Ý NGHIÃ VIỆC TÔN VINH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

Để trình bày ‘Ý nghĩa việc tôn vinh các Thánh Tử Đạo’, chúng tôi dựa vào bản văn kinh Tiền Tụng Lễ Các Thánh’. Trong đó, Giáo Hội chúc tụng rằng: ‘Chúa được tôn vinh trong cộng đoàn các Thánh, và khi tuyên dương công trạng của các ngài, Chúa tuyên dương chính hồng ân của Chúa. Từ nếp sống của các ngài, Chúa ban cho chúng con gương sáng, nhờ sự hiệp thông với các ngài, Chúa cho chúng con được chung phần vinh phúc, nhờ lời các ngài chuyển cầu, Chúa ban ơn trợ giúp chúng con. Nhờ những chứng nhân thế giá như vậy nâng đỡ, chúng con xông vào chiến trận dàn sẵn mà nắm chắc phần vinh thắng, và cùng với các ngài, chúng con được lãnh nhận triều thiên vinh quang bất diệt’. Múc lấy những ý tưởng chủ yếu của bản văn trên đây, chúng tôi trình bày đề tài theo năm phần sau đây:

1. Tôn kính các Thánh Tử Đạo là chúng ta tuyên dương vinh quang và hồng ân của Thiên Chúa.

2. Tôn kính các Thánh Tử Đạo là chúng ta sống theo gương sáng của các ngài.

3. Tôn kính các Thánh Tử Đạo là xin các ngài cầu nguyện trước tòa Chúa cho chúng ta.

4. Tôn kính các Thánh Tử Đạo là nhờ các ngài nâng đỡ, chúng ta xông vào trận chiến và nắm vững phần thắng lợi.

5. Tôn kính các Thánh Tử Đạo là xin Chúa cho chúng ta được chung phần vinh phúc với các ngài.

Hơn nữa, để mở đầu mỗi phần, chúng tôi mượn lại bài giảng của tháng Bênađô, viện phụ trong cuốn ‘Kinh Sách: các Bài Đọc’ IV, ngày lễ Các Thánh và bài giảng của thánh Aucơtinh, giám mục, ngày lễ Các Thánh Tử Đạo. Lời giảng của các ngài giúp chúng ta nắm bắt vững chắc hơn giáo huấn của Chúa Giêsu và của thánh Phaolô, tông đồ. Tất cả những lời dạy của các Thánh Phụ đều nêu bật một ý nghĩa thần học sâu xa về việc chúng ta tôn kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam: ‘Cái chết quý báu của các Thánh Tử Đạo được đánh giá bằng cái chết của Đức Kitô’.

1. Tôn kính các Thánh Tử Đạo là ‘chúng ta tuyên dương vinh quang và hồng ân của Thiên Chúa’.

Nghĩa là ‘khi tôn kính các thánh, chúng ta tuyên dương chính hồng ân thánh thiện Thiên Chúa ban cho các thánh, tuyên dương vinh quang của Thiên Chúa giữa cộng đoàn các Thánh’.

Quả thật, mỗi vị thánh là một ánh vinh quang của Thiên Chúa tỏa ra giữa loài người, mỗi vị thánh là một đáp trả toàn túc lời Chúa Giêsu kêu gọi ‘các con hãy nên trọn lành như cha các con ở trên trời là đấng trọn lành’ (Mt 5,48), ý muốn của chính Thiên Chúa ‘chúng ta được thánh hóa’ (1Ts 4,3). Các thánh là những người làm vinh danh Chúa bằng sống đầy đủ ơn gọi của mình nhờ ơn thánh chính Chúa trao ban, như công đồng Vatican II nhắc nhủ: Được Thiên Chúa kêu gọi và được công chính hóa trong Chúa Giêsu, không phải vì công lao riêng của các ngài, nhưng vì ý định và công phúc của Thiên Chúa. Nhờ lãnh nhận phép Rửa, bí tích đức tin, các thánh đã thực sự trở nên con cái Thiên Chúa và được thông phần vào bản tính Ngài. Do đó, các ngài thực sự đã trở nên thánh. Rồi, với ơn Chúa các thánh đã cẩn thủ và hoàn thành trong đời sống sự thánh thiện mà các ngài đã lãnh nhận. Quả thật, các ngài đã ‘sống xứng đáng như những vị thánh’ (Ep 5,3), đã ‘mặc lấy lòng thương xót, nhân hậu, khiêm nhường, tiết độ và nhẫn nại như những người được Thiên Chúa tuyển chọn, thánh hóa và yêu thương’ (Cl 3,12), đã dùng ơn thánh thần mà thánh hóa mình (Rm 6,22) (x GH 40).

Riêng với các thánh Tử Đạo, thì ‘vâng lời Thiên Chúa quý hơn mọi vinh quang nhân loại’ (Ds 22, 17 tt), nền tảng vững chắc của vinh quang ở nơi Thiên Chúa (Tv 62,6+8). Các thánh Tử Đạo là những người khôn ngoan, nhìn rõ những vinh quang chóng qua và giả dối của người vô đạo, và xác tín chỉ mình Thiên Chúa mới là vinh quang của mình, mới ‘đưa mình vào vinh quang của Ngài’ (Tv 73,24 tt). Vì thế, noi gương Chúa Giêsu, các ngài tuyên bố ‘chối bỏ mọi vinh quang của trần gian, để chỉ tin yêu và phụng thờ một Thiên Chúa duy nhất và chân thật’ (x Mt, 48 tt). Các thánh Tử Đạo còn hiến máu mình để tôn vinh Thiên Chúa, vì ‘dầu phải chết, các ngài cũng chẳng tiếc sinh mạng mình’ (Kh 12,11). Các ngài xác tín hơn ai hết: lòng trung thành với Thiên Chúa quý hơn mọi vinh quang nhân loại. Cũng như Phêrô, các ngài tôn vinh Thiên Chúa ‘bằng giá máu của mình’ (Ga 21,19).

Tóm lại, đối với các thánh, vinh quang mà các ngài hết sức trân trọng là ngọn lửa tình yêu, là sự thánh thiện vẹn toàn phơi bày sự ô uế, sự hư vô, sự mỏng dòn tự bản chất của tạo vật. Vinh quang ấy không phá hủy trái đất, nhưng thanh luyện và tái sinh (Ez 11,22 tt), rồi quang tỏa trên cộng đoàn nhân loại được Thánh Thần đổi mới (Ez 36,23 tt): ‘Hãy vùng đứng lên, hãy bừng sáng lên! Vì đây ánh sáng và vinh quang của Thiên Chúa chiếu tỏa trên ngươi (Is 60,1). Nói một cách khác, vinh quang của các thánh là ‘toàn thể nhân loại nhận biết Giavê là Thiên Chúa của loài người, Đấng luôn ở giữa họ’ (Xh 29,46). Quả vậy, các ngài noi gương Chúa Giêsu: không màng vinh quang người đời (Ga 5,41), coi thường sự ô nhục thập giá (Dt 12,2), chỉ đạt cho được vinh quang duy nhất là hoàn thành sứ mệnh để tôn vinh Đấng đã sai mình (Ga 7,18) và ‘phó thác mọi vinh dự nơi Chúa Cha mà thôi’ (Ga 8,50-54). Lúc đó, Chúa Cha sẽ nói với mỗi vị thánh: ‘Con là tôi tớ Ta, nơi con Ta tuyên dương vinh quang của Ta’ (Is 49,3).

