Ngày 12.02.2013, Quốc hội Pháp đã họp phiên trọng thể để biểu quyết ‘minh danh đầu phiếu’ Dự luật ‘Hôn nhân cho mọi người’ (Mariage pour Tous). Kết quả : 329 phiếu ‘thuận’, 229 ‘chống’, 10 vắng mặt và 9 từ chối bỏ phiếu. Năm dân biểu Nhóm xã hội, đa số, biểu quyết ‘chống’ Dự luật này. Ngày 09.04.2013, Thượng nghị viện, với 179 phiếu ‘thuận’ và 157 phiếu ‘chống’, đã biểu quyết thông qua điều 1 quan trọng vì cho phép đám cưới giữa hai người cùng một giới tính. Ngày 12.04.2013, bằng lối giơ tay (bất bình thường cho một đầu phiếu long trọng), các nghị sĩ đã biểu quyết ‘thuận’ Dự luật mà dư luận không biết vị nào ‘đồng ý’ hay ‘chống’ Đám cưới đồng tính.

Sự kiện này xảy ra trong khi nước Pháp đang rơi vào cuộc khủng hoảng chánh trị. Ông Francois Hollande, người tự xưng là Tổng thống ‘bình thường’ (Président normal), đang tìm cách làm cho người Pháp quên đi chính mình là ngưòi đã chọn ông Jérôme Cahuzac vào chức vụ Tổng trưởng đặc trách Ngân sách bằng tuyên bố ‘Đạo đức hóa’ (moralisation) các chính trị gia. Do đó, không khéo, ông đang gây cho người dân Pháp cái cảm tưởng ‘tất cả các chính trị gia đều thối nát (pourris)’.

I.- HÔN NHÂN hay ĐÁM CƯỚI.

Trong bài ‘Đặc tính hôn nhân dưới góc nhìn nhân học’, Tiến sĩ Đặng Thị Kim Oanh viết : « Trong tiếng Việt, Hôn nhân được ghép bởi hai từ gốc Hán là hôn và nhân: Hôn ((婚) là bố mẹ cô dâu (khác với hôn “昏” là buổi chiều, không có bộ nữ “女”), nhân ((姻) là bố mẹ chú rể. Hôn nhân là việc cha mẹ đôi bên lấy vợ gả chồng cho con. [Đòan Văn Chúc, 2004, 185-186] ».

Theo luật tự nhiên, con người khi cơ thể trưởng thành, bản năng tình dục thúc đẩy hai người có giới tính khác nhau phối hợp để sinh sản, bảo tồn nòi giống và, đương nhiên, tạo thành mối giây tử hệ (filiation) mà trong đó con cháu được thừa hưởng (di truyền) di sản sinh lý của cả cha và mẹ, tức quan hệ giới tính (mating) để sinh sản con người theo nghĩa sinh vật thì không cần có hôn nhân cũng vẫn thực hiện được.

Từ ngàn xưa, nhờ con người có Lý trí và Tự do, nên Hôn nhân là biến cố đánh dấu khởi đầu tiến trình xây dựng, củng cố và phát triển gia đình giữa một người nam và một người nữ, vừa liên quan chặt chẽ tới toàn bộ hệ thống xã hội, ảnh hưởng trực tiếp thường xuyên đến cuộc sống mỗi cá nhân, vừa biểu hiện sinh động sắc thái văn hóa dân tộc. Do đó, nó không chỉ là sự thừa nhận tính hợp pháp của quan hệ giới tính mà còn mang nhiều ý nghĩa văn hóa-xã hội khác.

A)- Tự do yêu đương hay tự do luyến ái.

Lợi dụng khoái cảm mà Tạo Hóa ban thưởng cho hai vợ chồng trong việc hợp tác với Ngài để chu toàn trách duy trì nòi giống, nhiều người tìm thú vui trong việc kết hợp vợ chồng ngoài hôn nhân. Ngoài ra, vợ chồng còn có nghĩa vụ bổ túc và tương trợ lẫn nhau, cộng tác để hoàn thành nhiệm vụ sinh sản, nuôi dưỡng và giáo dục các con.

Tự do luyến ái là chủ trương của đa số những người sống trong tình trạng vô chính phủ (phản đối việc các cố gắng kiểm soát các vấn đề tình dục...), sự can thiệp của các Giáo hội hay thông qua những phép tắc trong quan hệ và hôn nhân cùng như những lễ giáo phong kiến, truyền thống.

