SÁCH VÀ TRUYỀN GIÁO

Mừng lễ Thánh Gia, chúng tôi xin gửi đến quý độc giả bốn phương quyển còn lại trong bốn quyển sách vừa phát hành, tựa đề “SỔ TAY TÂN PHÚC ÂM HÓA GIA ĐÌNH VÀ GIA TỘC”. Năm “tân phúc âm hóa cuộc sống gia đình” đã trôi vào dĩ vãng nhưng sứ mạng cũng như những khó khăn của các gia đình vẫn còn đó. Mời đọc quyển sách bắt đầu từ phần II, để đi ngay vào những gợi ý cụ thể.

Quý độc giả cũng có thể tìm đọc cả 4 quyển tại:

http://gpquinhon.org/qn/news/Gia-dinh/So-tay-Tan-Phuc-Am-Hoa-Gia-Dinh-3193/#.VJ5Zosgk

http://gpquinhon.org/qn/news/muc-vu/Hon-nhan-va-dao-hieu-3143/#.VI-SS9KsW-k

http://gpquinhon.org/qn/download/van-hoa/50-nam-tho-cung-to-tien/

http://gpquinhon.org/qn/download/tu-duc/Sua-duc-tin-va-nhung-cau-tam-niem/

http://thanhlinh.net/node/81904 (50 bài ru em mp3)


Đang khi đưa các file sách ảo lên mạng chúng tôi xin được chia sẻ đôi lời về sách in trên giấy.

Trong viễn cảnh truyền giáo và đào tạo người, sách in trên giấy vẫn còn cần thiết. Khi đọc trên mạng, ta thường có xu hướng lướt thật nhanh, còn khi dán mắt vào trang sách in, ta thường tập trung chú ý nhiều hơn, dễ đào sâu hơn. Khi một người bắt đầu ôm một quyển sách đạo nghiền ngẫm và được ơn đức tin, ta có quyền hy vọng đức tin của người ấy sẽ sâu xa và mãnh liệt hơn những người không đọc sách hoặc chỉ lướt trên mạng. Nhờ đào sâu và nghiền ngẫm, cảm nghiệm của người ấy cũng sâu đậm hơn và khả năng chia sẻ Tin mừng cũng sắc sảo hơn. Việc đào tào các tài năng trẻ và các ơn gọi trẻ cũng tương tự.

Khi tặng sách, chúng ta noi gương sự quảng đại của Chúa nơi dụ ngôn người gieo giống. Ba phần tư đầu của việc gieo vãi kể như vất đi, chỉ một phần tư cuối là sinh hoa kết quả. Môn đệ không hơn Thầy, nếu cứ 10 quyển lại có một quyển được đọc nghiêm túc thì cũng may mắn lắm rồi. Tuy nhiên đức tin và nhiệt tình nẩy nở nơi một người đủ đáng giá hơn cả hàng trăm quyển sách bị phí phạm.

Chúng ta cũng cần học hỏi và chạy đua với một kinh nghiệm Phật giáo: Ấn tống. Từ “ấn tống” gồm hai chữ ấn = in và tống = tặng. Sách Phật có những chương dài nói về lợi ích của việc in sách tặng không, chẳng những ích lợi cho công cuộc “hoằng pháp” (tương đương với “loan báo Tin mừng” của ta) mà còn đem lại cho người ấn tống rất nhiều ơn ích cụ thể trong cuộc sống.

Đôi khi tôi chợt nghĩ, chắc phải trao đổi với anh em Phật tử để tìm thêm một thuật ngữ mới có nghĩa là “thuê đọc sách”, ai đọc sách sẽ được thưởng. Đây không phải là chuyện đùa. Số người chịu đọc sách ngày càng hiếm hoi. Các giáo xứ và các cộng đoàn dòng tu muốn có được những ơn gọi tốt, một tầng lớp trí trẻ năng động và giàu nhiệt tình loan Tin mừng, cần cấp tốc mở những “hội thi đọc sách”

