Ký giả Andrea Tornielli, người tháp tùng Đức Phanxicô trên chuyến bay từ Rio trở về Rôma, cho hay trong chuyến bay này, Đức Giáo Hoàng đã trả lời khoảng 12 câu hỏi, một số câu liên quan tới bản thân ngài, một số câu liên quan tới các vấn đề nhậy cảm và nóng bỏng về Vatican.

Các ký giả thi nhau “bắn” những câu hỏi tự phát vào Đức Thánh Cha trong 1 giờ 20 phút. Ngài bằng lòng tổ chức cuộc họp báo ngay sau khi máy bay vừa cất cánh, dù rất mệt sau một tuần Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới đầy biến cố tại Ba Tây. Đức Phanxicô làm ngạc nhiên các ký giả vì việc ngài sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi do họ đặt ra với ngài, dù là những câu đụng tới các vấn đề thực sự gai góc như cuộc cải tổ Ngân Hàng Vatican, vụ Ricca, vụ vận động đồng tính, Vatileaks và ngay cả nội dung chiếc cặp da mà ngài mang lên máy bay đưa ngài tới Ba Tây vào tuần trước.

Bài này tóm tắt một số điều được đề cập trên chuyến bay trở lại Rôma, một cuộc đàm đạo cho thấy Đức Phanxicô thoải mái ra sao đối với các nhà báo. Rõ ràng là ngay từ đầu, ngài đã quyết định tổ chức cuộc họp báo trên chuyến trở về chứ không phải trên chuyến ra đi, để các nhận định của ngài không làm lu mờ các biến cố của Ngày Giới Trẻ Thế Giới. Đây cũng là một điều nữa xác nhận khả năng truyền thông của Đức Phanxicô và cho thấy ngài không cần bất cứ bác sĩ “thẩm mỹ” nào để tăng tiến hình ảnh của ngài cả.

Ngân hàng Vatican cần cải tổ

“Các Hồng Y đã khởi sự công việc cần phải làm ngay trong các cuộc họp toàn thể trước Mật Nghị Viện bầu giáo hoàng rồi. Triết lý hành động hiện đang được thực hiện bởi một ủy ban gồm 8 Hồng Y; điều quan trọng là các ngài là những người từ bên ngoài. Công việc của ủy ban là khai triển mối liên hệ giữa tính hợp đoàn và tính tối thượng. Các đề nghị cải tổ thì nhiều lắm và các đề nghị này liên quan tới Phủ Quốc Vụ Khanh và dĩ nhiên Viện Các Công Trình Tôn Giáo (IOR). Tôi dự tính sẽ giải quyết vấn đề này vào năm tới nhưng kế hoạch này nay đã bị thay đổi vì các vấn nạn mà qúy bạn đã biết rồi. Chúng ta cải tổ và sửa cho đúng điều cần phải đúng ra sao? Tôi đã cho lập một ủy ban “cố vấn”. Tôi không biết điều gì sẽ xẩy ra cho IOR: người thì cho rằng tốt hơn nên có một ngân hàng, người lại bảo nên đóng cửa nó.Tôi thì tôi tin tưởng ở công trình đang được thực hiện bởi những người được tuyển dụng làm việc tại IOR và ủy ban. Tôi không biết thành quả sẽ ra sao: ta cần phải thử để thấy điều gì xuôi chẩy. Nhưng bất cứ điều gì xẩy ra với IOR, điều cần thiết chắc chắn phải là trong sáng và trung thực”.

Nội dung chiếc cặp da nhỏ

“Tôi mang theo chiếc cặp lên chuyến bay với tôi vì tôi luôn làm thế. Cái gì trong đó ư? Chiếc dao cạo râu của tôi, sách nguyện của tôi, cuốn nhật ký của tôi và một cuốn sách để đọc. Cuốn sách này viết về Thánh Nữ Têrêxa đệ Lisieux, vị mà tôi rất sùng kính. Mang cặp là chuyện bình thường, ta cần phải bình thường, ta cần làm quen với chuyện sống bình thường, bởi thế, tôi rất ngỡ ngàng khi người ta chú ý tới chiếc cặp. Dù sao, cũng không có chìa khóa bom nguyên tử trong đó...”

