Theo tin Zenit ngày 8 tháng Chín, một vị giám mục Ý vừa lên tiếng kêu gọi người Hồi Giáo tại các nước có truyền thống Kitô Giáo tại Âu Châu lên tiếng công khai kết án việc Hồi Giáo Trị bách hại các Kitô hữu và các nhóm thiểu số tôn giáo khác.

Trong một bài xã luận mạnh mẽ đăng trên tờ báo giáo phận của ngài cuối tuần qua, Đức Cha Tommaso Ghirelli của Imola, đã kêu gọi các công dân ngưng việc đổ lỗi cho người ngoại quốc như một toàn thể. Ngài nói: “đúng hơn, chúng ta nên kêu gọi những người Hồi Giáo hiện đang sống giữa chúng ta hãy chứng tỏ rằng họ là những người có danh dự, và công khai kết án các cuộc bách hại và các hành vi tàn ác này. Nếu không, họ nên có can đảm rời khỏi xứ sở của chúng ta, vì không ai muốn có kẻ thù ngay trong nhà mình”.

Ngài viết thêm: “chúng ta biết rằng họ bị những kẻ cực đoan hăm dọa, nhưng đã tới lúc bẻ gẫy cái vòng lẩn quẩn của bạo hành này”.

Ngài cũng kêu gọi các chính khách chu toàn bổn phận của họ là che chở và bảo vệ sự sống và quyền tự do của người dân, nếu không họ “sẽ trả giá đắt cho mọi im lặng và hành vi nhát đảm”.

Lời lẽ của Đức Cha Ghirelli đã thức tỉnh nhiều lương tâm. Chủ tịch Nhà Văn Hóa Hồi Giáo ở Imola, Mohamed Sabir, muốn lên tiếng về các ưu tư của Đức Cha trong buổi tưởng niệm lần thứ 13 biến cố 11 tháng Chín tới đây.

Sau đây là nguyên văn bài xã luận của Đức Cha Ghirelli

***
Quốc Gia Hồi Giáo Trị và người tỵ nạn,
7 tháng Chín, 2014

Ta hãy nhìn điều đang diễn ra phía sau làn sóng người tỵ nạn và di dân tới đây bằng đường biển, và con số lớn lao người trẻ và các gia đình từ Phi Châu và Cận Đông đã tới Âu Châu khắp vùng “mare nostrum” [biển của chúng ta, tức Địa Trung Hải] trong vòng một năm qua. Con số hiện nay là 150,000 người, nhưng đến cuối năm nó sẽ lên tới gần 200,000 người.

Chắc chắn chúng ta sẽ chứng kiến không phải chỉ một mà là hàng loạt những tranh chấp bi thảm, những vấn đề chính trị và các căng thẳng xã hội. Đó là lý do khiến chúng ta hiện đang nói tới một thế chiến thứ ba đang diễn ra. Song song với việc đáp ứng ngay tức khắc trước tình thế cấp cứu, điều quan trọng nhất [cần làm] là nhìn xa hơn biển cả. Điều này cũng có nghĩa là, do phản xạ, phải nhìn vào chính nhà ta: không những trong các lãnh vực chính trị, không những trong lãnh vực kinh doanh, mà nhìn vào bên trong tâm hồn chúng ta. Có phải trong đó đang có thuyết định mệnh hay thuyết buông xuôi? Điều gì đang xẩy ra với tôi?

Do đó, trước nhất, ta nên phân biệt người tỵ nạn, tức những người tìm nơi tạm cư và người di dân, tức những người tìm kiếm việc làm.

Các cuộc chiến tranh mà các người tỵ nạn đang trốn khỏi không phải là các hiện tượng tự nhiên. Ai tạo ra chúng? Tạo ra vì những lý do gì? Chính xác ai là đối thủ? Ta cần được thông tri và được những người hiểu biết thông tri. Ở đây, tờ tuần báo của giáo phận này cũng xin đóng góp một phần.