Với người Công Giáo Việt Nam, những ý nghĩa thâm sâu này còn được múc lấy từ những lời chứng chân thành và sống động của các thánh tiền nhân:

• Lời kể của cha Đắc Lộ về cụ già Anrê (+1644), vừa suy tôn các thánh vừa tuyên dương hồng ân của Thiên Chúa từ nhân: “Cổ ông đeo gông nặng như các tù nhân trọng tội ở nước này, nhưng ông lại coi đó là một cây kiềng danh dự. Ông không coi đó là cực nhọc mà lại lấy làm vinh hạnh. Ông tỏ ra vui mừng trong xiềng xích, khác nào một thánh Phaolô thứ hai trong ngục tù…”. Cũng vậy, hai thày giảng Anrê và Inhaxiô, bước đi mạnh mẽ, không sợ hãi, lại hân hoan như đi dự tiệc cưới vậy. Vai mang gông nặng nhưng họ vẫn tỏ ra khoan khoái, dễ chịu vì đó là xe chở họ đi về nước thiên đàng (DMAH 1, tr.28, 29) (5)

• Lời của chính các vị tử đạo hoặc tuyên xưng trước toà, hoặc khích lệ bà con. Như trường hợp hai ông Alexi và Augustinô (+1646): “Quan hỏi ‘Đức Chúa Trời là ai ư’ ? – Ngài là Đấng tạo dựng nên trời đất, tất cả mọi sự trong vũ trụ, cả hồn cả xác chúng ta. Vì vậy chúng ta có bổn phận phải thờ phượng và đội ơn Ngài… Anh chị em hãy yêu thương nhau. Giờ đây chúng tôi không sợ hãi gì vì chúng tôi đi về nước trời. Chúng ta hãy cùng nhau kêu thánh danh Chúa Giêsu và Mẹ Maria trên miệng và trong tim…” (DMAH 1, tr. 40, 41).

• Một trong những hồng ân Thiên Chúa ban cho các thánh Tử Đạo là lòng can đảm, sẵn sàng bảo vệ đức tin, chịu khổ nhục vì đức tin và chết vì đức tin, như lời tuyên bố của cụ Toma (+1665) với đồng bào vây quanh cụ tại pháp trường: “Các vị coi đấy, tôi sắp sửa được chết để bảo vệ đức tin. Tôi chỉ có một điều là không có cả ngàn mạng sống để dâng cho Thiên Chúa, Đấng tạo dựng và chủ tể trời đất” (DMAH 1 tr.63).

• Một trong những dấu ‘can đảm tuyên xưng đức tin’ mà hầu hết các thánh Tử Đạo Việt Nam đã biểu dương cách anh dũng, là cương quyết không bước qua hay đạp lên ảnh Thánh Giá. Thay lời cho các thánh tiền nhân, là câu tuyên xưng của thày giảng Phanxicô Chiểu (+1838): “Đức Chúa Trời là Thiên Chúa thật, là cội rễ mọi sự, mọi người phải thờ phượng và cung kính Ngài trên hết mọi sự, cho nên tôi không thể và không dám bước qua ảnh Thánh Giá. Dù phải chết, tôi cũng không xúc phạm đến Thánh Giá của Chúa tôi” (DMAH 2, tr.122).

• Hồng ân lớn nhất mỗi vị Tử Đạo mong mỏi là được phúc chết vì đạo thánh để được rỗi linh hồn và về thiên đàng với Chúa, như lời tuyên xưng của thánh linh mục Giuse Đỗ Quang Hiển (+1840) trước tòa án: “Thưa các quan, tôi đã từng nói nhiều lần là tôi ước ao được chết vì đạo chứ không chối đạo. Đã đến giờ tôi được chết. Thật là đúng với nguyện ước từ lâu của tôi. Sau nhiều khổ hình, tôi vui sướng được chết để tỏ lòng kính mến Chúa và được về Thiên đàng với Ngài. Xin các quan cứ tự do thi hành án lệnh của nhà vua…” (DMAH 2, tr.416).

Là người Việt Nam Công Giáo, là hậu duệ của các thánh Tử Đạo, chúng ta nắm bắt được ý nghĩa cao cả của việc tôn kính các thánh Tử Đạo Tiền Nhân ngay trong văn hóa Việt Nam: sống đức Hiếu với Thiên Chúa là Cha. Người Công Giáo Việt Nam ý thức rằng ‘tôn kính các thánh tử đạo tiền nhân là tôn thờ Thiên Chúa, Đấng được tôn vinh giữa cộng đoàn các thánh’. Vì thế, nói theo văn hóa Việt Nam, lòng tôn kính các thánh Tử Đạo bắt nguồn từ đức Hiếu. Hiếu với Thiên Chúa là Cha, ‘hướng lòng về Chúa với tâm hồn chân thành’ (1Ch 2,18) qua các tôi trung của Ngài. Nếu các thánh là những cành lá sum xuê sai hoa chĩu trái, thì ‘cây có gốc mới nở ngành sinh ngọn’. Nếu chúng ta cảm nghiệm được rằng ‘hồng ân của Chúa ban cho các thánh bao la diệu kỳ’, thì xin đừng quên ‘nước có nguồn mới bể rộng sông sâu’. Đức tin Công Giáo đã thăng hoa và siêu nhiên hóa đức Hiếu trong văn hóa quê hương trong đạo cổ truyền của dân tộc. Đạo Hiếu không chỉ nằm ở cấp độ tôn kính tổ tiên, nhưng được nâng lên lòng yêu mến, tin thờ Thiên Chúa sáng tạo và quan phòng cho mọi loài. Khi tuyên xưng vững chắc vào một Thiên Chúa chân thật, các thánh tiền nhân nhắc nhở chúng ta: ‘Trời sinh trời dưỡng’, ‘Trăm sự nhờ Trời, sống chết ở Trời’, ‘Trời gần Trời biết, Thiên cao thính ti’, ‘Phúc đức nhờ Trời’… Sống đức Hiếu với Thiên Chúa là tôn kính Ngài, vâng lời Ngài, cẩn thủ luật Ngài truyền dạy, lắng nghe tiếng Ngài nói trong lương tâm… Hiếu với Chúa là tin nhận và tuyên xưng ‘đạo Ngài dạy là đạo thật’, ‘Đạo chi đại đạo, Đạo xuất ư thiên’ (Đạo lớn nhất là đạo phải đến từ trời). Tóm lại, tôn kính các Thánh Tử Đạo Cha Ông là tuyên dương hồng ân của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi các Thánh.

Đạo của Chúa, luật Chúa dạy chúng ta sống đức Hiếu với cha mẹ, ông bà, tổ tiên, ân nhân, thày dạy của chúng ta. Tuy phong cách khác nhau, tất cả các tiền nhân tử đạo đều đáng được chúng ta tỏ lòng hiếu thảo. Hiếu thảo với các thánh chính là hiếu thảo với Chúa, là tôn vinh danh về Chúa những kỳ công Ngài thực hiện trong cuộc tử đạo của các thánh:

Vinh danh Chúa vì qua bao thế hệ,

Đức tin lồng vào trang sử đau thương,

Hạt chết đi ôm sức sống Tin Mừng,

Nhập vào đất, nở nên hoa Giáo Hội.

Vinh danh Chúa vì những người mở lối,

Đã ngã vì ôm chân lý trong tim,

Đã hiên ngang tế lễ cuộc đời mình,

Nâng chén đắng của tình yêu chứng tá.

Vinh danh Chúa vì ơn Ngài thành tựu,

Nơi những người anh dũng chết vì tin,

Mối tình cao chung thủy đã trọn niềm,

Cho danh Chúa Ba Ngôi ngời vinh hiển.

(Thánh thi Kinh Sách lễ 24.11).

2. Tôn kính các thánh Tử Đạo là ‘để chúng ta sống theo gương sáng của các ngài’.

Trong huấn giới của Thiên Chúa “Hãy nên Thánh, vì Ta là Đấng Thánh” (Lv 11,44), rõ ràng là có hai sự thánh thiện: sự thánh thiện của Thiên Chúa, tức mầu nhiệm siêu việt của Ngài, và sự thánh thiện của con người, tức sự trong sạch do việc phụng thờ Thiên Chúa và sự hiện diện của Đấng Chí Thánh giữa dân Ngài đòi hỏi (Lv 19,2, Xh 29,45). Không nguyên huấn giới của Thiên Chúa, những lời giảng dạy của các sứ ngôn cũng cho chúng ta thấy Thiên Chúa đòi buộc con người phải theo những đường lối mà chính Ngài đã thương chỉ dạy (Gr 9,23, Mk 6,8). Nhìn vào các tổ phụ và các ngôn sứ chúng ta nhận ra những mẫu gương cần thiết để noi theo, như gương đức tin và gương trung thành của tổ phụ Abraham (St 15,6; 22,12-16). Chúng ta luôn có những chứng nhân làm gương mẫu về đời sống thánh thiện, như thánh Phaolô chẳng hạn (Pl 3,10). Chính ngài nêu gương (1Cr 4,16; Gl 4,12), chính ngài kêu gọi các kỳ mục sống gương mẫu (1Tm 4,12; Tit 2,7) để cộng đoàn của họ trở thành gương mẫu (1Ts 1,7; 2,14).