Trên trang “Triết học Đường phố” có bài viết được chú ý nhiều của một tác giả ẩn danh tựa đề "Tủ rượu của người Việt và tủ sách của người Do Thái”. Tác giả ghi lại nhận xét của Giáo sư Chu Hảo, một học giả gạo cội của Việt Nam và đang là Giám đốc Nhà Xuất bản Tri Thức. Ông và nhà xuất bản Tri Thức hiện đang dịch và phát hành các đầu sách tinh hoa của nhân loại nhằm giới thiệu và lan tỏa các giá trị, tư tưởng tiến bộ của nhân loại đến với người Việt. Thế nhưng, một đất nước 90 triệu dân như Việt Nam lại tiêu thụ chưa đầy 1.000 cuốn sách loại này, trong khi đó tại Nhật Bản thời cải cách Minh Trị – Thiên Hoàng (1866-1869), 30 triệu dân Nhật lại tiêu thụ tới hàng trăm ngàn cuốn sách tinh hoa ấy!!! Giáo sư Chu Hảo nói tiếp: Thế nhưng các loại sách tình cảm hời hợt, thậm chí kích dục lại có số lượng tiêu thụ 5000 – 10000 cuốn ở Việt Nam. “Văn hóa đọc của người Việt hiện nay quá kém.” – vị giáo sư kết luận.

Tiếp đó, tác giả bài báo so sánh thêm:

Ở các nước Âu – Mỹ, lấy ví dụ ở Pháp hiện nay, trung bình một người dân Pháp đọc tới 20 cuốn sách mỗi năm, đối với người dân sống ở thành phố, tầng lớp tri thức, con số đó lên tới 30-50 cuốn mỗi năm (Nguyễn Hương, bài “Người Việt ít đọc sách: Cần những chính sách để thay đổi toàn diện”).

Ở một quốc gia gần hơn trong cộng đồng ASEAN, đó là Malaysia, số lượng sách được đọc trên đầu người là 10-20 cuốn/người/năm (2012, số liệu từ ông Trần Trọng Thành, công ty sách điện tử Aleeza).

Và ở Việt Nam, theo con số do Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công bố ngày 12/04/2013 ngay trước thềm sự kiện “Ngày hội Sách và Văn hóa Đọc”, số lượng sách một người Việt đọc trong một năm là… 0,8 cuốn, nghĩa là người Việt Nam đọc chưa đầy 1 cuốn sách trong 1 năm!!! (http://www.triethocduongpho.com/2014/01/12/)

Câu hỏi chúng tôi muốn nêu lên cho các mục tử và cộng đồng Dân Chúa là: Số lượng sách một người Việt đọc trong một năm là… 0,8 cuốn, còn số lượng sách một người Công Giáo Việt Nam đọc trong một năm là… ??? Có đến 0,8 cuốn chăng?

Một nhóm giáo lý viên đế tận nhà giới thiệu sách Công Giáo cho các gia đình, cả lịch Công Giáo. Có những người đã mua sách ủng hộ. Họ trả tiền sòng phẳng rồi gửi sách lại: “Các bạn muốn đưa cho ai đọc thì đưa, để đây rồi cũng bỏ uổng chứ không ai đọc đâu!”

Sáu năm trước, chúng tôi kêu gọi mỗi giáo xứ tổ chức một quầy phát hành sách. Sáu năm sau vẫn chưa có giáo xứ nào hưởng ứng, chúng tôi xoay sang cổ võ mỗi giáo hạt một phòng bán sách, phục vụ mỗi tuần hai ngày. Thế nhưng xem chừng rồi cũng chẳng có ai hưởng ứng. Hiện nay đang là năm tân phúc âm hóa cuộc sống giáo xứ, rồi sang năm sẽ đến năm tân phúc âm hóa cuộc sống xã hội. Ta tha hồ kêu gọi nhưng đám người đọc sách đang trên đà tuyệt chủng thì e rằng tất cả rồi cũng chẳng đi tới đâu.

Xin chúc mọi người và chúc cả bản thân tôi một Năm mới 2015 tràn đầy hạnh phúc trong Chúa và có cảm hứng để đọc thêm một vài quyển sách, và hơn nữa, có được sự quảng đại và can đảm để lên một kế hoạch tặng sách nhằm loan báo Tin mừng.

Lm TRĂNG THẬP TỰ