LỄ MÃN KHÓA CHUẨN BỊ HÔN NHÂN XXXIX TẠI GXVN PARIS

Giáo Xứ Việt Nam Paris, chiều Chúa Nhật 06.04.2014, khóa học chuẩn bị hôn nhân thứ 39 đã kết thúc. Chương trình học xoay quanh 10 môn học, thực hiện vào 3 buổi sau trưa Chúa Nhật 09/02/2014, 09/03/2014 và 06/04/2014, từ 13g30 đến 18 giờ:

1. Mục đích và đặc tính của Bí tích Hôn nhân với Đức Ông Mai Đức Vinh,
2. Gia đình trong dân luật nước Pháp với Ls Lê Đình hông
3. Vai trò người chồng với Bs Nguyễn Ngọc Đỉnh
4. Giáo dục con cái với Gs Trần Văn Cảnh
5. Đời sống sinh lý vợ chồng với Bs Tạ Thanh Minh
6. Vệ sinh và dinh dưỡng trong đời sống vợ chồng với Bs Tạ Thanh Minh
7. Vai trò người vợ với Gs Tạ Thanh Minh Khánh
8. Tài chánh trong gia đình với Gs Nguyễn An Nhơn
9. Sống đạo trong gia đình với Ông Bà Vũ Đình Khiêm
10. Cử hành bí tích Hôn phối với Lm Đinh Đồng Thượng Sách

Lễ mãn khóa đã được tổ chức qua ba việc : cùng nhau cử hành thánh lễ, chia sẻ về bí quyết bảo vệ hạnh phúc gia đình và trao chứng chỉ mãn khóa.

Chia sẻ Lời Chúa trong thánh lễ, cha Giuse Đinh Đồng Thượng Sách đã nhắc lại bài giáo lý về bí tích hôn phối mà ĐGH Phanxicô vừa trình bày ngày thứ tư 02/04/2014 vừa qua, dựa vào hai đoạn Thánh Kinh: Sáng thế 1:27, 2:24 và Thư Thánh Phaolô cho Giáo đoàn Ephêsô 5:21-33. Bốn điểm đã được ngài đặc biệt nhấn mạnh :

Mầu nhiệm của Hôn Nhân là : Thiên Chúa làm cho hai vợ chồng thành một cuộc sống duy nhất. Thánh Kinh sử dụng một cách diễn tả mạnh mẽ và nói “một thân xác duy nhất”, sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ trong hôn nhân mật thiết dường nào. Và đây là mầu nhiệm của hôn nhân: tình yêu Thiên Chúa được phản ánh trong cặp vợ chồng quyết định sống chung với nhau. Do đó, một người nam rời nhà mình, nhà cha mẹ mình, và đi sống với vợ mình cùng kết hợp với nàng một cách mãnh liệt đến nỗi hai người nên một thân xác duy nhất như Thánh Kinh nói.

Hội Thánh là hiền thê của Đức Kitô. Mối liên hệ tuyệt diệu như thế. Điều này có nghĩa là Bí Tích Hôn Phối đáp lại một ơn gọi đặc biệt và cần được coi như một sự thánh hiến (x. Gaudium et Spes, 48; Familiaris Consortio, 56). Nó là một một sự thánh hiến: người nam và người nữ được thánh hiến trong tình yêu của họ. Cặp vợ chồng, nhờ Bí Tích, được trao phó cho một sứ vụ riêng và thực sự, để từ những việc đơn giản và bình thường, họ có thể làm cho người khác nhìn thấy tình yêu mà Đức Kitô dành cho Hội Thánh của Người, qua việc tiếp tục ban sự sống của Người cho Hội Thánh, trong trung tín và phục vụ.

Thực tế, chúng ta biết rất rõ rằng đời sống vợ chồng có biết bao thử thách và khó khăn. Nhiều khó khăn lắm. Và nhiều lần vợ chồng trở nên một chút bực dọc và xung đột với nhau. Họ lục đục, luôn luôn có cãi vã trong hôn nhân, thậm chí đôi khi cả chén đĩa cũng bay. Nhưng chúng ta không được buồn về điều này, thân phận con người là thế. Và bí mật là tình yêu mạnh mẽ hơn những lúc anh chị em lục đục với nhau, đó là lý do tại sao tôi luôn khuyên các cặp vợ chồng đừng kết thúc một ngày trong đó anh chị em lục đục mà chưa làm hoà. Luôn luôn! Và để làm hòa chúng ta không cần phải gọi Liên Hiệp Quốc là cơ quan giải hòa. Chỉ cần một cử chỉ nhỏ, một cái vuốt ve, một lời chào hỏi là đủ! Và đến ngày mai! Và ngày mai chúng ta bắt đầu lại. Và đó là cuộc sống; do đó, phải tiến bước với can đảm muốn sống chung với nhau.

