Giáng Sinh là đại lễ hằng năm của Giáo Hội Công Giáo nhằm kỷ niệm sinh nhật của Chúa Jêsu, ngày 25 tháng 12, ngoại trừ Giáo Hội Công Giáo Đông Phương ở Armenia, họ kỷ niệm vào ngày 6 tháng Giêng.

Từ Giáng Sinh xuất hiện sớm nhất ước vào năm 1123, trong tiếng Anh cổ xưa viết là ‘Cristesmaesse’, hoặc ‘Christes Maesse’, và kể từ năm 1568 đổi thành từ ‘Christmas’. Christmas nghĩa là Thánh Lễ của Chúa Kitô.

Ngày sinh chính xác của Chúa không ai biết rõ. Theo sự tìm hiểu của Cha dòng Phaxicô Gilberto Cavazos-Gonzalez, ghi nhận trong cuốn Tradiciones of our Faith, chỉ biết rằng, khoảng năm 200, người Ai Cập đã bắt đầu mừng Lễ Sinh Nhật của Chúa vào ngày 20 tháng 3, trong lịch 9 tháng của họ. Lịch của người Ai Cập thời đó có 9 tháng, có lẽ vì bào thai con người ở trong bụng mẹ khoảng 9 tháng trước khi chào đời. Chúa Jêsu cũng không biệt lệ.

Theo dòng thời gian, việc mừng Chúa giáng sinh lan tràn sang các nước khác, nhưng với các thời điểm khác nhau: 6 tháng Giêng, 28 tháng Ba, 19 tháng Tư v.v..

Vào thế kỷ thứ 2, một sử gia Công Giáo Roma tên là Sextus Julius Africanus đã phỏng tính và cho rằng ngày sinh của Chúa Jêsus là ngày 25 tháng 12. Ngày này dần dà được nhiều nơi cùng áp dụng. Vào thế kỷ thứ tư, ngày này đã chính thức được chuẩn nhận bởi Đức Giáo Hoàng Julius I với ảnh hưởng không nhỏ của Thánh Gioan Kim Khẩu – John Chrysostom.

Thật ra, với sự lớn mạnh và phát triển ở nhiều nơi của Thiên Chúa Giáo, đặc biệt thế kỷ thứ tư được phép của Đại Đế Constantine cho hoạt động công khai, ngày 25 tháng 12, ngày Giáng Sinh của Chúa Jêsu được chọn để thay thế cho lễ hội mừng ngày sinh Thần Mặt Trời (Apollo) của những người ngoại giáo, và có lẽ cũng không là..tình cờ khi các đấng bản quyền thời đó đã chọn ngày đó vì chúng ta nhớ lại, Christ nghĩa là Mặt Trời Công Chính (Malachi 4.2) và cũng là Ánh Sáng của Thế Giới (Jn 8.12).

Việc cử hành đại lễ Giáng Sinh được ghi nhận đầu tiên ở Roma vào năm 335 hoặc 336, và được truyền bá sâu rộng nhất trong thế kỷ thứ 5 và thứ 6. Chữ Nativity được lấy từ tiếng Latin nativus, nghĩa là ‘arisen by birth’.

Khoảng năm 600, Thánh Gregogy Cả, đã bắt đầu bài giảng Lễ Giáng Sinh rằng, “Thiên Chúa trong sự quảng đại của ngài cho phép chúng ta dâng 3 Thánh Lễ trong ngày này”. Và tập tục tốt đẹp này khởi đầu từ Roma, từ từ lan dần sang các nước khác, nhất là tại Âu Châu. Thánh Lễ Chính Ngày (the Mass of the Day) đầu tiên được cử hành ở Vương Cung Thánh Đường Phêrô, Roma, sau là tại Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả, là nơi được tuyên đọc Lời Tựa trong Phúc Âm Thánh Gioan, nói về việc “Ngôi Lời trở nên người phàm” Jn 1 1-18. Thánh Lễ thứ hai là Thánh Lễ Nửa Đêm (the Midnight Mass), và bài đọc là tường thuật việc “Giáng Sinh của Chúa”. Thánh Lễ cử hành tại hang đá dựng ở Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả, và hang đá này được làm phỏng theo hang đá ở the Church of Nativity, Bethlehem. Thánh Lễ Thứ Ba là Thánh Lễ Rạng Đông, Mass of the Dawn, nguyên được cử hành tại Vương Cung Thánh Đường Thánh nữ Anastasia vào ngày lễ kính của ngài, 25 tháng 12, sau này chuyển thành Lễ mừng Giáng Sinh, với bài phúc âm nói về “Mục tử nhân lành”.

Hai cuốn Phúc Âm của Thánh Luca và Matthêu đã tường thuật việc Chúa Jêsu giáng sinh ở Bethlehem miền Judea, bởi một trinh nữ tên là Maria.