Cụm từ ‘tự do tình dục’ (sexual liberation, tiếng Anh và liberté sexuelle, tiếng Pháp) đã từng được dùng từ cuối thập niên 1920 tại Tây phương và thường do ảnh hưởng bởi các tác phẩm của Freud về những vấn đề tự do tình dục và tâm lý-tình dục. Trong suốt thập niên 1960, quan điểm của xã hội về tình dục đã bắt đầu thay đổi báo hiệu những qui tắc biểu hiện tình dục mới. Từ năm 1968, ‘tự do tình dục’ bùng mạnh do chủ trương tình dục là một hiện tượng sinh học tự nhiên không kiềm nén, như thử nghiệm tình dục trước và ngoài hôn nhân, ngừa thai, khỏa thân nơi công cộng và tự do hóa phá thai… Khi cái tôi cá nhân được đề cao thái quá thì chuyện tình dục trước quần chúng sẽ xảy ra và tạo ra một hiện tượng xuống cấp về đạo đức của xã hội.

Sự xuất hiện virus gây chết người AIDS (tiếng Mỹ) hay SIDA (tiếng Pháp) vào những năm 1980 đã làm thắng đà tiến của tình yêu tự do. Sau đó, có những nhận định cho rằng xã hội phương Tây, sau cơn lốc của cách mạng tình dục, hiện đang dần bình lắng và quay trở lại với những giá trị gia đình bền vững và tình dục truyền thống.

B)- Đồng tính luyến ái.

Những người đồng tính (Gay, tiếng Anh, chỉ người nam, Lesbian là người đồng tính nữ) là các người thích liên hệ tình yêu hay tình dục với những người cùng giới tính trong hoàn cảnh nào đó hoặc một cách lâu dài. Đó là một trong ba dạng thiên hướng tình dục chính của con người, cùng với song tính luyến ái và dị tính luyến ái. Theo khoa học, không thể chọn lựa thiên hướng tình dục vì đó là kết quả tác động phức tạp bởi các yếu tố bẩm sinh và môi trường. Những nghiên cứu chỉ ra rằng đồng tính luyến ái là do sự đa dạng của tình dục loài người và nó không phải là nguyên nhân dẫn tới ảnh hưởng tâm lý xấu. Do đó, đã có những kỳ thị và phân biệt đối với đồng tính và song tính luyến ái.

Về vấn đề này, chúng tôi xin có 2 đề nghị :

1.- Chúng ta không được kỳ thị và phân biệt đối xử với những người này vì chúng ta được mời gọi ‘thương yêu tha nhân như chính mình’ và, thông thường, thật rất ít ai không thương chính mình. Họ quyền tự do sống chung với sự đồng tính và song tính luyến ái.

2.- Tuy nhiên, trong khi tôn trọng sự tự do lối sống luyến ái đó của họ, ước mong mọi người nên hiểu và công nhận ‘hôn nhân’ là định chế truyền thống kết hợp giữa một người nam và một nữ theo đúng luật tự nhiên. Cũng theo luật tự nhiên, các con trẻ cần thiết được nuôi dưỡng và giáo dục bởi một người cha và một người mẹ.

Hơn thế nữa, tại Pháp, những người đồng tính đã được bảo vệ quyền lợi bằng Thỏa ước dân sự liên đới (Pacte civile de solidaté đã được đề nghị bởi chính phủ Lionel Jospin và thông qua bởi Quốc hội đa số xã hội năm 1999. Nếu Thỏa ước dân sự này thiếu sót, nay chỉ cần biểu quyết thêm những qui định mới thêm vào. Đâu cần phải ‘lạm phát’ bằng thêm một bộ luật mới vừa tăng tranh cải vừa phí phạm ngân sách quốc gia.

II.- NHỮNG BẤT CÔNG.

A.- Quyền lợi và Nghĩa vụ phải tương đồng.


Tất cả các lãnh đạo đảng xã hội, từ Tổng thống đến các nghị sĩ, dân biểu, đều tự mãn về việc mang lại sự bình đẳng về quyền lợi cho những cặp đồng tính, nhưng không bao giờ nghe họ nói đến sự bình đẳng về nghĩa vụ mà những vợ chồng phải đảm nhiệm trong việc sinh sản, nuôi dưỡng và giáo dục con cái. Quỹ Trợ cấp Gia đình đang bị khiếm hụt khoảng 2 tỷ euro và số này đang gia tăng vì số người thất nghiệp tăng, số tiền đóng góp vào Quỹ phải giảm. Những gia đình có nhiệm vụ tái tạo thế hệ dân mới cho nước Pháp xứng đáng để hưởng trợ cấp. Chiếc bánh ‘Trợ cấp Gia đình’ vừa đang bị nhỏ dần, lại sẽ phải chia cho nhiều người hơn… Bất công ngày càng gia tăng theo tỉ lệ chính phủ xã hội đang đòi bớt.

