Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Trong ngày thứ Hai của chuyến tông du tại Phi Luật Tân, tức là ngày thứ Sáu 16 tháng Giêng, Đức Thánh Cha đã có 3 sinh hoạt quan trọng.

Lúc 9:15 sáng thứ Sáu, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ chính thức với tổng thống Benigno Aquino, các thành viên trong chính phủ Phi Luật Tân, và các vị đại sứ các nước trong ngoại giao đoàn tại dinh Malacañang.

Buổi trưa, lúc 11:15, Đức Thánh Cha đã dâng thánh lễ với các Hồng Y, Giám Mục, linh mục và tu sĩ Phi Luật Tân tại Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Vô Nhiễm của thủ đô Manila.

Cuối cùng, lúc 5:30 chiều Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ với các gia đình Phi Luật Tân tại sân vận động có mái che mang tên Asian.

Buổi gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha và các gia đình Phi Luật Tân đã được diễn ra trong khuôn khổ của một buổi Phụng Vụ Lời Chúa.

Đức Thánh Cha đã lắng nghe các chứng từ của các gia đình trong đó đã nêu bật những áp lực và khó khăn trong cuộc sống gia đình hiện nay rất nhiều. Vô số gia đình vẫn còn bị ảnh hưởng của thiên tai. Tình hình kinh tế đã phân rẽ các gia đình vì nhiều người phải di cư hay tìm kiếm công ăn việc làm ở nước ngoài. Trong khi có quá nhiều người phải sống trong nghèo đói cùng cực, thì cũng có những người khác lại bị lôi cuốn vào một cuộc sống tháo thứ phá hoại đời sống gia đình và phủ nhận các đòi buộc cơ bản nhất của luân lý Kitô giáo. Các gia đình cũng đang bị đe dọa bởi những nỗ lực ngày càng tăng của một số chính trị gia muốn xác định lại các định chế của hôn nhân.

Sau khi nghe các chứng từ của anh chị em giáo dân, Đức Thánh Cha đã ban huấn từ.

Ngài nói:

Các gia đình thân mến,

Các bạn thân mến trong Chúa Kitô,

Tôi rất biết ơn sự hiện diện của anh chị em ở đây tối nay và những chứng tá tình yêu của anh chị em dành cho Chúa Giêsu và Giáo Hội của Người. Tôi cám ơn Đức Giám Mục Reyes, Chủ tịch Ủy ban Giám mục về gia đình và sự sống về những lời chào mừng ngài nói thay mặt cho anh chị em. Cách riêng, tôi cảm ơn những người đã trình bày những chứng tá và chia sẻ cuộc sống đức tin của họ với chúng ta.

Kinh Thánh ít khi đề cập đến Thánh Giuse, nhưng những lúc đề cập đến ngài, Kinh Thánh thường cho chúng ta thấy ngài đang nghỉ ngơi, chẳng hạn như khi một thiên thần báo mộng cho ngài biết thánh ý Thiên Chúa. Trong đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe, chúng ta thấy Thánh Giuse nghỉ ngơi không phải một lần mà là hai lần. Tối nay tôi muốn được nghỉ ngơi trong Chúa với tất cả anh chị em, và suy tư cùng anh chị em về hồng ân gia đình.

Sự nghỉ ngơi của Thánh Giuse đã giúp ngài thấu hiểu thánh ý Chúa dành cho ngài. Trong lúc nghỉ ngơi trong Chúa này, khi chúng ta tạm ngưng những nghĩa vụ và các hoạt động hàng ngày của chúng ta, Thiên Chúa cũng nói với chúng ta. Ngài nói với chúng ta trong bài đọc chúng ta vừa nghe, trong lời cầu nguyện và trong chứng tá của chúng ta, và trong sự yên tĩnh của tâm hồn chúng ta. Chúng ta hãy suy nghĩ về những gì mà Chúa đang nói với chúng ta, đặc biệt là trong bài Phúc âm buổi tối này. Có ba khía cạnh của đoạn văn này mà tôi muốn yêu cầu anh chị em suy nghĩ: nghỉ ngơi trong Chúa, chỗi dậy với Chúa Giêsu và Mẹ Maria, và trở nên một tiếng nói tiên tri.

