Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Thánh giá là mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa

Trong thánh lễ sáng mùng 8 tháng Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô nói các Kitô hữu phải luôn luôn nhớ rằng Chúa Giêsu chết trên thập giá vì yêu thương chúng ta.

Kitô giáo không phải là một học thuyết triết học, không phải chỉ đơn thuần là một phương thế sống hay một phương cách giáo dục, hoặc một đường lối kiến tạo hòa bình. Những điều đó chỉ là những hệ quả của Kitô giáo. Thực ra, Kitô giáo là một người, một người chết trên thập giá, một Đấng tự hiến để cứu chúng ta, là một Thiên Chúa cao cả đã trở thành phàm nhân như chúng ta, để gánh lấy tội lỗi chúng ta.

Mối quan hệ giữa Kitô Giáo, thánh giá và tội lỗi của chúng ta là tâm điểm của bài chia sẻ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong Thánh Lễ sáng thứ Ba mùng 8 tháng Tư tại nhà nguyện Santa Martha. Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói Kitô Giáo không thể tồn tại mà không có Thánh Giá và nhấn mạnh rằng chúng ta không thể tự giải phóng mình khỏi tội lỗi. Thánh Giá không phải là một vật trang trí cho bàn thờ hay nhà thờ, nhưng là " đó là mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa", trong đó tất cả những tội lỗi của chúng ta đã được tha. Sau đó, Đức Thánh Cha đã trình bày những suy tư về lời cảnh báo của Chúa Giêsu đối với người Pharisêu "Các người sẽ chết trong tội lỗi của mình."

Đức Thánh Cha nói:

Chúng ta không thể tự giải phóng mình khỏi tội lỗi. Đó là điều không thể. Các luật sĩ, những người dạy dỗ dân chúng về lề luật, đã không có một ý thức rõ ràng về điều này. Họ tin sự tha thứ Thiên Chúa, nhưng tự coi mình là mạnh mẽ, là đủ rồi và tưởng rằng họ biết tất cả mọi thứ. Cho nên, cuối cùng họ biến tôn giáo, biến sự tôn thờ Thiên Chúa, thành một nền văn hóa với những giá trị, những nếp sống, những quy luật hành động lịch sự và họ tin rằng như thế là đủ để Chúa có thể tha thứ cho họ.

Kitô giáo không phải là một học thuyết triết học, không phải chỉ đơn thuần là một phương thế sống hay một phương cách giáo dục, hoặc một đường lối kiến tạo hòa bình. Những điều đó chỉ là những hệ quả của Kitô giáo. Thực ra, Kitô giáo là một người, một người chết trên thập giá, một người tự hiến để cứu chúng ta, một Thiên Chúa cao cả đã trở thành phàm nhân như chúng ta, gánh lấy tội lỗi chúng ta.

Con rắn là biểu tượng của tội lỗi đã bị treo lên trong sa mạc, ở đây Thiên Chúa đã hóa thành phàm nhân và gánh lấy tội lỗi chúng ta cũng bị treo lên. Tất cả tội lỗi của chúng ta ở đó. Anh chị em không thể hiểu Kitô Giáo nếu không hiểu được sự sỉ nhục sâu xa này của Con Thiên Chúa, Đấng đã hạ mình và đã trở thành một người đầy tớ cho đến chết, thậm chí chết trên thập giá, để phục vụ chúng ta.

2. Hãy tránh xa những suy nghĩ hạn hẹp

Sáng thứ Năm 10 tháng Tư trong Thánh Lễ tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha đã nói về sự cần thiết phải có một trái tim và một tâm trí rộng mở. Trình bày những suy tư trên bài Phúc Âm, ngài nói rằng, với một tâm trí khép kín, người ta không thể nhận ra Lời Chúa vì khi không có khả năng đối thoại, không có khả năng mở cửa cho mình đến với những điều mới mẻ của Thiên Chúa được các tiên tri mang đến, người ta đã giết các tiên tri đi để tiếp tục đóng cửa với lời hứa của Thiên Chúa. Khi hiện tượng của những suy nghĩ hẹp này đi vào lịch sử nhân loại thì thảm kịch xảy ra.

Thái độ đóng kín với Thiên Chúa thậm chí ngày nay vẫn tiếp tục là thần tượng của một dòng suy tư hạn hẹp. Nhiều người nói: thời buổi này chúng ta phải suy nghĩ theo cách này và nếu bạn không nghĩ theo cách này, bạn không phải là hiện đại, bạn còn lạc hậu hoặc tệ hơn. Các nhà cầm quyền thường than thở : ‘Chúng tôi đã yêu cầu được trợ giúp , hỗ trợ tài chính cho việc này, việc kia nhưng họ bảo nếu bạn muốn được giúp đỡ, bạn phải suy nghĩ theo cách này và bạn phải thông qua luật này, luật kia và những luật khác nữa ...’