Tại sao Đức Phanxicô luôn xin người ta cầu nguyện cho ngài

“Tôi luôn xin người ta ‘cầu nguyện cho tôi’. Khi còn là một linh mục, tôi không xin điều này thường lắm. Tôi bắt đầu xin điều ấy thường hơn khi tôi trở thành giám mục. Tôi cảm thấy mình có nhiều yếu điểm và vấn đề, còn là một người tội lỗi nữa. Lời xin này là điều xuất phát từ nội tâm. Tôi cũng xin Đức Mẹ cầu nguyện cho tôi nữa. Đây là một thói quen phát xuất từ trái tim. Đây là điều tôi cảm thấy cần phải xin”.

Các thay đổi và chống đối trong Giáo Triều

“Các Hồng Y từng yêu cầu phải có thay đổi ngay cả trước Cơ Mật Viện và đó cũng là nguyện vọng của chính tôi. Thí dụ, tôi không thể sống một mình trong Tông Điện được. Tông Điện dành cho giáo hoàng lớn nhưng đâu có hoang phí gì. Tuy nhiên, tôi không thể sống một mình với chỉ một nhóm người nhỏ. Tôi muốn sống với và gặp gỡ nhiều người. Chính vì thế tôi bảo tôi không thể (sống trong Tông Điện) vì lý do “phân tâm học”: tôi không thích hợp với nó vì “tâm thần” và ai cũng cần phải trung thực với chính mình. Căn hộ của các Hồng Y khiêm tốn hơn, ít là những căn tôi thấy. Tất cả chúng ta phải sống như Chúa yêu cầu ta sống. Nhưng mọi người phục vụ Giáo Hội nên sống một đời sống khiêm tốn nói chung. Trong Giáo Triều, có nhiều vị thánh, nhiều giám mục, linh mục, giáo dân chịu là những người làm việc. Nhiều người trong số này âm thầm kín đáo đi thăm người nghèo hay thi hành thừa tác vụ tại nhà thờ này hay nhà thờ nọ trong các giờ rảnh. Nhưng cũng có những người không được thánh thiện như thế và những trường hợp này đang gây ồn ào vì một cây đổ gây ồn ào hơn cả cánh rừng đang mọc. Tôi cảm thấy bị thương tổn khi những điều như thế xẩy ra.Ta có một đức ông (Nunzio Scarano, kế toán gia cao cấp tại Cơ Quan Quản Trị Gia Tài Của Tòa Thánh, tắt là APSA) đang ngồi tù. Ngài không vào tù vì giống Chân Phúc Imelda (một kiểu nói của Á Căn Đình có nghĩa là không phải thánh nhân). Tôi nghĩ Giáo Triều hơi đi xuống một chút. Trước đây vốn có một số thành viên kỳ cựu của Giáo Triều trung thành và chịu làm việc. Đó là điều Giáo Triều cần có. Nếu có chống đối nào thì chắc chắn tôi chưa được thấy. Chắc chắn tôi chưa thực hiện được nhiều nhưng tôi đã tìm được trợ lực; tôi đã thấy một số người trung thành. Tôi muốn người ta cho tôi hay họ bất đồng điều gì. Những người này là những người thực sự trung thành. Rồi có những người nói họ đồng ý nhưng sau lưng qúy bạn lại nói ngược lại. Tôi chưa gặp ai như vậy cả”.

Tại sao Đức Phanxicô không nói bất cứ điều gì về phá thai và hôn nhân đồng tính lúc ở Ba Tây?

“Giáo Hội đã nói về các vấn đề này và chủ trương của Giáo Hội đã rõ ràng. Tôi cần dóng lên chủ trương tích cực trong chuyến viếng thăm Ba Tây của tôi”

Tại sao tự gọi là Giám Mục Rôma mà lại không có nghĩa là “đứng đầu những người ngang hàng” (primus inter pares)?

“Qúy bạn không cần đoán mò. Giáo hoàng là một giám mục; ngài là Giám Mục Rôma, vốn là trung tâm mọi sự. Đây là tước hiệu tối cao từ đó mà có các tước hiệu khác. Nhưng dùng tước hiệu này để chỉ rằng Người Kế Vị Phêrô là ‘người đứng đầu những người ngang hàng’ có nghĩa phải đi xa hơn thế. Nhấn mạnh trên tước hiệu số một, tức Giám Mục Rôma, là để phát huy đại kết”.

