Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Những gì chúng ta có thể để lại cho cõi đời này

Trong bài giảng Thánh Lễ sáng thứ Năm 6 tháng Hai tại nhà nguyện Santa Martha, Đức Thánh Cha đã trình bày những suy tư của ngài về mầu nhiệm cái chết, mời gọi chúng ta cầu xin Chúa ban ơn được chết trong hy vọng, trong lòng Giáo Hội và biết rằng chúng ta đã để lại cho cõi đời này một di sản là chứng tá đẹp đẽ của một Kitô hữu.

Dựa trên câu chuyện về cái chết của Vua Đa-Vít, Đức Thánh Cha nói rằng mặc dù ông là kẻ có tội, ông không phải là một kẻ phản bội đất nước và vẫn được hoài niệm trong lòng người Israel, dân riêng của Thiên Chúa. Chúng ta cũng nên xin Chúa ban cho ân sủng được chết trong ngôi nhà tinh thần của chúng ta, tức là trong lòng Giáo Hội. Như tôi đã nói, chúng ta tất cả là những người tội lỗi, nhưng Giáo Hội cũng giống như một người mẹ chấp nhận chúng ta bất kể thân phận tội lỗi của chúng ta, và làm cho chúng ta được thanh sạch.

Đức Thánh Cha cũng ghi nhận là Vua Đa-Vít được chết trong hòa bình, trong niềm xác tín rằng sau cái chết nhà vua sẽ được xum họp với tổ tiên của mình. Đây là một ân sủng, chúng ta có thể cầu xin được chết trong niềm hy vọng là ở thế giới bên kia gia đình và người thân của chúng ta sẽ chờ đợi chúng ta ở đó. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc nhớ đến Thánh Têrêxa thành Lisieux. Khi tiếp cận cái chết, vị thánh nữ này đã trải qua cuộc đấu tranh giữa thiện và ác trong chập chùng những ý tưởng ma quỷ muốn gieo vào lòng cô là không có gì ngoài bóng tối mịt mù đang chờ đợi cô. Ma quỷ không muốn cô tin tưởng vào Thiên Chúa, nhưng chúng ta cũng thừa biết cuộc sống là một cuộc tranh đấu và phải xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng được chết trong hy vọng. Để làm điều này, Đức Giáo Hoàng nói, chúng ta phải bắt đầu bằng cách tin tưởng Thiên Chúa trong mọi khó khăn lớn nhỏ gặp phải hàng ngày, để hy vọng của chúng ta vào Thiên Chúa được phát triển và chúng ta quen thuộc với việc tín thác vào Chúa trong thịnh vượng cũng như lúc gian truân, khi này và trong giờ lâm tử.

Nhận xét cuối cùng của Đức Thánh Cha liên quan đến di sản Vua Đa-Vít để lại cho hậu thế sau 40 năm cai trị và chăm sóc dân Israel. Ông để lại di sản này cho con mình khi nói với chúng hãy tuân giữ luật Chúa, theo đường lối Chúa, và tuân giữ huấn lệnh Chúa. Đức Thánh Cha nhắc đến một ngạn ngữ theo đó “di sản tốt nhất chúng ta để lại cho con cháu là trồng một cây và viết một cuốn sách”. Đức Thánh Cha đặt câu hỏi, “phần chúng ta, chúng ta để lại những gì cho con cháu? Chúng ta có mang đến cho đời sự khôn ngoan, có trồng cho đời một cây nào? Chúng ta có làm được những điều tốt lành để hậu thế có thể xem chúng ta như một người cha hay một người mẹ hay không?”

Di sản của chúng ta là chứng tá Kitô chúng tôi đưa ra cho người khác, như các thánh nhân đã mạnh dạn sống Tin Mừng và đã để lại cho chúng ta một con đường để noi theo trong cuộc sống của chúng ta.

2. Ánh sáng thế gian

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 9 tháng 2, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trình bày những suy tư của ngài về bài Phúc Âm kể lại lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Các con là muối đất... Các con là ánh sáng thế gian” (Mt 5,3.14).

Đức Thánh Cha nói:

Điều này khiến cho chúng ta hơi ngạc nhiên một chút, nếu chúng ta nghĩ tới những người đang đứng trước Chúa Giêsu là ai. Họ là những người đánh cá, những người đơn sơ. Nhưng Chúa nhìn họ với con mắt của Thiên Chúa, và người ta hiểu khẳng định của Ngài như là hậu qủa của các Mối Phúc Thật. Ngài muốn nói rằng: nếu các con có tinh thần nghèo khó, có con tim trong sạch, có lòng thương xót... thì các con sẽ là muối đất và ánh sáng thế gian. Để hiểu các hình ảnh này một cách tốt đẹp hơn. chúng ta chú ý tới Luật Lệ Do thái truyền phải bỏ một chút muối trên mọi lễ vật dâng cho Thiên Chúa, như dấu chỉ của giao ước.