Nhưng gương mẫu hoàn hảo nhất của chúng ta là Chúa Giêsu. Chúng ta phải noi gương thánh Phaolô bởi vì ngài đã noi gương Chúa Giêsu (1Ts 1,6; 1Cr 11,1). Chúng ta có thể bắt chước gương Chúa Giêsu sống tình yêu khiêm tốn hầu hiến dâng đời sống (Ga 13,15; Ep 5,2, 1Pr 2,21, 1Ga 2,16; 3,16) cho mọi người và yêu thương mọi người như chính Ngài yêu thương (Ga 13,34; 15,12). Vả lại, vì Chúa Giêsu yêu thương chúng ta như Chúa Cha yêu thương Ngài (Ga 15,9), noi gương chước Chúa Giêsu tức là bắt chước Chúa Cha. Theo gương Chúa Giêsu là nên đồng hình đồng dạng với Ngài (Rm 8,29). Mà Ngài là hình ảnh toàn hảo của Chúa Cha (Cl 1,15), nên chúng ta sẽ được đổi mới theo hình ảnh của Đấng Tạo Hóa (Cl 3,10).

Vậy các Thánh là những người đã bắt chước Chúa Giêsu cách toàn hảo. Các ngài có thể nói với chúng ta như thánh Phalô: “Tôi sống nhưng không phải tôi sống, mà là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20), vì thế anh chị em hãy bắt chước tôi như tôi đã bắt chước Chúa Kitô (1Cr 11,1).

Đặc biệt, các thánh Tử Đạo có thể nhắc lại cho chúng ta, như một bài học đức tin kiên cường, một sự gắn bó keo sơn với Chúa Kitô, một sự hiệp thông sâu đậm với sự thương khó của Ngài, những lời sau đây: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ gươm giáo? Như có lời chép: Chính vì Ngài mà mỗi ngày chúng con bị giết, bị coi như bày cừu để sát sinh! Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta. Đúng thế, chúng ta xác tín rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Chúa chúng ta” (Rm 835-39).

Nhờ sự kết hợp yêu thương với Chúa Giêsu, các thánh Tử Đạo Tiền Nhân để lại cho chúng ta nhiều gương sáng:

• Về đời sống bổn phận hằng ngày đối với gia đình, với mọi người chung quanh, nhất là với những người yếu thế và nghèo đói. Nhìn vào đời sống các Thánh Tử Đạo Việt Nam, chúng ta nhớ tới lời dạy của Thánh Phaolô ‘anh chị em hãy noi gương đức tin của các vị tiền bối’ (Dt 1,1 tt), và ‘Anh chị em hãy bắt chước tôi như tôi đã bắt chước Chúa Giêsu’ (1Cr 11,1). Ở đây, chúng ta có trước mắt tấm gương của thánh linh mục Vicentê Đỗ Yến (+1838). Hồ sơ phong thánh đã viết về ngài: “Cha Yến là một vị đầy lòng từ bi bác ái, tính tình rất dễ thương, đồng thời cũng đầy cương nghị, nét mặt lúc nào cũng vui vẻ. Khi sống giữa giáo dân, ngài luôn sẵn sàng lo lắng cho con chiên và tận tụy hết mình. Sống giữa anh em dòng (Đa Minh), ngài luôn luôn quên mình. Ngài không bỏ qua một cơ hội nào mà không giúp đỡ người chung quanh. Tất cả tâm hồn ngài tập trung mỗi khi dâng lễ và làm các phép bí tích” (DMAH 2, tr.131). Riêng về thánh Micae Lý Mỹ (+1838), thì chính hiền thê của ngài đã làm chứng: “Tôi chẳng thấy ông ấy uống rượu, đánh bạc hay chửi ai bao giờ, chỉ chuyên một việc làm ăn, săn sóc cửa nhà và giữ đạo”. Vì thế, mọi người trong làng đều coi ông như gương lành để bắt chước. Có lần nhóm trẻ đến làng Kẻ Vĩnh thăm cụ Phê, thì cụ bảo họ rằng: “Chúng con hãy noi gương ông Lý Mỹ, vì ông ấy thật là người có nết na hẳn hoi và giữ đạo sốt sáng” (DMAH 2, tr.181).

• Về đức tin can tràng: Điều làm chúng ta thắng được thế gian, đó là đức tin của chúng ta (1Ga 5,4). Tất cả các Đấng Tử Đạo ở Việt Nam, dù đã được phong hiển thánh hay chưa, đều là những người đã ‘can đảm chết vì đức tin’. Ở đây chúng ta chỉ nêu lên một trường hợp tiêu biểu, thánh thày giảng Phanxicô Chiểu (+1838): ‘Thày Phanxicô bị điệu ra trước tòa án rất nhiều lần. Nhưng lần nào cũng anh dũng tuyên xưng đức tin, trả lời cho các quan với những lời lẽ thật khôn ngoan. Và khi quan bảo phải bỏ đạo, bằng không sẽ bị giết chết, thầy giảng Phanxicô đã trả lời cách hiên ngang: “Đức Chúa Trời là Thiên Chúa thật, là cội rễ mọi sự, người ta phải thờ phượng cùng kính mến Ngài trên hết mọi sự, cho nên tôi không bước qua ảnh, không từ chối đạo thánh, dù vua quan giết chết tôi, tôi vẫn cương quyết giữ đức tin” (DMAH 2, tr.122). Cha Luca Vũ Bá Loan (+1840) cũng nói vắn gọn và cương quyết: “Nếu các quan thương, tôi rất biết ơn. Trái lại, nếu các quan muốn lên án tử, tôi sẵn sàng và còn vui lòng chết để tuyên xưng đức tin nữa” (DMAH 2, tr. 422).

• Về đức phó tác chân thành: Có Chúa cùng tôi, tôi chẳng sợ gì, hỏi người đời làm gì được tôi? (Tv 117,6). Thánh nữ Anê Lê Thị Thành (+1841), khi bị quan tổng trấn Trịnh Quang Khanh tra tấn cách dã man, là ‘thả rắn vào trong quần của bà’, bà bình tĩnh cầm hãm mọi tủi hổ và đau đớn, bà lớn tiếng cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin giúp sức cho con. Con liễu yếu đào tơ, đang bị quan quân ức hiếp, con phó thác tất cả cho Chúa, xin Chúa nâng đỡ con” (DMAH 3, tr.27). Cũng vậy, thánh trùm Giuse Nguyễn Văn Lựu (+ 1854), lúc lên đường đi lưu đày, đã nói với các bạn tù đồng đạo: “Xin anh chị em cầu cùng Chúa Trời cho tôi được sức mạnh và bền gan chịu đựng. Tôi sắp phải lên đường lưu đầy. Tôi phó dâng tất cả trong tay Chúa nhân lành. Tôi sẵn sàng dâng lên Chúa sự hy sinh lớn lao nhất là gia đình, vợ con. Chính Chúa sẽ lo liệu” (DMAH 3, tr.94).

