Tác giả quyển sách, giáo sư Patricia Pelley, hiện đang dạy tại khoa lịch sử đại học Texas Tech, Hoa Kỳ. Quyển sách của bà có tên: Postcolonial Vietnam: New histories of the national past, tạm dịch là "Việt Nam hậu thuộc địa: Lịch sử mới của quá khứ dân tộc.”

Quyển sách này, do Duke University Press xuất bản, được giải thưởng 2002 của Berkshire Conference of Women Historians, một tổ chức dành cho các nữ sử gia tại Mỹ.

Dựa vào những trao đổi và tác phẩm của giới sử học miền Bắc từ năm 1954 và trong suốt ba mươi năm sau đó, quyển sách phân tích cách lịch sử Việt Nam đã được viết lại qua nhiều vấn đề như thời kì phong kiến, hình ảnh người nông dân, quan hệ đa sắc tộc tại Việt Nam.

BBC:Xin bà cho biết quyển sách được cấu trúc như thế nào?

Patricia Pelley: Cấu trúc căn bản của cuốn sách như thế này. Khi tôi đọc các quyển tạp chí, đọc về sự bức xúc, nhiệt thành của những người viết sử tham gia dự án viết lại một lịch sử chuẩn mực về Việt Nam. Tuy vậy, bộ “Lịch sử Việt Nam” tập Một của nhà xuất bản Khoa học xã hội chỉ được hoàn thành vào năm 1971, và tập hai hoàn thành năm 1985. Cái khoảng cách về thời gian này khiến tôi thấy lạ và tôi muốn biết những vấn đề nào khiến họ mất thời gian như thế. Vì thế quyển sách của tôi cấu trúc quanh ba vấn đề mà theo tôi đã gây ra bất đồng giữa những sử gia miền Bắc và làm gián đoạn việc viết lịch sử Việt Nam.

Theo tôi, vấn đề đầu tiên là việc phân kì lịch sử. Những nhà viết sử miền Bắc phải thống nhất với nhau xem sẽ sử dụng hình mẫu lý thuyết nào. Nhưng đây mới chỉ là một phần vấn đề. Khi đã thống nhất sẽ dùng mô hình nào, họ còn phải tìm cách áp dụng một mô hình mà ban đầu không liên quan tới Việt Nam vào việc viết lịch sử Việt Nam.

Vấn đề thứ hai, ngày nay khi ta nói tới Việt Nam, ta nghĩ tới một nước gồm 54 dân tộc. Điều này chỉ mới xảy ra gần đây, có thể xem quyết định 121 năm 1979 là văn bản đầu tiên chính thức xác định 54 dân tộc tại Việt Nam. Còn vào thập niên 50, những học giả hàng đầu chưa có cảm giác này. Chẳng hạn, trong số hai tập san Văn Sử Địa, ông Phan Khôi đưa ra sáu chủng tộc thiểu số. Còn trong số thứ năm, ông Trần Huy Liệu viết có nhiều dân tộc tại Việt Nam và xem người Kinh, Mường, Thái, Thổ, Mán, Mèo và Rhade là những nhóm “quan trọng” hơn. Vì thế, điều làm tôi chú ý là Việt Nam đã thay đổi rất nhiều chỉ trong thời gian hai ba thập niên.

Vấn đề thứ ba làm tôi quan tâm là câu hỏi về bản sắc dân tộc. Theo tôi, đã có nhiều cố gắng nhằm miêu tả Việt Nam như một nền văn hóa liền mạch với một bản sắc riêng biệt. Và bởi vì nỗ lực ban đầu tìm về văn hóa truyền thống cũng đồng nghĩa với việc đối diện một nền văn hóa chịu ảnh hưởng nặng nề của Trung Quốc, nên trong thập niên 50 và 60, miền Bắc thực hiện nhiều cuộc nghiên cứu điền dã ở nông thôn.

Tôi có cảm giác là khi đó, các nhà khoa học miền Bắc cho rằng chính nông thôn, chính văn hóa làng xã mới là tinh hoa thật sự của văn hóa Việt Nam. Nhưng truyền thống làng xã lại thường có cái nhìn rất tiêu cực về tầng lớp cầm quyền, dù ở hình thức nào. Vậy thì làm sao những người cách mạng có thể ưa chuộng cái nhìn như thế?

Giả thuyết mà tôi đặt ra trong quyển sách, đó là, trong nỗ lực tìm mọi cách tìm ra bản sắc dân tộc, các học giả thập niên 50, 60 đã lùi về thời kì cổ xưa và đẩy mạnh hình ảnh vua Hùng, kinh đô Văn Lang như chiếc nôi của bản sắc Việt Nam. Đồng thời, các sử gia miêu tả lịch sử Việt Nam theo một mô hình dựa trên quan điểm rằng Việt Nam đã luôn đoàn kết chống ngoại xâm.

Theo tôi, cái ý nghĩa đằng sau rất rõ ràng, tức là, trong thời kì chiến tranh, người ta cần có một hình ảnh hợp nhất về Việt Nam, mặc dù nó không phản ánh hoàn toàn chính xác thực tế.

