Xem hình ảnh



100 năm hồng ân:

Ngày thứ Bảy mồng 6 tháng 9 vừa qua, dòng nữ Đa Minh ở Garland, Texas, thuộc hội dòng Đa Minh Tam Hiệp, đã mừng lễ kỷ niệm khấn dòng cho 3 sơ ở đây, đó là qúi sơ:

-Sơ Maria Nguyễn thị Tim, 50 năm

-Sơ Teresa Nguyễn Minh Châu, 30 năm và

-Sơ Maria Ngô thị Liên, 20 năm.

Tổng cộng là đủ 100 năm.

Ngoài giáo dân và các đoàn thể cuả giáo xứ DMHCG Garland TX, người ta ghi nhận có nhiều quan khách xa như các Sơ dòng Trinh Vương từ Irving, các sơ dòng Thừa Sai Bác ái (cuả Mẹ Teresa) từ Dallas, thành viên Tu Hội Tận Hiến từ New Orleans, LA, và một linh mục khách từ Việt Nam.

Trong thánh lễ tạ ơn, bào huynh cuả Sơ Tim, linh mục Giuse Nguyễn Việt Hưng, Tổng Phụ Trách Tu Hội Tận Hiến, đã ban lời thuyết giảng. Những tâm tình dào dạt yêu thương dành cho người em gái cuả ngài đã làm cho nhiều người phải rưng rưng 'nước mắt'.

Những bí mật cuả ơn Chuá gọi:

"Cách Chuá kêu gọi mỗi người mỗi khác," Ngài nói. Trường hợp Maisen, Chuá không gọi khi ông là một hoàng tử trong cung điện mà lại gọi ông lúc ông phải chạy trốn lang thang. Phao lô cũng đặc biệt như thế, Chuá gọi lúc ông đang bách hại những người Kitô hữu.

Nhưng tất cả, từ khi đã đáp trả tiếng gọi đó rồi, thì sống hết mình với sứ mệnh Chuá trao và sống vuông tròn trong ơn gọi.

Ngài hé lộ một bí mật gia đình cuả sơ Tim mà chưa ai biết như sau:

"...đó là sơ Tim hồi ở nhà đã bỏ trầu rồi đó...chưa ăn hỏi nhưng đã bỏ trầu rồi... Khi tôi về thì Tim nói rằng em không muốn, nhưng vì làm vui lòng mẹ, em nhận cơi trầu bỏ ngõ, và tôi nói rằng nếu không muốn, cứ việc trả lại trầu. Thế rồi trả lại trầu cau, cuả một gia đình ở trên Bảo Thị, và sau đó ít ngày đi tu."

"Tôi không thể quên được ngày em tôi xuống đò ở vùng Cái Sắn, ra đầu kinh để đi nhà Dòng, mẹ tôi khóc như là con chết vậy. Vâng, không vui mà khóc, khóc như là con mình chết vậy."

...

Không chỉ là Sơ Tim mà thôi, hình như các Sơ khác trước khi đi tu cũng đã có những quyết định quyết liệt như vậy trước câu hỏi về đời sống hôn nhân. Qua lời tâm sự ở trong bữa tiệc, mọi người cũng được biết thêm rằng chính Sơ Liên, kỷ niệm 20 năm, đã từ chối kết hôn để chọn đời tu.

Những vực sâu u tối cuả đời tận hiến:

"Nhưng cuộc hành trình cuả một đời dâng hiến, 50, 30, 20 năm, thì chan hoà nước mắt và đầy hi sinh chứ không dễ dàng như người ta tưởng." Qua vài mẫu chuyện cá nhân Cha Việt Hưng đã lóe lên một ít tia chớp chiếu soi vào những vực xâu u uẩn cuả cảnh đời tu.

Ngài ôn lại quãng thời gian 12 năm vừa qua cuả Sơ Tim, chuyên lo phục vụ cho những người dân tộc, với 7, 8 năm ở Tà Lài, cho những người ở vùng Phương Lâm, và 2, 3 năm sau cùng là Kon Chà Ròm, Kontum.

