Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Buổi triều yết chung Thứ Tư 6 tháng 11.

Trong buổi triều yết chung hôm Thứ Tư 6 tháng 11, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mô tả mầu nhiệm "Các Thánh Thông Công" như là tình bác ái sống động trong Kitô giáo. Đức Thánh Cha Phanxicô nhận định rằng tình bác ái ấy là kho báu lớn nhất của Giáo Hội, và thêm rằng các bí tích là cần thiết để nuôi dưỡng kho báu này. Thông qua các bí tích chúng ta gặp gỡ Đức Kitô và được sai đi để chia sẻ với người khác niềm vui của ơn cứu rỗi.

Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến,

Tiếp tục loạt bài giáo lý của chúng ta về Kinh Tin Kính, giờ đây chúng ta hãy suy nghĩ về mầu nhiệm "Các Thánh Thông Công" như một tình hiệp thông không chỉ giữa những con người với nhau nhưng còn với những điều thiêng liêng. Thông qua sự chia sẻ của chúng ta về những điều thiêng liêng này chúng ta lớn lên trong sự hiệp thông với Chúa Kitô và với các thành viên trong nhiệm thể của Ngài, là Giáo Hội.

Hôm nay chúng ta hãy xem xét ba trong số các kho báu thiêng liêng: là các bí tích, các đặc sủng và tình bác ái. Trong các bí tích, chúng ta gặp gỡ Đức Kitô trong tất cả sức mạnh cứu rỗi của Ngài, chúng ta được củng cố trong niềm vui đức tin, và được sai đi để chia sẻ với người khác niềm vui của ơn cứu rỗi.

Thông qua sự đa dạng của các đặc sủng, những hồng ân và ân sủng mà Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta, chúng ta có thể góp phần xây dựng Giáo Hội trong sự hiệp nhất, thánh thiện và phục vụ.

Trong tình bác ái, tất cả những ân sủng thiêng liêng này tìm thấy sự viên mãn của chúng khi tất cả những điều ấy giúp chúng ta lớn lên trong tình yêu Thiên Chúa.

Chúng ta hãy xin Chúa gia tăng sự hiệp thông của chúng ta về đàng thiêng liêng , để chúng ta có thể sống trọn vẹn hơn bao giờ hết ơn gọi Kitô hữu của mình trong sự hiệp nhất với Chúa Kitô, và như là dấu chỉ của niềm vui của tình yêu cứu rỗi của Ngài, hiện diện và hoạt động giữa chúng ta.

2. Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha trưa ngày Lễ Các Thánh

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa ngày Lễ Các Thánh 1 tháng 11, với gần 40 ngàn tín hữu tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi tất cả các tín hữu hãy chu toàn ơn gọi nên thánh, và ngài mời gọi cầu nguyện cho những anh chị em bị thiệt mạng ở sa mạc nước Niger bên Phi châu trên đường đi tìm cuộc sống tốt đẹp hơn.

Người ta tìm thấy xác của 87 người tị nạn, phần lớn là các trẻ em. Những người này muốn đi qua Algérie bất hợp pháp, nhưng xe vận tải chở họ bị hư giữa sa mạc.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Đức Thánh Cha đã giải thích những đặc tính của các thánh và nói: “Ngày hôm nay, các thánh nói gì với chúng ta? Các ngài nói với chúng ta rằng: Hãy tín thác vào Chúa, vì Chúa không làm ta thất vọng! Chúa là người bạn của chúng ta. Không bao giờ đánh lừa chúng ta. Qua chứng tá của các ngài, các thánh khuyến khích chúng ta đừng sợ đi ngược dòng hoặc sợ bị hiểu lầm, bị chế nhạo khi chúng ta nói về Chúa và về Tin Mừng”.

Đức Thánh Cha cũng khẳng định rằng “Nên thánh không phải là một đặc ân của vài người, nhưng là ơn gọi của tất cả mọi người. Vì thế, tất cả chúng ta đều được mời gọi tiến bước trên con đường thánh thiện, vài con đường này có một tên, một khuôn mặt, đó là Chúa Giêsu Kitô. Trong Phúc Âm chính Chúa chỉ đường cho chúng ta, đó là con đường các Mối Phúc thật. Thực vậy, Nước Trời là của những người không đặt an ninh của họ nơi sự vật, nhưng nơi tình thương của Thiên Chúa, không tự coi mình là người công chính, không xét đoán người khác, các thánh là những ngừơi biết chịu đau khổ với người khổ đau, mừng vui với người vui mừng, không bạo hành, nhưng từ bi và là những người xây dựng hòa giải và hòa bình”.

Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh một khía cạnh khác, đó là “Các thánh không phải là những siêu nhân, cũng chẳng phải là những người sinh ra đã là hoàn hảo. Họ là những người đã sống cuộc sống bình thường, với vui mừng và đau khổ, cơ cực và hy vọng, trước khi đạt tới vinh quang thiên quốc. Một khi được biết tình yêu của Thiên Chúa, các ngài theo Chúa với trọn tâm hồn, vô điều kiện và không giả hình; các ngài hiến mạng sống để phục vụ tha nhân, chịu đựng đau khổ và nghịch cảnh mà không oán ghét và lấy thiện báo ác, phổ biến vui mừng và an bình.”

Sau kinh truyền tin và phép lành, Đức Thánh Cha cho biết ngài đến nghĩa trang Verano vào ban chiều để dâng thánh lễ cầu cho những người quá cố. Ngài cũng hiệp ý với tất cả những ngừơi viếng thăm nghĩa trang trong những ngày này và đặc biệt ngài cầu nguyện cho các nạn nhân của bạo lực, nhất là những tín hữu Kitô đã bỏ mình vì bị bách hại. Đức Thánh Cha không quên những anh chị em chết khát hôm 30 tháng 10 ở sa mạc Sahara phía bắc Niger trên đường tìm cách vượt biên đi tìm cuộc sống tốt đẹp hơn”.

3. Lần đầu tiên từ 20 năm nay, Đức Giáo Hoàng cử hành Thánh Lễ tại nghĩa trang Verano, Roma

Sau 20 năm bị ngắt quãng, truyền thống cử hành thánh lễ tại nghĩa trang Verano ở Roma đã được Đức Thánh Cha Phanxicô đã tái lập chiều ngày Lễ Các Thánh 1 tháng 11.

Đây là nghĩa trang chính của thành Roma rộng 80 hécta và có từ hơn 20 thế kỷ, với các hang toại đạo thánh Ciriaca. Nơi đây có nhiều ngôi mộ được thực hiện như những tác phẩm nghệ thuật với các tượng đài. Vì thế nghĩa trang này cũng được coi như một bảo tàng viện lộ thiên. Tại đây, nhiều dòng tu và tổ chức của Giáo Hội cũng có những khu mộ chung, như khu mộ của Kinh sĩ đoàn Đền Thờ Thánh Phêrô, nơi Đức Ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ, nguyên bí thư của ĐGH Gioan Phaolô 2 được an táng; và di hài Đức Cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận đã được an táng tại đây 10 năm, trước khi được di chuyển về nhà thờ hiệu tòa của ngài ở trong thành Roma. Hoặc tại khu mộ của Bộ truyền giáo, cũng có một số linh mục Việt Nam được an nghỉ, trong đó có Đức Ông Phêrô Trần Văn Hoài thuộc giáo phận Huế.

Hôm qua là lần đầu tiên từ 20 năm nay, một vị Giáo Hoàng lại cử hành thánh lễ tại nghĩa trang này vào chiều ngày lễ Các Thánh. Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 cử hành thánh lễ tại đây 11 lần, lần chót vào năm 1993. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 không giữ thói quen này, nhưng hồi năm 2008, ngài đã cử hành thánh lễ tại Đền thờ thánh Lorenzo cạnh nghĩa trang, nhân dịp viếng thăm mục vụ tại đây.

Đồng tế với Đức Thánh Cha Phanxicô có Đức Hồng Y Giám quản Roma, Agostino Vallini, Đức Tổng Giám Mục Phó Giám quản Filippo Iannone, 6 Giám Mục Phụ tá và cha sở giáo xứ thánh Lorenzo ngoại thành, Armando Ambrosi, trước sự hiện diện của hàng ngàn tín hữu, trong đó có ông thị trưởng thành Roma, Ông Ignazio Marino. Ông đi xe đạp đến nghĩa trang vài phút trước Đức Thánh Cha.

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha đã bỏ qua bài giảng dọn sẵn và ứng khẩu nói về giai đoạn cuối đời của một đời người như một cuộc chờ đợi trong hy vọng, vì ơn cứu độ chúng ta đến từ Thiên Chúa và Chúa muốn cứu thoát chúng ta, chứ không phải vì công nghiệp của chúng ta. Ngài nói:

“Chính Chúa cứu chúng ta, chính Ngài mang chúng ta như người cha cầm tay dẫn chúng ta vào cuối đời lên trời cao, nơi có các tiền nhân của chúng ta. Một trong các cụ già - trong sách Khải Huyền - hỏi: ‘Họ là ai, những người mặc áo trăng, những người công chính, những người thánh ở trên trời? Đó là những người đến từ đau khổ lớn lao, và họ đã giặt áo trong máu của Chiên Con, làm cho áo trở nên tinh tuyền’. Chúng ta chỉ có thể về Trời nhờ máu Chiên Con, nhờ máu Chúa Kitô. Chính Máu Chúa làm cho chúng ta trở nên công chính, mở cửa trời cho chúng ta. Và sở dĩ hôm nay chúng ta tưởng niệm những anh chị em đã đi trước chúng ta trong cuộc sống và nay đang ở trên Trời, vì họ đã được máu Chúa Kitô thanh tẩy. Và đó chính là niềm hy vọng của chúng ta, niềm hy vọng nhờ máu của Chúa Kitô. Và niềm hy vọng này không làm ta thất vọng. Nếu chúng ta tiến bước với Chúa trong cuộc sống, Ngài sẽ không bao giờ làm cho chúng ta thất vọng.