BBC:Về vấn đề bản sắc dân tộc, chẳng phải đó đã luôn là quan tâm của mọi thế hệ sử gia hay sao?

Đúng vậy, nhưng trong các xã hội hậu thuộc địa, không chỉ riêng ở Việt Nam, vấn đề bản sắc mang một tầm quan trọng đặc biệt. Nhất là khi các sách thời thuộc địa của Pháp tỏ ra tiêu cực về Việt Nam. Chẳng hạn, khi các nhà khảo cổ Pháp khai quật vùng Đông Sơn và thấy sự rực rỡ của trống đồng, họ liền cho rằng đây không thể nào là thành quả của người Việt. Vì thế sau năm 1954, việc tái tạo lại một quá khứ không hạ thấp người Việt trở thành một nhu cầu bức thiết ở cả miền Nam và miền Bắc, mặc dù quyển sách của tôi chỉ giới hạn nói về công tác viết sử ở miền Bắc.

BBC:Vậy thì cái nhu cầu tái tạo lại quá khứ có tạo ra một bức tranh chính xác hơn về lịch sử Việt Nam hay không?

Tôi nghĩ là việc viết lại quá khứ là một hiện tượng liên tục xảy ra ở trong mọi hoàn cảnh lịch sử, xã hội. Riêng về thời điểm bàn tới trong quyển sách, tức là thời kì hậu Pháp thuộc tại miền Bắc Việt Nam, tôi nghĩ đa số sẽ đồng ý là bức tranh lịch sử Việt Nam được miêu tả chính xác hơn, mặc dù trong quyển sách, tôi cũng nhấn mạnh là những sức ép chính trị và học thuật mà các sử gia đối diện đã khiến họ phải thao túng quá khứ, để có thể trùng khớp với bầu không khí chính trị, học thuật đương thời.

Phong trào Tây Sơn là một ví dụ. Các sách xưa viết về Tây Sơn như một nhóm những người nghèo nhiều thói tật, nói chung là không thật sự đáng nể trọng. Nhưng các sử gia thập niên 50, 60 khuyến khích một quan điểm khác về Tây Sơn. Họ mô tả Tây Sơn như những anh hùng nông dân.

Tôi nghĩ cần phải có nhiều trí tưởng tượng mới có thể chấp nhận một sự phân loại như vậy. Các sử gia cũng mô tả Nguyễn Huệ như một lãnh tụ nông dân vĩ đại. Theo tôi, một phần lý do là vì họ muốn xem Nguyễn Huệ, chứ không phải triều Nguyễn, đã thống nhất Việt Nam. Thay vì định vị năm 1802 là năm thống nhất, các sử gia lùi lại tới năm 1788.

Một lý do khác quan trọng hơn, theo tôi, đó là các sử gia thập niên 50, 60 cảm thấy cần tìm ra một nguồn gốc thuyết phục cho cuộc cách mạng 1945. Khi các nhà cách mạng muốn xem năm 1945 là năm khai sinh Việt Nam hiện đại, họ cần xóa bỏ các điều mơ hồ xung quanh sự kiện này. Và một trong những cách làm, đó là, tái phục hồi giai đoạn cuối thế kỉ 18.

Từ thập niên 50, người ta bắt đầu dùng từ “cuộc cách mạng Tây Sơn”, ban đầu người ta gọi đó là “phong trào Tây Sơn”, rồi thì từ “nổi dậy”, rồi thì theo năm tháng, nó trở thành “cách mạng Tây Sơn.”

Theo tôi hiểu thì các sử gia hậu 1954 muốn xem Tây Sơn là mầm mống của cuộc cách mạng 1945. Bằng cách đó, cách mạng 1945 trở thành mục tiêu của lịch sử, là mục tiêu người dân hằng mong đạt tới ngay từ thế kỉ 18.

BBC:Trong quyển sách có đoạn viết, nền văn hóa hậu thuộc địa tại Việt Nam dựa trên một loạt những tái tạo và phủ nhận. Chúng ta đã nói tới một phần về sự tái tạo quá khứ, vậy còn sự phủ nhận?

Một trong những điều thường thấy nhất trong sách sử những năm 50, 60, đó là người Việt luôn đoàn kết trong công cuộc chống ngoại xâm. Theo tôi, có hai sự phủ nhận nằm trong ý tưởng này.

Thứ nhất, bản thân Việt Nam cũng từng là đế chế chinh phục nước khác. Ta có thể nhắc tới những sự kiện liên quan Chămpa hay Khmer. Nhưng bằng cách nhấn mạnh một Việt Nam đoàn kết chống ngoại xâm, các sử gia thể hiện Việt Nam như một nước luôn phải tự phòng vệ. Trong hoàn cảnh chiến tranh lúc ấy, dễ hiểu là người ta không muốn đào sâu một quá khứ khi mà Việt Nam là một thế lực chinh phục.

