Ngoài những dị biệt về nhấn mạnh trong cuộc đàm thoại giữa Đức Phanxicô và Ông Obama tại Vatican ra, ta còn thấy sự dị biệt lý thú trong việc trao quà lưu niệm giữa hai nhà lãnh đạo thế giới này.

Dị biệt về nhấn mạnh thì ai cũng thấy rồi: ông Obama và Nhà Trắng chỉ nói tới nghèo đói và bất bình đẳng là hai điều họ cho rằng đã đạt được đồng thuận với Đức Giáo Hoàng.Về điểm này, Ông Obama coi cuộc gặp gỡ như một cuộc thảo luận về vai trò của tương cảm (empathy) trong đời sống công và tư. Ông cho rằng “Việc thiếu tương cảm dễ dàng khiến chúng ta lao vào các cuộc chiến tranh. Việc thiếu tương cảm cũng khiến ta quên mất người vô gia cư ngoài phố xá”. Tuy nhiên, cả trong phạm vi kinh tế, dù Đức Giáo Hoàng có nhiều quan điểm tương đồng với mình, ông vẫn không hy vọng ngài chịu tạo một liên minh hay một hùn hạp (partnership) nào đó với ông trên bất cứ vấn đề gì. Ông giải thích: “công việc của ngài có cao cả hơn. Chúng tôi xà xà dưới đất, đương đầu với những chuyện thường là phàm trần, còn ngài thì xử lý với những quyền lực cao hơn”.

Trong khi ấy, tuyên bố của Tòa Thánh thì nhắc tới “các liên hệ và hợp tác song phương giữa Giáo Hội và Nhà Nước” cụ thể là quyền tự do tôn giáo, quyền sống và phản đối lương tâm (ngụ ý nói tới ngừa thai và phá thai)”. Phạm vi này không những không có đồng thuận, mà còn bị phía ông Obama lờ đi.

Trong cuộc họp báo sau đó với thủ tướng Ý, trả lời một câu hỏi, ông Obama bảo rằng cuộc thảo luận về những vấn đề ấy diễn ra với Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh Pietro Parolin, chứ không với Đức Phanxicô. Ông cho hay: các vấn đề như ngừa thai và tự do tôn giáo “thực sự không phải là chủ đề đàm luận” với Đức Giáo Hoàng.

Nhưng với ai thì cũng thế thôi, giữa chính phủ của ông và Vatican không có đồng thuận về những vấn đề hết sức chủ yếu ấy.

Sự dị biệt giữa hai bên phần nào còn được biểu hiện qua việc tặng quà. Ông Obama tặng Đức Phanxicô một hộp đựng hạt giống được chế tạo theo yêu cầu, trong đó đựng hạt giống quả và rau vẫn được dùng tại Nhà Trắng. Hộp này được làm bằng da Hoa Kỳ và gỗ cải tạo lấy từ Vương Cung Thánh Đường Đền Thờ Quốc Gia Kính Đức Mẹ Lên Trời tại Baltimore, vốn là một trong các kiến trúc tôn giáo đầu tiên tại Hiệp Chúng Quốc. Vương cung thánh đường này vừa được trùng tu năm 2006 và giáo phận Baltimore vốn là giáo phận đầu tiên của Hoa Kỳ dưới sự điều khiển của vị giám mục cũng đầu tiên của nước này là John Carroll, sáng lập viên ĐH Georgetown .

Khi dâng tặng Đức Giáo Hoàng, hẳn ông Obama coi hộp hạt giống này như món quà có tính hữu vị, do bản thân ông lựa chọn để nói lên tinh thần nghèo khó của người uy quyền nhất hành tinh. Giống Đức Phanxicô tự động đi trả tiền phòng và tự tay làm nhiều chuyện khác, ông cùng gia đình cũng đã “tự lo” cho bữa ăn gia đình bằng chính đôi tay của mình!

Nhà Trắng không nói như vậy mà cho rằng món quà được chọn một phần vì Đức Phanxicô đã quyết định mở khu vườn tại Castel Gandolpho cho công chúng. Giải thích này hình như không ăn ý với Ông Obama khi ông nói với Đức Phanxicô rằng “Nếu ngài có dịp tới Nhà Trắng, chúng tôi có thể chỉ cho ngài khu vườn của chúng tôi”. Bắt được tâm tư sâu kín của Ông Obama, Đức Phanxicô buột miệng nói bằng tiếng Tây Ban Nha: "Cómo no?", "tại sao không?”.

Để tiếp nối dòng tâm tư hướng tới người nghèo này, theo bản giải thích kèm theo tặng phẩm, Ông Obama cũng nhân danh Đức Thánh Cha tặng nhiều hạt giống cho một cơ quan bác ái. “Những hạt giống này sẽ sản sinh ra hàng ngàn tấn sản phẩm tươi. Tặng phẩm này vinh danh sự cam kết của Đức Thánh Cha trong việc gieo vãi hạt giống hòa bình hoàn cầu cho các thế hệ tương lai”.

Với lời giải thích ấy, tặng phẩm của Ông Obama vừa có chiều kích tư vừa có chiều kích công. Và ông gom cả hai chiều kích ấy vào một tặng phẩm duy nhất: chiếc hộp hạt giống. Tặng phẩm của Đức Phanxicô cũng phản ảnh cả hai chiều kích công tư nhưng được tách ra làm hai.

