Nguyễn Trung Tây
Tiếng Kêu Sa Mạc


Hơn bốn năm tôi làm việc tại sa mạc Úc Châu. Một thời gian vừa đủ để cảm nghiệm đời sống đá sỏi.

Trời tháng 12 Úc Châu mùa hè, sa mạc thông thường nổi bật với mầu vàng cỏ khô trải dài mênh mông kéo dài tới cuối đường chân trời. Mặt trời than hồng thản nhiên ném xuống hoang mạc lửa trời tô thêm đậm mầu đất đỏ. Xác Kangaru bụng chương sình nằm chết dọc theo hai bên đường. Quạ đen và kên kên vui mừng nhảy quanh xác. Ruồi sa mạc bám vào mắt chui vào mũi. Đường sa mạc dẫn vào thôn làng thổ dân quanh co nhấp nhô đá sỏi, không bóng người. Tôi cẩn thận từng vòng bánh xe lăn tới trên đường đất đỏ. Mắt mở to, chăm chú nhìn hai bên đường và phía trước. Vào những giây phút đó, tôi hay nghĩ tới ngôn sứ sa mạc Tiền Hô mặc áo lạc đà, ăn châu chấu mật ong. Có những lần tôi dừng lại một vòng xe, đi sâu vào sa mạc, lắng nghe tiếng gọi của vị ngôn sứ, lời gọi sửa lại con đường tâm hồn đón chờ Con Trời.

Có tiếng người hô trong hoang địa:
sửa lối cho thẳng để Người đi (Mark 1:3).


Không Tử quan niệm “Nhân chi sơ, tính bổn thiện”. Người Do Thái và Kitô tin rằng con người từ Thiên Chúa mà ra, con người nguyên thủy do đó mang bổn tính thiện.

Nhưng không biết từ giây phút nào đó, bóng đen vẩn đục đôi mắt ngây thơ thiên đàng, thế là tâm hồn nhân gian quanh co, đá sỏi nhấp nhô, hai bên đường xác thú nằm phơi chương sinh bụng. Sáng Thế Ký giải thích tại hai người nguyên tổ ăn trái cấm. Người Việt Nam tin rằng tại môi trường sống, “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài.” Tôi chọn sống với đời sống ống cống, người tôi dài ra.

Trong lớp Kinh Thánh, giáo dân đặt vấn đề tại sao Chúa biết con người yếu đuối, mà Ngài lại trồng cây trái cấm nằm ở giữa vườn. Bà giơ tay hái, bà và ông cùng ăn. Thế là tâm hồn nhấp nhô đá sỏi. Chúa dừng chân giữa vườn hỏi, “Ủa, con đâu rồi?” Ông quanh co chỉ bà, bà nhìn ngó quanh quẩn chỉ con rắn.

Mùa Vọng, tôi thấy mình bận rộn với những sinh hoạt của một vị mục tử. Chương trình giảng phòng Mùa Vọng. Ngồi tòa. Lo toan về hang đá nhà thờ. Chương trình mùa Vọng và thánh lễ Canh thức Nửa Đêm. Tiệc Giáng Sinh với giáo dân và với những Linh mục Tu sĩ. Cứ thế! Những tối mùa Vọng, về tới phòng riêng, tôi mệt nhoài, đầu nhức căng căng. Cứ thế! Tôi bận rộn suốt cả một mùa Vọng bốn tuần cho tới qua ngày 25/12. Tới giờ phút đó, giây phút linh thiêng nhiệm mầu đã bốc hơi cạn khô!

Tâm hồn trần gian cong queo, nhấp nhô. Ngôn sứ Tiền Hô xuất hiện. Người người kéo tới hoang mạc, nhờ ngài sửa lại…

Có người thắc mắc (chắc là nửa đùa nửa thật) hỏi,
— Cha…linh mục. Chắc không cần phải đi xưng tội…

Tôi nhìn, đôi khi nhíu mày, lượng định tình hình, cười, rồi nói,
— Tôi, linh mục, cũng là người, tầm thường hơn một người tầm thường. Tôi xưng tội, cũng xót xa tâm hồn khi xét mình, cũng hân hoan rộn ràng sau những giây phút được Trời cao qua bàn tay của linh mục tha những lỗi lầm.

Thiên hạ nhìn tôi,
— Cha không giỡn đấy chứ?

Tôi nghiêm trang, lắc đầu,
— Các linh mục khác họ thánh thiện, nhưng riêng tôi, tâm hồn khúc khuỷu, nhấp nhô đá sỏi.

Rồi tôi kết luận,
— Những lúc biết tâm hồn hố sâu, tôi chọn vô sa mạc gặp ngôn sứ sa mạc.

Với người thắc mắc hỏi tại sao Chúa lại trồng cây trái cấm giữa vườn. Tôi nói con người luôn có chọn lựa. Ăn hoặc không ăn. Vấn đề không phải là bởi Chúa, nhưng bởi cá nhân, cá nhân của bà, của ông. Tôi, linh mục chọn lựa cái chọn lựa nghèo hàn, hồn linh mục trở nên nghèo hàn. Tâm tôi trở nên vũng lầy. Lỗi này không phải bởi Chúa.

Sống trong sa mạc mùa Vọng, tôi mang giáo dân sa mạc vô thêm sâu vào sa mạc vừa nghĩa đen lẫn nghĩa bóng để riêng tâm hồn của mình và của giáo dân đẫm thấm giây phút Mùa Vọng. Sáng, chúng tôi lái xe tung bụi mờ sa mạc. Tới giờ chia sẻ, tôi nói về tiếng gọi sửa đường nhấp nhô của ngôn sứ. Tôi mời gọi giáo dân đi sâu vào sa mạc, đi một mình, tĩnh lặng lắng nghe tiếng sa mạc. Tôi đề nghi giờ ăn trưa trong thinh lặng, không ai nói gì, nhưng lắng nghe tiếng gió sa mạc thì thầm vọng lại lời mời gọi của hai ngàn năm trước, âm thanh vang vọng của sa mạc Judea giờ vẫn còn vọng vang nơi sa mạc Úc Châu.

Tôi chia sẻ với giáo dân sa mạc, sống trong sa mạc, chúng ta không có nhiều thương xá để mà bận rộn với những bận rộn thương xá của đời sống đô thị.

Đức Giáo Hoàng Francis công bố năm 2015, năm của đời sống tận hiến, một năm dài 365 ngày để tôi tu sĩ chậm lại một bước chân, lắng nghe tiếng gọi của ngôn sứ sa mạc.

Mùa Vọng vẫn là mùa của tiếng gọi ngôn sứ sa mạc,

Tôi là tiếng người hô trong hoang địa:
Hãy sửa đường cho thẳng để Chúa đi” (John 1:23).


Nguyễn Trung Tây
www.nguyentrungtay.webs.com