Đức Thánh Cha nói thêm rằng: “Hôm nay là một ngày hy vọng. Anh chị em chúng ta đang ở trước mặt Thiên Chúa. Cả chúng ta cũng sẽ được ở đó, nhờ ơn thánh của CHúa, nếu chúng ta tiến bước với Chúa Giêsu. Và thánh Gioan kết luận: ‘Ai hy vọng nơi Chúa, thì thanh tẩy chính mình’. Cả niềm hy vọng cũng thay tẩy chúng ta!”

Cuối thánh lễ, trước khi ban phép lành, Đức Thánh Cha tái mời gọi cầu nguyện cho những người tị nạn bị thiệt mạng trong sa mạc và trên biển cả, và cầu cho những người sống sót đang ở trong các trại tiếp cư sớm được đi định cư tại nơi tốt đẹp hơn.

Trái với một báo cáo phát hành rộng rãi , Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSA) đã không thể nghe trộm trên các Hồng Y rằng bầu làm Giáo Hoàng Francis , một nhà báo kỳ cựu của Vatican đã báo cáo .

4. Đức Thánh Cha dâng lễ cầu hồn cho các Hồng Y và Giám Mục quá cố, trong đó có 4 Giám Mục Việt Nam

Lúc 11 giờ rưỡi sáng thứ Hai 4 tháng 11, Đức Thánh Cha đã chủ sự thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô để cầu nguyện cho 9 Hồng Y và 136 Giám Mục đã qua đời trong vòng 12 tháng qua trong toàn Giáo Hội, trong số này có 4 Giám Mục Việt Nam.

Đó là Đức Cha Giacôbê Nguyễn Văn Mầu, nguyên Giám Mục Vĩnh Long, qua đời ngày 31-1 năm nay (2013); Đức Cha Phanxicô Xavie Nguyễn Quang Sách, nguyên Giám Mục Đà Nẵng, qua đời ngày 7 tháng 7 năm; Đức Cha Giuse Hoàng Văn Tiệm SDB, Giám Mục Bùi Chu và Đức Cha Tôma Nguyễn Văn Tân, Giám Mục Vĩnh Long, hai vị qua đời cùng ngày 17 tháng 8 vừa qua.

Trong số 9 Hồng Y quá cố, có Đức Hồng Y Jozef Glemp, Cố giáo chủ Công Giáo Ba Lan, và Đức Hồng Y Simon Pimenta, cố Tổng Giám Mục Bombay, Ấn độ.

Đồng tế với Đức Thánh Cha có khoảng 30 Hồng Y trước sự hiện diện 30 Giám Mục và hơn một ngàn tín hữu.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người tín thác nơi tình thương của Thiên Chúa, noi gương thánh Phaolô Tông Đồ, Người đã viết trong thư gửi tín hữu Roma (8,38-39): “Tôi thâm tín rằng dù sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay ma vương quỷ thần, hiện tại hay tương lai, quyền lực, chiều cao hay chiều sâu, không thụ tạo nào có thể tách chúng ta ra khỏi tình thương của Thiên Chúa, trong Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta”.

Đức Thánh Cha nói:

“Thánh Tông Đồ liệt kê những quyền lực đối nghịch và huyền bí có thể đe dọa hành trình đức tin. Nhưng Ngài khẳng định một cách chắc chắn rằng cho dù toàn thể cuộc sống của chúng ta bị những đe dọa vây bủa, không bao giờ một điều gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu mà Chúa Kitô đã đạt được cho chúng ta, bằng cách hiến thân trọn vẹn.”

Ngài nhấn mạnh rằng: “Cả những quyền lực của ma quỉ, đố kỵ với con người, cũng dừng lại trước sự kết hiệp yêu thương sâu đậm giữa Chúa Giêsu và người đón nhận Chúa trong đức tin. Thực tại tình thương trung tín của Thiên Chúa đối với mỗi người chúng ta giúp chúng ta tiến bước mỗi ngày trong thanh thản và can đảm, hành trình nhiều khi nhanh nhẹn, nhưng đôi khi cũng chậm chạp và vất vả”.