Trước nhất là cuốn tông huấn đầu tiên của ngài “Niềm Vui Tin Mừng” (Evangelii Gaudium). Cuốn này, phát hành vào mùa thu qua, chỉ trích hệ thống thị trường hoàn cầu, bằng cách nói rằng hệ thống này không xem sét nhu cầu của những người nghèo nhất. Ngài viết “Chúng ta không thể tin tưởng các lực lượng không thấy và bàn tay vô hình của thị trường được nữa” (số 204). Ngài nghiêm khắc lên án “Làm sao chúng ta có thể chịu đựng nổi khi thức ăn dư thừa bị đổ đi trong khi có nhiều người bị đói? Đó là sự chênh lệch xã hội. Ngày nay, tất cả đều tham gia trò chơi cạnh tranh và sống sót của những người thích hợp nhất, ở đó những người mạnh nuốt trửng những ngưởi yếu. Như hậu quả của tình trạng này, một khối lớn dân chúng đang bị loại trừ và gạt ra ngoài lề: không có công ăn việc làm, không có triển vọng, không có có lối thoát. Người ta coi con người như những đồ tiêu thụ, nay sử dùng mai bỏ đi. Chúng ta đã bắt đầu nền văn hóa của 'loại bỏ được', thậm chí còn cổ võ nó. Nó không còn chỉ đơn thuần là hiện tượng khai thác và áp bức, nhưng một điều gì mới: Với việc loại bỏ cuối cùng được ảnh hưởng tận gốc đến việc là thành phần xã hội mà chúng ta đang sống, những người bị loại bỏ khi đó không còn ở tầng lớp thấp, ở ngoài lề, hay không có quyền lực, nhưng ở bên ngoài xã hội. Những người bị loại trừ không phải là 'những người bị bóc lột', nhưng là rác, là ‘đồ thừa’” (số 53).

Nhân động thái này, người ta thấy rõ: dù đông tây muốn nói sao thì nói, Đức Bênêđíctô XVI vẫn là vị cố vấn tối cao của Đức Phanxicô: khi trao tông thư cho Ông Obama, ngài hoàn toàn mô phỏng động thái của vị tiền nhiệm, người đã trao cho Ông Obama năm 2009 văn bản “Dignitas Personae” của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin tranh đấu cho sự sống của trẻ chưa sinh, để gián tiếp lên án chính sách phò phá thai của chính phủ Obama.

Niềm Vui Tin Mừng nói nhiều vấn đề hơn thế. Số 64 chẳng hạn, trực tiếp lên án chủ trương “thu gọn đức tin và Hội Thánh vào phạm vi riêng tư và và thầm kín”, một chủ trương phản ảnh rõ nhất trong chỉ thị y tế của chính phủ Obama. Ở số 183, Tông Huấn “nhắn nhủ” Ông Obama rằng: “không ai có thể buộc tôn giáo phải giới hạn vào phạm vi riêng tư của cuộc sống con người, mà không được phép có bất kỳ ảnh hưởng nào đến đời sống xã hội và quốc gia, không được phép bận tâm đến sự lành mạnh của các tổ chức xã hội dân sự, cũng không được phép bày tỏ ý kiến về những biến cố liên quan đến các công dân”.

Khi trao tông thư ấy, Đức Phanxicô nói với Ông Obama rằng đó là món quà của Đức Giáo Hoàng. Đức Giáo Hoàng thì hiển nhiên là tiếng nói chính thức của Giáo Hội Công Giáo. Hiểu rõ điều này, Ông Obama thưa lại: “Tôi sẽ đọc nó tại Văn Phòng Bầu Dục… Chắc chắn nó sẽ cho tôi sức mạnh và giúp tôi thanh thản”.

Món quà thứ hai có tính tư riêng hơn nên chính Đức Phanxicô đã nói với Ông Obama “Món quà kia là của Đức Giáo Hoàng. Còn món quà này là của Jorge Bergolio. Khi tôi thấy nó, tôi bảo: ‘tôi sẽ tặng nó cho Ông Obama’. Nó là Thiên Thần Hòa Bình”. Qua động thái này, ta thấy rõ nét tinh xảo ngoại giao của Đức Phanxicô. Ông Obama nhấn mạnh tới khía cạnh hữu vị trong tặng phẩm của ông, thì Đức Phanxicô cũng đâu có thua gì: hai huy chương lớn ngài tặng ông được ngài coi là của Jorge Bergoglio!

Nhưng thực ra chỉ do Jorge Bergoglio lựa mà thôi. Chứ huy chương đầu nói lên tình hữu nghị và hòa bình giữa bắc và nam bán cầu. Nó làm bằng đồng, và theo ghi chú đính kèm của Tòa Thánh, mô tả “một thiên thần… đang ôm và đưa lại với nhau bắc và nam bán cầu của trái đất, trong khi vượt thắng sự chống đối của một con rồng”. Hàng chữ khắc trên tấm huy chương viết như sau: “Một Thế Giới Của Liên Đới và Hòa Bình Xây Dựng Trên Công Lý”.

“Hình thiên thần minh họa các thách đố hiện nay: đem các vùng bắc và nam của thế giới lại với nhau và hòa hợp chúng trong khi chiến đấu chống mọi lực lượng phá phách, như bóc lột, chống đối không khoan nhượng, các hình thức thực dân mới, sự dửng dưng, ngờ vực và thiên kiến”.

Hình như Đức Giáo Hoàng tặng ông Obama tấm huy chương này để ông mang theo khi hết nhiệm kỳ. Trong tư cách công dân, ông nên góp phần tiếp tục làm cho Bắc Nam xum họp một nhà. Chứ hiện nay, Bắc Nam quả hết sức phân rẽ.

Huy chương thứ hai là bản y sao một huy chương kỷ niệm lễ đặt viên đá đầu tiên xây hàng cột phía bắc Đền Thờ Thánh Phêrô. Tấm huy chương này mô tả dự án nguyên thủy của Bernini. Đây đúng là một tặng phẩm thực sự tư riêng, ít có ý nghĩa hợp với ngữ cảnh hôm nay, ngoại trừ để đánh dấu nơi hai người gặp mặt nhau lần đầu.