Theo Thánh Luca chương 2 đoạn 1-21, Thánh Giuse và Mẹ Maria đã từ Nazareth về nguyên quán của Thánh Giuse ở Bethlehem để kê khai tên tuổi theo chiếu chỉ kiểm tra dân số của Hoàng đế Augustô, và Chúa Jêsu đã chào đời tại đây.

Quảng đường từ Nazareth về Bethlehem ước khoảng 100 dặm. Các nhà khảo cổ và học giả Kinh Thánh ngày nay có thể giúp chúng ta tưởng tượng được cuộc hành trình gian nan mất 5 ngày của các đấng thời đó. Nên nhớ rằng, Đức Mẹ đã mang thai Chúa Jêsu hơn 9 tháng, và cũng sắp…tới ngày mãn nhụy khai hoa! Đường đi thời đó cũng không bằng phẳng, tráng nhựa như bây giờ: gập ghềnh vì qua núi, đồi và cả sa mạc. Phương tiện di chuyển: chỉ có “chú lừa nhỏ, ốm yếu” đỡ chân cho Mẹ dọc đường, như lời nữ tu Maria D’Agreda thuật lại các thị kiến và mạc khải chị nhận được từ Đức Mẹ trong cuốn Mistica Ciudad De Dios vào hậu bán thế kỷ 17.

Vào cuối ngày thứ nhất của cuộc hành trình, họ có thể đã vượt qua Biển Hồ Galilee. Vẫn theo lời nữ tu Maria d’Agreda, các đấng đã đến thị trấn Bethlehem vào lúc 4 giờ chiều của ngày cuối, ngày thứ 5 của cuộc hành trình. Chắc chắn rằng họ phải vượt qua sa mạc Judea, theo hướng tây. Sa mạc này vốn rất nguy hiểm với các dã thú như sư tử, bò cạp, rắn… và cũng là bản doanh của các tay thảo khấu chuyên sống bằng sự cướp giựt tài sản của khách bộ hành, và đôi khi họ sẵn sàng lấy mạng sống hoặc ‘xin tí huyết’ những nạn nhân nếu cần! Đã hơn 2000 năm kể từ thời đó đến bây giờ, nhưng sự nguy hiểm vẫn còn nguyên đó! Du khách ngày nay đi ngang sa mạc này, cũng được nhắc nhở: cần hết sức đề phòng các nguy hiểm…có thể xảy ra.

Chuyện sa mạc này làm chúng ta liên tưởng đến dụ ngôn “người Samaritan tốt lành”, được Thánh Sử Luca, thuật lại hết sức cảm động trong chương 10, đoạn 29-37, nói về một người bị rơi vào tay kẻ cướp khi đi từ Jerusalem đến Jericho, và ông được một người “ngoại” có một tình yêu không biên giới, không quốc gia, hết lòng cưu mang, chăm sóc. Nếu chúng ta có tấm bản đồ xứ Do Thái và Judea trước mắt, chúng ta mới thấy được sự rộng lớn của sa mạc này như thế nào! Khách đi đường quả thật phải đối mặt với sự hiểm nguy bủa vây tứ phương, chẳng hạn các tuyến đường từ Bắc xuống Nam: Nazareth-Bethlehem, và từ Tây sang Đông: Jerusalem-Jericho, là những trục giao thông quan trọng thời đó.

Khi Thánh Giuse và Mẹ Maria đến gần thành phố Jerusalem, trước khi xuôi Nam một chút nữa để về nơi phải đến: Bethlehem, họ có thể đã phải đi qua những làng mạc đã bị chính quyền Roma hủy diệt hoặc đốt cháy, và họ cũng có thể thấy bên đường hay trên những ngọn đồi nhỏ, những “phạm nhân” bị đóng đinh trên thập giá vì tội chống đối chính quyền cai trị Roma thời đó. Không ngờ 33 năm sau, chính con của hai đấng, Chúa Jêsu, cũng bị đóng đinh và bị treo trên cây thập tự!!!

Theo Thánh Matthêu chương 2 đoạn 1-12, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông tìm đến Jêrusalem triều bái theo một ngôi sao dẫn đường, họ mang theo các lễ vật là Vàng, Nhủ Hương và Mộc Dược. Thánh Matthêu không nói rõ có bao nhiêu nhà chiêm tinh, ngài chỉ nói chung chung có ‘các nhà chiêm tinh’ tuy nhiên dựa vào các lễ vật dâng Chúa, người sau cho rằng có tất cả là ba nhà chiêm tinh- còn gọi là ba đạo sĩ hay ba vua. Và một trong những lý do thuyết phục nhất chứng minh chỉ có ba vị, đó là ngày nay bạn có thể đến viếng một số xuơng thánh, được cho rằng của chính Ba vị Vua đó, đã được đưa về lưu giữ trong Koelner Dom, (Cologne Cathedral) Đức quốc từ nhiều thế kỷ trước. Người có công ‘sưu tầm’ thánh tích Ba Vua ngay từ thứ kỷ thứ 4, không ai khác hơn chính là Hoàng Thái Hậu Thánh Helena. Thánh tích các vị đã được lưu giữ ở nhiều nơi khác nhau, và vào thế kỷ thứ 12 đã sang Đức và cuối cùng an nghỉ cho đến ngày nay trong Vương Cung Thánh Đường nổi tiếng của Tổng Giáo Phận Koeln này - được khởi công xây cất vào năm 1248.