Đức Thánh Cha nêu nhận xét: “chỉ có tội lỗi của con người mới có thể phá vỡ mối liên hệ giữa chúng ta và Thiên Chúa, nhưng cả trong trường hợp ấy, Thiên Chúa luôn tìm kiếm, chạy theo con người để tái lập với họ một tình hiệp thông kéo dài cả sau cái chết, đó là một sự kết hiệp đạt tới tột đỉnh trong cuộc gặp gỡ chung kết với Chúa Cha. Xác tín này mang lại một ý nghĩa mới mẻ và sung mãn cho đời sống trần thế và mở ra cho chúng ta niềm hy vọng cuộc sống sau cái chết”.

Đức Thánh Cha cũng nhắc đến lời Sách Khôn Ngoan đọc trong thánh lễ, nói về những người công chính ở trong tay Chúa. Ngài nói: “Bàn tay là dấu hiệu sự đón tiếp và bảo vệ, là dấu chỉ một tương quan tôn trọng và trung thành: giơ tay ra, bắt tay. Này đây các vị mục tử nhiệt thành đã tận hiến cuộc sống để phụng sự Chúa và anh em, họ đang ở trong tay Chúa. Tất cả những gì của các vị được bảo tồn và không bị hao mòn vì sự chết. Ở trong tay Chúa tất cả những ngày đời của họ được dệt bằng những vui mừng và đau khổ, hy vọng và vất vả, trung thành với Tin Mừng và hăng say đối với phần rỗi tinh thần và vật chất của đoàn chiên đã được ủy thác cho các vị”

5. Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 3 tháng 11

Thiên Chúa là Cha luôn đợi chờ con người hoán cải trở về với Ngài. Hãy để cho Chúa Giêsu gọi tên chúng ta. Hãy lắng nghe tiếng của Ngài nói với chúng ta: “Ngày hôm nay Ta phải dừng lại tại nhà con”, nghĩa là trong tim con, trong cuộc sống con. Và chúng ta hãy tươi vui tiếp đón Ngài! Ngài có thể giải thoát chúng ta khỏi tính ích kỷ và làm cho đời sống chúng ta trở thành một qùa tặng của tình yêu. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 60.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin tại quảng trường Thánh Phêrô trưa Chúa Nhật 3 tháng 11.

Đức Thánh Cha nói:

Không có nghề nghiệp nào, không có điều kiện xã hội nào, không có lỗi lầm hay tội phạm thuộc bất cứ loại nào có thể xóa bỏ khỏi ký ức và con tim của Thiên Chúa một người trong các con cái Ngài. Thiên Chúa luôn nhớ, Ngài không quên bất cứ ai Ngài đã tạo dựng. Ngài là cha, luôn luôn tỉnh thức và yêu thương đợi chờ trông thấy tái sinh nơi con tim của người con ước muốn trở về nhà.

Ngài đặc biệt nhắc đến một trong các biến cố tươi vui nhất được thánh sử Luca kể lại: đó là sự hoán cải của ông Giakêu. Người này là một con chiên đã bị hư mất, bị khinh bỉ và “dứt phép thông công”, bởi vì ông ta là một người thu thuế, còn hơn thế nữa, là thủ lãnh những người thu thuế trong thành phố, bạn của các người Roma xâm lăng, là một tay trộm cướp và là một kẻ khai thác bóc lột.

Đức Thánh Cha nói:

"Hôm nay, chúng ta hãy nhìn ông Giakêu, đang ở trên cây: thoạt nhìn hơi tức cười, nhưng đó là phương pháp đạt đến sự cứu rỗi. Và tôi nói với anh chị em: Nếu anh chị em thấy điều gì đè nặng lương tâm mình, nếu anh chị em cảm thấy xấu hổ vì rất nhiều điều anh chị em đã làm, hãy dừng lại. Đừng sợ, hãy nghĩ rằng Ngài đang chờ đợi anh chị em, bởi vì Ngài chưa bao giờ ngừng nhớ và nghĩ về anh chị em. Và Ngài là Cha của anh chị em, đó là Thiên Chúa, là Chúa Giêsu, Đấng đang chờ anh chị em. Hãy leo lên cao, như Giakêu đã làm, hãy leo lên cây với mong ước được tha thứ. Tôi đảm bảo với anh chị em rằng anh chị em sẽ không phải thất vọng. Chúa Giêsu đầy lòng thương xót, và không bao giờ mệt mỏi tha thứ. Hãy nhớ kỹ những điều này. "

Anh chị em thân mến, chúng ta cũng hãy để cho Chúa Giêsu gọi tên chúng ta! Trong sâu thẳm của con tim chúng ta hãy lắng nghe tiếng của Ngài nói với chúng ta: ‘Ngày hôm nay Ta phải dừng lại tại nhà con’, nghĩa là trong tim con, trong cuộc sống con. Và chúng ta hãy tươi vui tiếp đón Ngài! Ngài có thể thay đổi chúng ta, biến con tim bằng đá của chúng ta trở thành con tim bằng thịt, Ngài có thể giải thoát chúng ta khỏi tính ích kỷ và làm cho đời sống chúng ta trở thành một qùa tặng của tình yêu. Chúa Giêsu có thể làm đều đó, hãy để Chúa Giêsu nhìn bạn.

