi ngang qua khán đài nơi Đức Giáo Hoàng cử hành thánh lễ trước đó.

Những cơn gió mạnh gây ra bởi cơn bão nhiệt đới "Amang" đã làm sập những giàn giáo và rớt vào đầu người phụ nữ, làm nứt xương sọ của cô. Ngay lập tức cô được chở đến một bệnh viện tư nhưng đã chết sau đó.

Cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, cho biết cuộc họp đã diễn ra tại Tòa Sứ thần Tòa Thánh tại Manila, và kéo dài hơn 20 phút. Trong cuộc họp, Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle đã hiện diện cùng Đức Thánh Cha và phiên dịch.

Cha Lombardi, cho biết trong cuộc họp, hai bức ảnh thời thơ ấu của Kristen đã được đặt trên bàn. Ngài cũng cho biết người cha đã bị xúc động mạnh bởi cái chết của con gái, nhưng an ủi bởi cô đã có thể giúp chuẩn bị cho thánh lễ của Đức Giáo Hoàng.

Mẹ Kristel đang ở Hồng Kông vào thời điểm xảy ra tai nạn, và đã quay về Phi Luật Tân vào hôm thứ Hai để lo việc mai táng. Cô là người con duy nhất của hai ông bà.

Trong cuộc họp với 30,000 bạn trẻ, Đức Thánh Cha nói:

“Trước tiên, hôm nay có một tin buồn: Hôm qua sau khi Thánh Lễ kết thúc không lâu, một mảnh của giàn giáo rơi xuống đã đánh trúng đầu một thiếu nữ làm việc tại khu vực. Và cô ấy đã qua đời. Tên cô ấy là Kristel. Cô ấy làm cho cơ quan chuẩn bị cho chính Thánh Lễ ấy. Cô ấy mới có 27 tuổi, trẻ như các con. Cô làm việc cho một cơ quan gọi là Catholic Relief Service trong tư cách một thiện nguyện viên. Cha muốn tất cả các con, trẻ như cô ấy, cầu nguyện giây lát trong im lặng cùng với cha và chúng ta cầu nguyện với mẹ chúng ta, Đức Bà ở trên trời.”

Sau đó, Đức Thánh Cha và các bạn trẻ đã đọc một Kinh Kính Mừng để cầu nguyện cho cô và một kinh Lạy Cha để cầu nguyện cho cha mẹ cô.

Trong một thông cáo báo chí, Catholic Relief Service là cơ quan bác ái của Công Giáo Hoa Kỳ cho biết:

"Cống hiến của Kristel cho người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão vượt xa công việc chính thức của cô với Catholic Relief Service. Cô đã phải di chuyển rất xa để tình nguyện giúp chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ với Đức Giáo Hoàng và tưởng nhớ các nạn nhân của cơn bão Hải Yến."

Tuyên bố cũng cho biết chi nhánh Catholic Relief Service Phi Luật Tân thương tiếc sự mất mát của cô cùng với gia đình, bạn bè và những người thân yêu.

"Đồng nghiệp của Kristel sẽ nhớ đến cô như một người luôn có nụ cười trên môi và là người luôn sẵn sàng hỗ trợ dân chúng vượt xa những nhiệm vụ bình thường của mình. Cô tìm thấy niềm vui lớn trong việc có thể đóng góp vào các nỗ lực phục hồi khi làm việc trực tiếp với các cộng đồng và gia đình. Chúng tôi đồng hành với gia đình Kristel và những người thân yêu trong lời cầu nguyện chân thành nhất. "

7. Tòa Thánh làm rõ nhận xét của Đức Giáo Hoàng với tờ Charlie Hebdo

Cha Thomas Rosica thuộc phòng Báo chí Tòa Thánh đã ra một tuyên bố làm rõ nhận xét của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về tự do ngôn luận và chuyện báng bổ tôn giáo người khác.

Theo dòng thời gian, đã có những sự kiện sau xảy ra tiếp theo vụ thảm sát tại toà báo Charlie Hebdo.

Đức Giáo Hoàng cực lực lên án vụ thảm sát tại tòa soạn báo Charlie Hebdo

Sáng thứ Năm 8 tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành thánh lễ đầu tiên tại nhà nguyện Santa Marta sau kỳ nghỉ lễ Giáng Sinh để cầu nguyện cách riêng cho những nạn nhân của vụ thảm sát tại tòa soạn báo Charlie Hebdo ở Paris

Ngài nói rằng cuộc tấn công này "thể hiện cả sự tàn bạo nhân loại đến cùng cực; lẫn các chiều kích kinh hoàng của chủ nghĩa khủng bố, cả thứ khủng bố riêng lẻ lẫn chủ nghĩa khủng bố nhà nước."