• Về tinh thần truyền giáo, tuyên dương danh thánh Chúa: ‘Tôi không phải chết, nhưng tôi sẽ sống, để loan báo mọi kỳ công Chúa làm nên (Tv118, 17). Sử còn ghi lại, ông trùm Phêrô Ki (+1665) nổi tiếng về lòng yêu thương người nghèo và chôn cất người chết. Nhà ông đã trở thành nhà thương chăm sóc bệnh nhân. Ông lợi dụng cơ hội đó để rao giảng Tin Mừng. Chính ông đã can đảm chết vì đạo (DMAH 1 tr.56). Cũng một cách, thánh trùm Antôn Đích (+1838) có hai đức tính xã hội rất có ảnh hưởng truyền giáo: Một đàng ông chăm chỉ làm ăn nên trong gia đình không thiếu thốn… Đàng khác ông lại giàu lòng chia sẻ đặc biệt đối với linh mục tu sĩ già yếu, Nhất là mỗi khi có bệnh dịch tả, ông trùm Đích đã đón tiếp về nhà nhiều bệnh nhân để săn sóc… Thời bị giam tù, ông đã chia sẻ cho các bạn tù nghèo mọi quần áo và của ăn gia đình tiếp tế… (DMAH 2 tr.199-202).

• Về sự hiệp thông với sự thương khó của Chúa Giêsu: Được chia sẻ những đau khổ của Đức Kitô, anh em tràn đầy vui mừng… Bị sỉ nhục vì danh Chúa Giêsu, anh em thật có phúc… (1Pr 4,13-14). Người ta kể, năm 1801, giáo dân Xứ Đoài, khi quan tỉnh đem quân đến bao vây và bắt ép bỏ đạo, đã đồng thanh kêu lên: “Vạn tuế Vua Giêsu, chúng tôi sẵn sàng chết vì Ngài” (DMAH 1, tr. 247). Còn thánh trùm Antôn Nguyễn Hữu Năm (+1840), mỗi khi có người đến thăm và khóc lóc, thánh nhân lại khuyên: “Xin đừng khóc nhưng hãy cầu nguyện cho tôi có sức chịu khổ hình vì Chúa” (DMAH 2, tr.440). Hai thánh Đaminh Huyên và Đaminh Toái (+1863) đã khích lệ nhau: “Chúng ta hãy can đảm chịu khổ vì Chúa Giêsu, Đấng đã chịu khổ cực vì chúng ta. Chúng ta chịu khổ với lòng cương quyết cho đến chết vì Chúa” (DMAH 3, tr.320). Cha Đắc Lộ còn ghi lại lời trối tha thiết của thầy giảng Anrê: “Hỡi anh em, Chúa Giêsu yêu chúng ta quá bội, vậy chúng ta hãy lấy tình yêu đáp lại tình yêu, Chúa Giêsu đã chịu chết cho chúng ta được sống, vậy chúng ta hãy lấy sự sống đáp lại sự sự sống”.

• Về hy vọng phần thưởng lớn lao: Ai can đảm tuyên xưng Thầy trước mặt vua quan,… ai hy sinh mạng sống vì Thầy… người ấy sẽ được Thầy dẫn đến cùng Chúa Cha, sẽ được phần thưởng dành cho người công chính, và sẽ được sự sống đời đời… (Mt 10,32+39+41). Khi nghe tin bị xử trảm, thánh Phêrô Nguyễn Văn Tự (+1838) đã kêu lên sung sướng: “Ôi, hôm nay Thiên Chúa đã ban cho tôi một đặc ân lớn, xin muôn đời ngợi khen Ngài: Chết vì Ngài để lãnh nhận phần thưởng lớn lao! Xin cảm tạ Ngài hết linh hồn, hết trí khôn” (DMAH 2, tr.228). Cũng vậy, vừa tới pháp trường, thày giảng Anrê Phú Yên (+1644) đã nói lên lớn tiếng: “Tôi tưởng như cửa thiên đàng đã mở ra cho tôi, tôi thấy Chúa Giêsu đang đứng trước cửa đó để đón nhận tôi, bao nhiêu thánh Tử Đạo giơ cho tôi xem mũ triều thiên và cành lá thiên tuế. Ôi thiên đàng, hạnh phúc dường nào, mau mau cho tôi về thiên đàng!” (DMAH 1, tr.31).

Đọc chuyện các Thánh Tử Đạo Việt Nam, ai lại không thấy hiện ra trước mắt những mẫu người Việt Nam đáng quý mến, đáng thán phục và đáng bắt chước. Đa số các ngài chỉ là những người dân thường, ‘an bần lạc đạo’, ‘cốt nhục tương liên’, ‘công minh chính trực’. Hầu hết các ngài làm ăn đầu tắt mặt tối, ít chữ nghĩa hay không được học… Thế nhưng các ngài lại thực hiện bao nhiêu nét đẹp của văn hóa bình dân, của đạo cổ truyền dân tộc, nơi các ngài hiển hiện bao nhiêu tính tình tốt đẹp của người Việt Nam có nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, dũng cảm, vị tha… Quả thật các ngài không nói mà làm, không hiểu thấu sâu xa nhưng sống thực tế và rất đúng theo lương tri của con người biết: trên đầu có Trời, chung quanh có đồng loại, lời nói bay đi gương bày lôi kéo… Các ngài đúng là ‘những người đắc đạo’ hay ‘những bậc thánh hiền’. Các thánh Tử Đạo không chỉ là những Kitô hữu sáng chói niềm tin, nhưng còn là những công dân Việt Nam gương mẫu, trọng ‘thuần phong mỹ tục’. Đức tin đã thắm nhuần và đời sống, vào cách ứng xử hằng ngày của các ngài là con người Việt Nam, là công dân của một dân tộc có đạo lý và phong hoá vững bền. Vì thế, một trật và cho đến muôn đời, các ngài là những người Việt Nam-Công Giáo đáng thán phục và noi theo về nhiều đức tính, về nhiều phạm vi...

Do đó, chúng ta không quên rằng càng nhiệt tình tôn kính các thánh Tử Đạo tiền nhân, càng phải ra công noi gương các ngài về đời sống đức tin, về tinh thần dân tộc, ngay giữa đồng bào chúng ta, ngay trong văn hóa quê hương… Càng hãnh diện là hậu duệ của các thánh, càng phải tha thiết cầu xin:

Xin cầu cho hậu duệ,

Noi gương sáng Ông Cha:

Đức Tin quyết bảo vệ,

Đức Ái tỏa sáng ra,

Xây dựng nước trần thế,

Mở rộng nước Chúa Cha

(kinh sáng, 24.11)

3. Tôn kính các thánh Tử Đạo là ‘thành tâm xin các ngài cầu nguyện cho chúng ta trước tòa Chúa’.

Chúng ta hãy nghe lời thánh Bênađô: “Chúng ta ca ngợi các thánh để làm gì? Chúng ta tôn vinh các thánh để làm gì? Những vinh dự trần gian ích gì cho các ngài, một khi Chúa Cha trên trời tôn vinh các ngài đúng như lời Chúa Con đã hứa? Lời tán dương của chúng ta ích gì cho các ngài? Các thánh không cần chúng ta tôn vinh và lòng tôn kính của chúng ta cũng chẳng thêm gì cho các ngài. Thực ra chúng ta tôn vinh các ngài thì ích lợi cho chúng ta chứ không phải cho các ngài”. (1). Ích lợi đó là: ‘nhờ lời chuyển cầu của các Thánh, Chúa ban ơn trợ giúp chúng ta’, như lời dạy của Công Đồng Vatican II:

• Để Giáo Hội được ‘Đấng Thánh duy nhất’ thánh hóa (GH 39).

• Để mọi thành phần Giáo Hội được nên thánh như ý Thiên Chúa muốn (GH 39).

• Để mọi bậc sống trong Giáo Hội (giám mục, linh mục, tu sĩ giáo dân, phụ huynh, người trẻ…) cố gắng đạt tới đức bác ái trọn hảo trong bậc sống của mình (GH 40).

• Để mọi người, theo bậc sống của mình, sống thánh thiện ngay trong việc phục vụ kín đáo và khiêm tốn (GH 42).

• Để mọi thành phần trong Giáo Hội sẵn sàng hy sinh, chấp nhận mọi đau khổ vì vinh danh Chúa, cho Nước Chúa được mở rộng… dù phải ‘tử đạo’ (TG 24, TĐ 14, LM 13).

• Để mọi Kitô hữu ‘bền vững sống đức tin, can đảm bênh vực đức tin, nhiệt thành truyền bá đức tin’ (Giáo lý Thêm Sức).