Nghỉ ngơi trong Chúa. Nghỉ ngơi là rất cần thiết cho sức khỏe của tâm trí và thể xác chúng ta, và thường rất khó khăn để có thể nghỉ ngơi vì nhiều yêu cầu đặt lên vai chúng ta. Nhưng nghỉ ngơi cũng là điều cần thiết cho sức khỏe tinh thần của chúng ta, để chúng ta có thể nghe thấy tiếng nói của Thiên Chúa và hiểu những gì Chúa yêu cầu chúng ta. Thánh Giuse đã được Thiên Chúa lựa chọn trở nên dưỡng phụ của Chúa Giêsu và là phu quân của Mẹ Maria. Là Kitô hữu, anh chị em cũng được mời gọi, như Thánh Giuse, để làm một ngôi nhà cho Chúa Giêsu. Anh chị em hãy kiến tạo ngôi nhà ấy trong trái tim mình, trong gia đình, giáo xứ và cộng đồng của anh chị em.

Để nghe và chấp nhận lời mời gọi của Thiên Chúa, để kiến tạo cho Chúa Giêsu một ngôi nhà, anh chị em phải có khả năng biết nghỉ ngơi trong Chúa. Anh chị em phải dành thời gian mỗi ngày để cầu nguyện. Nhưng anh chị em có thể nói với tôi: Thưa Đức Thánh Cha, con muốn cầu nguyện lắm, nhưng có quá nhiều việc phải làm! Con phải chăm sóc cho con cái mình; Con phải lo công việc nhà; Con mệt mỏi đến mức ngủ ngon hồi nào không biết. Điều này có thể đúng, nhưng nếu chúng ta không cầu nguyện, chúng ta sẽ không biết điều quan trọng nhất trong tất cả mọi sự: đó là Thánh Ý Chúa dành cho chúng ta. Và dù cho chúng ta có làm bao nhiêu chuyện, có tất bật đến cỡ nào, nếu không cầu nguyện chúng ta sẽ hoàn thành được được rất ít.

Nghỉ ngơi trong cầu nguyện là đặc biệt quan trọng đối với gia đình. Chính gia đình là nơi chúng ta học biết cách cầu nguyện lần đầu tiên. Ở đó chúng ta biết đến Thiên Chúa, ở đó chúng ta lớn lên thành những tín hữu nam nữ, ở đó chúng ta thấy mình là thành viên của một gia đình lớn hơn của Thiên Chúa, là Giáo Hội. Trong gia đình, chúng ta học cách yêu thương, tha thứ, quảng đại và cởi mở, không khép kín và ích kỷ. Chúng ta học cách vượt qua nhu cầu riêng của chúng ta, để gặp gỡ người khác và chia sẻ cuộc sống của chúng ta với họ. Đó là lý do tại sao cầu nguyện như là một gia đình là rất quan trọng! Đó là lý do tại sao gia đình là rất quan trọng trong kế hoạch của Thiên Chúa dành cho Giáo Hội!

Tiếp theo, là chỗi dậy với Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Những khoảnh khắc quý giá của nghỉ ngơi, nghỉ ngơi với Chúa trong lời cầu nguyện, là những khoảnh khắc chúng ta mong có thể kéo dài hơn. Cũng như Thánh Giuse, một khi chúng ta đã nghe tiếng nói của Thiên Chúa, chúng ta phải chỗi dậy từ giấc ngủ của mình; chúng ta phải đứng lên và hành động (Rm 13:11). Đức tin không mang chúng ta ra khỏi thế giới, nhưng lôi kéo chúng ta đi sâu hơn vào thế giới. Mỗi người trong chúng ta, trên thực tế, có một vai trò đặc biệt trong việc chuẩn bị cho sự tái quang lâm của vương quốc Thiên Chúa trong thế giới của chúng ta.

Hồng ân Thánh Gia đã được giao phó cho Thánh Giuse thế nào thì hồng ân gia đình và vị trí của nó trong kế hoạch của Thiên Chúa cũng được trao phó cho chúng ta như thế. Thiên thần Chúa đã mặc khải cho Thánh Giuse những nguy hiểm đang đe dọa Chúa Giêsu và Mẹ Maria, buộc họ phải chạy trốn sang Ai Cập và sau đó định cư tại Nazareth. Trong thời đại chúng ta, Thiên Chúa cũng kêu gọi chúng ta nhận ra những nguy hiểm đang đe dọa gia đình riêng của chúng ta để chúng ta bảo vệ gia đình mình khỏi bị tổn hại.