6. Đức Thánh Cha cử hành Thánh Lễ tại phần mộ Đức Gioan Phaolô II

Hôm 31 Tháng Mười 2013, Đức Thánh Cha đã đồng tế với các linh mục Ba Lan tại phần mộ Đức Gioan Phaolô Đệ Nhị, thay vì tại Casa Santa Marta , như thường lệ . Được biết mỗi tuần đều có một nhóm các linh mục Ba Lan cử hành Thánh Lễ tại phần mộ này. Vào sáng thứ Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gây ngạc nhiên cho các linh mục Ba Lan khi cùng đồng tế với các vị tại đây.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cập đến Thánh Phaolô. Ngài nói rằng vị Tông Đồ Dân Ngoại là một gương mẫu của sức mạnh. Bất chấp bị phản bội và bách hại, ngài luôn đặt Chúa Kitô ở trung tâm của cuộc đời mình.

Đức Thánh Cha nói:

"Thánh Phaolô luôn luôn đặt tình yêu Chúa Kitô tại trung tâm của cuộc đời mình, như là một điểm tham chiếu. Người ta không thể là một Kitô hữu nếu không có tình yêu của Chúa Kitô, nếu không thể hiện tình yêu này trong cuộc sống, nếu không nhận ra, và nuôi dưỡng tình yêu này. Một Kitô hữu phải là một người cảm thấy được sự chăm sóc của Chúa, với vẻ đẹp của một tình yêu thương đến cùng của Thiên Chúa. Kitô hữu phải cảm nhận được rằng cuộc sống của mình đã được cứu rỗi bằng máu của Chúa Kitô. Và điều này xây dựng tình yêu: đó là một tình yêu đáp trả tình yêu”

Đức Giáo Hoàng cũng nói về sự thờ ơ lạnh nhạt khi so sánh tình yêu của Thánh Phaolô với sự "bất trung" của một thành Jerusalem "không hiểu được tình yêu của Thiên Chúa."

7. Đức Thánh Cha Phanxicô thăm khu hầm mộ Vatican để cầu nguyện cho các vị Giáo Hoàng quá cố

Hôm thứ Bẩy 2 tháng 11, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đi bộ từ nơi cư trú của mình tại Casa Santa Marta đến khu hầm mộ Vatican , nơi ngài đã cầu nguyện cho các vị Giáo Hoàng đã quá cố.

Trên đường đi, ngài đã cầu nguyện trước ngôi mộ của Thánh Phêrô. Sau đó, Đức Thánh Cha đến thăm khu hầm mộ nằm ngay bên dưới Đền Thờ Thánh Phêrô.

Ngài đã dừng lại tại ngôi mộ của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ XV, Đức Giáo Hoàng Pius XI, Đức Piô XII, Phaolô VI và Gioan Phaolô I. Kể từ khi Giáo Hội Công Giáo cử hành Lễ Các Đẳng Linh Hồn ngày vào ngày 2 tháng 11, thì cũng đã có truyền thống là Đức Giáo Hoàng đương kim dâng lễ, cầu nguyện và tỏ lòng tôn kính với các vị tiền nhiệm của ngài trong ngày này.

8. Bản thảo gốc “Bí mật thứ ba” Fatima sẽ sớm được đưa ra triển lãm

Vào ngày 30 tháng 11 tới đây, tại Đền Thánh Đức Mẹ Fatima ở Bồ Đào Nha, thư viết tay của chị Lucia mô tả bí mật thứ ba được Đức Mẹ tiết lộ vào tháng 6 năm 1917, sẽ được đưa ra triễn lãm trong cuộc triển lãm có tiêu đề “Bí mật và Mạc Khải”.

Từ năm 1957, lá thư này đã được lưu trữ tại Vatican, như một phần của kho lưu trữ của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin. Sau khi được lưu trữ trong tàng thư này, lá thư chỉ được mở ra hai lần: Một lần, theo yêu cầu của Đức Gioan Phaolô II năm 1981, sau vụ ám sát của ngài và sau đó vào năm 2000, khi Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, lúc đó là thư ký của Thánh Bộ, đã gặp chị Lucia tại Coimbra, Bồ Đào Nha để khẳng định rằng văn bản này là văn bản gốc ban đầu.

9. Đức Thánh Cha sẽ tấn phong các tân Hồng Y

Hôm thứ Năm 31 tháng 10, Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, cho biết Đức Thánh Cha sẽ triệu tập công nghị để tấn phong các tân Hồng Y vào ngày 22 tháng 2 năm 2014.

