THỜI BUỔI CÁI TỐT ĐƯỢC GỌI LÀ “CỰC ĐOAN”

Cách đây đã lâu, một bác sĩ bạn tôi nói sự thật về một biến cố thì một người bạn khác, mang danh luật sư, phán liền một câu: “Anh ta cực đoan quá”. Tôi nói lại ngay: “Trong xã hội này, người tốt và cương trực thường được gọi là cực đoan”.

Cực đoan là gì? Sự vật có hai đầu được gọi là đoan, lưỡng đoan. Cực đoan là hai đầu tận cùng của vật thể. Từ này được dùng với nghĩa quá khích, quá mức bình thường, hết sức, cực độ. Hiểu như thế, cực đoan thường không tốt và hàm ý chê trách.

Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội ngày nay, những ai can đảm bênh vực cái tốt, lên án cái gian xảo, điêu ngoa, tàn ác thì bị gán cho từ cực đoan. Trong một xã hội mà ai cũng nói dối và giáo dục đề cao sự giả dối, thì những người bảo vệ sự thật được gọi là “cực đoan”. Học sinh đi thi mà không quay cóp thì bạn bè cho là cực đoan.

Khi nhìn vào toàn cảnh rộng lớn hơn là xã hội có nhiều tầng lớp, nhiều hạng người với những quan điểm và mục tiêu khác biệt, người ta nhìn thấy sự khác biệt, thậm chí là đối lập hoàn toàn. Trong cái mớ bòng bong rối ren như thế, người ta có thể tạm chia xã hội thành ba nhóm: nhóm 1 lên án cái ác và nhiệt tâm rao giảng chân thiện mỹ, nhóm 2 ủng hộ cái ác và lên án điều thiện. Và khi nhóm 1 loan truyền điều tốt đẹp, thì đồng thời họ phải lên án cái xấu. Khi đó có một nhóm thứ 3 gồm những người muốn sống yên thân, không quan tâm đến xã hội, gọi nhóm 1 là cực đoan.

Tại sao thế? Câu trả lời cũng dễ tìm thấy. Tâm lý con người thường muốn sống yên ổn, không ai đụng chạm gì đến mình. Hơn nữa, trong một xã hội mà từ thông tin, quảng cáo cho đến giáo dục đều nhắm đến việc đào tạo những con người chỉ nghe mà không phê phán, chỉ theo mà không tìm hiểu, chỉ chấp nhận mà không được hỏi, thì rõ ràng những tìm hiểu, đặt câu hỏi hay phê phán đều bị coi là quá đáng, là cực đoan.

Thế nhưng, có ba điều cần lưu ý.

Thứ nhất, giữa màu đen màu trắng thì có màu xám, giữa màu xanh dương và màu vàng có màu xanh lá cây, nhưng giữa sự thật và sự giả trá, giữa cái thiện và cái ác, không có trung gian. Một là chọn cái tốt, cái thiện, hai là theo cái gian, cái xấu, không có chuyện đứng giữa. Cho nên bạn thà chấp nhận bị gọi là cực đoan chứ không thể “ba phải”. Và như thế, dùng từ cực đoan ở đây là sai, phải gọi là “cực thiện” mới đúng với ý nghĩa và bản chất sự việc.

Thứ hai, khi một người nhảy xuống hồ nước để bơi, anh ta dù muốn lặn xuống đáy cũng khó khăn lắm, mà thường anh ta lơ lửng rồi trồi lên mặt nước. Điều này phần nào nói lên sự thật này: con người có bản năng hướng lên, dù có lơ lửng rồi cũng bay lên cao. Chỉ có những ai theo đuổi chủ thuyết đè nén con người mới đẩy con người xuống tận đáy nước. Ai lên cao thì bị gọi là cực đoan. Trong tình huống này, nếu anh không “cực đoan”, anh sẽ bị nhấn chìm!