Những áp lực trong cuộc sống gia đình hiện nay rất nhiều. Ở đây, tại Phi Luật Tân này vô số gia đình vẫn còn bị ảnh hưởng của thiên tai. Tình hình kinh tế đã phân rẽ các gia đình khi phải di cư hay tìm kiếm công ăn việc làm, và các vấn nạn tài chính cũng gây căng thẳng cho nhiều gia đình. Trong khi có quá nhiều người phải sống trong nghèo đói cùng cực, thì những người khác lại bị lôi cuốn vào một cuộc sống coi trọng vật chất và những lối sống đang phá hoại đời sống gia đình và các đòi buộc cơ bản nhất của luân lý Kitô giáo. Các gia đình cũng đang bị đe dọa bởi những nỗ lực ngày càng tăng của một số người muốn xác định lại các định chế của hôn nhân, bởi thuyết tương đối, bởi thứ văn hóa phù du, bởi một sự thiếu cởi mở với sự sống.

Thế giới chúng ta cần những gia đình tốt và mạnh mẽ để vượt qua những mối đe dọa! Phi Luật Tân cần những gia đình thánh thiện và yêu thương để bảo vệ vẻ đẹp và sự thật của các gia đình trong kế hoạch của Thiên Chúa và trở thành một sự hỗ trợ và là gương mẫu cho các gia đình khác. Mọi đe dọa cho gia đình cũng là một mối đe dọa cho xã hội. Tương lai của nhân loại, như Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thường nói, là thông qua các gia đình (x Familiaris Consortio, 85). Vì vậy, hãy bảo vệ gia đình anh chị em! Hãy nhìn thấy nơi những gia đình kho báu vĩ đại nhất của đất nước anh chị em và hãy luôn luôn nuôi dưỡng gia đình bằng lời cầu nguyện và ân sủng của các bí tích. Các gia đình sẽ luôn luôn có những thử thách, nhưng xin anh chị em đừng bao giờ chồng chất thêm những thử thách cho gia đình! Thay vào đó, hãy là những tấm gương sống động về tình yêu, sự tha thứ và chăm sóc lẫn nhau. Hãy là những nơi thánh thiêng tôn trọng sự sống, tuyên bố sự thánh thiêng của sự sống con người từ lúc thụ thai cho đến cái chết tự nhiên. Thật là một hồng ân lớn lao cho xã hội, nếu mỗi gia đình Kitô hữu sống trọn vẹn ơn gọi cao quý của nó! Vì vậy, hãy chỗi dậy với Chúa Giêsu và Mẹ Maria, và khởi hành trên con đường Chúa vẽ ra cho mỗi người trong anh chị em.

Cuối cùng, Tin Mừng chúng ta vừa nghe nhắc nhở chúng ta về nghĩa vụ Kitô của mình là trở nên tiếng nói tiên tri ở giữa các cộng đồng của chúng ta. Thánh Giuse lắng nghe thiên thần Chúa và đáp lại tiếng gọi của Chúa chăm sóc cho Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Bằng cách này, ngài đã đóng trọn vai trò của mình trong kế hoạch của Thiên Chúa, và trở thành một phước lành không chỉ cho Thánh Gia, nhưng là một phước lành cho tất cả nhân loại. Cùng với Đức Maria, Thánh Giuse là một gương mẫu cho cậu bé Giêsu khi Ngài lớn lên trong khôn ngoan, tuổi tác và ân sủng (x Lk 2:52). Khi các gia đình đưa những con trẻ vào thế giới này, hãy dạy dỗ họ trong đức tin và các giá trị lành thánh, và dạy cho họ biết đóng góp cho xã hội, để họ trở thành một phước lành trong thế giới chúng ta. Tình yêu của Thiên Chúa trở nên hữu hình và tích cực bởi cách thức chúng ta yêu thương và bằng những việc thiện chúng ta làm. Chúng ta hãy mở rộng vương quốc Chúa Kitô trong thế giới này. Và khi làm việc này, chúng ta trung tín với sứ mệnh tiên tri đã lãnh nhận khi chịu phép rửa tội.