Bàn về ánh sáng, Đức Thánh Cha giải thích như sau:

Thế rồi ánh sáng, đối với dân Israel, là biểu tượng của mạc khải cứu thế chiến thắng bóng tối của dân ngoại. Như vậy các kitô hữu, là dân Israel mới, nhận lãnh một sứ mệnh đối với tất cả mọi người: với đức tin và với tình bác ái họ có thể hướng dẫn, thánh hóa và làm cho nhân loại trở thành phong phú. Tất cả chúng ta là những người đã được rửa tội, chúng ta là các môn đệ thừa sai và được mời gọi trở thành một phúc âm sống động trong thế giới: với cuộc sống thánh thiện chúng ta sẽ trao ban “hương vị” cho các mội trường khác nhau, và bảo vệ chúng khỏi thối rữa, như muối làm vậy. Và chúng ta sẽ đem ánh sáng của Chúa Kitô với chứng tá của một tình bác ái tinh tuyền. Nhưng nếu các kitô hữu chúng ta đánh mất đi hương vị và tắt ngúm, chúng ta dập tắt sự hiện diện là muối và ánh sáng, bởi vì chúng ta đánh mất đi sự hữu hiệu. Sứ mệnh trao ban ánh sáng cho thế giới đẹp đẽ biết bao! Đó là sứ mệnh được trao cho chúng ta. Nó đẹp đẽ. Và cũng thật đẹp khi duy trì ánh sáng mà chúng ta đã nhận được từ Chúa Giêsu, gìn giữ nó và duy trì nó. Kitô hữu phải là một người chiếu sáng, mang ánh sáng, luôn luôn trao ban ánh sáng. Một ánh sáng không phải của mình, nhưng là món qùa của Thiên Chúa, là món qùa của Chúa Giêsu.

Đức Thánh Cha khẳng định thêm:

Nếu kitô hữu dập tắt ánh sáng này, cuộc sống của họ không có ý nghĩa; đó là một tín hữu kitô chỉ có danh thôi, mà không mang ánh sáng, một cuộc sống vô nghĩa. Nhưng bây giờ tôi muốn hỏi anh chị em, anh chị em muốn sống thế nào? Như một cái đèn cháy sáng hay một cái đèn tắt? Cháy sáng hay tắt? Anh chị em muốn sống thế nào?

Anh chị em đồng thanh trả lời “cháy sáng”, nhưng hơi nhỏ, Đức Thánh Cha nói “ở đây người ta chả nghe gì cả”. Tín hữu la to hơn: “cháy sáng”. Ngài nói tiếp: Đèn cháy sáng nhé! Chính Thiên Chúa cho chúng ta ánh sáng này và chúng ta trao nó cho ngườkhác. Đèn cháy sáng đó là ơn gọi kitô của chúng ta.

3. Nghĩa vụ rao giảng Tin Mừng của các tín hữu Kitô

Trong bài giảng Thánh Lễ sáng thứ Sáu 7 tháng Hai tại nhà nguyện Santa Martha, Đức Thánh Cha nói tất cả mọi Kitô hữu đều được kêu gọi rao giảng Tin Mừng với sự khiêm nhường.

Lấy ý từ Tin Mừng kể lại cái chết bi thảm của Gioan Tẩy Giả, Đức Giáo Hoàng nói Thánh Gioan là người Thiên Chúa đã gửi đến dọn đường cho Chúa Giêsu Kitô. Ngài đã phải ra trước triều đình của vua Hê-rô-đê đầy những bọn tham quan và những luật sĩ luôn thúc bách tất cả mọi người tuân theo những thứ luật lệ xa cách lề luật Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha ca tụng cách thế tuyệt vời mà vị thánh này đã tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô. Trước đông đảo đoàn lũ dân chúng tuôn đến với ngài, Gioan Tẩy Giả đã có cơ hội để tự xưng mình chính là đấng Messiah, nhưng thánh nhân đã không làm như thế. Đức Thánh Cha nói tiếp: “Gioan Tẩy Giả là con người của chân lý”.

Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh rằng thánh nhân đã bắt chước Chúa Giêsu trong sự khiêm nhường, trong đau khổ và nhục nhã của mình.

Cũng như những vị thánh nhân khác, Chân phước Têrêxa thành Calcutta, chẳng hạn; Thánh Gioan Tẩy Giả cũng đã phải kinh qua những khoảnh khắc đen tối, những khoảnh khắc đau khổ và nghi ngờ. Vì thế ngài đã gửi các môn đệ đến hỏi Chúa Giêsu: "Hãy cho tôi biết, ngài là ai, hay tôi đã sai lầm và còn phải chờ một đấng khác nữa?"

Đức Thánh Cha nói thánh Gioan Tẩy Giả là "hình ảnh biểu tượng của một môn đệ Chúa Giêsu" vì ngài là "người công bố Chúa Giêsu Kitô và theo con đường của Chúa Giêsu Kitô"

Kết thúc bài giảng Đức Thánh Cha nói chúng ta không nên xem tình trạng là Kitô hữu của chúng ta như thể đó là một đặc ân. Thay vào đó chúng ta được mời gọi rao giảng sứ điệp Tin Mừng với lòng khiêm nhường.