Có ba lời mà chúng ta nên luôn luôn nói, ba lời mà chúng ta luôn lôn phải nói trong nhà: làm ơn, cám ơn và xin lỗi. Ba lời kỳ diệu. Làm ơn: để không xâm phạm vào đời sống của vợ chồng. Làm ơn, nhưng anh chị em nghĩ gì? Làm ơn, vì tôi muốn mình cho phép tôi. Cám ơn: cám ơn người bạn đời của mình; cảm ơn vì những gì mình đã làm cho tôi, cảm ơn vì việc này. Lời cám ơn đẹp biết bao! Và vì tất cả chúng ta đều có sai lầm, nên một lời khác hơi khó nói hơn một chút, nhưng chúng ta cần phải nói thẳng là: xin lỗi. Lời xin phép, cảm ơn và xin lỗi. Với ba lời này, với lời cầu nguyện của chồng cho vợ và vợ cho chồng, với việc luôn luôn làm hòa trước khi kết thúc một ngày, hôn nhân sẽ tiếp tục thăng tiến. Ba lời kỷ diệu, cầu nguyện, và luôn luôn làm hòa. Nguyện xin Chúa chúc lành cho anh chị em và xin anh chị em cầu nguyện cho tôi.

Tổng kết khóa học, giáo sư Trần Văn Cảnh mời 17 anh chị khóa sinh và 5 giảng viên hiện diện cho biết những cảm tưởng chung về khóa học và chia sẻ bí quyết giữ gìn hạnh phúc gia đình. Tất cả các khóa sinh đều nói lên lời cám ơn các cha và các thầy cô về những hiểu biết và kinh nghiệm đã trao truyền và chia sẻ trong khóa học. Nhiều người ngạc nhiên một cách thích thú khi khám phá rằng khóa học đã đề cập đến nhiều khía cạnh thực tế của cuộc sống hôn nhân gia đình, chứ không chỉ giới hạn vào giáo lý và bí tích. Tất cả đều thỏa mãn về sự chuẩn bị toàn diện, nhìn nhiều khía cạnh : vừa có chiều hướng quản trị nhân viên mà khởi đầu bằng quản trị chính mình, tu thân để tề gia, biết mình để biết bạn mình và con mình ; vừa có chiều hướng đa chiều, từ quản trị sinh lý, vệ sinh, dinh dưởng, qua quản trị tài chánh, hành chánh, lễ nghi, cử hành, đến quản trị thiêng liêng, bí tích, sống đạo.

Nhưng điều mà các khóa sinh cho là thực tế và thích thú nhất trong việc tổng kết là sự chia sẻ về bí quyết giữ gìn hạnh phúc gia đình. Gợi lại bài chia sẻ của cha Giuse Sách về lời cắt nghĩa về bí tích hôn phối của ĐGH Phanxicô, Giáo sư Cảnh gợi ý rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chia sẻ với chúng ta về ba bí quyết giữ gìn hạnh phúc gia đình và ông mời mỗi người chia sẻ bí quyết giữ gìn hạnh phúc gia đình của mình. Tổng cộng 24 bí quyết sau đây đã được nêu ra :

1. Điều quan trọng là chúng ta duy trì mối liên hệ với Thiên Chúa, là nền tảng của mối giây liên hệ hôn nhân. Và mối liên hệ thật là luôn luôn ở với Chúa. Khi gia đình cầu nguyện, mối liên hệ này được duy trì. Khi chồng cầu nguyện cho vợ và vợ cầu nguyện cho chồng, mối dây liên hệ trở nên mạnh mẽ hơn; người này cầu nguyện cho người kia (ĐGH Phanxicô).

2. Và bí mật là tình yêu mạnh mẽ hơn những lúc anh chị em lục đục với nhau, đó là lý do tại sao tôi luôn khuyên các cặp vợ chồng đừng kết thúc một ngày trong đó anh chị em lục đục mà chưa làm hoà. Luôn luôn! Và để làm hòa chúng ta không cần phải gọi Liên Hiệp Quốc là cơ quan giải hòa. Chỉ cần một cử chỉ nhỏ, một cái vuốt ve, một lời chào hỏi là đủ ! (ĐGH Phanxicô).

