Đức Thánh Cha lưu ý không nên bị kịch hóa các lời than vãn của chúng ta

Vatican, Ngày 30, tháng 9, 2014 (Zenit.org)

Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong thánh lễ ngày thứ ba tại nhà nguyện Thánh Mát-ta: Trong những lúc tối tăm, lời than của chúng ta trở thành một kinh cầu, nhưng chúng ta cần phải coi chừng đừng có bi kịch hóa các lời than phiền của chúng ta và phải nhớ rằng có những người đang gánh chịu những “thảm kịch ghê gớm” và họ có lý do để than vãn, như những Kitô hữu bị xua đuổi ra khỏi gia cư vì đức tin của họ.

Suy niệm về bài đọc một trong ngày, trong đó ông Job nguyền rủa ngày ông sinh ra đời, Đức Thánh Cha ghi nhận rằng kinh nguyện của ông thoạt tiên có vẻ như một lời nguyền rủa đối với chúng ta. Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại chuyện ông Job “bị thử thách”, về việc ông “mất hết tất cả tài sản và gia đình”, rằng ông mất hết sức khỏe và “thân mình ông đã biến thành một dịch tễ, một “bệnh dịch ghê tởm.”

Đức Thánh Cha nói: vào lúc đó “ông đã mất hết kiên nhẫn nên mới nói lên những điều này. Những điều xấu xa! Nhưng ông ta đã quen nói thật và sự thật ông cảm thấy vào lúc đó”. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nhắc lại là ngay cả tiên tri Giêrêmia, cũng đã dùng cùng như lời này: ‘Khốn nạn thay cho ngày tôi đã sinh ra đời!!'", và rồi ngài đã tự hỏi: "Người này có đã nói lời phạm thượng không? Đây là câu hỏi của tôi. Người này đang hoàn toàn cô đơn, người ấy có nói lời phạm thượng không?”

"Khi Chúa Giêsu than - ‘Lạy Cha, sao Cha nỡ bỏ rơi con’? Đây có phải là phạm thượng không? Đây là một mầu nhiệm. Tôi đã thường nghe thấy những người đang trải qua những hoàn cảnh khó khăn và đau khổ, đã mất mát rất nhiều, hay cảm thấy cô đơn, bị bỏ rơi và họ đã than van và tự hỏi: Tại sao? Tại sao? Họ chống lại Thiên Chúa. Và tôi nói, ‘Hãy tiếp tục cầu nguyện y như vậy, vì đây chính là lời nguyện'. Đây là một lời nguyện khi Chúa Giêsu nói với Chúa Cha: “Tại sao Cha nỡ bỏ rơi con!'"

Đức Thánh Cha tiếp rằng điều ông Job làm trong bài đọc một là cầu nguyện, vì cầu nguyện có nghĩa là ngay thẳng đối với Thiên Chúa. Đây là cách duy nhất ông Job biết cầu nguyện. Ngài tiếp: "Chúng ta cần cầu nguyện với thực tế - lời cầu chân chính phải phát xuất từ trái tim, từ giây phút chúng ta đang sống ". "Đó là cầu nguyện trong lúc tối tăm, trong những lúc đời sống có vẻ như vô vọng, khi chúng ta không còn thấy chân trời ".

"Có biết bao nhiêu người ngày nay, cũng đang ở trong hoàn cảnh giống như ông Job. Biết bao nhiêu người tốt lành, cũng giống như Job, không hiểu được những gì đang xẩy ra cho họ, hay tại sao. Nhiều anh chị em chúng ta đã mất hết hy vọng. Xin hãy nghĩ đến các thảm kịch, chẳng hạn, của các anh chị em chúng ta, vì họ là những Kitô hữu nên đã bị xua đuổi ra khỏi gia cư và mất hết tất cả: 'Nhưng, lạy Chúa, Con đã tin tưởng nơi Chúa. Tại sao? Lạy Chúa! Tin nơi Chúa có phải là một lời nguyền rủa không?'".

Ngài tiếp: Xin hãy "nghĩ đến những người cao niên đã bị xua đuổi ra bên lề xã hội. Những người bệnh tật, những người cô đơn trong các bệnh xá.” Đức Thánh Cha cam đoan rằng Giáo Hội cầu nguyện cho họ và cho những ai trong chúng ta đang đi trong tăm tối. “Giáo Hội cầu nguyện! Giáo Hội ôm ấp những đau thương này và cầu nguyện". Và những người trong chúng ta “không đau yếu, đói khát, hay không có những nhu cầu khẩn thiết, khi chúng ta cảm thấy có một chút bóng tối trong tâm hồn, chúng ta đã cảm thấy như bị tử đạo và ngưng không cầu nguyện nữa”.

Đức Thánh Cha tiếp rằng, còn có cả những người đã nói: "Tôi bất mãn với Chúa và tôi không đi lễ nữa ". "Nhưng tại sao? Chỉ là vì những điều nhỏ mọn” đó là câu trả lời. Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại rằng Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, trong những tháng cuối cuộc đời, đã “cố gắng suy niệm về Thiên Đàng, nhưng lại nghe thấy có tiếng trong nội tâm, bảo bà đừng có điên khùng, đừng nghĩ chuyện vẩn vơ. Chị có biết những gì đang chờ đón chị không? Chẳng có cái gì hết!”.

"Tất cả chúng ta đều trải qua hoàn cảnh này. Có biết bao nhiêu người đã nghĩ rằng cuối cùng thì chẳng có gì hết. Tuy nhiên Thánh Têrêsa vẫn cầu nguyện và xin cho có sức mạnh để kiên trì trong tối tăm. Đây là việc bước vào sự kiên trì. Đời sống chúng ta quá dễ dàng, các lời than trách của chúng ta thường bị bi kịch hóa. Trước những lời than vãn của bao nhiêu người, của bao nhiêu anh chị em chúng ta đang ở trong bóng tối, đã mất hết ký ức, và hầu như mất hết hy vọng – họ đang cảm thấy như đã bị lưu đầy, ngay từ bản thân – không còn gì nữa! Chúa Giêsu đang đi con đường này: từ lúc hoàng hôn trên Núi Ôliu cho đến khi nói lời cuối cùng trên thập giá: 'Lạy Cha, sao Cha nỡ bỏ rơi con!”

Đức Thánh Cha Phanxicô kết luận rằng có hai điều có thể giúp cho những hoàn cảnh này: “Trước hết, phải chuẩn bị cho lúc tối tăm tràn đến” có lẽ không đến nỗi khó khăn như ông Job, “nhưng nó sẽ đến. Xin chuẩn bị tâm hồn cho thời khắc này ". Thứ đến: "Cầu nguyện, cầu nguyện như Giáo Hội cầu nguyện, cầu nguyện với Giáo Hội để cho bao nhiêu anh chị em chúng ta đang bị lưu đầy, đang sống trong tối tăm và đau khổ, và mất hết hy vọng." Đây là kinh cầu của Giáo Hội cho ‘những Giêsu đau khổ’ ở khắp mọi nơi."