"Kon Chà Ròm là vùng Trắng Tôn Giáo" Ngài nói. "Tôi nhớ rằng năm ngoái tôi muốn đến thăm em tôi, và tôi liên lạc với Đức Cha Oanh, thì ĐC nói rằng 'Cha không thể đến được đâu, đây là vùng trắng tôn giáo, cha đến nó bắt cha đấy. Nhưng mà tôi dẫn cha đi thì không sao hết.' Và hôm đó ngài đã dẫn tôi đến thăm em tôi sống cùng với một sơ khác ở trong một căn nhà hết sức đơn sơ. Vâng. Và tôi được biết rằng các chị không được quyền đến với bất kỳ ai, người ta đến với mình có thể, mình không được đến với ai vì đây là vùng trắng tôn giáo."

Trong hoàn cảnh bị cô lập như thế thì các sơ đã làm gì?

"Ngài (ĐC Oanh) đã vào nhà cuả các chị," Cha Việt Hưng cho biết thêm, "không phải chỉ là mái tranh ván gỗ thôi, nhưng mà ọp ẹp lắm, thì thấy Mình Thánh đặt ở ngay cái tường bằng gỗ, cách nhà bếp một chút thôi. Mình Thánh đặt ngay tại đó. Và tôi đứng ngay sau Đức Cha, và ĐC Oanh đã cầu nguyện như thế này... Hôm ấy thực sự tôi đã khóc."

Khi ĐC đứng trước Thánh Thể cuả Chuá, Ngài nói như thế này:"Lạy Chuá, Chúa hiện diện ở giữa một vùng không ai biết Chuá hết, còn bị cấm không được đem Chuá đến cho những người đó. Nhưng sự hiện diện cuả Chuá hôm nay ở trong căn nhà này, là một sự nâng đỡ rất lớn cho hai chị sống tại đây".

Cho nên, Cha Việt Hưng kết luận, nếu không có Thánh Thể, không có thánh lễ thì đời sống người Kitô Hữu, đời sống cuả một người tận hiến sẽ khô cằn, bế tắc:

"Làm sao trong hành trình 50 năm, 30 năm, 20 năm mà có thể trung thành với Chuá trong ơn gọi? Có thể cái hao hức thuở ban đầu cuả ơn gọi sẽ không còn sau một số năm ở trong Dòng. Làm sao tôi có thể tiếp tục đi tới để hoàn thành ơn gọi cuả tôi? Nếu không phải là Đời Cầu Nguyện và Thánh Thể?"

Những thách đố và hy vọng

Nhưng đến với Thánh Thể thì không phải là một chuyện dễ dàng. Sơ Tim hồi tưởng lại cuộc sống trong rừng già Kontum, nơi hai sơ chỉ có thể thay phiên nhau đi lễ 2 tuần một lần. Cứ mỗi Chuá Nhật, một Sơ trông nhà, còn Sơ kia lái xe Honda 40 km đường rừng để đi lễ sớm và mang Mình Thánh về.

Hãy tưởng tượng đi lễ sớm một mình trên con đường đất lồi lõm giữa rừng già lúc chưa rạng đông còn sương mù, khi mà muông thú vẫn chưa hết rình mồi...Nhưng hình như các Sơ có đức tin mạnh mẽ hơn chúng ta nhiều lắm, cái gì cũng biết trông cậy vào Chuá và nhờ thế mà được giữ gìn một cách đặc biệt chăng?

Sơ kể lại, một lần kia khi chiếc xe honda đang leo lên một con giốc cao ở giữa rừng thì không chạy nữa. Rú ga và gài số thế nào nó cũng không chạy, không biết phải tìm ai giúp cho...Thôi chỉ còn biết kêu lên Chuá...Thế thì bỗng nhiên có một người đàn ông chạy xe vụt qua, rồi quay lại mà mắng rằng: "phải đạp số 2 chứ đạp số 4 thì lên giốc thế nào được!".