3. Có ba lời mà chúng ta nên luôn luôn nói, ba lời mà chúng ta luôn luôn phải nói trong nhà: làm ơn, cám ơn và xin lỗi. Ba lời kỳ diệu. Làm ơn: để không xâm phạm vào đời sống của vợ chồng. Làm ơn, nhưng anh chị em nghĩ gì? Làm ơn, vì tôi muốn mình cho phép tôi. Cám ơn: cám ơn người bạn đời của mình; cảm ơn vì những gì mình đã làm cho tôi, cảm ơn vì việc này. Lời cám ơn đẹp biết bao! Và vì tất cả chúng ta đều có sai lầm, nên một lời khác hơi khó nói hơn một chút, nhưng chúng ta cần phải nói thẳng là: xin lỗi. Lời xin phép, cảm ơn và xin lỗi. Với ba lời này, với lời cầu nguyện của chồng cho vợ và vợ cho chồng, với việc luôn luôn làm hòa trước khi kết thúc một ngày, hôn nhân sẽ tiếp tục thăng tiến (ĐGH Phanxicô).

4. Cầu nguyện và đồng hành với nhau (Anh Nguyên)

5. Lắng nghe lẫn nhau (Chị Duyên)

6. Lắng nghe nhau và chia sẻ mọi điều với nhau (Anh Giầu)

7. Nói ra lời Xin Lỗi, khi mình làm lỗi (chị Ngọc)

8. Biết chịu đựng lẫn nhau (chị Tuyết Nga)

9. Biết cân bằng cuộc sống, biết cho nhau thời gian, biết lắng nghe và chia sẻ với nhau (Chị Quỳnh Phương)

10. Đàn ông phải biết đại lượng và tha thứ. Lời xin lỗi khó nói, nhưng phải biết nói ra. Một thời gian sau những va chạm, phải biết thinh lặng, xem xét, nhìn lại ; tới giáo xứ để tìm thấy mình trong đó và tìm ra giải đáp cho tình huống của mình. (Anh Nam)

11. Hạnh phúc gia đình phải tựa vào Chúa. Bám vào Chúa để giải quyết mọi khó khăn (Ông Khiêm)

12. Khó nhất là xin lỗi ; càng lớn càng khó nói lời xin lỗi ; Xin ơn Chúa để biết xin lỗi. (Bà Đào)

13. Đọc kinh, cầu nguyện (Thầy Sơn)

14. Chia sẻ mọi điều (le partage de tout) (Chị Hồng Yến)

15. Cám ơn, kính trọng, hỗ trợ, thứ tha. Luôn luôn quyết định chung về mọi việc. (Remerciement, respect, entraide et pardon. Décider toujours et de tout en commun) (Pierre Stéphane)

16. Lắng nghe, chia sẻ, đồng cảm, xin lỗi, tiếp nhận (Anh Phúc Sang)

17. Kiểm xem điều mình làm có phiền bạn mình không. Tìm biết hơn về bạn đời ; Đặt mình vào vị trí của bạn đời để hiểu xem bạn muốn gì, hầu chia sẻ đúng hơn. (Chị Lan Phương)

18. Luôn luôn hòa thuận. Vợ chồng nghe nhau, cười với nhau (Chị Chung) (Anh chị đã cưới nhau 15 năm)

19. Nhường nhịn nhau. Làm điều bạn muốn. Trở lại đạo, sẽ rửa tội dịp phục sinh này (anh Tuấn Robert) (Anh chị đã cưới nhau 15 năm)

20. Nể nhau, tôn trọng nhau và biết xin lỗi nhau (anh Sĩ)

21. Phải chia sẻ, nhịn nhục và chịu đựng lẫn nhau. Hòa thuận thương yêu nhau. Đừng đòi hỏi gì quá đáng (Chị Kiều Diễm)

22. Nhường nhịn lẫn nhau, nhẫn nhục chịu đựng nhau (Gs Nhơn)

23. Có Chúa ở giữa mình, bàn hỏi nhau về mọi điều và sống bình an, thảnh thơi, thoải mái. (Gs Cảnh)

24. Nhịn nhau mọi sự trong và với Chúa (Cha Giuse Sách)

Và đây là phần quan trọng khác của lễ mãn khóa hôm nay, đó là việc tuyên bố kết quả và trao chứng chỉ mãn khóa. 13 trên 17 khóa sinh đã được trao chứng chỉ mãn khóa. Ông bà Vũ Đình Khiêm xướng tên và Cha Đinh Đồng Thượng Sách trao chứng chỉ mãn khóa.

Rồi cha Giuse Sách đề nghị kết thúc lễ mãn khóa bằng một kinh Lậy Cha, một kinh Kính Mừng và một kinh Sánh Danh.

Paris, ngày 06 tháng 04 năm 2014

Trần Văn Cảnh