Đức Thánh Cha nói:

Thậm chí ngày nay có một chế độ độc tài trong tư duy và chế độ độc tài này cũng giống như những chế độ khác: nó lấy đá ném vào tự do của người dân, vào quyền tự do lương tâm của họ, vào mối quan hệ của người dân với Thiên Chúa. Hôm nay Chúa Giêsu lại phải chịu đóng đinh là một lần nữa.

Lời kêu gọi của Chúa “phải đối mặt với chế độ độc tài này” luôn luôn là như nhau: phải tỉnh thức và cầu nguyện, đừng ngớ ngẩn, đừng mua những thứ anh chị em không cần, nhưng khiêm tốn và cầu nguyện xin Chúa luôn mang đến cho chúng ta tự do của một trái tim rộng mở, để đón nhận Lời Người là niềm vui và lời hứa và giao ước! và với giao ước này anh chị em hãy tiến về phía trước!

3. Ma quỷ tồn tại ngay cả trong thế kỷ 21

Trong Thánh lễ buổi sáng thứ Sáu 11 tháng Tư tại tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rõ rằng ma quỷ tồn tại và nó không muốn bất cứ ai theo Chúa Kitô.

Một số người nói với tôi: “Cha ơi thế kỷ 21 rồi mà cha còn nói về ma quỷ. Cha cổ hủ quá trời. Không, đừng ngây thơ. Chúng ta phải học hỏi từ Tin Mừng phương thế để chiến đấu chống lại ma quỷ.”

Đức Thánh Cha Phanxicô nói thêm rằng những cám dỗ luôn luôn có xu hướng phát triển càng ngày càng dữ dội hơn. Ngài nhấn mạnh rằng điều then chốt là phải biết làm thế nào để ngăn chặn nó, để nó không có cơ hội trở thành một cơn lũ.

Đức Thánh Cha nói:

Chúng ta cũng bị cám dỗ, chúng ta cũng là mục tiêu của các cuộc tấn công của ma quỷ bởi vì nó không muốn chúng ta nên thánh thiện, nó không muốn chúng ta là chứng nhân cho Chúa Kitô, nó không muốn chúng ta trở thành môn đệ của Người. Và những gì ma quỷ, thông qua những cám dỗ của nó, muốn thực hiện là đẩy chúng ta lạc xa khỏi đường lối của Chúa Giêsu? Cám dỗ của ma quỷ có ba đặc điểm và chúng ta cần phải học hỏi để tránh đừng rơi vào bẫy. Satan làm gì để đẩy chúng ta xa đường lối của Chúa Giêsu? Thứ nhất, sự cám dỗ của nó bắt đầu dần dần nhưng phát triển và luôn phát triển. Thứ hai, nó phát triển và lây nhiễm cho người khác, nó lây lan sang người khác và tìm cách trở thành một phần của cộng đồng. Và cuối cùng, để làm linh hồn chúng ta không còn biết áy náy về tội lỗi nữa, nó đưa ra những lời biện minh. Nó phát triển, nó lây lan và biện minh cho chính nó.

Chúng ta có một chước cám dỗ phát triển mạnh dần. Nó phát triển và lây nhiễm người khác đó là việc phao tin đồn. Tôi là một chút ghen tị với người này người kia và lúc đầu tôi chỉ ghen tị bên trong lòng nhưng rồi tôi cần phải chia sẻ nó cho người khác nên tôi nói: Này bạn đã biết chuyện này chưa .. và tin đồn này sẽ cố gắng để phát triển và lây nhiễm cho người khác và người khác nữa... Đây là các đường lối hoạt động của tin đồn và tất cả chúng ta đã bị cám dỗ để buôn chuyện! Có lẽ trừ ra anh chị em là một vị thánh anh chị em mới thoát khỏi trò này, chính tôi đây cũng từng bị cám dỗ để buôn chuyện! Đó là một sự cám dỗ hàng ngày . Và nó bắt đầu theo cách này, kín đáo, giống như một dòng nước nhỏ. Nó phát triển bằng cách lây nhiễm cho những người khác và cuối cùng nó biện minh cho chính mình.

Tất cả chúng ta đều bị cám dỗ bởi vì đời sống tinh thần của chúng ta, đời sống Kitô hữu của chúng ta là một cuộc đấu tranh. Một cuộc đấu tranh. Thật vậy, hoàng tử của thế giới này là Sa-tan, không muốn thấy sự thánh thiện của chúng ta, nó không muốn bất cứ ai theo Chúa Kitô.