Hoá ra Sơ lúng túng quá đạp số ngược chiều vào số 4 cho nên xe không có sức đi lên...

Vấn đề phát triển các dòng tu VN tại Mỹ

Bây giờ thì Sơ Tim đã qua Mỹ để thi hành một sứ vụ khác cuả nhà Dòng trao cho, chắc hẳn Sơ không còn phải lo lắng với chiếc xe honda 2 bánh nữa, nhưng nếu mà Sơ chưa biết lái xe hơi thì cũng chưa hết ưu tư đâu, vì đời sống ở bên Hoa Kỳ cần dùng xe, không có bằng lái thì cũng giống như là bị cụt chân vậy.

Nhớ lại 6 năm trước, khoảng năm 2008 khi nhà dòng bắt đầu mở chi nhánh ở Garland này, vì chỉ có một sơ có bằng lái cho nên trong suốt nhiều năm mỗi khi đi thăm viếng mục vụ thì các sơ phải tính toán chặt chẽ lắm và sau đó phải nhờ vả quá giang để về nhà, rất là vất vả.

...

Việc nhiều nhà dòng cuả VN đang lan tràn qua Hoa Kỳ là một hiện tượng nẩy sinh do hoàn cảnh xã hội. Vì bên Mỹ sẵn có nhiều cơ sở và tài lực để đào tạo tu sĩ, nhưng ơn gọi lại giảm sút, còn bên VN tuy thiếu thốn, nhưng ơn gọi vẫn tăng. Việc đưa các tu sĩ từ Việt Nam qua đây đào tạo là một công vụ hai chiều, vừa giúp thăng tiến phẩm chất cuả hàng giáo sĩ Việt Nam, vừa giúp cho Giáo Hội Hoa Kỳ tạm thời có thêm một nguồn giáo sĩ mà họ đang cần. Vì thế mà nhiều giáo phận ở Hoa Kỳ hoan nghênh việc các nhà dòng ngoại quốc mở thêm chi nhánh ở bên đây, và có khi còn cung cấp thêm học bổng.

Về phần người Việt Nam, chúng ta sẵn có nhiều cộng đoàn gắn bó với quê nhà, cho nên nhiều nhà dòng nhờ thế mà dùng làm bàn đạp để bén rễ. Nhưng đó chỉ là bước đầu, một bước hạn hẹp đoản kỳ mà thôi, còn những bước kế tiếp thì phải còn tùy...

Những dòng có những tu sĩ thành thạo tiếng Anh hoặc nói được tiếng Mễ (Tây Ban Nha) và có khả năng giúp cho các Gx cuả người Mỹ hoặc lo cho các cơ sở xã hội thì có nhiều cơ hội xin cấp visa và có thể phát triển mạnh hơn.



Riêng với Hội Dòng Đa Minh Tam Hiệp, giáo phận Dallas đã cho phép hoạt động từ năm 2008, mục đích là làm mục vụ cho người VN và giáo dục thanh thiếu niên.

Về tài chánh, các sơ hoàn toàn tự lập nhờ việc giữ trẻ.

Vì nhà dòng ở Garland nằm trong chu vi cuả cộng đoàn DMHCG, cho nên sinh hoạt như là một thành viên cuả Gx và luôn tình nguyện tham gia những công tác cuả giáo xứ.

Và hội dòng Đa Minh Tam Hiệp hình như đang tìm cách phát triển ra cả bên ngoài vùng Dallas... Một chi nhánh thứ hai mới được hình thành tại Ft Smith, Arkansas.





Những ai muốn liên lạc với nhà dòng Garland, xin đề qua địa chỉ:

Sr. Teresa Nguyen Minh Chau, OP.

Dominican Sisters

2934 Landershire Ln.

Garland, TX 75044.