Đằng sau cây xương rồng đầy gai và con sâu dị hợm
CN 23

Chọn lựa Đức Kitô và tiến bước trên con đường của Ngài, mãi mãi vẫn là một thách đố cho tất cả nhân loại nói chung và cho chúng ta, những người kitô hữu nói riêng. Đơn giản, chỉ vì Ngài đòi hỏi quá gắt gao : “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14, 26-27). Nhưng trước hết, chúng ta phải hiểu ý Chúa Giêsu muốn dạy điều gì khi Ngài phát ngôn như thế ?

1/. Từ bỏ : Để nhận được nhiều hơn trong một tình yêu mới mẻ:

Đức Kitô khi “cường điệu ý tưởng từ bỏ” đã dùng những từ như “ghét cha mẹ, ghét vợ con, anh chị em…” không ngoài mục đích dẫn chúng ta tới một lựa chọn nghiêm túc : chọn Thiên Chúa như ưu tiên số một cho cuộc đời và qui hướng mọi sự về cho Ngài. Chính vì thế, khái niệm “Từ Bỏ” ở đây cũng chẳng khác gì các nhân đức “khó nghèo, khiêm hạ, hiền lành”, tức là “đặt niệm tin cậy nơi Chúa”, là phó thác cuộc đời cho Chúa. Từ bỏ là một sự chọn lựa khác để nhận lại nhiều hơn, trọn hảo hơn. Từ bỏ là một cách diễn tả khác của Tin Mừng Tám Mối Phúc thật.

Tuy nhiên, trong nhịp sống đời thường, để “từ bỏ” những cái mình đã chiếm hữu-những cái thuộc về mình, một cách dứt khoát và thanh thản không phải là một chuyện dễ dàng.

- Abraham đâu dễ dàng đem con một Isaac lên núi sát tế !

- Đức Kitô đâu dễ dàng dấn thân vào cuộc khổ nạn để tan nát tấm thân !

- Thầy giảng Anrê Phú Yên đâu dễ dàng hy sinh mạng sống vì tình yêu dành cho Chúa Giêsu khi tuổi xuân còn đầy mộng ước !

- Cha Maximilien Kobe đâu dễ dàng chọn lựa chết thay cho một bạn tù !

Thế nhưng tất cả những người ấy đã chọn lựa “sự khôn ngoan cuối cùng” đó là thánh ý Thiên Chúa. “Xin đừng theo ý con một xin vâng ý Cha”.

Sau đây là một câu chuyện minh họa cho ý nghĩa “từ bỏ” .

Đoạn phim kể về người bố làm nhân viên điều khiển cầu mỗi khi có tàu hỏa qua lại, và người con trai yêu dấu duy nhất, vốn rất thích thú với các chuyến tàu và các hành khách trên đó.

Một lần, không may bộ phận điều khiển tự động gặp trục trặc đúng lúc có một đoàn tàu sắp đến. Người trên tàu không ai hay biết gì, ông bố cũng không để ý. Chỉ có cậu bé đang chơi gần đó, hiểu ra vấn đề và đã cố gắng dùng cần gạt tay để hạ cầu xuống. Đến khi người cha nhận ra thì đã quá muộn. Con ông bị mặc kẹt bên dưới gầm cầu. Trong chưa đầy một phút nữa thôi, ông sẽ phải quyết định, hoặc để cả đoàn tàu bị chết, hoặc hạ cần điều khiển tay xuống, và con trai ông sẽ bị nghiền nát.

Người đàn ông đã hạ cần gạt.

Kết thúc phim tưởng chừng là bi kịch, nhưng ông ta lại nhìn thấy được những gương mặt ngời sáng, những đứa trẻ xinh xắn đã được ông ta cứu sống, những số phận đã được thắp lên niềm tin khi biết mình vừa thoát khỏi tử thần. Và rồi người đàn ông đó lại có thể nở một nụ cười trên môi.

