DỤNG TÂM CỦA ĐẦU BẾP
N2T

Có một vị phú hào mời đến một người đầu bếp để lo việc nấu ăn, tay nghề của người đầu bếp này rất khác thường, đặc biệt là khi anh ta nấu canh La Tống thì khẩu vị thật là hết ý.
Ông phú hào ăn một tô lớn, ngon chịu không nổi bèn hỏi anh ta làm thế nào để nấu loại canh này:
- “Nói cho cùng thì anh làm thế nào để có được loại canh này, có biết quyết gì chăng ?”
Người đầu bếp đắc ý nói:
- “Thịt bò không có gì đặc biệt, hạt tiêu thì rất bình thường, hành tây thì có thể mua được ngoài chợ, nhưng khi tôi cũng đem mình bỏ vào thì tất cả đều không giống nhau.”
(Ngôn ngữ kỳ diệu của tâm hồn)

Suy tư:
Có những người nấu ăn rất ngon dù không đủ gia vị cần thiết, bởi vì họ đem mình bỏ vào trong việc nấu ăn, tức là nấu ăn với tất cả đam mê vì người và vì mình. Họ là những người đầu bếp không những chuyên nghiệp, mà còn là những người có trách nhiệm cao.
Bài giảng trong thánh lễ của linh mục là một bữa ăn cho giáo hữu.
- Bài giảng của linh mục mới chịu chức thì toàn nặc mùi thần học lý thuyết học ở trong chủng viện, nên chỉ hạp khẩu vị của một vài giáo dân.
- Bài giảng của linh mục bận “chạy sô” toàn là “bổn cũ soạn lại”, chỉ gây cười thiên hạ mà không có chiều sâu, cho nên khi ra khỏi nhà thờ thì giáo dân không còn nhớ gì nữa.
- Bài giảng của linh mục có mầm tự mãn thì hết khoe bản thân mình thế này thế nọ rồi đến khoe công việc mình làm, nên giáo dân không nhìn thấy Đức Chúa Giê-su nơi các ngài.
- Bài giảng của linh mục có chiều sâu suy tư nhưng ngài không thực hành suy tư đó, cho nên giáo dân khó mà nuốt nổi chiều sâu của bài giảng, thế là bữa cơm ngon thành dở.
- Khi linh mục đã sống với những gì mình đã suy tư, đã cảm nghiệm với những gì mình đã sống thì đó là bài giảng hay, bởi vì ngài đã đem mình bỏ vào trong bài giảng rồi, lúc đó không còn lý thuyết suông nữa, mà chính là ngài đang chia sẻ đời sống của mình cho giáo hữu.
Có những linh mục rất sợ “nấu ăn” (giảng), cho nên từ thứ hai đầu tuần đã ngồi cặm cụi viết soạn bài giảng cho đến ngày thứ bảy, hết mở tài liệu này đến đọc sách thần học kia để tìm ý tìm tứ, mà không mở lòng mình ra để kiếm tài liệu trong đó (tức là cầu nguyện và sống), kết quả bài giảng của ngài chỉ lập lại ý của các thần học gia thời trung cổ xa lạ với giáo dân hôm nay mà thôi; hoặc có một vài linh mục đợi gần đến giờ lễ rồi mới lên mạng tìm bài gảng của các linh mục trong internet để “đọc” cho giáo dân nghe, làm cho giáo dân chán nãn không muốn “ăn”...
Đem mình bỏ vào trong bài giảng thì sẽ hợp khẩu vị với mọi giáo hữu hơn, đó chính là dụng tâm của linh mục vậy !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

-------------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info