Những lời giảng dạy của thánh Bênađô và những giáo huấn của Công Đồng Vatican II chắc chắn đã được các thánh Tử Đạo thể hiện cho mọi người, cách riêng cho chúng ta là hậu duệ của các Ngài. Sau đây là những lời chứng sống động:

• Bà Agnès bị bắt và được phúc tử đạo năm 1700. Khi chồng bà bế con đến thăm bà trong tù và khóc lóc tha thiết. Bà đã khuyên chồng: “Này anh, em xin anh đừng khóc lóc buồn phiền. Chính Chúa thương cho em được ơn trọng như thế này. Đó là một vinh dự cho cả anh và các con, sao anh lại khóc ầm ĩ lên thế. Em xin anh một lần nữa, là hãy đem hai con về nhà chăm sóc chúng nó, dậy dỗ chúng biết kính sợ Thiên Chúa và nhắc chúng rằng: em vẫn nhớ đến anh và các con trong nước Thiên Đàng. Em hy vọng sẽ sớm được phúc tử đạo” (DMAH 1 tr.79).

• Thánh Tôma Nguyễn Văn Đệ (+1839) trước khi được phúc tử vì đạo đã nhiều lần khuyên vợ: “Bà hãy đem con về nhà cha mẹ, chịu khó làm ăn mà coi sóc các con, để chúng lớn lên biết thờ phượng kính mến Đức Chúa Trời và giữ đạo cho nên… Thương tôi, bà hãy cầu xin Đức Chúa Trời ban sức mạnh cho tôi… Tôi không quên mẹ con bà trong lời cầu nguyện đâu…”. Lần khác, thánh nhân lại khuyên vợ: “Bà bế con về đi, xin bà thay tôi nuôi nấng dạy dỗ chúng. Tôi không về nhà nữa, tôi chỉ mong chờ phúc tử đạo thôi. Tôi đã dâng bà và con cái cho Đức Chúa Trời rồi. Khi lên Thiên Đàng tôi sẽ cầu nguyện nhiều cho bà, cho các con và cho mọi người…” (DMAH 2 tr.369-370).

• Năm 1736, cha Cratz đã nhân danh hai thày giảng và ba linh mục dòng Tên khác, nói với giáo dân trước khi ra pháp trường: “Anh chị em thân mến, chúng tôi sắp được đổ máu làm chứng cho đức tin… Chúng tôi sửa soạn lên trời. Ở đó chúng tôi biết rõ sẽ giúp đỡ linh hồn anh chị em nhiều hơn, điều mà dưới thế gian này chúng tôi không làm được nhiều. Ở trên trời chúng tôi sẽ yêu mến và cầu nguyện cho anh chị em nhiều hơn…” (DMAH 1, tr.164).

• Ngay khi vừa bị giết chết, nhiều vị Tử Đạo đã cầu thay nguyện giúp cho người được những ơn họ cầu xin. Đó là những trường hợp Chúa đã làm phép lạ cho những người thành tâm nguyện cầu qua lời bầu cử của các Thánh Tử Đạo (xin đọc bài Thiên Đạo Chí Công).

Chúng ta vui mừng nhận ra rằng: các đấng Tử Đạo Việt Nam đã được dân chúng lương và giáo tôn kính ngay từ buổi đầu. Chẳng hạn thánh Lý Mỹ, chính các quan tòa, vì thấy dân chúng ái mộ ngài cách nồng nhiệt, đã thốt lên ‘Ông này sau khi chết chắc sẽ làm thành hoàng của làng xã’ (DMAH 2 tr.195). Lòng yêu mến và tôn kính của người dân lương, giáo đã được các thánh đón nhận và chuyển cầu: Chúa đã ban ‘nhiều ơn trợ giúp’ cho những người thành kính kêu xin, nhờ lời bầu cử của các Thánh Tử Đạo. Những ‘ơn trợ giúp’ này được thi ân bằng những dấu lạ mà sử sách còn ghi lại (xem bài Thiên Đạo Chí Công).

Quả đúng như những lời ca dao tục ngữ phổ biến trong dân gian: ‘Trời không đóng cửa ai’, ‘Thành tâm được trời giúp’, ‘Trời nào có phụ ai đâu’, ‘Những người nhân đức trời dành phúc cho’… Nếu việc tôn kính các Thánh Tử Đạo là một cử chỉ bày tỏ đức Hiếu đối với các bậc Tiền bối (cha mẹ, ông bà, ân nhân, thày dạy…) và đối với chính Thiên Chúa, thì lẽ tự nhiên chúng ta có thể xin các Thánh bầu cử cho chúng ta trước tòa Chúa, và lẽ đương nhiên các ngài không từ chối những ai có lòng thành và cầu xin những điều chính đáng… Xin được khoẻ mạnh, làm ăn may nắn, xin cho khỏi cơn bạo bệnh, khỏi nỗi gian nguy, xin cho gia đạo bình an, cho làng xã an vui, cho quê hương tấn phát…

Còn hơn các vị anh hùng ‘ích quốc lợi dân’, ‘cứu nhân độ thế’, hơn các vị thành hoàng ‘hữu hưu lạc quang’ (vui vì có công nghiệp rạng rỡ), các thánh Tử Đạo là những vị ‘tổ ích bồi cơ, công đằng sơn cao thiên cổ ngưỡng, vu kim diễn phái, trạch đồng hải tuấn ức niên tư’ (Nhờ xưa bồi đắp tảng nền, công đọ non cao, ngửa trông muôn thuở, đến nay nảy nở dòng giống, ơn tày bể rộng nhuần thắm ngàn năm). Cho nên trước mặt toàn dân, các ngài thật đáng tôn kính và ghi ơn. Hơn nữa, trước mặt Thiên Chúa, các thánh Tử Đạo là những tôi tớ trung thành, đã hy sinh tất cả vì vinh danh Ngài. Đáp lại, ‘Thiên Chúa coi cái chết của các ngài thật đắt giá’ và mau khấng nhận những lời cầu thay nguyện giúp của các tôi trung. Sau đây là ba chứng từ cụ thể:

• Ông Phêrô Vũ Văn Thang kể lại: “Cháu trai của tôi bị chứng bệnh đau bụng kinh niên, nhiều khi đau kinh khủng, không thuốc nào chữa được. Tôi liền đi đến mộ cha Gioan Đạt (+1798) đọc năm kinh Lạy Cha, năm kinh Kính Mừng, rồi nhổ vài ngọn cỏ trên mộ ngài đem về nấu nước cho cháu uống. Vừa uống xong bát nước, cháu khỏi bệnh ngay, không đau lại nữa” (DMAH 1, tr.244)

• Thày giảng Bernard Thu kể rằng: “Năm ấy đồng lúa của dân chúng bị sâu phá hoại toàn diện, không sao trừ được chúng. Tôi liền chạy đến mộ cầu nguyện cùng cha Tùy (+1833) và lấy nước thánh rảy lên ruộng lúa. Lời cầu nguyện của tôi được chấp nhận. Dân làng sửng sốt thấy ruộng lúa của họ bị sâu phá hoại còn ruộng của tôi thì trổ bông, đầy hạt. Tôi cho họ biết lý do và họ tôn vinh Đấng Tử Đạo…” (DMAH 2 tr.51).

• Thầy Tín kể rằng: “Một tên lính ăn xôi cúng, bị quỷ nhập, thày lấy nước thánh rảy lên anh ta, anh chỉ cười. Ngay lúc đó ông Loan nhớ lại mình còn giữ được cái kiếm chém đầu cha Phêrô Nguyễn Văn Tự (+1838), ông chạy về lấy thanh kiếm, mọi người cầu nguyện, và ông loan cầm thanh kiếm ép vào cổ người lính bị quỷ ám, lập tức anh ta được lành”. Riêng cậu Thanh con ông quan tuần, lấy được một miếng vải của cha Phêrô Nguyễn Văn Tự (+1838). Nhiều người muốn mua lại, anh không bán và còn quả quyết: ‘Từ khi tôi có miếng vải này, tôi hết bị ma quỷ quấy nhiễu’ (DMAH 2 tr.229-230).