Công việc của một giám mục và công việc của giáo hoàng

“Làm giám mục là việc lớn. Nhưng khi người ta cố gắng trở nên một giám mục, thì đó là vấn đề và không hẳn tốt đẹp gì. Luôn có nguy cơ này: giám mục dám coi mình cao hơn những người khác; ngài dám cảm thấy mình như một ông hoàng. Nhưng việc giám mục làm thì hết sức kỳ diệu: ngài có nhiệm vụ dẫn dắt tín hữu, ở giữa họ và ở đàng sau họ. Trước đây, tôi sung sướng được làm giám mục Buenos Aires. Tôi sung sướng lắm. Nay tôi cũng sung sướng được làm giáo hoàng. Khi Chúa đặt qúy bạn ở đâu và bạn đồng ý làm điều gì đó do Người yêu cầu, qúy bạn sẽ sung sướng”.

Về những chuyến đi tương lai

“Chưa có gì được quyết định chắc chắn cả. Tôi hy vọng đi thăm các thân nhân Ý của tôi tại Piemonte. Tôi muốn đi bằng máy bay, chỉ một ngày thôi. Thượng Phụ Bartholomew đã mời tôi tới Giêrusalem để kỷ niệm năm thứ 50 ngày Đức Phaolô VI gặp Thượng Phụ Athenagoras ở đó. Tôi đã nhận được lời mời của chính phủ Do Thái và của Nhà Cầm Quyền Palestine. Tôi sẽ không đi Châu Mỹ La Tinh vào lúc này: dù sao tôi cũng vừa ở đó xong. Hiện nay, Á Căn Đình phải chờ thôi. Tôi cần thăm Á Châu, điều mà Đức Bênêđíctô XVI chưa có cơ may thực hiện. Vào ngày 30 tháng Mười Một, tôi rất hy vọng được đi Constantinople dự lễ Thánh André nhưng lịch trình của tôi không cho phép. Tôi cũng đã nhận được lời mời đi Fatima”.

Câu nhận định của Đức Giáo Hoàng “tôi cảm thấy như đang ở trong lồng”

“Qúy bạn biết có biết bao lần tôi muốn được tản bộ qua các phố phường Rôma đến là chừng nào! Tôi rất yêu nó. Tôi là một 'linh mục của đường phố'. Nhưng cảnh sát Vatican thực sự tốt với tôi; họ dành cho tôi nhiều tự do hơn”.

Vấn đề an ninh ở Ba Tây

“Dù ai cũng nói tới việc thiếu an ninh ở Rio, nhưng nào có tai nạn nào trong tuần lễ Ngày Giới Trẻ Thế Giới đâu. Mọi sự đều tự phát. Ít an ninh có nghĩa là tôi được ở gần dân chúng hơn. Tôi muốn tin tưởng nơi dân chúng. Dĩ nhiên, vẫn có nguy cơ có một người điên nào đó ở giữa họ nhưng Chúa cũng ở đó luôn. Tôi không muốn xe chống đạn vì qúy bạn đâu có đặt khiên mộc giữa giám mục và dân chúng. Tôi thích tính điên loạn của việc gần gũi này. Nó tốt cho mọi người”.

Về Phong Trào Canh Tân Đặc Sủng

“Vào cuối thập niên 1970, đầu thập niên 1980, tôi không thể gặp họ. Có lần tôi còn nói rằng họ làm lộn xộn việc cử hành phụng vụ với những bài học về nhạc Samba! Rồi tôi biết họ hơn và bị họ chinh phục. Tôi thấy việc họ làm và cử hành Thánh Lễ hàng năm cho họ tại Buenos Aires. Tôi nghĩ các phong trào đều cần thiết; họ là ơn phúc của Chúa Thánh Thần. Giáo Hội tự do; Chúa Thánh Thần làm bất cứ điều gì Người muốn”.

Về những sắp xếp đặc biệt thường dành cho các chuyến bay của Đức Giáo Hoàng

“Trên chuyến máy bay này, không có sắp xếp nào đặc biệt cho tôi cả; không có giường. Tôi đã gửi thư hoặc gọi điện thoại để bảo họ tôi không yêu cầu bất cứ điều gì”.

