Mùa thường niên của năm phụng vụ thì có gì vui? Chắc chắn là không khắc khoải đợi chờ rồi reo vui như Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh; cũng không chùng lòng sám hối như Mùa Chay và một niềm vui trọn vẹn trong Mùa Phục Sinh, nhưng tôi vẫn tìm được niềm vui của Mùa Thương Niên

THƯỜNG NGÀY Mỗi sáng khi đọc kinh, tôi thường cầu nguyện theo “dòng thời sự” để Chúa đỡ “chán” về tôi. Mấy ngày qua, lời cầu nguyện Mân Côi có khi như thế này:

- Kính Mừng Maria Đức Mẹ đầy ơn phúc....Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho “vị nguyên Giám mục Phan Thiết có lòng yêu thương người nghèo vừa qua đời” bây giờ và mãi mãi Amen.

- Kính Mừng Maria Đức Mẹ đầy ơn phúcThánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời “cầu cho một nhà báo vừa bị hành quyết bởi phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS)” bây giờ và mãi mãi Amen.

- Kính mừng Maria......Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời “cầu cho những bệnh nhân đang đau đớn trong các bệnh viện”, bây giờ và trong giờ lâm tử Amen. Đọc kinh như thế tôi thấy mình không vô cảm trước những sự việc đang diễn ra trong đời sống.

TẤM LÒNG Một anh kỹ sư trẻ, thường quan tâm đến người nghèo qua bàn tay của chúng tôi. Sống ở nước ngoài mà anh cứ đau đáu về Việt Nam; không phải để tung tăng rong chơi trước cảnh đẹp của quê hương, cũng không màng ăn uống món Việt Nam cho thỏa thích; hay tụ tập bạn bè mà hàn huyên cho vui, mà chỉ thích cùng chúng tôi thăm người nghèo khó, đi vào vùng sâu vùng xa để cảm thông với người cùng khổ. Một ngày nắng vẫn đẹp, chúng tôi được biết anh bị mất việc làm (lay off). Chúng tôi buồn và chẳng biết làm gì cho anh ngoài việc cầu nguyện. Rồi vẫn một ngày nắng đẹp, chúng tôi ngạc nhiên vì anh gửi tiền cho chúng tôi để giúp người nghèo. Chúng tôi có những cảm xúc khó tả vì tấm lòng anh vẫn mở ra, còn công việc đời thường của anh vẫn còn đang khép lại...người ta tìm được bao nhiêu người có cách sống như thế?

CÂU CHUYỆN ĐÁM TANG

Chuyện “hiếu hỉ” là chuyện đời thường. Một buổi sáng sớm, tôi đến dự lễ thánh an táng của cụ bà đã trên 80 tuổi. Trong bài giảng, cha dòng Đồng Công đã có câu chuyện thế này: Có một ông vua đã nuôi trong triều đình của mình một anh chàng hề. Vẻ ngốc nghếch, chân thành và trò vui của anh ta đã làm cho nhà vua bớt căng thẳng vì công việc triều chính. Vua quí anh hề và tặng cho anh một cái trượng và dặn rằng: “Khi nào gặp một người ngốc nghếch hơn ngươi thì hãy tặng cây trượng này cho người đó.” Ít lâu sau, nhà vua bệnh nặng, anh hề bước đến bên giường vua, hai người đã nói với nhau thế này: - Đức vua cảm thấy trong mình thế nào? - Ta không thể tiếp tục cuộc sống này, ta sắp sửa đi xa...một chuyến đi không trở lại. – Thế Ngài có chuẩn bị hành trang gì cho chuyến đi này không? Nhà vua lắc đầu. Anh hề liền trao cho nhà vua cây trượng và nói: “Ngài thật là ngốc nghếch hơn thần, một chuyến đi dài mà không có hành trang, hãy nhận lại cây trượng này!” Ai cũng phải rời cuộc sống trần gian này, nếu không chuẩn bị hành trang cho “cuộc sống đời sau” quả là ngốc nghếch!

QUI LUẬT TỰ NHIÊN Cha chánh xứ và HĐMV mời tôi làm việc tiếp cho nhiệm kỳ mới. Tôi tìm cách từ chối một cách lịch sự, tôi trả lời: “Con sắp bước vào tuổi thọ đầu tiên của đời người, nên muốn dành thời gian và sức lực cho việc xã hội và viết những gì làm con cảm thấy thú vị....mong được thông cảm ạ!”

Tuy trả lời như thế nhưng lòng tôi suy nghĩ thế này: Chúng ta sống theo một qui luật tự nhiên. Từ tình yêu Chúa chúc phúc, ta sinh ra bởi cha mẹ và trở về cát bụi. Phải hiểu rằng sinh hoạt trong đời sống cũng vậy; theo từng giai đoạn của qui trình: xuất hiện - phát triển - biến mất. Về mặt công việc biết dừng lại đúng lúc là khôn ngoan.

Chỉ có đức bác ái và tình cảm là xuất phát theo qui luật của trái tim và có thể theo ta đến cuối cuộc đời mà thôi!

ĂN ĐỂ SỐNG Một ngày đầy lo lắng, bác sĩ nói rằng tôi ăn uống “không đủ chất” và hay thức khuya, nếu cứ tiếp tục như thế sẽ sinh ra bệnh hiểm nghèo, vì đã có những dấu hiệu xuất hiện. Tôi làm theo bác sĩ dặn và chọn cách đi ăn buffet để có đủ dinh dưỡng vì không thể nấu nướng “lách cách” được.

Lòng tôi chùng xuống, hơn hai mươi năm qua, đi vào vùng sâu vùng xa để gặp gỡ và chia sẻ, tôi thấy nhiều gia đình nhà cửa thì trống hoác kiếm cái ăn quá vất vả, (khi nhận được thùng mì, chai nước mắm, ký đường...thì mừng húm); nghĩa là mức sống tối thiểu còn chênh vênh, nói chi đến chuyện uống sữa hay ăn đủ chất. Tôi không hiểu khi có tuổi một chút thì họ sẽ bệnh hoạn thế nào? Một nỗi buồn chen vào niềm vui mùa thường niên của tôi.

ĐỜI THƯỜNG Mỗi lần đi công tác, nhất là công việc gì phải nghỉ đêm xa nhà, tôi phải rũ bỏ nếp sống đời thường của mình như là một sự “vượt qua”.

Đó là một nếp sống lành mạnh pha lẫn“hấp dẫn tai hại”. Lành mạnh thì theo quan niệm của mỗi người, miễn là hướng theo “cái gốc” Tin Mừng của Đức Kitô. Còn “hấp dẫn tai hại” chính là việc “quá độ” khi vào thế giới Internet, điện thoại, game và mê phim truyền hình. Dù có rất nhiều lời khuyên, từ Đức Thánh Cha cho đến người “tốt lành” bé nhỏ, tôi vẫn khó có thể “thắng được mình” để có thể dùng thời gian làm những việc hữu ích (như lời Đức Thánh Cha khuyên các bạn trẻ). Những chuyến công tác xã hội làm cho sự cố gắng “vượt qua” của tôi lớn lên và chín dần. Ước gì, giây phút sống đời thường hiện tại của tôi liên tục bước qua được “đam mê nô lệ” ấy để “mùa thường niên” của cuộc đời “khỏe mạnh” hơn.