Một số người nói với tôi: “Cha ơi thế kỷ 21 rồi mà cha còn nói về ma quỷ. Cha cổ hủ quá trời. Không, đừng nói ngây thơ như thế. Ma quỷ tồn tại cả trong thế kỷ 21 này và chúng ta phải học hỏi từ Tin Mừng phương thế để chiến đấu chống lại ma quỷ.”

4. Không phải tôi sống nhưng là Chúa Kitô sống trong tôi

Đức Thánh Cha Phanxicô đã lặp lại lời của Thánh Phaolô như trên trong cuộc gặp gỡ với hơn 100 chủng sinh liên giáo phận Leoniano.

Đức Thánh Cha nói:

“Các chủng sinh quí mến, các thầy không chuẩn bị để thi hành một nghề, hoặc trở thành những nhân viên của một xí nghiệp hoặc một cơ quan hành chánh. Tôi nhắn nhủ các thầy đừng rơi vào tình trạng đó. Các thầy đang trở thành những mục tử theo hình ảnh Chúa Giêsu Mục Tử nhân lành, để giống như Chúa và ở giữa đoàn chiên trong cương vị của Chúa, để chăn dắt các chiên.”

“Vấn đề ở đây là khiêm tốn hiến dâng bản thân, như đất sét cần được nào nặn, để người thợ nặn là Thiên Chúa, nhào nắn đất sét ấy với nước và lửa, với Lời Chúa và Thánh Linh. Vấn đề ở đây là thi hành điều thánh Phaolô đã nói: ‘Không phải tôi sống nhưng là Chúa Kitô sống trong tôi’ (Gl 2,20). Chỉ như thế ta mới trở thành phó tế và linh mục của Giáo Hội; chỉ như thế ta mới có thể chăn dắt dân Chúa và hướng dẫn họ, không phải trên những nẻo đường của chúng ta, nhưng trên con đường của Chúa Kitô, hay đúng hơn trên Con đường là chính Chúa Giêsu.”

Đức Thánh Cha giải thích thêm rằng:

“Cố gắng trở thành mục tử giống Chúa, có nghĩa là suy gẫm Tin Mừng hằng ngày, để thông truyền Tin Mừng bằng cuộc sống và lời giảng; có nghĩa là cảm nghiệm lòng từ bi của Chúa trong bí tích hòa giải, để trở thành những thừa tác viên quảng đại và từ bi; có nghĩa là nuôi sống mình trong tin yêu bằng Thánh Thể, để nuôi dân Kitô bằng Thánh Thể; có nghĩa là trở thành những con người cầu nguyện, trở thành tiếng nói của Chúa Kitô, chúc tụng Chúa Cha và liên tục chuyển cầu cho anh chị em mình.”

Sau cùng Đức Thánh Cha cảnh giác rằng: “Nếu các thầy không sẵn sàng theo con đường này, với những thái độ và kinh nghiệm như thế, thì tốt hơn hãy can đảm tìm con đường khác. Trong Giáo Hội có nhiều cách thức để làm chứng tá Kitô. Trong việc theo Chúa Giêsu Kitô như thừa tác viên của Chúa, không có chỗ cho sự tầm thường, sự tầm thường này luôn đưa tới sự lợi dụng dân thánh của Chúa để mưu tư lợi cho mình”

5. Câu chuyện về cha Georges Vandenbeusch.

Ngày 24 tháng Giêng vừa qua Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến tổng thống Pháp, ông François Hollande . Người ta thấy trong đoàn tùy tùng của tổng thống có ba tín hữu Công Giáo và đặc biệt là Cha Georges Vandenbeusch 43 tuổi. Cha thuộc Hội Fidei Donum Hồng Ân Đức Tin và từ năm 2011 là Linh Mục Thừa Sai làm việc tại miền Bắc Cameroun. Trong đêm 13 rạng ngày 14-11-2013 Cha bị nhóm hồi giáo cực đoan Boko Haram bắt cóc. Cha bị họ giam giữ trong vòng 6 tuần lễ cho đến ngày 31-12-2013 thì được giải cứu.

Vào cuối buổi tiếp kiến, khi trao quà tặng cho đoàn tùy tùng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã âu yếm tặng Cha Georges một tràng chuỗi Mân Côi và ôm hôn Cha trong một cử chỉ vừa biểu lộ niềm vui mừng vừa bày tỏ tình hiền phụ vô cùng thân thương.

Cha Georges thuộc giáo phận Nanterre ở miền Bắc nước Pháp và là Cha Sở giáo xứ Thánh Jean Baptiste de Sceaux /Giăng-báp-tis-tê đơ sô/. Cha nổi bật về các đức tính nhân bản và mục vụ cũng như sức sinh động tươi trẻ của một nhà thể thao. Cha có thể ung dung thi hành sứ vụ với nhiều thành công nhưng Cha đã từ bỏ tất cả để đáp lại tiếng gọi nhân danh Sứ Mệnh và Tình Huynh Đệ Phổ Quát của Hội Fidei Donum - Hồng Ân Đức Tin.