Và thế giới nầy, nhân loại nầy sở dĩ có được bao nhiêu điều tốt đẹp đang xảy ra, đang hiện hữu là bởi đã có bao nhiêu người đã chấp nhận anh hùng “từ bỏ” những gì thân thương ruột thịt để đem lại những giá trị cao cả, vĩ đại…

Lời Chúa hôm nay muốn mời gọi chúng ta chọn lựa sống “anh hùng và tự do”, không để mình bị nô lệ cho bất cứ thứ gì làm cản trở chúng ta tiến bước trên con đuờng thánh thiện, yêu thương và được cứu rỗi. Đó cũng chính là lời mời gọi yêu thương theo cách của Thiên Chúa và thực thi Lời Ngài để nhận được lại tất cả trong một trật tự tình yêu mới mẻ : “Ai là anh em, chị, mẹ ta ? Đó là những kẻ nghe và thực hành Lời Chúa” (Lc 8,21).

2). Thập giá : xương rồng sẽ trổ hoa và con sâu dị hợm sẽ thành cánh bướm :

Trong cuộc sống mà chiều kích "tục hoá" gần như đang thắng thế trong xã hội con người hôm nay, thì quả thật, việc nêu cao ý nghĩa và giá trị của "thập giá", "đau khổ", "hy sinh" có thể bị coi là lỗi thời, là không nhân bản. Điều nầy cũng dễ hiểu thôi; vì quả thật, nếu đọc lại Tin Mừng, chúng ta cũng nhận thấy rằng : khi Đức Ki-tô loan báo sứ điệp "thập giá" thì các tông đồ cũng không thể chấp nhận :

Từ lúc đó, Đức Giê-su Ki-tô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết : Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và này thứ ba sẽ sống lại. Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người : "Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy !" Nhưng đức Giê-su quay lại bảo ông Phê-rô : "Xa-tan, lui lại đằng sau Thầy ! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người" (Mt 16, 21-23)

Và chúng ta biết rằng : Đức Kitô đã can đảm lựa chọn thập giá, với những lý do, như cách cảm nhận của chị Chị Chiara Lubich :

Để chúng con được ánh sáng, Chúa đã trở nên mù loà.

Để chúng con được hiệp nhất, Chúa đã chịu xa cách Chúa Cha.

Để chúng con được khôn ngoan, Chúa đã trở nên "dốt nát".

Để chúng con được trở nên vô tội, Chúa đã trở thành người "tội lỗi".

Để chúng con hy vọng, Chúa đã hầu như tuyệt vọng.

Để Thiên Chúa ở trong chúng con, Chúa đã cảm nghiệm tình trạng bị xa cách Thiên Chúa.

Để chúng con chiếm hữu thiên đàng, Chúa đã cảm nghiệm hoả ngục.

Để cho chúng con được vui sống trên mặt đất nầy giữa hàng trăm anh chị em, Chúa đã chịu cảnh bị gạt bỏ khỏi trời đất, khỏi loài người và thiên nhiên.

Chúa là Thiên Chúa, là Thiên Chúa của con, là Thiên Chúa của tình yêu thương vô bờ bến của chúng con (CNHV trg. 148-149)

Và đó là con đường khôn ngoan của Thiên Chúa, một sự khôn ngoan mà với đôi mắt trần xác thịt, với “ý tưởng của loài người”, chúng ta chỉ thấy “cây xương rồng đầy gai và con sâu dị hợm” mà không biết rằng từ cây xương rồng đầy gai nhọn đó sẽ trỗ sinh những bông hoa tuyệt vời, và từ con sâu dị hợm kia sẽ biến thành cánh bướm rạng rỡ lung linh.

Như vậy, sứ điệp “Từ Bỏ” và “Vác Thập Giá” mà Lời Chúa hôm nay gợi lên không phải là điều gì quá huyển tưởng và xa lạ hay phi nhân bản ; mà chính là đòi hỏi thiết thân của niềm tin để chúng ta có thể sống cao cả hơn, giá trị hơn, ý nghĩa hơn. Điều còn lại là chúng ta cùng cầu nguyện cho nhau thấm nhuần Lời Chúa và can đảm dấn thân thực hiện.