Cha Lombardi cho biết trong dịp họp Hội đồng 8 Hồng Y cố vấn từ ngày 1 đến 3 tháng 10 vừa qua, và sau đó là trong cuộc họp với các thành viên trong Ủy Ban Giáo Hoàng về Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới trong 2 ngày mùng 7 và mùng 8 tháng 10, Đức Thánh Cha đã thông báo cho các tham dự viên ý định của ngài sẽ triệu tập một công nghị tấn phong các tân Hồng Y vào lễ kính Ngai Tòa Thánh Phêrô, tức là ngày 22 tháng 2 năm tới. Đức Thánh Cha quyết định thông báo điều này để dễ hoạch định chương trình cho các cuộc họp khác với sự tham dự của các Hồng Y từ nhiều nơi trên thế giới.

Cha Lombardi cũng nói rằng người ta có thể đoán trước Đức Thánh Cha muốn có cuộc họp của Hồng Y đoàn trước lễ tấn phong các tân Hồng Y, như các vị tiền nhiệm của ngài vẫn thường làm. Theo đó, Hội đồng 8 Hồng Y cố vấn sẽ nhóm khóa họp thứ 3 trong hai ngày 17 và 18 tháng 2 năm tới, và sau công nghị tấn phong tân Hồng Y sẽ có cuộc họp của Ủy Ban Giáo Hoàng về Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới trong hai ngày 24 và 25 tháng 2.

Ngoài ra, Hội đồng 15 Hồng Y về vấn đề kinh tế và tổ chức của Tòa Thánh cũng sẽ nhóm vào tháng 2 năm tới, có lẽ là trong tuần lễ trước khi có công nghị tấn phong tân Hồng Y.

Vào khoảng giữa tháng 2 năm tới, Hồng Y đoàn sẽ còn tối đa là 201 vị, trong số này có 106 Hồng Y cử tri. Điều này có nghĩa là nếu Đức Thánh Cha Phanxicô quyết định giữ nguyên qui luật tối đa là 120 Hồng Y cử tri, thì ngài có thể bổ nhiệm khoảng 14 Hồng Y mới và có thể có thêm vài vị trên 80 tuổi.

10. Theo tạp chí Forbes, Đức Thánh Cha là một trong những người có ảnh hưởng nhất trên thế giới

Người đầu tiên trong danh sách là Tổng thống Nga Vladimir Putin, tiếp theo là tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, thứ ba là Tổng bí thư ký của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tập Cận Bình. Đứng thứ tư trong danh sách những người có ảnh hưởng nhất trên thế giới là Đức Thánh Cha Phanxicô.

Tạp chí Forbes giải thích rằng kể từ khi Đức Thánh Cha Phanxicô được bầu vào tháng Ba, Giáo Hội Công Giáo với hơn 1.2 tỷ tín hữu đã chứng kiến một làn sóng năng lượng mới. Tạp chí này cũng lưu ý rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng có sự hiện diện mạnh mẽ trong các phương tiện truyền thông xã hội. Trên Twitter, ngài đã có hơn 10 triệu người theo. Ngài cũng là vị giáo hoàng đầu tiên có một hình ảnh đang cầm một điện thoại di động.

Bảng xếp hạng cho thấy vị Giáo Hoàng của Mỹ Châu Latinh vượt trên những nhà lãnh đạo chính trị và tài chính như Angela Merkel và Bill Gates.

11. Việc nghe lén trong Công Nghị Hồng Y là không thể thực hiện được

Hôm 31 tháng 10, Cơ Quan An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ đã bác bỏ cáo buộc của tạp chí Panorama của Ý theo đó cơ quan này đã theo dõi các cuộc điện đàm của các vị Hồng Y trong Mật Nghị Bầu Giáo Hoàng và gần đây vẫn tiếp tục theo dõi các cuộc điện đàm của Đức Giáo Hoàng và các chức sắc cao cấp của Tòa Thánh.

Liên quan đến vấn đề này, ký giả Andrea Tornielli của tờ La Stampa viết rằng Vatican đã triển khai công nghệ chống nghe lén tinh vi trong nhà nguyện Sistina và điện Tông Toà trong những ngày dẫn đến Mật Nghị Hồng Y bầu Tân Giáo Hoàng . Các biện pháp chống nghe lén cũng đã được triển khai tại toà nhà Thượng Hội Đồng Giám Mục nơi các vị Hồng Y trao đổi ý kiến trước khi khai mạc Mật Nghị Hồng Y . Các phóng viên có mặt trong tòa nhà đã làm chứng rằng các kết nối Internet đã bị gián đoạn và các tín hiệu điện thoại di động hoàn toàn bị mất sóng khi hệ thống được khởi động.