Còn đây là sự phủ nhận thứ hai. Anh biết là, mỗi cuộc chinh phục thành công cũng vì người dân không đoàn kết với nhau. Có thời kì như thế kỉ 15, nhiều người Việt hợp tác với quân Minh, hay sau này, người Việt hợp tác với Pháp. Và trong thế kỉ hai mươi, dù mức độ phụ thuộc vào người Nga, Trung Quốc hay Hoa Kỳ có thể khác nhau, thì có thể nói là người Việt đã mất nhiều kiểm soát đối với chính sinh mệnh của họ.

Tôi nghĩ là các sử gia thời kì 50, 60 bị ám ảnh với việc miêu tả Việt Nam như một nước hợp nhất, hòa thuận. Lý do chủ yếu cũng vì Việt Nam lúc đó không phải là như thế. Người Việt nói chung chia rẽ và có nhiều bất đồng về việc phải tổ chức cuộc sống mới sau khi Pháp rút đi như thế nào.

BBC: Nông dân là một thành phần rất quan trọng tại Việt Nam. Vậy trong quyển sách của mình, bà đề cập tới vấn đề này như thế nào?

Đây cũng là vấn đề liên quan tới bản sắc dân tộc. Không chỉ riêng tại Việt Nam mà ở nhiều nước, có nhiều tranh luận về việc khu vực nào quan trọng hơn – thành phố hay nông thôn. Nhiều học giả Việt Nam thập niên 50 cho rằng bản sắc văn hóa Việt Nam chỉ có thể tìm thấy tại nông thôn. Nhưng một phần bởi vì chính họ sống tại thành phố và thuộc về văn hóa thành thị, nên có sự nghi ngờ trong quan hệ giữa các học giả và nông dân. Chẳng hạn, nhiều người xem nông dân mang đầu óc mê tín, lạc hậu. Nên tôi nghĩ có phản ứng trái ngược trong các học giả. Một mặt, có sự ngưỡng mộ xem nông dân là đại diện cho văn hóa Việt Nam đích thực. Mặt khác, người ta cũng sợ nông dân vì họ không tuân theo các quy tắc thành thị. Còn người nông dân cũng có tiếng là không thích gì thành thị. Tôi nghĩ các học giả thập niên 50, 60 hiểu thế tiến thoái lưỡng nan này và có một mối quan hệ yêu – ghét lẫn lộn giữa cuộc sống thành thị và nông thôn.

BBC: Tuy vậy, nông dân là lực lượng chủ chốt của cách mạng và tôi nghĩ là các sử gia sẽ phải ca ngợi nhiều hơn là tỏ ý chê bai người nông dân?

Đúng vậy, nhất là cuộc kháng chiến chín năm dựa vào sự ủng hộ của người nông dân rất nhiều. Nhưng quan điểm của tôi, mà có thể nhiều người sẽ không đồng ý, đó là chính sự phụ thuộc của cách mạng vào người nông dân lại càng làm cho mối quan hệ yêu-ghét trở nên rõ ràng hơn. Bởi vì lớp cán bộ cao cấp làm việc tại thành phố hiểu rằng họ cần ưu tiên cho người nông dân để có sự ủng hộ cả về quân sự và văn hóa.

Mặt khác, cái cảm giác cho rằng người nông dân lạc hậu, mê tín vẫn tồn tại trong những người lãnh đạo. Và phần nào đó, mối quan hệ giữa người Kinh và các dân tộc thiểu số khác cũng tương tự như vậy.

Trong kháng chiến chín năm, các dân tộc thiểu số đóng vai trò quan trọng. Vì thế văn học cách mạng ca ngợi rất nhiều mối quan hệ tốt đẹp giữa người Kinh với các dân tộc thiểu số khác. Nhưng sau năm 1954 và rõ rệt hơn sau 1975, theo tôi, thái độ tôn vinh những điểm khác biệt giữa người Kinh và người thiểu số đã được thay bằng một điều khác, thay bằng thái độ nhấn mạnh việc tạo ra một lãnh thổ thuần nhất hơn.

BBC: Theo bà, thì cách viết và đọc sử hiện nay tại Việt Nam có gì khác biệt hay không?

Tôi nghĩ khác biệt lớn nhất có thể nhận thấy đó là cách mà nhà Nguyễn dần dần được đánh giá lại. Khi viết về nhà Nguyễn hôm nay, có vẻ như các sử gia Việt Nam có cái nhìn bớt tính ý thức hệ hơn. Tôi không muốn dùng từ “khách quan” bởi vì mọi quyển sách sử đều chịu tác động từ các góc nhìn chính trị hay học thuật. Nhưng tôi nghĩ nhiều nhà viết sử Việt Nam hiện nay có cái nhìn tích cực và cởi mở hơn về triều Nguyễn. Trong những khác biệt của hôm nay, theo hiểu biết của tôi, thì việc đánh giá lại nhà Nguyễn có lẽ là điều dễ nhận thấy nhất. (BBC)