4. Tôn kính các thánh Tử Đạo là ‘để nhờ các ngài nâng đỡ, chúng ta xông vào trận chiến và nắm phần thắng lợi’.

Theo thánh Bênadô, việc tôn kính các thánh Tử Đạo khơi lên và thôi thúc mạnh mẽ trong chúng ta niềm khát vọng hợp đoàn với các thánh, được xứng đáng làm người đồng hương và làm bạn hữu với các thánh… để tuyên xưng đức tin, để hân hoan sum họp trong mối dây hiệp thông với toàn thể các thánh, cộng đoàn các con đầu lòng của Thiên Chúa… (1). Nhờ cộng đoàn chứng nhân thế giá này nâng đỡ, chúng ta sẽ ‘xông vào trận chiến’ của bổn phận hằng ngày, của những khó khăn thường nhật… với niềm xác tín mãnh liệt:

• Thiên Chúa làm cho mọi sự trở nên ích lợi cho những ai yêu mến Ngài: Thiên Chúa kêu gọi họ nên ‘đồng hình đồng dạng với Con chí ái của Ngài’… nghĩa là làm cho họ nên công chính, nên những người đáng hưởng phúc vinh quang (2).

• ‘Thiên Chúa ban phần thưởng lớn lao cho những ai chịu đau khổ vì Ngài: Khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo, bị coi như đàn cừu sát sinh và bị giết chết ư?… Tất cả không sao sánh được với những vinh quang Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta (2).

• Giữa mọi thử thách chúng ta được Chúa Giêsu và cộng đoàn các thánh nâng đỡ: các thánh nêu gương khích lệ, cầu thay nguyện giúp cho chúng ta… và chính Chúa sẽ bênh đỡ chúng ta… Lúc đó ai còn chống lại được chúng ta? ai dám buộc tội những kẻ Chúa chọn? ai dám kết án chúng ta? Người nào, sức lực nào có thể tách rời chúng ta ra khỏi Chúa Kitô, Đấng đã chết, đã sống lại và đang ngự bên hữu Thiên Chúa để chuyển cầu cho chúng ta? (2). Nhờ đó chúng ta sẽ ‘can đảm và bền vững sống đức tin’, tuyên xưng đức tin và nằm lòng những lời Thánh Kinh: ‘Đây Thầy ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế’. ‘Ai muốn giữ mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai hiến mạng sống mình vì Thày thì sẽ được sống muôn đời’ (Mt 10,39); và nữa “Anh em đừng sợ những kẻ chỉ giết được thân xác nhưng không giết được linh hồn, đúng hơn anh em chỉ sợ Đấng có thể giết được cả thân xác lẫn linh hồn” (Mt 10,28) (3).

Quả thật, một trong những ý nghĩa và mục đích của việc chúng ta tôn kính các thánh Tử Đạo tiền nhân là noi gương các ngài mà sống đức tin cách vững mạnh và hiên ngang. Đọc lịch sử thời cấm đạo hay đọc chuyện tích của các vị Tử Đạo ở Việt Nam, dù là người bản xứ hay thừa sai từ xa đến, dù đã được Giáo Hội tuyên thánh hay còn chờ đợi, dù có danh tánh rõ ràng hay chỉ ẩn danh ẩn tích, chúng ta làm sao không cảm thấy được thúc đẩy ‘bền vững sống đức tin, can đảm tuyên xưng đức tin và nhiệt thành trao truyền đức tin’, làm sao không cảm thấy sức mạnh thiêng liêng nung nấu và khích lệ chúng ta ‘xông vào chiến trận với ba thù và nắm vững thắng lợi cho vinh quang Chúa, để mở rộng Giáo Hội và được hưởng phần rỗi linh hồn’. Sau đây là những gương tích tiêu biểu, bảo đảm cho những điều chúng ta muốn trình bày ở đây:

• Gương sống thánh thiện của thánh giám mục Melchior Samperdro (Xuyên) (+1858): ‘Đức Cha Xuyên hết lòng chu toàn bổn phận và đặc biệt có tinh thần khắc khổ, ham thích cầu nguyện và hãm mình ăn chay và đánh tội… Đức Cha còn dành giờ dịch ra tiếng Việt các sách đạo cần thiết cho giáo dân… Ngài còn tự thân dạy giáo lý cho 54 gia đình gần 500 người tại một làng gần Cao Xá (Bắc Việt)… Dù là giám mục, Đức Cha cũng xin các cha chỉ vẽ cho ngài những điều sai lỗi, nhận mình là một tội nhân trước mặt Chúa… Ngài có lòng kính mến Đức Mẹ cách đặc biệt… Trong thời gian cấm đạo, Đức Cha Xuyên phải lẩn trốn nhiều nơi… Nhưng đêm 7.7.1858 ngài đã bị bắt, lúc mới 37 tuổi. Sau 20 ngày giam tù, ngài bị lên án ‘phân thây’ và ra pháp trường ngày 28.7.1858. Khi hành quyết Đức Cha, quan ra lệnh: trước tiên chặt hai chân, rồi đến tay, đầu và mổ bụng đốt ruột gan. Đức Cha bị trói chân tay vào các cọc và tấm gỗ đè trên ngực. Năm tên đao phủ cầm búa bổ xuống dưới chân 12 lát như bổ củi, trong khi đó miệng của Đức Cha vẫn kêu to Danh Thánh Chúa Giêsu, máu chảy lai láng. Sau đó lý hình chặt 8 lát cho nát cánh tay. Tiếp đến là bổ thêm 15 lát cho đứt đầu, trước khi mổ bụng. Sau đó, các phần thân thể được vất xuống hố, lấp đất và cho voi đạp lên. Còn đầu bêu trên cửa phía nam của thành Nam Định, hai ngày sau bị đập nát thành mảnh vụn và quẳng xuống sông ban đêm. (DMAH 3 tr.187-188).

• Gương thánh cai đội Phanxicô Trần Văn Trung (+1858): Phải chăng tên gọi của một người diễn tả tính tình và chí hướng của người ấy?. Như trường hợp của người anh hùng đức tin Trần Văn Trung: ngài vừa trung thành với quốc gia, vừa trung thành với đạo Chúa. Quả vậy, khi theo lệnh vua Tự Đức, cai đội trần văn Trung tình nguyện đi đánh giặc, bảo vệ quê hương. Các quan muốn phòng ngừa người Công Giáo nội ứng, nên bắt mọi người trước khi đi đánh ngoại xâm phải dâng hương trước bàn thờ tổ tiên và đạp ảnh chuộc tội. Vì muốn trung thành với đạo, ông Trung đã không làm như mười một người khác. Quan liền hạch hỏi: ‘Sao chú không đạp ảnh Thập Giá, đúng chú là người đạo Công Giáo?’. Ông trung can đảm thưa: ‘Vâng, tôi là người Công Giáo. Tôi sẵn sàng đi đánh giặc, nhưng không khi nào tôi chối đạo’. Câu trả lời khảng khái của người lính chiến Chúa Kitô đã khiến quan tức giận và bỏ tù ngài ngay lập tức. Ban đêm, bốn quan vào tù dụ dỗ ngài với mọi lý lẽ ngon ngọt, mong ngài bỏ đạo mà đi giết giặc cứu nước. Nhưng ngài vẫn một lòng giữ vững đức tin. Không dụ dỗ được ngài, các quan liền cho đánh đòn ba trận liền, mỗi trận 50 roi. Roi đòn cũng không lay chuyển được viên cai đội dũng cảm, các quan giam ngài trong ngục và kêu án chém đầu. Suốt hai tháng bị giam tù, ông cai Trung sốt sáng đọc kinh cầu nguyện với đứa con gái 8 tuổi được quan tù cho vào săn sóc bố. Một hôm, ông Trung khuyên con: “Con ơi, điều bố mong ước nhất là vua kết án tử cho bố. Con không học đạo ở đây được, vì hằng nghe những lời xấu xa của người ngoại, vậy con hãy về nhà với mẹ thì hơn. Con hãy nhớ chắc điều này: dù phải túng cực thế nào thì cũng đừng ở chung với người không có đạo, nhưng hãy ở giữa những người có đạo. Hễ cha sở chỉ bảo điều gì thì con phải hết lòng mà giữ…”. Lần khác ông khuyên bảo vợ: “Nếu tôi phải chết phen này, thì xin mình hãy thương mấy đứa con, coi sóc chúng tận tình và đừng đi lấy chồng nữa. Nếu mắc nợ ai, thì mình bán đồ đạc mà trả trước đi chứ đừng để chủ bên lương bắt con mình đi ở đợ mà thiệt hại phần linh hồn…” (DMAH 3, tr.193-194).