Theo bài báo của Tornielli, các chuyên gia an ninh Vatican có thể tự hào về khả năng của họ trong việc chống gián điệp. Các nhóm tin tặc Hồi Giáo và Trung quốc, được biết đến với tên gọi chung là "Anonymous" đã thực hiện hàng loạt các cuộc tấn công phối hợp với nhau vào các trang web internet của Vatican , nhưng không thể truy cập vào các trang web này mặc dù Anonymous đã thành công đột nhập vào các trang web của nhiều cơ quan chính phủ và các các tập đoàn đa quốc gia.

Biện pháp chống nghe lén của Vatican không thể ngăn cản NSA nghe trộm các cuộc đàm thoại của các giám mục bên ngoài điện Tông Tòa, trong những ngày dẫn đến Mật Nghị Hồng Y. Nhưng NSA khẳng định rằng Vatican không phải là một mục tiêu, và các quan chức Vatican tỏ ra không lo ngại về một báo cáo của các vụ nghe trộm.

12. Vụ tàn sát nghiêm trọng các Kitô hữu tại Syria

Đức Tổng Giám Mục Chính Thống Syria Selwanos Boutros Alnemeh nói với thông tấn xã Fides rằng lực lượng phiến quân Hồi Giáo đã tàn sát 45 Kitô hữu trong thị trấn Sadad, về phía tây Syria.

Phiến quân Hồi giáo đã chiếm được thành phố Sadad vào ngày 21 tháng 10, một tuần sau đó , lực lượng chính phủ đã chiếm lại được thành phố này. Trước khi rút lui, phiến quân Hồi giáo đã thực hiện một vụ thảm sát dã man các tín hữu Kitô trong vùng.

"Đây là vụ thảm sát nghiêm trọng nhất và lớn nhất nhắm vào các Kitô hữu ở Syria trong hai năm qua," Đức Cha Boutros cho biết

“45 dân thường vô tội đã chịu tử đạo chẳng có lý do nào khác ngoài niềm tin của họ, và trong số đó có nhiều phụ nữ và trẻ em, nhiều người bị ném vào ngôi mộ tập thể. Nhiều thường dân khác bị đe dọa và khủng bố. 30 người bị thương và 10 người vẫn còn mất tích . "

“Các nhà thờ bị hư hại và xúc phạm, nhiều sách cổ và đồ nội thất quý giá bị lấy đi. Trường học, các tòa nhà chính phủ, nhiều tòa nhà khác trong thành phố đã bị phá hủy, cùng với các bưu điện, bệnh viện và phòng khám.”

13. Khủng hoảng ơn gọi cho Giáo Hội Công Giáo Đông Phương vì cuộc nổi dậy Ả rập

Trong báo cáo mới đây nhất của tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, cuộc nổi dậy Ả rập, hay còn gọi là Mùa xuân Ả Rập đã có một tên mới là "Mùa Đông Kitô giáo" một khoảng thời gian đầy những đàn áp khốc liệt đối với các Kitô hữu Trung Đông.

Theo báo cáo của tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, Hồi giáo cực đoan đã chụp thời cơ và gạt bỏ những người Hồi Giáo ôn hòa khỏi các tổ chức Hồi Giáo, và kết quả là phá vỡ sự cùng tồn tại hòa bình trong suốt 1,400 năm giữa người Hồi giáo và Thiên Chúa giáo.

Đức Hồng Y Louis Raphael Sako, Đệ Nhất, là Thượng Phụ Thành Babylon của Công Giáo Nghi Lễ Chan-đê nói:

"Đây thực sự là một trở ngại cho ơn gọi linh mục và cả cho các dòng tu"

Đối với Giáo Hội Công Giáo Đông Phương tình trạng bất ổn đã làm tăng các trở ngại. Là thiểu số trong khu vực rộng lớn này, họ trở thành nạn nhân dễ nhất của bạo lực ở Iraq , Syria và Ai Cập. Điều này đã tạo ra những thách thức mới trong việc đáp ứng các nhu cầu mục vụ cho các tín hữu.

Đức Hồng Y Louis Raphael Sako nói tiếp:

"Bây giờ chúng tôi đang chịu một cuộc khủng hoảng ơn gọi, vì các gia đình đang bỏ nước ra đi. Và những người đang ở trong nước thì cũng chạy loạn tứ tán trên đất nước trong bầu khí co cụm và sợ hãi. Tại Baghdad, Mosul, Basra không dễ gì để đi từ chỗ này sang chỗ khác."

Tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ ghi nhận cuộc tấn công của Hoa Kỳ vào Iraq đã không đem lại tự do và hòa bình cho người dân nước này. Tình trạng hiện nay thê thảm gấp nhiều lần dưới thời Saddam Hussein, đặc biệt Kitô Giáo đang dần dần bị biến mất trong khu vực.

14. Đức Thánh Cha nói: Kitô giáo là một lời mời tham dự một bữa tiệc

Trong Thánh Lễ Sáng ngày 05 tháng 11 tại Casa Santa Marta, đề cập đến bài Tin Mừng trong ngày, Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích rằng là Kitô Giáo giống như một lời mời tham dự một bữa tiệc. Đây là một lời mời mở rộng đến tất cả mọi người, không chỉ là "người tốt" mà thôi. Nhưng ngài nói thêm rằng tất cả mọi người phải dự phần tích cực tại bữa tiệc này.