Vai trò nữ giới trong Giáo Hội

“Giáo Hội không có nữ giới giống như Đoàn Tông Đồ mà không có Đức Maria. Vai trò của nữ giới phản ảnh vai trò của Trinh Nữ Maria. Và Trinh Nữ Maria vốn là một tông đồ quan trọng nhất trong số mọi tông đồ. Giáo Hội là nữ giới vì Giáo Hội vốn là một người vợ và là một người mẹ. Giáo Hội không thể hiểu được nếu không có nữ giới phục vụ. Đây là một thí dụ không hẳn ăn nhằm chi với Giáo Hội: tôi thấy các phụ nữ Paraguay là những con người đáng tôn vinh. Sau chiến tranh (giữa Paraguay và Ba Tây trong các năm 1864 và 1870), mỗi tám phụ nữ mới có một người đàn ông. Nhưng các bà đều muốn có con, cứu quê hương, văn hóa và đức tin của họ. Đây là cách ta phải quan niệm phụ nữ trong Giáo Hội. Ta vẫn chưa có một nền thần học về phụ nữ. Ta cần tạo ra nó. Giáo Hội từng thảo luận việc phong chức giám mục cho nữ giới nhưng rồi đã quyết định chống lại. Đức Gioan Phaolô II đã đưa ra câu trả lời dứt khoát cho vấn đề này để chấm dứt nó. Nhưng ta nên nhớ rằng Đức Maria còn quan trọng hơn các giám mục tông đồ, nên phụ nữ trong Giáo Hội quan trọng hơn các giám mục và linh mục”.

Mối liên hệ của Đức Phanxicô với “ông nội” Bênêđíctô XVI

“Lần cuối cùng có hai hay ba giáo hoàng tại Vatican, các ngài đâu có nói chuyện với nhau, họ chỉ đấu tranh xem ai là giáo hoàng thực sự. Tôi thì tôi rất quan tâm tới Đức Bênêđíctô XVI, ngài là người của Thiên Chúa, một người khiêm nhường, một người cầu nguyện. Tôi vốn sung sướng khi ngài được bầu làm giáo hoàng và rồi quyết định từ nhiệm... Tôi nghĩ ngài quả là một điều gì đó. Nay khi ngài sống tại Vatican, có người hỏi tôi: há ngài không đang cản đường Đức Thánh Cha đó sao? Ngài không là một cản trở đó sao? Không, với tôi, như là có được một người ông khôn ngoan sống với mình. Trong gia đình, người ông luôn được kính trọng và lắng nghe. Đức Bênêđíctô XVI không hề pha mình (vào việc gì). Với tôi, giống như có người ông quanh mình; ngài là khuôn mạo người cha đối với tôi. Có vấn đề gì tôi đều có thể đi nói chuyện với ngài, như đã từng thực hiện với vụ Vatileaks đầy nghiêm trọng... Khi gặp các Hồng Y vào ngày 28 tháng Hai để nói lời từ biệt, ngài nói rằng ‘giáo hoàng mới đang ở giữa qúy huynh, với ngài tôi xin đoan hứa vâng lời vô điều kiện’. Ngài quả là người phi thường!”

Về việc cho các cặp ly dị tái hôn được chịu các bí tích

“Đây là một vấn đề đang diễn tiến. Tôi nghĩ đến lúc phải tỏ lòng nhân từ. Thời thế đã thay đổi và Giáo Hội đang phải đương đầu với nhiều vấn đề, một phần vì những chứng cớ tiêu cực của một số linh mục. Chủ nghĩa giáo sĩ trị đã gây ra nhiều thương tích và những thương tích này cần được chữa lành bằng lòng nhân từ. Giáo Hội là một người mẹ và trong Giáo Hội, ta cần nhân từ đối với mọi người. Ta không nên chỉ ngồi chờ người bị thương đến với ta, ta cần ra ngoài tìm kiếm họ. Tôi nghĩ lúc tỏ lòng nhân từ đã đến như Đức Gioan Phaolô II từng tiên đoán khi dẫn nhập Lễ Lòng Thương Xót Chúa. Người ly dị có thể rước lễ, chỉ những ai ly dị rồi tái hôn mới không thể rước lễ. Ở đây, tôi phải nói thêm rằng Chính Thống Giáo theo thần học nhiệm cục và cho phép tái hôn. Khi ủy ban 8 Hồng Y họp vào đầu tháng Mười, chúng tôi sẽ thảo luận phải tiến hành ra sao. Giáo Hội đang xem sét cẩn thận các sáng kiến mục vụ về hôn nhân. Vị tiền nhiệm ở Buenos Aires của tôi, Đức Hồng Y Quarracino, quen nói: ‘tôi coi phân nửa các cuộc hôn nhân ngày nay là vô hiệu vì người ta lấy nhau mà chẳng hiểu điều này có nghĩa vĩnh viễn. Họ cưới nhau chỉ vì thuận tiện xã hội...’ Vấn đề vô hiệu cũng cần được xem sét”.