Đức Thánh Cha than thở: "Con người có thể tàn ác đến là ngần nào! Chúng ta hãy cầu nguyện trong thánh lễ này, cho rất nhiều các nạn nhân của sự tàn bạo này. Chúng ta cũng cầu nguyện cho những kẻ tàn ác như vậy, xin Chúa hoán cải con tim của họ."

Các vị Hồng Y và Giám Mục Pháp cũng cực lực lên án vụ thảm sát tại tòa soạn báo Charlie Hebdo

Cũng trong ngày thứ Năm 8 tháng Giêng, trong một phút mặc niệm 12 người gồm các ký giả, các nhân viên cảnh sát và người đi đường bị thiệt mạng trong vụ thảm sát một ngày trước đó, nhà thờ Đức Bà Paris đã rung chuông trong một cử chỉ chia buồn với những nạn nhân của một vụ khủng bố được xem là trầm trọng nhất tại Pháp trong nửa thế kỷ qua.

Các vị Hồng Y và Giám Mục Pháp cũng hiện diện trong các cuộc biểu tình lên án bọn khủng bố.

Phản ứng của tờ Charlie Hebdo

Những thành viên còn sống của tờ Charlie Hebdo đã nhờ các cơ quan ngôn luận tại Pháp giúp tiếp tục tái bản và hôm thứ Tư 14 tháng Giêng đã phát hành với một số lượng lớn gấp 50 lần trước đó là 3 triệu bản, sau đó in thêm thành 5 triệu bản và đang dự trù tăng lên đến 7 triệu bản.

Trong số báo này, tờ báo đã có một biếm họa chỉ trích tiên tri Môhamét của Hồi Giáo nặng nề. Vì thế, hàng loạt những cuộc biểu tình của người Hồi Giáo đã nổ ra trên toàn thế giới. Đặc biệt, nghiêm trọng là tại thủ đô Niamey của Niger. 45 nhà thờ đã bị tấn công và đốt cháy, 10 Kitô hữu bị giết trong các vụ tấn công.

Bên cạnh đó, tờ báo cũng vẽ một biếm họa đả kích Đức Giáo Hoàng Phanxicô và hàng giáo phẩm Công Giáo Pháp. Biên tập viên của tờ tạp chí viết rằng họ không muốn sự hỗ trợ của Giáo Hội Công Giáo và chế giễu một số nhà lãnh đạo Công Giáo đã tham gia vào các cuộc biểu tình.

Tờ báo viết:

“Điều đã làm cho chúng tôi cười nhiều nhất là các quả chuông của nhà thờ Notre Dame đã rung lên nhằm vinh danh chúng tôi. Chúng tôi muốn gửi một thông điệp cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô -- người cũng là Charlie tuần này: Chúng tôi chỉ chấp nhận các chuông của nhà thờ Notre Dame được đánh lên nhằm vinh danh chúng tôi nếu những quả chuông ấy được đánh bởi những phụ nữ FEMEN".

(FEMEN là nhóm nữ quyền quá khích mà các thành viên đã thường xuyên tổ chức các cuộc biểu tình để ngực trần bên trong nhiều nhà thờ châu Âu. Diễn biến gần đây nhất là vụ một phụ nữ trong nhóm này để ngực trần chạy trên quảng trường Thánh Phêrô và xông vào hang đá giật đi tượng Chúa Hài Đồng vào ngày lễ Giáng Sinh 25 tháng 12).

Thực ra, hàng giáo sĩ Pháp xuất hiện trong các cuộc biểu tình là nhằm lên án hành vi bạo lực của khủng bố Hồi Giáo, chứ không phải là nhằm vinh danh tờ Charlie Hebdo, một tờ báo khét tiếng bài bác tất cả các tôn giáo, không riêng gì là Hồi Giáo.

Cuộc họp báo trên chuyến bay từ Colombo sang Manila

Hôm thứ Năm 15 tháng Giêng, trong cuộc họp báo trên chuyến bay từ Sri Lanka sang Phi Luật Tân, sau khi cực lực lên án vụ thảm sát tại toà báo Charlie Hebdo như ngài đã làm trong thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta đúng một tuần trước đó, Đức Giáo Hoàng so sánh việc báng bổ tôn giáo với việc chửi cha mắng mẹ người khác, và nhận xét rằng xúc phạm cha mẹ người ta, tức là muốn người ta cho mình một cú đấm.