Đức Thánh Cha nói:

"Cuộc sống của người tín hữu Kitô là vô nghĩa nếu không có sự tham dự này. Tôi đi dự tiệc, nhưng tôi không bước xa hơn nơi tiếp tân, bởi vì tôi muốn được đứng chung chỉ với ba hoặc bốn người mà tôi quen biết. Anh chị em không thể làm điều này trong Giáo Hội! Hoặc là anh chị em vào hẳn bên trong phòng tiệc để tham gia trọn vẹn hoặc anh chị em vẫn còn là kẻ ngoại cuộc. Anh chị em không có chọn lựa khác. Giáo Hội là cho tất cả mọi người, bắt đầu với những người tôi đã đề cập, là những người bên lề nhất. Giáo Hội là của tất cả mọi người!"

Đức Thánh Cha nói tiếp rằng lời mời đến dự tiệc này được trao ra nhưng không, nhưng ngài cảnh báo chống lại thái độ của các Kitô hữu trên danh nghĩa, tức là những người cảm thấy hạnh phúc chỉ vì "có tên trên danh sách" nhưng không tham gia .

15. Tòa Thánh phát hành bản câu hỏi thăm dò để chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng về gia đình

Thượng Hội Đồng Giám Mục đầu tiên dưới triều Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thảo luận về chủ đề gia đình, và được chia thành hai giai đoạn. Vào tháng 10 năm 2014, Các chủ tịch hội đồng giám mục của các nước sẽ gặp nhau để thảo luận về vấn đề này. Một năm sau đó vào năm 2015, các giám mục và các chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới sẽ đến Rome để thảo ra các chi tiết mục vụ .

Để tập trung vào các chủ đề thảo luận, Tòa Thánh đã gửi đến tất cả các hội đồng giám mục một bản câu hỏi thăm dò với 39 câu liên quan đến kiến thức về tín lý của Giáo Hội Công Giáo, tỷ lệ các cặp vợ chồng chưa lập gia đình nhưng sống chung với nhau, nhu cầu tâm linh của các cặp vợ chồng ly dị và người đồng tính, và làm thế nào để thúc đẩy tốt nhất một nền văn hóa phò sinh. Ngoài ra, có một câu hỏi liên quan đến "những thách thức và đề xuất khác"

Đức Tổng Giám Mục Lorenzo Baldisseri, Tổng thư ký của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế giới nói:

"Đây không phải là những gì đặt trọng tâm nơi các giám mục về những gì cá nhân họ suy nghĩ. Thay vào đó, nó là một tập hợp các thông tin. Thực tế, cuộc thăm dò này cũng không phải là một cuộc thăm dò cá nhân của mỗi người Công Giáo. Thay vào đó, linh mục giáo xứ sẽ đúc kết của địa phương mình dựa trên thực tế của giáo xứ và ý kiến của anh chị em giáo dân."

Các hội đồng giám mục có thể quyết định làm thế nào để thu thập các câu trả lời. Một số, như các nhóm từ Anh và xứ Wales, có khuynh hướng thăm dò trực tuyến trên Internet. Nhưng trong mọi trường hợp, tất cả các câu trả lời phải đưa về Roma trước ngày.

16. Một giám mục bị giết bởi chế độ cộng sản sắp được phong thánh tử đạo

Hôm thứ Năm 31 tháng 10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chuẩn y án phong thánh tử đạo cho một giám mục Áo. Đức Cha Anton Durcovici qua đời vào năm 1951 trong một nhà tù ở Rumani. Ngài đã bị tra tấn và cuối cùng chết vì bị ngược đãi bởi chế độ cộng sản Rumani.

Đức Giáo Hoàng cũng chuẩn y việc công nhận các nhân đức anh hùng của Onoria "Nano" Nagle. Chị là một nữ tu Ailen đã sáng lập Dòng Nữ Hiển Dung. Chị đã đã dành cuộc sống của mình để thúc đẩy giáo dục, đặc biệt là cho người nghèo và thiếu thốn.

Nữ tu Olga Gugelmo, người Ý được biết đến nhờ sự thanh bần cũng như sự tận tâm phục vụ Giáo Hội. Chị qua đời vào năm 1943 vì bị viêm màng não.

Đức Giáo Hoàng cũng thừa nhận các nhân đức anh hùng của nữ tu Celestina Bottego, người Mỹ. Chị dạy học ở Ý, và sáng lập Tu Hội Truyền Giáo của Đức Maria, là một dòng tu chuyên giúp đỡ người nghèo và những người quẫn bách trên toàn thế giới.