Trường thi: CHIM BỒ CÂU

Con chim bồ câu
ngậm cành Oliva,
lượn trên mặt đất vừa mới hiện ra
sau lụt Đại Hồng thuỷ thời Noe.
Trở về tàu báo tin
HOÀ BÌNH trái đất!
Từ đây chim bồ câu thành biểu tượng đẹp nhất
HOÀ BÌNH !
Ngày Chúa Giêsu
chịu phép Rửa dưới dòng sông Jordano,
Vừa lên khỏi nước,
Người liền thấy trời mở ra,
thấy tiếng Chúa Cha
và Thánh Thần dưới hình chim câu
đỗ xuống trên đầu.
Tình yêu là một nhiệm mầu
Vì tình yêu là Thánh Thần Thiên Chúa
Là chính sự sống của Thiên Chúa cao siêu.
Từ đây chim bồ câu mang biểu tượng mới:
TÌNH YÊU.
Đi vào hạnh phúc gia đình
đôi chim câu chung thuỷ và trung tình.
Chúa xuất thân ra đi giảng đạo.
Những dụ ngôn và những lời khuyên bảo:
“Hãy khôn ngoan như con rắn
và đơn thật như chim bồ câu” (Mt 10,16)
Một sứ mệnh mới bắt đầu.
Chim trở thành người đưa thư năm châu tín nhiệm.
Và hôm nay chim bồ câu xuất hiện,
thông tín viên những suy niệm của lòng người.

TÂM ĐỊA CON NGƯỜI.

Chim đang giang rộng cánh trên bầu trời.
Từng vòng lượn như cuộc đời dương thế.
Thời nay, thời xưa và muôn thế hệ
đều đi vào một đường tròn lặng lẽ:
Từ bụi đất lại trở về bụi đất.
Từng lớp người hiện lên rồi biến mất.
Bóng thời gian vùi lấp nhẹ nhàng.
Con người giữa trần gian
như lớp bọt biến tan sau ngọn sóng.
Bọt như tự do giỡn đùa trong ánh nắng.
Càng sóng, bọt càng tung,
biển gầm thét, gió mịt mùng.
Bọt như tranh thủ vẫy vùng
những phút giây ngắn ngủi.
Sóng tình dục khiến bọt thêm ngầu sủi,
sóng mộng mơ dệt bọt cao thành núi.
Rồi sóng và gió lặng im.
Bọt bị nhấn chìm, tan dần ra nước!
Chim bồ câu nhẹ nhàng bay lướt.
Sóng ngầu bọt, cánh chim không hề ướt.
Gió dập dồn không làm lướt đường bay.
Hạnh phúc thay!
Ai cho con đôi cánh
để lướt bay trên sóng trần gian,
để bay về Hừng Đông thẳng hướng vững vàng.
Đôi cánh hồng ân là quà tặng Thiên Đàng.
Cho con đời tự do, nhẹ nhàng, hạnh phúc.
Cuộc sống trần gian bao trùm như nước.
Là môi trường, là điều kiện không thiếu được
cho những gì lặn ngụp bên trong.
Sóng dư luận dồn dập bao quanh.
Sóng là nước, như dư luận là thế gian
nên không thoát nhãn quan trần tục.
Từng nhấn chìm tôm cá biển khơi,
nhưng không nhấn được chim câu trên trời,
giang rộng cánh giữa cuộc đời trong trắng.
Hỡi muôn vàn tia nắng,
từng chan hoà soi bóng chim câu.
Hãy nói đi trên mặt biển sủi ngầu,
chim trôi dạt hay chỉ là bóng hình chim thật?
Biển hiểu sao không trung lồng lộng,
sóng hiểu sao cánh chim giang rộng.
Và thế gian, thấm mùi biển mặn,
sao nghĩ rằng có thể ngăn chặn đường bay?

BIỂN TRẦN GIAN

Chim xoải cánh trên mặt biển bao la,
chỉ có khoảng không và nước.
Một con tàu vượt lên phía trước.
Chim bé nhỏ mà khổng lồ,
tàu khổng lồ mà bé nhỏ.
Vì chim soi mình trên bóng nước.
Tàu chìm mình từng bước tiến lên.
Chim vút như một mũi tên.
Tàu xé nước nặng nề, tiếng động cơ rên!
Chim nhớ lại lời Kinh Thánh:
“Tinh thần nhanh nhẹn
còn xác thịt nặng nề yếu đuối”(Mc 18,34).
Trên mặt đất con người thỏa tình rong ruổi.
Hướng về trời con người thấy mình yếu đuối.
Xác nặng nề không có đôi cánh như chim.
Hồn vươn lên, nhiều khi tính xác thịt nhấn chìm.
Hỡi bồ câu thân yêu,
đôi cánh hồng đáng quý bao nhiêu.
Đôi cánh là cầu nguyện, là lễ toàn thiêu.
Lời Thánh vịnh mong ước đã nhiều:
“Ai tặng mình đôi cánh bồ câu,
mà bay bổng tìm nơi trú ngụ.
Nào thoát đi mãi tận chốn xa vời,
ẩn mình nơi cô quạnh.
Tôi vội vã lên đường ẩn trốn,
tránh phong ba bão tố” (Tv 54, 1-9).
Tàu đi khỏi, biển trở về muôn thuở.
Mênh mông và vắng lặng.
Những âm thanh và hình ảnh
đều đi trong giới hạn.
Chỉ có im lặng
đi đến hết không gian.
Tiếp xúc với Đấng chủ thể vũ hoàn.
Tạo ánh nhìn rõ ràng về đời đời, muôn thuở.
Và im lặng để lắng nghe tiếng Chúa.

(còn nữa)
LM. Phêrô Hồng Phúc