Tôi vẫn cảm thấy mình là một tu sĩ Dòng Tên

“Các tu sĩ Dòng Tên phải vâng lời giáo hoàng nhưng nếu giáo hoàng là một tu sĩ Dòng Tên, thì ngài vâng lời ai? Cha bề trên cả chăng? Tôi cảm thấy tôi là một tu sĩ Dòng Tên theo nghĩa thiêng liêng; tôi nghĩ về tôi như một tu sĩ Dòng Tên và suy nghĩ như một tu sĩ Dòng Tên, nhưng không giả hình”.

Những điều tốt xấu trong mấy tháng qua

“Một điều tốt là được gặp gỡ các giám mục Ý. Cuộc du hành tới Lampudesa của tôi là một kinh nghiệm đau lòng nhưng có ích cho tôi. Nó làm tôi đau lòng khi nghĩ tới những người chết trước khi tới bờ và những người trở thành nạn nhân của hệ thống kinh tế xã hội hoàn cầu. Nhưng điều tệ nhất xẩy ra cho tôi là cái chứng đau thần kinh tọa tôi bị ngay tháng đầu triều giáo hoàng của tôi vì cái ghế tôi ngồi để tiếp người ta. Nó làm tôi rất đau đớn; tôi không muốn ngồi lên nó nữa! Tôi rất ngạc niên sao nhiều người ở Vatican đến thế”.

Vụ tai tiếng Vatileaks

“Khi đi thăm Đức Bênêđíctô XVI tại Castel Gandolfo, tôi thấy một chiếc hộp và một chiếc phong bì trên một chiếc bàn. Đức Bênêđíctô XVI bảo tôi chiếc hộp đựng mọi chứng từ được thu thập từ uỷ ban 3 Hồng Y có nhiệm vụ xem sét vụ tai tiếng Vatileaks, còn chiếc phong bì thì đựng các kết luận của các ngài. Đức Bênêđíctô XVI đã thuộc lòng tất cả. Đây là vấn đề lớn nhưng không làm tôi hoảng sợ”.

Các Giáo Hội Chính Thống

“Các Giáo Hội Chính Thống đã duy trì được một nền phụng vụ hết sức đẹp đẽ. Chúng ta có hơi lơ là ý nghĩa của việc thờ phượng. Họ thờ phượng Thiên Chúa và họ ca hát việc này; thì giờ không đáng kể đối với họ. Một ngày kia nhân nói đến Tây Âu, họ bảo “ex Oriente lux”, “ex Oriente luxus”, nghĩa là ánh sáng phát xuất từ Phương Đông, xa hoa (thứ gây nhiều tai hại) phát xuất từ Phương Tây. Giáo Hội Chính Thống duy trì được cái đẹp của việc Thiên Chúa ở tâm điểm mọi sự. Khi qúy bạn đọc Dostoevsky, các bạn thực sự cảm nhận được tinh thần Nga và tinh thần Phương Đông. Ta rất cần được hít thở không khí tươi mát này, ánh sáng từ Phương Đông này”.

