Tại Lampedusa, Đức Thánh Cha nhấn mạnh nhu cầu phải chăm sóc cho những ai đang đau khổ

Hai câu hỏi này, một cho A-đam sau khi không vâng lời, và một cho Ca-in, sau khi hắn giết em, đều được Thiên Chúa hỏi, Đức Thánh Cha nói trong bài giảng của Thánh Lễ ngoài trời tại hòn đảo Ý mang tên Lampedusa.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã thăm viếng hòn đảo này nằm cách Tunisia 75 dặm trong một chuyến viếng thăm nhắm vào hàng ngàn người di cư từ Phi Châu đã vào nước Ý qua đảo Lampedusa để tìm kiếm một đời sống tốt đẹp hơn. Trong số những người đã vượt biển để đến hòn đảo Ý này trong nhiều năm qua, có khoảng 20.000 người đã chết trên biển. Trước khi đến nơi, Đức Thánh Cha đã thả một vòng hoa giữa biển để tưởng niệm những người đã thiệt mạng.

Đức Thánh Cha nói vào đầu bài giảng: Hai câu Chúa hỏi ngày nay còn vang vọng hoài. Đây là các câu hỏi nhắc nhớ chúng ta phải chú ý đến những ai đang đau khổ chung quanh chúng ta. Khi nhân loại mất hướng đi, kết quả là xẩy ra các thảm kịch giống như biết bao nhiêu người nam nữ và trẻ em đã chết đuối trên biển cả.

"Em ngươi đâu rồi?" Chúa phán: “Máu nó đang kêu thấu tới Ta.” Đức Thánh Cha trích dẫn bài đọc một: “Đây không phải là một câu để hỏi người khác; mà là câu hỏi đặt cho tôi, cho các bạn, cho mỗi người chúng ta. Những người anh chị em chúng ta đang cố gắng trốn thoát những hoàn cảnh khó khăn để tìm một sự an bình; họ đang tìm kiếm một nơi chốn tốt hơn cho họ và gia đình, nhưng lại phải chịu chết. Đã biết bao nhiêu lần những người này chỉ gặp phải những hiểu nhầm, từ chối và không tìm được tình liên đới. Và tiếng kêu của họ thấu tới Trời!”

Tuy nhiên, Đức Thánh Cha cũng dùng cơ hội này để cám ơn người dân đảo Lampedusa về tình liên đới của họ đối với sự đau khổ của các di dân. Nhắc lại câu chuyện ngài nói với một người di cư từ Phi Châu, Đức Thánh Cha nói với các tín hữu về thảm trạng họ phải chịu dưới bàn tay của những bọn buôn người và khai thác sự nghèo khó của họ.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Ngày hôm nay không có ai trên thế giới này cảm thấy mình có trách nhiệm; chúng ta đã đánh mất ý thức trách nhiệm đối với những người anh chị em của chúng ta. Chúng ta đã rơi vào tình trạng đạo đức giả của những thầy cả và Lêvi mà Chúa Giêsu mô tả trong dụ ngôn người Samaritanô nhân lành: chúng ta thấy người anh em hấp hối bên lề đường, và có lẽ chúng ta tự nhủ: “Tội nghiệp quá…!, rồi bỏ đi. Không phải bổn phận chúng ta, và như thế chúng ta cảm thấy yên lòng.”

Tình trạng thờ ơ trên toàn cầu

Đức Thánh Cha lưu ý về văn hóa của sự thoải mái khiến cho người ta chỉ nghĩ đến mình và trở thành câm điếc trước những tiếng kêu của những ai đang đau khổ, và kết quả là có “tình trạng thờ ơ trên toàn cầu.”

Đức Thánh Cha nói: “Trong thế giới toàn cầu hóa này, chúng ta đã rơi vào tình trạng thờ ơ toàn cầu. Chúng ta đã quá quen với những đau khổ của người khác: không dinh líu gì đến tôi, không phải việc của tôi!”

Ngài nói: hậu quả của sự thờ ơ trên toàn cầu đã cướp mất nơi chúng ta khả năng để có thể khóc vì những nỗi đau của kẻ khác. Đức Thánh Cha cầu xin Thiên Chúa hãy cất đi “sự thờ ơ của Hêrôđê đang nằm trong tim chúng ta” cũng như xin cho có “ân sủng để biết khóc vì sự thờ ơ của chúng ta, và khóc vì những sự độc ác trong thế giới, và trong tim chúng ta.”

Kế thúc bài giảng, Đức Thánh Cha nhấn mạnh về khía cạnh thống hối của phụng vụ ngày hôm nay trong khi cầu xin Thiên Chúa tha thứ cho “sự thờ ơ của chúng ta đối với bao nhiêu anh chị em chúng ta.”

Đức Thánh Cha cầu nguyện: “Lạy Cha, chúng con xin Cha tha thứ cho những ai thản nhiên và khép kín trong sự an vui của họ đã làm cho tim họ trai đá. Chúng con xin Cha tha thứ cho những ai về quyết định của họ trên mức toàn cầu đã tạo nên các tình trạng đưa dẫn đến các thảm trạng này. Xin tha thứ cho chúng con, Lạy Chúa!”

Đức Thánh Cha kết luận: “Lạy Chúa, ngày hôm nay chúng con cũng vẫn nghe Chúa hỏi:“A đam, ngươi ở đâu?” "Máu của em ngươi đâu?”