Một số cảnh báo đầy cảm kích đã được các giám mục Syria và Iraq đưa ra tại Cuộc Gặp Gỡ Rimini vào cuối tháng Tám đầy kinh hoàng vừa qua. Đề nghị một ngày cầu nguyện nữa cho Syria và Trung Đông vào ngày 7 tháng Chín đã được phát động, nhắc lại ngày cầu nguyện cách nay một năm theo lời kêu gọi của Đức GH Phanxicô. Chúng ta ghi nhận rằng trong khi ấy, cuộc tranh chấp đã mở rộng và trở thành trầm trọng hơn, dù các chính khách đã thận trọng hơn, bằng cách thừa nhận một số lỗi lầm nghiêm trọng của họ. Tuy nhiên, con số nạn nhân đang gia tăng; việc bách hại các Kitô hữu đã lan qua các nhóm thiểu số tôn giáo khác và sự tàn ác cũng như tính cao ngạo của các băng đảng có vũ trang đã lên tới tột đỉnh thú tính của chúng. Đứng trước các hành động vũ trang Của Quốc Gia Hồi Giáo Trị ISIS, người ta đã kêu gọi tới các chính phủ và các thẩm quyền quốc tế.

Quan điểm của tôi là ta phải đòi hỏi các quốc gia và thẩm quyền trên, giống như các bà mẹ can đảm của binh sĩ Nga.

Hỡi các chính khách, quí vị có nhiệm vụ che chở và bảo vệ, không phải uy thế, mà là mạng sống và quyền tự do của người ta, nếu không quí vị sẽ phải trả một giá đắt cho mọi im lặng và hành động nhát đảm. Và các công dân chúng ta phải ngưng việc đổ lỗi cho người ngoại quốc như một toàn bộ. Đúng hơn ta nên yêu cầu các người Hồi Giáo đang sống giữa chúng ta phải chứng tỏ rằng họ là những người có danh dự, và công khai lên án các cuộc bách hại và hành động tàn ác này. Nếu không họ phải có can đảm rời khỏi xứ sở của chúng ta, vì không ai muốn có kẻ thù ngay trong nhà mình. Chúng ta biết rằng họ bị hăm dọa bởi những người cực đoan, nhưng đã đến lúc phải bẻ gẫy cái vòng luẩn quẩn của bạo hành này.

Tình huống đang trầm trọng, nên tất cả chúng ta phải khởi sự cách cương quyết, vượt quá cả chủ nghĩa tốt bụng lẫn sự bất khoan dung.

Giám mục Tommaso Ghirelli, Giám Mục Imola.

“Đối thoại bằng đời sống” với người Hồi Giáo

Nhưng Đức GH Phanxicô thì vẫn nhấn mạnh tới nhu cầu đối thoại với người Hồi Giáo. Ngài khuyến khích việc triển khai lối “đối thoại bằng đời sống” với người Hồi Giáo, xây dựng trên sự tin tưởng lẫn nhau, cho rằng một phương thức như thế là điều chủ yếu để duy trì bầu khí sống chung hòa bình.

Nói với các vị giáo phẩm của Hội Đồng Giám Mục Cameroon vào hôm thứ Bẩy lúc các ngài kết thúc cuộc viếng thăm “ad limina” 5 năm một lần, Đức GH Phanxicô biểu lộ sự phấn khởi và lòng tin tưởng của ngài nơi các vị. Ngài nói: “Để Tin Mừng có thể làm xúc động sâu xa và hóan cải các tâm hồn, ta phải nhớ rằng chỉ có sự đoàn kết và yêu thương của ta mới làm khả hữu được việc làm chứng một cách chân thực và hữu hiệu. Các hiền huynh phải duy trì tính thống nhất và tính đa dạng vốn liên hệ mật thiết với nhau ngõ hầu thích nghi được sự phong phú về nhân bản và tâm linh trong giáo phận của các hiền huynh, một sự phong phú có thể biểu lộ bằng nhiều cách”.

Vì sự hiện diện đông đảo các người Hồi Giáo tại một số giáo phận ở Cameroon, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đặc biệt khuyến khích các vị giám mục “triển khai cuộc đối thoại bằng đời sống với họ, trong tinh thần tin tưởng lẫn nhau”. Cuộc đối thoại này hiện đang là “điều chủ yếu để duy trì bầu khí sống chung hòa bình và can ngăn việc triển khai bạo lực mà các Kitô hữu vốn là nạn nhân tại một số vùng của lục địa Phi Châu”.