Hội Fidei Donum thành hình năm 1957 khi Đức Thánh Cha Pio XII (1939-1958) viết tông thư Fidei Donum xin các Giáo Đoàn Âu Châu - lúc ấy đang dồi dào ơn gọi - hãy quảng đại gởi các Linh Mục đến làm việc tại các giáo phận thuộc các Giáo Đoàn trẻ nơi các miền truyền giáo xa xôi. Như thế, kể từ năm 1957 đã có 1000 Linh Mục đáp lại lời kêu gọi của Đức Thánh Cha và hiện nay có 150 vị gồm một nửa làm việc tại Châu Á và Châu Phi, và nửa còn lại làm việc bên Châu Mỹ La Tinh ..

Với sự đồng ý của Đức Cha Gérard Daucourt , Cha Georges lên đường đến phục vụ vừa cho các cộng đoàn Công Giáo vừa cho người dân Mafa sống tại miền cực bắc Cameroun, gần ranh giới hai nước Tchad và Nigeria. Lãnh vực hoạt động tông đồ của Cha nằm trong giáo xứ Nguetchewe. Cha bắt đầu học ngay ngôn ngữ địa phương Mafa để có thể tiếp xúc và giúp đỡ trực tiếp các con chiên bổn đạo. Dĩ nhiên Cha dành ưu tiên cho bình diện thiêng thiêng - vì Cha có mặt tại đây là vì lý do này - nhưng Cha cũng chú ý đến bình diện liên đới nhân đạo nữa. Cha hăng say giúp đỡ người dân trong các chương trình phát triển thuộc lãnh vực nông nghiệp, giáo dục trẻ em và người trẻ. Thêm vào đó - và đây là lý do đưa đến thảm họa bắt cóc - Cha Georges đã tiếp nhận trong giáo xứ của mình một số đông các người tị nạn đến từ nước Nigeria láng giềng chạy trốn sức tung hoành tàn phá giết hại của các nhóm hồi giáo cực đoan.

Khi tin bắt cóc được loan đi, giới truyền thông báo chí không quên nhấn mạnh rằng Cha Georges được nhắc nhở cho biết là Cha đang sống trong một vùng vô cùng nguy hiểm, do đó người ta không thể bảo toàn an ninh cho Cha. Cha Georges - cũng như tất cả các thừa sai đang làm việc trong vùng - biết rõ các hiểm nguy đang chờ đón. Nhưng Cha can đảm quyết định ở lại với người dân, với con chiên bổn đạo Cha hằng thương yêu chăm sóc. Điều này cũng dễ hiểu và hợp lý thôi. Bởi vì tên gọi Hồng Ân Đức Tin đồng nghĩa với Hồng Ân Sự Sống. Nói cách khác là Dâng Hiến Mạng Sống.

Các Thừa Sai không phải là khách du lịch cũng không phải là công nhân làm việc có lãnh lương cho các hãng xưởng xí nghiệp nào đó. Không. Các Thừa Sai là những Linh Mục, Tu Sĩ Nam Nữ và Các Giáo Dân, được hướng dẫn bởi Phúc Âm, bởi Đức Chúa GIÊSU KITÔ và được sai đi để loan báo Tin Mừng Cứu Độ, Tin Mừng Tình Yêu.

Và Tin Mừng Tình Yêu của Đức Chúa GIÊSU KITÔ chỉ được tiếp nhận nếu những người loan báo sống thực sự Tin Mừng trước, được biểu lộ qua tình liên đới cụ thể chặt chẽ với các cộng đoàn địa phương. Và để cho công cuộc truyền giáo mang lại kết quả hữu hiệu, các thừa sai luôn luôn học hỏi ngôn ngữ địa phương cũng như các tập quán và hòa đồng với cuộc sống của người dân. Như thế, các thừa sai có thể chia sẻ hoàn toàn các niềm vui nỗi khổ của người dân và đặc biệt là của các tín hữu Công Giáo và cùng nhau sát cánh trong các trận chiến bảo vệ hòa bình và công lý.

Lời nguyện:

Lạy Chúa, trong ngày thứ Năm tuần thánh này, chúng con nghe lại lời Chúa truyền cho các thánh tông đồ “Anh em hãy ở lại trong Tình Yêu của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong Tình Yêu của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong Tình Yêu của Người. Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn. Đây là điều răn của Thầy: Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”’

Đây là điều Cha Georges Vandenbeusch đã thi hành trong 3 năm qua tại miền cực bắc nước Cameroun. Xin Chúa cho chúng con biết hăng say làm việc tông đồ với lòng yêu mến anh chị em chúng con.