Trả lời câu hỏi của một ký giả Pháp xin ngài nhận định về những vụ khủng bố gần đây tại Paris, và tương quan giữa tự do tôn giáo và tự do ngôn luận, Đức Thánh Cha nói:

“Cả hai tự do này đều là những quyền căn bản của con người. Kẻ nào chủ trương giết người nhân danh Thiên Chúa thì rơi vào lầm lạc, và những kẻ nào xúc phạm tôn giáo nhân danh quyền được nói những gì mình thích nói cũng là sai lầm. Về tự do ngôn luận: mỗi người không những có tự do và có quyền, nhưng còn có nghĩa vụ nói điều mà mình nghĩ là có thể giúp xây dựng công ích.”

“Chắn chắn là không thể dùng bạo lực để phản ứng lại sự xúc phạm, nhưng cũng đừng khiêu khích. Không thể mạ lỵ tín ngưỡng của người khác, không thể chế nhạo đức tin, vì tự do ngôn luận có một giới hạn, đó là phẩm giá của mỗi tôn giáo”.

Theo thói quen hài hước của ngài, Đức Thánh Cha lấy một ví dụ để minh họa những điều ngài nói:

"Nếu người bạn tốt của tôi là Tiến Sĩ Gasparri đây chửi thề đối với mẹ tôi, ông có thể mong đợi một cú đấm. Đó là bình thường. Đó là bình thường. Bạn không thể kích động. Bạn không thể xúc phạm đức tin của người khác. Bạn không thể mang đức tin của người khác ra làm trò cười."

Tiến Sĩ Alberto Gasparri là người luôn có mặt trong các cuộc tông du của Đức Giáo Hoàng. Ông phụ trách việc hoạch định các chuyến tông du của các vị Giáo Hoàng. Ông thường cùng với Cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, đứng hai bên Đức Thánh Cha trong các buổi họp báo trên các chuyến bay.

Nhiều tờ báo đã dùng thủ đoạn cắt cúp và kết án Đức Giáo Hoàng là bênh vực cho những kẻ khủng bố. Nhẹ nhất thì bênh vực “quyền tự do xúc phạm người khác” như thủ tướng David Cameron của Anh quốc.

Vì thế, Cha Thomas Rosica đã ra một thông báo tường trình toàn bộ nội dung nhận xét của Đức Giáo Hoàng và nêu bật rằng:

"Nhận xét của Đức Giáo Hoàng không có cách nào có thể giải thích là một sự biện minh cho hành vi bạo lực và khủng bố diễn ra tại Paris vào tuần trước".

Cần lưu ý rằng những lời của Đức Giáo Hoàng "được nói một cách bộc trực, trong bối cảnh thân thiện giữa những người cùng đi và những bạn bè trong cuộc hành trình"

Cha Rosica nói thêm rằng "lời nói của ngài có nghĩa là có những giới hạn khi đùa cợt và châm biếm đặc biệt là trong những cách thức mà chúng ta đề cập đến các vấn đề về tôn giáo và niềm tin."

Phát ngôn viên nói thêm:

“Phản ứng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tương tự như những gì chúng ta cảm thấy khi những người thân yêu nhất đối với chúng ta bị xúc phạm hoặc bị hại. Phong cách phát biểu không gò bó của Đức Giáo Hoàng, đặc biệt là trong những tình huống như trong một cuộc họp báo, phải được đánh giá trung thực và không thể bị bóp méo hoặc xuyên tạc. Đức Giáo Hoàng đã nói rõ ràng rằng ngài chống lại chủ nghĩa khủng bố và các hành vi bạo lực xảy ra tại Paris và ở miền khác trên thế giới. Bạo lực sinh ra bạo lực. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã không hề thốt lời ủng hộ bạo lực trên chuyến bay.”

Trên chuyến bay từ Manila trở về Rôma, trả lời một ký giả, Đức Thánh Cha khẳng định rằng “trên lý thuyết” tất cả chúng ta đều được dạy phải giơ má bên kia trong trường hợp bị khiêu khích, nhưng thực tế chúng ta là những con người và vì thế sự xúc phạm lập đi lập lại có thể tạo nên một phản ứng sai lầm. Vì lý do này, tự do phải được đồng hành với khôn ngoan.