Đức Gioan XXIII và Đức Gioan Phaolô II được chấp thuận phong thánh

“Đức Gioan XXIII giống một linh mục miền quê yêu thương từng mỗi con chiên của ngài và ngài tiếp tục làm thế khi làm giám mục và làm sứ thần. Tôi nghĩ tới tất cả những giấy rửa tội giả ngài từng tạo ra để cứu người Do Thái lúc ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ngài có khiếu ưa khôi hài. Khi làm sứ thần, có những người ở Vatican không ưa ngài và bắt ngài phải chờ đợi lâu lắc mỗi lần phải tới Rôma. Ngài chưa bao giờ thở than một lần; ngài chỉ lần chuỗi mân côi và đọc sách nguyện. Ngài quả là người hiền hậu. Hai mươi lăm ngày trước khi Đức Gioan XXIII qua đời, Đức Cha Agostino Casaroli tới trình ngài về một sứ mệnh tại một trong các nước Đông Âu, Tiệp Khắc hay Hung Gia Lợi gì đó, tôi không nhớ rõ. Trước khi Đức Cha quay gót, Đức Gioan XXIII hỏi: “Đức Cha có còn đi thăm người trẻ ở trong tù không?”. Đức Cha Casaroli đáp ngài đã đi. “Đừng bao giờ bỏ rơi họ!”. Ngài nói như thế với một nhà ngoại giao tới nói với ngài về sứ mệnh của mình. Đức Gioan XXIII là và vốn là một vĩ nhân. Ngài triệu tập Công Đồng Vatican II. Đức Piô XII trước đó cũng có ý định này rồi nhưng thời gian chín mùi chưa tới. Đức Gioan không nghĩ tới chuyện thời gian có chín mùi hay không, ngài chỉ theo Chúa Thánh Thần . Đức Gioan Phaolô II là một trong những nhà truyền giáo vĩ đại nhất của Giáo Hội, ngài ra đi và cảm nhận ngọn lửa cháy bùng này; ngài giống Thánh Phaolô. Đó là lý do tại sao tôi coi ngài là vĩ nhân. Phong thánh cho các ngài cùng một lúc là cách gửi tới Giáo Hội sứ điệp này: các ngài là những vĩ nhân, quả các ngài là những vĩ nhân... Ngày nguyên thủy để phong thánh cho các ngài là ngày 8 tháng 12 nhưng những nghèo không đủ khả năng mua vé máy bay phải từ Ba Lan tới bằng xe buýt mà đường xá vào tháng 12 thì lạnh giá. Nên ta cần nghĩ tới một ngày khác. Ta có thể tổ chức vào ngày Lễ Chúa Kitô Vua năm nay nhưng lại hơi khó khăn ở chỗ quá sớm vì cơ mật viện cho việc phong thánh chỉ diễn ra vào ngày 30 tháng 9. Một ngày khác có thể tổ chức được là Lễ Lòng Thương Xót Chúa vào năm tới”.

Các tố cáo chống vị giáo phẩm của Viện Các Công Trình Tôn Giáo

“Về trường hợp Đức Ông Ricca (vị giáo phẩm ngay khi được bổ nhiệm đã bị tố cáo có những tác phong xấu xa cách đây 13 năm lúc còn phục vụ tại Tòa Sứ Thần ở Paraguay), tôi đã hành động phù hợp với giáo luật và truyền khởi sự một cuộc điều tra. Không một lời tố cáo nào chống lại ngài là thật cả. Chúng ta không kiếm được bất cứ điều gì (sai) cả!Trong Giáo Hội, đôi khi cũng có trường hợp người ta cố bới móc tội lỗi người khác phạm lúc còn trẻ rồi cho công bố các tội lỗi này lên. Ta không nói tới các tội ác hay các vi phạm như lạm dụng trẻ em là những vấn đề hoàn toàn khác, ta nói về tội lỗi (sins). Nếu một giáo dân, một linh mục hay một nữ tu phạm một tội lỗi nào đó rồi ăn năn hối tội và xưng tội, thì Chúa tha thứ và quên hết. Phần chúng ta, chúng ta có quyền gì mà lại không quên, vì nếu thế ta sẽ liều mình bị Chúa không quên chính tội lỗi ta. Tôi thường nghĩ tới Thánh Phêrô, người đã phạm tội lớn nhất trong các tội, là chối Chúa Giêsu. Ấy thế mà ngài vẫn được cử nhiệm làm giáo hoàng. Nhưng tôi xin lặp lại, chúng tôi không tìm được chứng cớ nào chống lại Đức Ông Ricca cả”.

Nhóm vận động đồng tính

“Người ta đã viết nhiều về nhóm vận động đồng tính. Tôi chưa gặp ai ở Vatican mang chữ ‘đồng tính’ trên thẻ căn cước của họ cả. Có sự phân biệt giữa việc đồng tính, có khuynh hướng này và việc vận động (cho nó). Vận động là điều không tốt. Nếu người đồng tính nào đó thực tình đi tìm kiếm Thiên Chúa, thì tôi là ai mà dám phê phán họ? Giáo Hội Công Giáo dạy rằng ta không được kỳ thị người đồng tính; trái lại phải làm cho họ cảm thấy được chào đón. Là người đồng tính không có vấn đề gì cả, vận động mới là vấn đề và điều này đúng cho bất cứ loại vạn động hậu trường nào, vận động hậu trường về kinh doanh, về chính trị hay vận động hậu trường Tam Điểm”.