Điều thứ ba là điều mà chúng tôi muốn nhấn mạnh trong bài viết ngắn này. Tất cả các tôn giáo đều đề cao cái thiện. Riêng Hội Thánh Chúa Kitô được Chúa thiết lập không chỉ để dạy cho con người làm lành lánh dữ. Không chỉ như thế. Hội Thánh là một cộng đoàn người được chọn để rao giảng mầu nhiệm Thập Giá và Vương Quốc, để làm chứng cho Vương Quốc chân lý, tình yêu, công bằng và liên đới, và góp phần làm cho Vương Quốc của Cha “trị đến”.

Hiểu như thế, Hội Thánh không đứng ngoài các vấn đề trần thế. Hội Thánh cũng không thể trung dung, nửa vời, thỏa hiệp để đổi lấy cái dễ dãi bên ngoài. Hội Thánh và con cái mình phải lên tiếng trước cái ác. Học Thuyết Xã Hội Công Giáo dạy:

“Học thuyết xã hội này cũng bao gồm cả nghĩa vụ phải tố cáo mỗi khi tội có mặt: tội bất công và tội bạo lực, cách này hay cách khác, đang lan tràn qua xã hội và thâm nhập vào xã hội. Nhờ biết tố cáo, học thuyết xã hội trở nên giống các thẩm phán và các nhà bảo vệ những quyền lợi không được nhìn nhận và hay bị xâm phạm, nhất là các quyền lợi của người nghèo, người yếu kém” (Hiến chế Gaudium et Spes).

Người đời có thể dở dở ương ương nửa ấm nửa nguội để tìm chỗ đứng an thân, nhưng người Công Giáo, từ giáo dân đến tu sĩ, giáo sĩ, không ai có quyền đó. Không ai được tránh cái “thái cực” tốt cả. Chúa Giêsu bảo nóng thì nóng hẳn, nguội thì nguội hẳn, còn dở dở ương ương sẽ bị mửa ra.

Tôi đã nghe có vị linh mục nói “phải yêu thương”. Nhưng yêu là yêu ai? Anh yêu người có quyền, anh biếu xén cho họ thì dễ quá. Nhưng khi yêu kiểu ấy, anh lỗi bác ái với người nghèo, người cô thân cô thế. Giáo lý Công Giáo dạy yêu thương. Chính xác. Nhưng là yêu thương mọi người, chứ không chỉ yêu người quyền thế.

Giáo lý còn dạy công bằng, dạy xả thân cho sự thật, dạy đề cao người cô thân khốn quẫn. Ngồi trong phòng máy lạnh, anh viết bài suy niệm yêu thương thì dễ hơn bạn anh đang xông vào chỗ người chết đói chết khát để cho họ miếng cơm manh áo. Cả hai đều cực đoan vì ở hai thái cực. Nếu phải chọn, tôi chọn cực thứ hai, viết bài, rao giảng và chia sẻ giữa đám dân nghèo chứ không phải chỉ ngồi viết trong phòng máy lạnh.

Như thế, nếu hiểu cực đoan đúng ý nghĩa là tận một đầu sự vật, thì có hai cực đoan: tốt, thiện hảo và xấu, tàn ác. Chúng ta phải chọn thái cực thứ nhất, làm điều tốt, cổ vũ công lý hòa bình và lên án bất công.

Nhưng có lẽ từ nay những ai muốn nói đến những người xả thân vì sự thật, hết lòng vì công lý, lên án cái xấu, thì đừng dùng từ cực đoan nữa, mà thay vào đó là từ “dấn thân”, vừa đúng nghĩa mà vừa diễn tả hết sự thật.

Bài viết này cũng xin như một lời tạ ơn Thiên Chúa vì Người đã ban cho chúng con những vị mục tử dám nói lên tiếng nói công lý hòa bình trong thời đại chúng con đang sống. Chúng con xin cám ơn Cha Giám Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế hai nhiệm kỳ vừa qua cùng với Hội Đồng Quản Trị, đã hết lòng đứng về phía sự thật, công lý và người nghèo. Xin Chúa chúc lành cho Cha Giám Tỉnh và quý Cha quý Thầy.

Chúng con cầu chúc Cha Tân Giám Tỉnh và quý Cha quý Thầy trong Hội Đồng mới tràn đầy hồng ân Chúa trong sứ vụ Chúa giao giữa thời đại còn rất nhiều ngổn ngang phía trước.

Gioan Lê Quang Vinh