Bài giảng ngày cuối năm

ROME, ngày 31 tháng 12, 2014 (Zenit.org) - "Hãy đi trong tự do” không để cho bị cám dỗ bởi sự “tưởng nhớ tình trạng nô lệ”: đây là điều Đức Thánh Cha cầu chúc các Kitô hữu ngày 31 tháng 12, vài giờ trước khi bước vào năm 2014.

Đức Thánh Cha đã chủ tọa kinh chiều Đại Lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, lúc 7 giờ chiều. Sau đó là giờ chầu Thánh Thể, với Thánh Thi “Te Deum”, truyền thống, để tạ ơn cho năm Dương lịch đã qua, và tiếp theo là phép lành Thánh Thể.

“Thời gian không phải là một thực tại lạ lùng đối với Thiên Chúa, vì Người đã muốn tự mạc khải và cứu rỗi con người trong lịch sử”, Đức Thánh Cha đã giải thích trong bài giảng: “Thời gian đã bị Chúa Kitô, con Thiên Chúa và Mẹ Maria “tác động”, và đã trở thành thời kỳ “cứu chuộc”, “thời kỳ của ân sủng.”

Đức Thánh Cha đã mời gọi mọi người “chấm dứt một năm bằng một cuộc duyệt xét lương tâm và duyệt lại tất cả những gì đã xẩy ra.” Cần phải “tạ ơn Chúa về tất cả những gì tốt lành đã nhận được và đã thành tựu”, và “xin tha thứ cho tất cả những thiếu sót và tội lỗi”.

Đối với Đức Thánh Cha “thái độ về tác động ân sủng giúp cho có sự khiêm tốn, để nhận biết và đón nhận những ơn lành của Chúa.” Mục đích căn bản của tác động ân sủng chính là sự cứu chuộc con người bởi “Chúa Kitô đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria và chết trên thập giá.”

Sau tội nguyên thủy, con người trở nên “những nô lệ”, nghe theo “con đường của sự dữ”. Vì thế, vào cuối một năm đã qua và là đêm trước của một năm mới, các Kitô hữu được mời gọi phải “cầu xin ơn trên để có thể bước đi trong tự do, để sửa sai những thiệt hại gây ra và để chống lại với sự tưởng nhớ tình trạng nô lệ.”

Thực vậy Đức Thánh Cha đã lưu ý phải chống lại “khuynh hướng ngăn cản sự giải phóng”: con người “sợ hãi sự tự do” và thích hơn “ít hay nhiều sự nô lệ.” Tự do làm cho sợ hãi vì buộc phải đối phó với các trách nhiệm… Tình trạng nô lệ giảm thiểu thời gian thành “một thời điểm” và khiến cho có cảm tưởng được an toàn.”

Nhưng trên thực tế, sự nô lệ “ngăn không cho sống viên mãn và sống thực sự trong hiện tại, vì khoảng trống trong quá khứ ngăn không cho hướng về tương lai và vĩnh cửu. Sự nô lệ làm cho chúng ta tin rằng chúng ta không thể mơ tưởng, không thể bay bổng, và không thể hy vọng.” Sự nô lệ trói buộc chúng ta “trong những tràng pháo bông bề ngoài rất đẹp những trong thực tế chỉ kéo dài trong chốc lát. Đây là “triều đại của phù du.”

Đức Thánh Cha tiếp: Như những người Ai Cập trong sa mạc, trái tim người Kitô “quyến luyến sự nô lệ, dường như có vẻ bảo đảm hơn là sự tự do, vì tự do nguy hiểm hơn.”



Ngài đã đặt ra vài câu hỏi để duyệt xét lương tâm: “Chúng ta có sống như những con cái của dân nô lệ không? Chúng ta có sống như những người được chịu phép rửa trong Chúa Kitô và đã được giải phóng không? Hay chúng ta đang sống theo luận lý của người đời, thối nát, làm theo những gì ma quỷ khiến cho chúng ta tưởng là có ích lợi?”

Việc duyệt xét lương tâm này là một “việc xét lại đời sống cá nhân và cộng đồng”, tùy thuộc vào “giá trị của công trình, của đời sống, của sự hiện diện trong thành phố, của việc phục vụ cho tiện ích chung, của việc tham gia vào các tổ chức công cộng và Giáo Hội” của mọi Kitô hữu.

Sau nghi lễ, trong khi mản đêm buông xuống, Đức Thánh Cha đã đi xe trong quảng trường Thánh Phêrô, nơi ngài suy niệm trước hang đá được chiếu sáng rực rỡ, trong lúc ban nhạc Vệ Binh Thụy Sĩ trình tấu các bản nhạc Giáng Sinh. Sau đó ngài đã đi quanh đám đông trong mười lăm phút, trong tiếng hoan hô, và ngài ban phép lành cho các trẻ em, và vui cười trao đổi vài lời với các khách hành hương sắp hàng chờ đợi phía sau các hàng rào cản.

Ngày mai, Lễ Trọng Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, tuần bát nhật Giáng Sinh và ngày đầu năm 2015, Đức Thánh Cha sẽ dâng Thánh Lễ lúc 10 giờ sáng trong Vương Cung Thánh Đường. Ngày mai sẽ là ngày Hòa Bình Quốc Tế lần thứ 48, với chủ đề “Không còn là nô lệ, mà là anh em.”