• Gương giáo dân Xứ Đoài (1799): Vào thời Nguyễn Ánh, các quan trấn Thanh Hóa cho lính vây Xứ Đoài, tập trung giáo dân lại và tra khảo bắt ép chối đạo. Phần đông đã anh dũng xưng đạo. Một giáo dân đã khảng khái nói: “Các quan có kề gươm vào cổ tôi, tôi cũng không ký giấy xuất giáo”. Một người khác tuyên bố: “Làm sao các quan có thể bắt tôi bỏ đạo được, đạo đã ăn sâu vào tâm khảm tôi rồi. Các ông có mổ bụng tôi ra thì đạo vẫn còn trong tôi”. Nghe vậy cả đám đông đồng thanh hô lên: “Vạn tuế Chúa Giêsu, chúng tôi sẵn sàng chết vì Ngài”. Rồi một bà cụ 60 tuổi đứng lên thưa với các quan: “Các quan muốn làm gì chúng tôi? Chúng tôi tất cả 52 người Công Giáo, dù các quan giết đến người thứ 51, người cuối cùng vẫn không sợ. Các quan chẳng bao giờ ép chúng tôi bỏ đạo thánh được đâu!”. Ông trùm Xứ Đoài cũng can đảm thưa với các quan: “Các quan nghĩ rằng chúng tôi sợ chết sao? Các quan lầm to! Chúng tôi không muốn gì hơn là được đổ máu mình ra vì Chúa Giêsu là Đấng đã chịu chết vì chúng tôi và vì cả các quan nữa”… (DMAH i, tr. 246-248).

Đọc chuyện các thánh Tử Đạo, chúng ta cảm nghiệm ba điều:

• Là người Việt Nam, nhiều ít, các thánh Tiền Nhân đã được phấn khích bởi những lời dạy của tổ tiên, được dạy dỗ bởi cha mẹ hầu sống đức tin vững vàng đúng theo những cốt tính của người Việt, tinh túy của văn hóa dân tộc. Nghĩa là, các ngài đã nằm lòng và mang trong xương tuỷ ‘chí khí anh hùng, can đảm, cương quyết… ‘cốt cách của dân tộc Việt’, được diễn tả qua những lời hay ý đẹp trong văn hóa bình dân: ‘Nhân tử lưu danh’, ‘Nhất tâm thiết thạch’, ‘Có chí thì nên’, ‘Mừng vui cơm tấm ổ rơm, tuy rằng đói khổ nhưng thơm sạch lòng’, ‘Làm sao như quế trên non, trăm năm khô mục vẫn còn thơm tho’, ‘Ở đời muôn sự của chung, hơn nhau một tiếng anh hùng mà thôi’, ‘Làm người suy chính, xét xa, cho tường gốc ngọn, cho ra vắn dài’, ‘Lòng ta quyết chí thi hành, đã đẵn thì vác cả cành lẫn cây’, ‘Tận trung báo quốc’… Nghĩa là, các ngài đã nghe biết và được thúc đẩy bởi những vĩ nghiệp và chí anh hùng của các đẳng thần quốc gia, như hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị, như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi… hay đẳng thần làng xã quen gọi là thành hoàng như ông Nguyễn Cần (làng Đông Lâm, Hải Dương), ông Nguyễn Công Trứ (nhiều làng thuộc huyện Kim Sơn và Tiền Hải)… (6). Nghĩa là, các ngài đã được ảnh hưởng tốt bởi nhiều truyện ngụ ngôn, cổ tích lành mạnh, đậm mầu sắc anh hùng, luân lý và đạo giáo, như chuyện Tiên Rồng, Trầu Cau, Vọng Phu, An Tiêm… (7).

• Là người Công Giáo đầy đức tin, được thúc đẩy, khích lệ và nâng đỡ bởi lời Chúa trong Thánh Kinh, bởi ơn Chúa Thánh Thần, bởi gương sáng và giáo huấn của các chủ chăn thánh thiện... các Thánh Tiền Nhân đã bền tâm sống gương mẫu giữa mọi người thân quen, đã đốt sáng đức tin và lấy cái chết anh dũng để phụng sự Chúa, mở mang đạo thánh, đồng thời phục vụ đồng bào và thăng hoa văn hóa quê hương… Đó là điều, chính các thánh không tuyên bố, khoe khoang, nhưng thực sự đã làm, đã sống như chúng ta vừa đọc được trong ba trường hợp tiêu biểu trên đây.

• Là người Việt nam – Công Giáo, các Thánh Tử Đạo đã ‘làm một lựa chọn can đảm, biểu hiện ý chí cương nghị, tinh thần tự do, suy nghĩ chín chắn’ vốn có của người Việt Nam. Các ngài giữ lấy những gì là tinh túy, là tốt đẹp của tôn giáo và văn hóa dân tộc làm cơ sở đời sống đức tin, tuyên chứng và trao truyền đức tin. Đồng thời các ngài lại nhờ ánh sáng đức tin để thanh tẩy và thăng hoa văn hóa của dân tộc… Các ngài đã năng nổ dấn thân, chịu đựng mọi nhục hình, cốt làm sáng tỏ ‘lý tưởng đã chọn lựa’, đến phải hy sinh mạng sống. Phần thưởng của các Ngài là biểu dương cốt cách của người Việt Nam trung kiên, là góp phần làm đẹp văn hóa quê hương, là Tin Mừng hóa những điểm cốt yếu của đạo lý dân tộc, là lấy mồ hôi và máu đỏ thắm nhuần đất nước để xây dựng Giáo Hội tại Việt Nam, là phất lên những cành lá thiên tuế anh dũng mời gọi ‘hậu duệ cùng xông vào trận chiến ba mặt: bền vững sống đức tin, can đảm bênh vực đức tin và nhiệt thành truyền ba đức tin’.

5. Tôn kính các Thánh Tử Đạo là ‘xin Chúa cho chúng ta được chung phần vinh phúc với các ngài’.

Thánh Bênađô quả quyết: nhờ việc tôn kính các thánh Tử Đạo, chúng ta được thúc đẩy noi gương các ngài ‘tìm kiếm những sự thuộc thượng giới’, chúng ta được hiệp thông với các thánh, chúng ta mong mỏi Chúa Kitô, nguồn sống của chúng ta, xuất hiện cho các thánh thế nào thì Ngài cũng xuất hiện cho chúng ta như vậy, và chúng ta cũng được trình diện trước thánh nhan Ngài, để Ngài cho chúng ta chung hưởng vinh quang với các thánh (2).

Còn thánh Âutinh lại dạy chúng ta: Giáo Hội thường hân hoan hát lên rằng: ‘Trước mặt Chúa thật là quý giá, cái chết của những ai trung hiếu với Ngài’ (Tv 115,15). Chúa Giêsu đã diễn giảng cái chết trân châu ấy như sau: ‘Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình, còn nếu chết đi nó sẽ trổ sinh nhiều bông hạt’ (Ga 12,24) (4)

Thánh Âutinh nói thêm: Cùng với các thánh Tử Đạo chúng ta chiêm ngắm biết bao kỳ diệu Đấng toàn năng đã làm cho chúng ta: Chúa đã sáng tạo nên con người, đã tìm kiếm con người khi con người lầm lạc, tìm thấy rồi Chúa lại ban ơn tha thứ, Chúa giúp cho con người khi con người chiến đấu yếu hèn, Chúa không bỏ con người khi con người lâm nguy, khi con người chiến thắng, Chúa trao triều thiên cho con người và ban chính mình làm phần thưởng. Biết mình lãnh nhận tất cả những ân huệ đó, các thánh kêu lên rằng: ‘Tôi biết lấy gì đền đáp Chúa bây giờ vì mọi ơn lành Chúa đã ban cho. Tôi xin nâng chén mầng ơn cứ độ’ (4).