Trong năm nay, năm mà các giám mục của anh chị em đã dành làm Năm của Người Nghèo, tôi yêu cầu anh chị em, trong tư cách là các gia đình, hãy lưu tâm đặc biệt đến ơn gọi của chúng ta là những môn đệ truyền giáo của Chúa Giêsu. Điều này có nghĩa là sẵn sàng đi xa hơn ngôi nhà của mình để chăm sóc cho những anh chị em chúng ta đang cần đến chúng ta nhất. Tôi xin anh chị em đặc biệt quan tâm đến những người không có một gia đình riêng của mình, đặc biệt là những người già và trẻ em mồ côi. Đừng bao giờ để cho họ cảm thấy bị cô lập, lẻ loi và bị bỏ rơi, nhưng giúp họ nhận ra rằng Thiên Chúa không quên họ. Chính anh chị em có thể rất nghèo về phương diện vật chất, nhưng anh chị em vẫn dư dật những hồng ân để trao tặng cho Chúa Kitô và cộng đoàn Giáo Hội của Người. Đừng che giấu đức tin của mình, đừng giấu Chúa Giêsu đi, nhưng hãy đưa Ngài vào thế giới và hãy trao ra những chứng tá đời sống gia đình của anh chị em!

Anh chị em thân mến trong Chúa Kitô, hãy biết rằng tôi luôn cầu nguyện cho anh chị em! Tôi cầu nguyện xin Chúa tiếp tục làm cho tình yêu của anh chị em dành cho Ngài sâu sắc hơn, và xin cho tình yêu này có thể được thể hiện trong tình yêu anh chị em dành cho nhau và cho Giáo Hội. Hãy cầu nguyện thường xuyên và mang những hoa trái lời cầu nguyện của anh chị em vào thế giới, để tất cả có thể nhận biết Chúa Giêsu Kitô và tình yêu thương xót của Ngài. Xin cũng hãy cầu nguyện cho tôi, vì tôi thực sự cần lời cầu nguyện của anh chị em và luôn cần đến những lời cầu nguyện này!

Giờ đây Đức Thánh Cha bắt đầu phần lời nguyện giáo dân:

Anh chị em thân mến, hãy nài xin Thiên Chúa là Cha toàn năng để mỗi lời cầu nguyện từ con tim của chúng ta được hướng dẫn theo thánh ý Chúa là tất cả nhân loại sẽ nhận biết chân lý và được cứu rỗi.

Lạy Cha, xin ban cho chúng con lòng thương xót và lòng từ bi vô hạn của Chúa.

Cầu cho các gia đình có người xuất ngoại lao động

Chúng ta hãy cầu xin để họ có thể vượt qua những thách đố về sự xa cách, cô đơn, và chủ nghĩa vật chất, để nhờ lời cầu bầu của Mẹ Maria, họ có thể là những chứng nhân hiệu quả của sức mạnh tình yêu Thiên Chúa. Chúng ta hãy cầu xin Chúa.

Cầu cho các gia đình đang sống trong nghèo đói và bất công

Chúng ta hãy cầu xin để họ luôn luôn nhận ra phẩm giá của mình là các Kitô hữu, để nhờ cầu bầu của Thánh Giuse, họ có thể hiệp thông trong sự thăng tiến con người. Chúng ta hãy cầu xin Chúa.

Cầu cho các gia đình đang phải đối mặt với những thách thức của chia rẽ và xung đột

Chúng ta hãy cầu xin để họ có thể tìm được bình an nhờ sự tha thứ và hòa giải trong lòng thương xót và lòng từ bi của Thiên Chúa. Chúng ta hãy cầu xin Chúa.

Cầu cho các gia đình của những người khuyết tật

Chúng ta hãy cầu xin để họ có thể trở thành một nguồn hy vọng và sức mạnh để ngay cả khi phải đối mặt với những trở ngại họ vẫn có thể xứng đáng với căn tính là con cái Thiên Chúa. Chúng ta hãy cầu xin Chúa.

Cầu cho các gia đình đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng về đức tin

Chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần dẫn dắt họ trở lại con đường cầu nguyện, bác ái, và canh tân để tận hưởng những ơn ích thiêng liêng khi hiệp nhất với Chúa. Chúng ta hãy cầu xin Chúa.

Cầu cho các gia đình đang phải sống trong những vùng đang xảy ra chiến sự

Chúng ta hãy cầu xin cho họ có thể tìm thấy nơi nương náu trong sự giúp đỡ của các gia đình khác và xin Chúa là hoàng tử bình an ban cho họ được hưởng một nền hòa bình lâu dài. Chúng ta hãy cầu xin Chúa.

Cầu cho tất cả các gia đình:

Chúng ta hãy cầu xin cho tất cả các gia đình để họ có thể nhận ra tiếng gọi của Chúa để thông phần trong sứ mệnh của Ngài là loan báo Tin Mừng, phục vụ người nghèo, và đề cao sự sống. Chúng ta hãy cầu xin Chúa.