Giáo Hội sống Mùa Chay Thánh, đây cũng là dịp Giáo Hội kính nhớ Thánh Cả Giuse. Một sắp xếp niên lịch phụng vụ mang nhiều ý nghĩa. Nhiều nhân đức trổi vượt nên Thánh Giuse trở nên mẫu gương sống Mùa Chay cho mọi tín hữu. Đặc biệt là giới Gia trưởng, Thánh Giuse chính là mẫu mực của một người chồng thuỷ chung tận tụy, một người cha khả ái hiền hoà. Hành hương tháng 3 là dịp anh em Gia trưởng tề tựu về bên Mẹ Tàpao.

Tapao 13/3/2014

Đường Thánh Gía Tapao 12/3/2014

Thánh lễ trọng thể kính Thánh Giuse tại Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao sáng ngày 13/3/2014 do Đức Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan chủ sự. Cha Tổng Đại Diện GB Hoàng Văn Khanh và hơn 50 cha trong ngoài giáo phận cùng hiệp dâng thánh lễ. Đông đảo anh em Gia trưởng GP Phan Thiết và gần mười ngàn khách hành hương hiệp thông cầu nguyện.

Đức Cha Phaolô giảng lễ, suy niệm Tin Mừng (Mt 1,18–24), Truyền Tin cho Thánh Giuse.

Câu chuyện Đức Mẹ thụ thai cách nhiệm mầu, bởi phép Chúa Thánh Thần, là dự định của Thiên Chúa từ thuở muôn đời, đã được tiên tri Isaia loan báo như dấu chỉ, Chúa luôn hiện diện trong lịch sử nhân loại và riêng cho triều đại vua Akhát: “Này đây trinh nữ sẽ thụ thai, sẽ hạ sinh con trai và đặt là Emmanuen”.

Sự việc đã xảy ra cho Đức Mẹ, trước khi Mẹ về sống chung với Giuse, người chồng đạo đức tương lai của mình. Dĩ nhiên Đức Mẹ sẽ ở trong trường hợp khó xử, như ta thấy thánh Matthêu đã ghi nhận trong Tin mừng của Ngài: “Ông Giuse chồng bà là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm lìa bỏ bà cách kín đáo”. Câu nói này làm cho các nhà chú giải không khỏi lúng túng. Đức Mẹ có cho thánh Giuse biết sự việc thụ thai thánh thiêng nhiệm mầu này không? Tâm trạng thánh Giuse ra sao? Có nghi ngờ Đức Mẹ không?

Theo cách nghĩ của thánh Giêrônimô, ngài cho rằng, sau khi nhận lời Sứ thần truyền tin, có lẽ người đầu tiên được biết sự việc là bà Anna, thân mẫu Đức Mẹ, và Mẹ nhờ thân mẫu nói với thánh Giuse, đó là tâm lý người Đông Phương. Về phần Mẹ Maria biết vấn đề thuộc mầu nhiệm đức tin, nên Mẹ vội vàng đi thăm bà Êlisabeth để được chứng kiến tận mắt, sự thụ thai lạ lùng của người chị họ mình, như thông tin mà Sứ thần gợi ý cho Đức Mẹ thấy quyền năng của Thiên Chúa. Đồng thời Mẹ cũng có bằng chứng để thánh Giuse tin tưởng vào mầu nhiệm Chúa đang thực hiện nơi mình.

Sự lo lắng của thánh Giuse là không nghi ngờ gì nữa sau khi Mẹ từ nhà bà Êlisabeth trở về, kể lại mọi sự việc sau ngày người con phép lạ Gioan chào đời. Nhưng Giuse là người công chính lại băn khoăn trước sự việc Maria bây giờ là người Thiên Chúa tuyển chọn đặc biệt lạ lùng, mình có quyền để làm chồng nữa không? Hay người con của Maria là Con Thiên Chúa, mình có được nhận như con mình để làm khai sinh không?.

Mặt khác, nổi niềm của Giuse là nổi niềm của người công chính thánh thiện, phải lìa xa Đức Mẹ người yêu lý tưởng của mình là điều đau xót vô cùng. Nhưng không có cách nào khác. Ở nhà là phải làm lễ cưới, làm như vậy có đúng ý Chúa không? Bỏ mặc Đức Mẹ trong những ngày sắp sinh con cũng tàn nhẫn...Nhưng Thiên Chúa đang ở đây, Ngài có bao giờ bỏ cuộc đâu. Chúa đã cho Sứ thần truyền tin đến với Giuse và cho biết cách giải quyết tốt nhất: “Này ông Giuse con Vua Đavít, đừng ngại đón Maria vợ ông về, vì người con Maria cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu...”.

Thiên sứ cho thấy việc thánh Giuse ở lại rất cần thiết vì hai lý do. Con Thiên Chúa xuống trần gian, cần có một gia đình bảo trợ, dưỡng dục cho đến ngày ra đời tỏ mình cho thiên hạ. Theo lời các tiên tri, Đấng Thiên Sai thuộc dòng tộc Đavít. Chính thánh Giuse con cháu Vua Đavít khai sinh đặt tên cho trẻ Giêsu, tất nhiên Giêsu là người thuộc dòng dõi Đavít theo pháp luật, như các tiên tri loan báo về Người.

Là người công chính, người có một niềm tin vững mạnh, Giuse đã thực hiện cuộc hôn nhân như lời Sứ thần nói với ông trong giấc mộng.