Khi tôn kính các thánh Tử Đạo, chúng ta vừa nâng chén cứu độ chia vui với các ngài, vừa nghe mỗi vị hân hoan bày tỏ: ‘Tôi đã chấp nhận mọi thiệt thòi để được Chúa Kitô, được hiệp thông với sự thương khó của Ngài… (Pl 3,8). Nhờ Ngài, tôi đã chiến đấu trong cuộc chiến cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững đức tin. Giờ đây tôi chỉ đợi vòng hoa dành cho người công chính (2Tm 4,7-8).

Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã thể hiện tròn đầy những điều thánh Aucơtinh diễn tả trên đây. Khác nhau về chi tiết, nhưng tổng thể, mỗi vị tử đạo là một tôi trung, can trường chịu mọi thua thiệt để được Chúa Giêsu, một hùng binh chiến thắng, được nâng chén mầng ơn cứu độ với Chúa Kitô, xứng đáng lãnh nhận vòng hoa công chính và cành lá tử đạo. Vì khuôn khổ của bài viết, chúng ta chỉ nêu lên một trường hợp điển hình là cuộc tử đạo của thánh Lý Mỹ (+1838). Hãy nghe những lời vừa phó thác vừa tuyên chứng vừa khích lệ của ông: - Nói với các nữ tu mến Thánh Giá: ‘Bây giờ vua cấm đạo thì cũng như là khóa thi Đức Chúa Trời ra, cho nên ta phải ý tứ và ăn ở cho vững vàng’. - Khuyên những người lính làng Vĩnh Trị bị bắt: ‘Xin anh em chịu khó và can đảm, đừng quá khóa’. - Hỏi ý kiến vợ hiền: ‘Nè, nếu tôi được phúc tử đạo thì mẹ nó có bằng lòng không?’. Câu trả lời của bà Lý làm ông phấn khởi: ‘Thày nó được phúc trọng ấy, thì tôi bằng lòng lắm chứ’. - Vừa phó thác cho Chúa, vừa khích lệ người con rể là thánh trùm Antôn Đích (+1838), khi cả hai cha con cùng bị bắt một ngày: ‘Cha con ta đồng sinh đồng tử với nhau, việc Đức Chúa Trời định đã đến rồi’. - Thưa mạnh dạn khi quan tòa muốn kéo ông Lý Mỹ qua ảnh Thánh Giá: ‘Bẩm lạy quan lớn, quan lớn kéo voi qua Thập Tự thì cũng được, nhưng tôi nhất định không bước qua Chúa chúng tôi đâu’. - Nói khảng khái, sau khi cắt nghĩa cho quan tòa biết ‘thiên đàng là gì’: ‘Lát gươm quan lớn chém đầu tôi là cửa mở cho tôi về thiên đàng’. - Mừng rỡ khi được tin sẽ bị trảm quyết, như người sắp đi ăn cỗ lớn. Rồi đi ra pháp trường Bảy Mẫu, với thái điệu hân hoan, nhanh nhẹn, ông Lý Mỹ vừa đi vừa ‘chào mọi người’. - Trên đường đi, gặp ông cả Thâu người em họ. Ông Thâu nói: ‘Anh Lý hãy vững vàng nhé!’. Ông Lý trả lời: ‘Chú yên trí, tôi chẳng có sợ đâu’. - Trước khi chém, tên lý hình đòi ông Lý Mỹ năm quan tiền thì sẽ chém một lát cho mát mẻ, ông Lý Mỹ trả lời: ‘Năm quan tiền để làm phúc cho kẻ khó, tôi chẳng có tiền cho chú mình đâu, chú muốn băm vằm thế nào tùy ý’. Tên lý hình tức mình, xử một nhát trượt không trúng, chỉ đứt một miếng thịt nơi cằm. Ông Lý Mỹ ngã xuống. Mãi tới lát thứ năm mới đứt đầu. (DMAH 2, tr.180-195). Ngài được phong Chân Phước 1900 và Hiển Thánh 1988. Ở trên trời, Thánh Lý Mỹ sẵn sàng chia sẻ vinh phúc cho chúng ta, sẵn sàng cầu thay nguyện giúp cho chúng ta.

Lịch sử còn ghi, không phải chỉ có ‘một thánh Lý Mỹ’, nhưng còn có ‘117 hiển thánh tử đạo anh dũng như Thánh Lý Mỹ’. (Đó là chưa kể hơn 100.000 vị Tử Đạo chưa được tuyên phong Chân Phước hay còn ẩn danh ẩn tích). Các ngài đã lãnh nhận cành lá thiên tuế và triều thiên tử đạo. Thiên Chúa trân trọng cái chết của các ngài và Chúa cho các ngài hưởng trọn vẹn phần thưởng vĩnh cửu dành cho các tôi trung của Chúa. Thành tâm tôn kính các ngài, chúng ta hy vọng các ngài sẽ chia phần vinh phúc cho chúng ta, sẽ cầu thay nguyện giúp cho chúng ta trước tòa Chúa. Không nguyên cho chúng ta, nhưng cho cả Giáo Hội, cả Tổ Quốc cả Đồng bào Việt Nam nữa, như lời kinh chúng ta thường đọc:

‘Lạy Chúa, các thánh Tử Đạo là ân huệ Chúa đã ban cho Giáo Hội Việt Nam. Vì thế, chúng con dâng lời cảm tạ và ca tụng Chúa. Hợp với cuộc hy sinh tử đạo của các tiền nhân anh dũng, chúng con xin dâng lên Chúa lời cảm tạ và ca tụng, để biểu lộ tình con thảo với Chúa là Cha. Lạy Chúa, vì công nghiệp của các thánh Tử Đạo, xin ban cho dân Việt Nam chúng con được an vui và thịnh vượng, cho mọi người đón nhận Tin Mừng cứu rỗi, và bước theo con đường chân lý. Xin cho Giáo Hội Việt Nam được sống trong hòa thuận và hiệp nhất, luôn thông hảo trọn vẹn với Đấng kế vị thánh Phêrô, và hăng say lo việc tông đồ, nhiệt thành rao giảng Đức Kitô cho mọi người. Xin cho chúng con được trung thành với Chúa ở trần gian, để ngày sau về hưởng vinh quang bất diệt, cùng các thánh Tử Đạo chúng con ở trên trời. Amen’.

------------------------

(1) Kinh Sách, Các Bài Đọc tập IV, Mùa Thường Niên, lễ Các Thánh, Bài giảng của Thánh Bênađô tr. 667-668.

(2) Sd, Bài thư thánh Phaolô Rm 8,18-39, tr.742-743.

(3) Sd, Bài giảng của thánh Síprianô, tr. 744-745.

(4) Sd, Bài giảng của thánh Âutinh, giám mục, tr.748-750.

(5) Vũ Thành ‘Dòng Máu Anh Hùng’ 1,2,3, nxb Thanh Sinh Công, Hoa Kỳ, 1987. Trong bài này chúng tôi trưng dẫn nhiều và viết tắt là (DMAH 1, 2, 3 tr…). Chúng tôi trích dẫn hoặc dựa theo bộ sách của cha Vũ Thành, vì đọc các chú giải hay thư mục ở phần cuối của mỗi cuốn sách, chúng tôi yên tâm về nguồn liệu lịch sử liên hệ đến Giáo Hội Việt Nam mà cha đã dày công nghiên cứu và xử dụng.

(6) Toan Ánh, Nếp Cũ ‘Tín Ngưỡng Việt Nam’ cuốn thượng, 19?, tr. 122-230. xem: Tạ Chí Đại Trường ‘Thần, Người và Đất Việt’, nxb Văn Nghệ, Hà Nội, 1989.

(7) Nam Thiên, ‘Kinh Việt’ I, nxb Hoa Tiên Rồng, Australia, 1998.

Thánh Augustin Schoeffler

Linh Mục Thừa Sai Balê (+1851)