Matthêu cũng không cho chúng ta biết tên của các nhà chiêm tinh ấy là gì, nhưng theo truyền thuyết dân gian, họ có tên là Melchior, Caspar (hoặc Gaspar), và Balthazar, và đại diện cho Âu Châu, Ả Rập và Phi Châu. Họ đã đến Bethlehem qua sự dẫn đường của ngôi sao lạ, sau khi trải qua 12 ngày trong sa mạc bằng ngựa, lạc đà và voi. Theo Thánh John Chrysostom, họ có thể là người Babylon, Ba Tây hoặc là người Do Thái từ Yemen. Một thuyết khác theo truyền thống của dân Armenia: Melchior là người Ba Tư, Caspar người Ấn Độ, và Balthasar người Ả Rập.

Theo ý nghĩa mang tính Thần Học, các lễ vật đó có thể tượng trưng cho 3 sứ vụ của Linh Mục, và Chúa Jêsus chính là vị Linh Mục Thượng Phẩm. Vàng tượng trưng cho Vương Quyền nhắc nhớ tới dòng dõi hoàng tộc của Chúa Jêsu, Vua dân Do Thái; Nhủ Hương cho Thần Quyền, cũng nói lên Thiên Tính của Ngài, là Con Thiên Chúa, và Mộc Dược cho Tiên Tri, vốn dùng tẩm liệm thân thể người chết, cũng nhắc nhớ đến cái chết nhân tính của Ngài để tẩy rửa tội lỗi loài người chúng ta.

Phúc Âm Thánh Luca nói rằng Đức Mẹ “sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ” (Lc 2:7). Luca không cho biết chính xác nơi nào Chúa sinh ra. Vào thế kỷ thứ 2, Justin Martyr, đã cho rằng Chúa sinh ra trong một cái hang ngoài thành Bethlehem. Tuy nhiên, nhiều người ngày nay tìm đến viếng thăm The Church of the Nativity ở trong thành Bethlehem, do Đại đế Constantine và mẹ ông là Hoàng Thái Hậu Thánh Nữ Helena ra lệnh xây cất vào năm 327. Nơi đây được xây cất trên chỗ được xem là nơi Chúa Jêsu sinh hạ. Vương Cung Thánh Đường này được hoàn tất vào năm 339. Ngôi thánh đường đầu tiên này bị thiêu hủy vào thế kỷ thứ sáu trong một cuộc nổi loạn của người Samaritan thời đó, và một ngôi thánh đường mới được xây lại vào năm 565 bởi Justinian, Đại Đế của Byzatine. Ngày nay, the Church of Nativity được xem là một di sản thế giới.

Máng Cỏ Giáng Sinh: Theo truyền thuyết, Thánh Phanxicô Khó Khăn (St. Francis of Assisi) là người đã có sáng kiến dựng lên máng cỏ Giáng Sinh đầu tiên vào năm 1223, sau chuyến viếng thăm Đất Thánh Jêrusalem và nơi Chúa Jêsu sinh ra. Khi về lại Ý, Ngài đã được phép của Đức Giáo Hoàng thời đó là Honorious III, để dựng lên máng cỏ Giáng Sinh với hai con vật sống là bò và lừa tại làng Grecio, Ý. Ngài cũng đã cho mời dân làng đến viếng thăm máng cỏ sống này, và đã giảng cho họ nghe về “Hài Nhi ở Bethlehem” trong đêm Giáng Sinh. Chuyện này được ghi lại trong cuốn “Cuộc đời Thánh Phanxicô thành Assisi”, tác giả là Thánh Tiến Sĩ Bonaventure, cũng thuộc dòng Phanxicô, sinh ra vào năm 1221, sau khi Thánh Phanxicô mất được 5 năm, 1226. Thánh Phanxicô dựng lại cảnh này muốn nhấn mạnh đến sự khó nghèo và thanh bần của Chúa. Đó là ý định thánh thiên của Chúa nhân từ, hầu mỗi người chúng ta, dù giàu nghèo, sang hạ… khi chạy đến với Ngài, không phải mang bất cứ một mặc cảm xuất thân gì. Thanh bần và khó nghèo cũng là những nhân đức trổi bật của Thánh Phanxicô Khó Khăn, người tôi tớ trung tín của Chúa, luôn tìm mọi dịp bắt chước sống như Chúa.

Xin Thiên Chúa ban nhiều hồng ân và bình an xuống trên mọi người chúng ta trong Mùa Giáng Sinh- Mùa của Tình Yêu và Ân Sủng.

LM. Nguyễn Thanh Liêm, Atlanta, sưu khảo