B.- Việc nhận con nuôi của các cặp đồng tính gây thêm phiền phức cho đứa trẻ vì quyền tự do hai cha hay hai mẹ của nó bị tước đoạt.

Làm sao để gọi là ‘một cặp’ khi hai ông hay hai bà không thể tự họ có con, nhưng phải nhờ đến người thứ 3 nhờ phương pháp thụ tinh nhân tạo cho các bà hay 4 người khi nhận con nuôi. Nhận thức những lý do đó, 56% người Pháp được phỏng vấn cho biết chống lại việc cho những cặp đồng tính nhận con nuôi. Đó là kết quả của cuộc Thăm dò dân ý thực hiện ngày 02 và 03.04.2013 bởi Viện thống kê CSA, với mẫu số 993 người trên 18 tuổi, cho đài BFMTV phát hình ngày 04.04.2013. Nhắc lại, Thăm dò dân ý tháng 12.2012, số bách phân này chỉ là 48% và tăng lên 52% trong tháng 01.2013.

C.- Chính quyền từ chối thảo luận công cộng.

Họ cho rằng khi ông Francois Hollande được cử tri Pháp tín nhiệm vào chức vụ Tổng thống là người Pháp đã đồng ý với chương trình đề nghị 60 điểm của ông, trong đó đám cưới đồng tính mang số 31. Nhưng nhìn lại những đề nghị đó, chúng ta thấy những lời hứa chính, quan trọng hơn đám cưới đồng tính vì đã ảnh hưởng xấu đến đa số dân chúng qua những con số người thất nghiệp gia tăng hàng tháng hay mãi lực giảm ngày qua ngày, đã không được thực hiện :

1. Ông Hollande hứa mức tăng trưởng kinh tế Pháp trong năm 2013 sẽ không ít hơn 0,8% so với năm trước. Nay các con số dự đoán tăng trưởng này cho năm nay chỉ ở mức 0,1%, có nghĩa là đình trệ kinh tế ;

2. Ông hứa thâm hụt ngân sách năm 2013 sẽ được giảm xuống còn 3% Tổng sản lượng nội địa (TSLNĐ), Thực tế, mức này sẽ là 3,7% TSLNĐ cho năm nay và 3,9% vào năm 2014. Do đó, ông hứa đến năm 2015, gánh nặng nợ công sẽ vào khoảng 91,5% TSLNĐ, nay được đoán sẽ là 95% ;

3. Khi tranh cử năm 2012, ông hứa không tăng thuế vào năm 2013. Nhưng Bộ Kinh tế và Tài chính đang tìm mọi cách để kiếm thêm chừng 5 hay 6 tỷ euro. Trong những ngày này, tờ khai thuế lợi tức đang đến các thùng thư nhà chúng ta, các ‘barèmes’ (biểu thuế) không thay đổi so với năm trước, tức số tiền thuế tăng hơn.

D. Điểm đáng lo ngại.

Như nói trên, nhà cầm quyền vẫn từ chối thảo luận, mặc dù những cuộc biểu tình đông đảo chống dự luật đã nhiều lần diễn ra, mà chỉ đòi chờ chung quyết của cơ quan Lập pháp. Nhưng tại Thượng nghị viện, nơi đảng xã hội có đa số thật thấp, khi biểu quyết chung cuộc long trọng, lại biểu quyết bằng ‘giơ tay’ bị những người chống coi như ‘hold-up’ (cướp). Tiếp theo, dự luật phải trở về biểu quyết lần thứ hai thường có thời hạn là một tháng nay chỉ còn 3 ngày, tức thứ tư 17.04.2013. Dư luận cho rằng Hành pháp đang tìm một ‘thắng lợi’ để che đậy vụ Jérôme Cahuzac hay vụ ba Tổng trưởng đang đòi thay đổi đường hướng về kinh tế. Do đó, các cuộc biểu tình có thể trở nên quyết liệt hơn, có thể trở thành không kiểm soát : hiến binh dùng hơi cay, các phần tử quá khích chống trả bằng ‘bạo lực’.