4. Ý nghĩa của Bí Tích Thánh Thể trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta

Trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần sáng Thứ Tư 12 tháng 2, Đức Thánh Cha đã trình bày cách thế chúng ta sống Bí Tích Thánh Thể trong cuộc sống hàng ngày.

Ngài nói:

Anh chị em thân mến,

Tiếp tục bài giáo lý của chúng ta về các Bí Tích Khai Tâm Kitô Giáo, tôi muốn suy tư về cách chúng ta sống Bí Tích Thánh Thể trong cuộc sống hàng ngày, trong tư cách cá nhân người Kitô hữu cũng như toàn thể Giáo Hội. Đầu tiên, Thánh Thể ảnh hưởng đến cách chúng ta nhìn những người khác. Trong cuộc sống của Đức Kitô, tình yêu của Ngài biểu lộ bằng cách gần gũi với mọi người, và chia sẻ những khát vọng cũng như những khó khăn của họ .

Cũng thế, Thánh Thể mang chúng ta lại với nhau và với người khác – cả người trẻ lẫn người già, cả người nghèo lẫn người giàu có, cả láng giềng lẫn những người lần đầu gặp gỡ. Bí Tích Thánh Thể mời gọi chúng ta nhìn nhận họ là những anh chị em của chúng ta, và nhìn thấy nơi họ khuôn mặt Chúa Kitô. Thứ hai, trong Bí tích Thánh Thể chúng ta cảm nhận được sự tha thứ của Thiên Chúa và lời mời gọi để thứ tha.

Chúng ta cử hành Bí Tích Thánh Thể không phải vì chúng ta xứng đáng, nhưng vì chúng ta biết chúng ta cần đến lòng thương xót Thiên Chúa, thể hiện nơi Chúa Giêsu Kitô. Trong Bí Tích Thánh Thể, chúng ta canh tân ân sủng Mình và Máu Chúa Kitô để tẩy sạch tội lỗi, và làm cho con tim chúng ta có thể mở rộng ra để tiếp nhận và thể hiện lòng thương xót. Thứ ba, trong việc cử hành Thánh Thể, chúng ta là cộng đồng Kitô hữu được nuôi dưỡng bằng Lời và sự sống của Chúa Kitô.

Chính là từ Thánh Thể mà Giáo Hội liên tục đón nhận căn tính và sứ vụ của mình. Chính là từ việc cử hành của chúng ta mà Chúa Kitô tuôn đổ ân sủng của Ngài trên chúng ta, để cuộc sống chúng ta đi đôi với việc thờ phượng Thiên Chúa trong Phụng Vụ. Chúng ta hãy sống Thánh Thể trong thần khí của đức tin và lời cầu nguyện, với niềm xác tín rằng Chúa sẽ thực hiện tất cả những gì Ngài đã hứa .

5. Tái khám phá ý nghĩa thiêng liêng của Thánh Lễ

Tái khám phá ý nghĩa thiêng liêng, mầu nhiệm của sự hiện diện thật sự của Chúa trong Thánh Lễ: đó là lời mời gọi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong Thánh Lễ sáng thứ Hai 10 tháng Hai tại nhà nguyện Santa Marta.

Đức Thánh Cha đã trình bày những suy tư của ngài về bài đọc thứ Nhất trích từ sách các Vua quyển thứ Nhất: “Khi các tư tế ra khỏi Cung Thánh, thì có đám mây toả đầy Ðền Thờ Ðức Chúa. Các tư tế không thể tiếp tục thi hành nhiệm vụ được vì đám mây: quả thật, vinh quang Ðức Chúa đã tràn ngập Ðền Thờ Ðức Chúa.”

Đức Thánh Cha nói rằng Thiên Chúa nói với dân Ngài bằng nhiều cách thông qua các tiên tri các tư tế, và Kinh Thánh. Nhưng trong các cuộc hiện ra, Ngài nói với dân Ngài một cách khác với Lời: đó là một sự hiện diện gần hơn, không cần trung gian. Đó là sự hiện diện của chính Ngài. Và điều này diễn ra trong cử hành phụng vụ. Các cử hành phụng vụ không phải là một hành động xã hội, nó không phải là sự tập hợp các tín hữu cầu nguyện chung với nhau. Thật vậy, trong phụng vụ, Thiên Chúa thực sự hiện diện”.

"Khi chúng ta cử hành Thánh Lễ, không phải chúng ta diễn lại một hình ảnh tiêu biểu của Bữa Tiệc Ly: Không, đó không phải là một hình ảnh tiêu biểu. Thực sự chúng ta sống một lần nữa cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa. Chúa thực sự đang hiện diện trên bàn thờ”.