8. Nhận định của Cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, về ảnh hưởng của chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại Sri Lanka

Cha Lombardi cho biết ngày đầu tiên của chuyến tông du này là một bất ngờ rất tích cực đối với ngài vì ngài không ngờ buổi tiếp đón Đức Thánh Cha tuyệt vời như vậy. Không khí ở Sri Lanka với vị tổng thống mới, sau cuộc bầu cử hòa bình tại Sri Lanka, là "rất tích cực với một mong đợi rất lớn về hòa giải quốc gia" và quyền của các nhóm thiểu số. Đức Giáo Hoàng, mang lại sự khích lệ và cảm hứng, vì vậy mà tân tổng thống đã nói là chuyến viếng thăm này cũng là một phước lành cho ông vào lúc bắt đầu sứ mệnh của mình

Cha Lombardi cũng bình luận về cuộc gặp gỡ liên tôn với một sự hiện diện rất đông của các nhà sư Phật giáo. Trong chuyến viếng thăm năm 1995 của Tháng Giáo Hoàng Gioan Phaolô II không một nhà sư nào tham dự một cuộc họp tương tự. Cha Lombardi ghi nhận rằng đã có hơn một ngàn nhà lãnh đạo các tôn giáo tại cuộc họp với Đức Thánh Cha Phanxicô và điều này có một tác động thực sự trong một xã hội như Sri Lanka, nơi "người ta đặc biệt chú ý tới chiều kích tôn giáo". Đức Giáo Hoàng đến như là một nhà lãnh đạo Kitô giáo, trong sự hài hòa với các nhà lãnh đạo Phật giáo, Ấn Độ giáo và Hồi giáo trên đảo này. Đó là một cái gì đó rất lịch sử đối với người dân ở đây.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã trở thành vị giáo hoàng thứ hai đến thăm một ngôi chùa Phật giáo. Trong những thay đổi lịch trình của ngài vào giờ chót, Đức Thánh Cha đã ghé thăm để tỏ lòng kính trọng của ngài với các nhà lãnh đạo Phật Giáo ôn hoà tại một ngôi chùa quan trọng ở thủ đô Sri Lanka. Tại đây, ngài đã chứng kiến một nghi lễ quan trọng của Phật giáo: lễ mở bảo tháp di tích của hai đệ tử quan trọng của Phật Thích Ca.

Đức Giáo Hoàng đã trân trọng lắng nghe các nhà sư Phật giáo tụng niệm và cầu nguyện trong khi mở bảo tháp chứa các di tích đặt trong chùa Agrashravaka.

Thông thường, bảo tháp chứa các di tích chỉ được mở ra cho các Phật tử chiêm ngưỡng mỗi năm một lần. Các Phật tử từ khắp Sri Lanka xếp những hàng dài trong những cho ngày đó để có dịp chiêm bái và tỏ lòng kính trọng đối với các di tích này. Họ coi việc chiêm ngưỡng này là một hạnh ngộ, và là một đặc ân hiếm hoi.

Sư phụ trụ trì tại chùa, là hòa thượng Banagala Upatissa, nói với thông tấn xã AP rằng việc mở bảo tháp chứa các di tích cho Đức Giáo Hoàng chứng kiến "là vinh dự cao nhất và tôn quý mà chúng tôi muốn dành cho ngài."

9. Đức Hồng Y Gianfranco Ravasi nêu bật ý nghĩa thần học của ánh sáng tại buổi khai mạc Năm Ánh Sáng

Đức Hồng Y Gianfranco Ravasi, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa, đã mở đầu “Năm Quốc tế về Ánh sáng” với một bài phát biểu tập trung vào ánh sáng như một biểu tượng thần học.

Năm Quốc tế Ánh sáng là một sáng kiến toàn cầu nhằm mục đích làm nổi bật tầm quan trọng của công nghệ ánh sáng và quang học trong cuộc sống của mọi người cũng như sự phát triển của toàn xã hội.

Năm quốc tế về ánh sáng, được công bố bởi một tập thể đông đảo các cơ quan khoa học cùng với UNESCO. Buổi lễ có sự tham dự của nhiều đối tượng khác nhau bao gồm các hội khoa học, các đoàn thể, các tổ chức giáo dục, các công ty công nghệ, và các tổ chức phi lợi nhuận.

Khi công bố một năm quốc tế tập trung vào chủ đề quang học và các ứng dụng của ánh sáng, Liên Hợp Quốc cho biết họ nhận ra tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức toàn cầu về quang học dựa trên những công nghệ liên quan đến ánh sáng có khả năng cung cấp các giải pháp cho những thách đố toàn cầu về năng lượng, giáo dục, nông nghiệp và sức khỏe.

Ánh sáng đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta và quang học là một ngành học cấp bách của khoa học trong thế kỷ 21. Nó đã mở ra cuộc cách mạng y học, mở ra việc truyền thông quốc tế qua mạng Internet, và tiếp tục là trung tâm liên kết các khía cạnh văn hóa, kinh tế và chính trị toàn cầu.