Việc Đức Mẹ thụ thai Con Thiên Chúa là một biến cố lớn trong chương trình cứu độ của Ngài, và cũng là biến cố lớn trong cuộc hôn nhân của Đức Mẹ với thánh Giuse. Điểm quan trọng là Chúa đã can thiệp vào cuộc hôn nhân này, bằng lòng ghép vào đó chương trình cứu độ của Ngài. Đức Mẹ và thánh Giuse phải hy sinh mọi dự kiến tương lai của gia đình mình, nhường chỗ cho chương trình của Thiên Chúa. Người con của gia đình không phải là người nối dõi tông đường, mà là Người Con của Thiên Chúa. Bổn phận hai Đấng là chuẩn bị cho Chúa Giêsu trưởng thành để vào đời cứu độ.

Với đức tin sẵn có, Mẹ đã đón nhận thánh ý Thiên Chúa dễ dàng. Vì là người thánh thiện, khiêm tốn theo mẫu mực đạo đức của truyền thống, thánh Giuse cũng đã cộng tác vào công trình cách khôn ngoan, khéo léo, tài giỏi và anh hùng như ta đã biết.

Thưa quý ông bà anh chị em.

Người chồng lý tưởng, người gia trưởng là người công chính, tức là người đạo đức. Đạo đức không có nghĩa là chỉ đọc kinh nhiều mà là cuộc sống yêu thương bác ái trong gia đình. Phải bỏ hẳn tư tưởng chồng là chủ vợ là đầy tớ, mà là sự trợ giúp lẫn nhau, hy sinh cho nhau, hòa thuận với nhau. Biết rằng ai cũng có lúc yếu đuối sai lỗi, nhưng dùng bạo lực, ăn nói thô lỗ là cách giải quyết xấu nhất. Mặt khác, đó là gương xấu cho con cái, cái tội làm gương xấu thì Chúa nói: “Thà buộc cối đá mà ném xuống sông còn hơn làm gương xấu...”. Cách cư xử của thánh Giuse là gương mẫu tuyệt vời. Phải hiểu ý Chúa ở đâu, làm thế nào cho phải đạo vợ chồng. Nhiều khi anh em Gia trưởng phải quên mình cho vợ con.

Tôi nghe một người kể chuyện cuộc đời của mình như sau:

Gia đình con ở bên Lào, gặp chồng con là một người Nhật trở lại đạo để lấy con, chúng con đã kết bạn với nhau đã 10 năm trời. Con thường dẫn anh đi hành hương ở những trung tâm Đức Mẹ như Lộ Đức, Fatima...có lần chúng con được chụp hình Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II. Nhưng việc sinh con của con luôn gặp khó khăn, trở ngại, nên bác sĩ phải triệt sản cho con. Từ đó chồng con rất buồn rầu và càng ngày càng khó tính, rồi muốn đi tìm vợ khác.

Một hôm hai vợ chồng cãi nhau dữ dội, con bức xúc quá mất trí khôn. Con làm dấu thánh giá, rồi từ lầu cao vượt qua cửa sổ nhảy xuống đất cho xong đời. Trong lúc rơi xuống con nghe rõ 3 câu bên tai: “Không thương được cũng phải thương, không ở được cũng phải ở, không tha thứ được cũng phải tha thứ”. Con chạm tới đất lúc nào không biết và bình an vô sự, vừa lúc đó chồng con cũng ở trên lầu chạy xuống lầu đến nơi, chồng con đã ôm lấy con mà khóc và chúng con xin lỗi nhau.

Thiết tưởng 3 câu nhắn nhủ đó làm nền tảng cho cuộc sống chung nhiều khi đầy khó khăn trong gia đình Kitô giáo chúng ta.

Không thương được cũng phải thương.

Không ở được cũng phải ở.

Không tha thứ được cũng phải tha thứ.

Cuối thánh lễ, Cha Phêrô Nguyễn Xuân Anh, đặc trách Giới Gia trưởng dâng lời tri ân. Tháng Ba một Mùa Chay Thánh. Tháng Ba kính Thánh Giuse, bạn trăm năm Đức Trinh Nữ, Cha nuôi Chúa Giêsu. Tháng Ba, tháng của Gia trưởng. Như một cuộc hẹn hò thường lệ, chúng con lại về bên Mẹ Tàpao trong sắc tím Mùa Chay, sắc màu của tình yêu hy sinh và thủy chung. Mỗi Gia trưởng được dồi dào ơn phúc Mẹ ban để chu toàn nhiệm vụ làm chồng làm cha theo gương Thánh Guise: gia trưởng khiêm nhường công chính suốt đời tận tụy hy sinh cho vợ con và Nước Thiên Chúa.Cám ơn Đức Cha và quý cha và cộng đoàn đã cầu nguyện cách riêng cho Giới Gia trưởng biết sống xứng đáng theo gương Thánh Giuse.

Tiếp theo, Cha Tổng Đại Diện làm phép nước và ảnh tượng cho khách hành hương.

Mọi người ra về trong tâm tình tạ ơn Thánh Giuse cùng với những ơn lành Đức Mẹ TàPao ban tặng. Hẹn nhau 13 tháng 4 cùng về bên Mẹ dự đêm diễn nguyện Cuộc Thương Khó Chúa Giêsu do giới trẻ phụ trách, cử hành Lễ Lá bước vào Tuần Thánh.