Thánh Inhã và các thần học gia vĩ đại của Vatican II
Vũ Văn An2/2/2013
________________________________________
Hồng y kiêm thần học gia Dòng Tên, Avery Dulles, không khỏi thiên vị khi đặt câu hỏi: thần học hiện đại sẽ đi về đâu nếu không có các công trình của Pierre Teilhard de Chardin (1881-1955) và Henri de Lubac (1896-1991) của Pháp, Karl Rahner (1904-84) của Đức, Bernard Lonergan (1904-84) của Gia Nã Đại và John Courtney Murray (1904-67) của Hoa Kỳ. Tất cả đều là con cái của Thánh Inhã đệ Loyola, thánh tổ Dòng Tên. Một thần học gia vĩ đại khác của Thế Kỷ 20 là Hans Urs von Balthasar (1905-88), người Thụy Sĩ, cũng có thể được xếp vào hàng ngũ này, bởi Balthasar vốn mài đũng quần trên ghế tu viện Inhã và từng là tu sĩ Dòng Tên trong nhiều thập niên. Sau khi đậu tiến sĩ tại Đại Học Zurich vào năm 1929, Balthasar gia nhập Dòng Tên và được thụ phong linh mục trong Dòng vào năm 1939, tại Munich. Những ngày sắp xảy ra Thế Chiến Hai, ngài bó buộc phải trở về Thụy Sĩ. Ở đấy, ngài trở thành tuyên úy sinh viên tại Đại Học Basle. Và cũng ở đấy, ngài gặp Adrienne von Speyr, một nhà vật lý mới trở lại Đạo Công Giáo, với một thiên bẩm huyền nhiệm diệu kỳ. Khoảng mười năm sau, Balthasar bỏ Dòng Tên để cùng Speyr sáng lập một tu hội đời.

Theo Dulles, những người khổng lồ về tâm trí này hiển nhiên thuộc hàng ngũ tiên phong của Công Đồng Vatican II và, trừ Teilhard, người qua đời vào năm 1955, tất cả đều là những nhà giải thích hàng đầu của Công Đồng này. Nhưng nếu hỏi những người này có gì chung với nhau, câu trả lời hiển nhiên hẳn phải là: tất cả đều được đào luyện bằng Linh Thao và giáo huấn của Thánh Inhã, người mà họ nhận làm vị hướng dẫn tâm linh. Teilhard de Chardin, Rahner, de Lubac và Balthasar cho ta thấy rõ cái phổ hệ trí thức này.

De Lubac, trong một cuốn sách nhỏ về Teilhard de Chardin, từng ghi nhận rằng cuốn The Divine Milieu (Lãnh Vực Thần Linh) tràn ngập các điểm nhấn của Thánh Inhã như tình yêu say đắm đối với Chúa Giêsu, lòng khát mong cháy bỏng đối với Nước của Người và tinh thần mạnh dạn dám đưa ra những kế sách vĩ đại để phục vụ Người (Teilhard de Chardin: The Man and His Meaning). Balthasar, trong một tác phẩm về de Lubac, ghi nhận tính trung tâm của Giáo Hội trong tầm nhìn thần học và các nhận định của tác giả này: “Người ta có thể chứng minh được rằng cái trung tâm này, tức cái kênh tinh ròng để chuyên chở các ơn phúc cách tinh trong, cũng chính là tâm điểm của tinh thần Inhã. Henri de Lubac vốn sống một cách thân thiết trong và nhờ tinh thần này đến nỗi đã không ngần ngại trích dẫn vị sáng lập của mình rất nhiều trong số các chú dẫn (The Theology of Henri de Lubac: An Overview). Thực ra nói như thế cũng chưa đủ. Như sẽ thấy, trong cuốn The Splendor of the Church, de Lubac không những tham chiếu cuốn Linh Thao mà cả cuốn “Thư về Vâng Lời” nữa của Thánh Inhã.

Nói về mình, Balthasar cũng đã hân hoan mô tả lòng biết ơn trong tư cách thần học gia đối với Thánh Inhã. Chính ngài đã dịch cuốn Linh Thao sang tiếng Đức. Nói về thời gian tu học tại Lyons, Balthasar viết: “… hầu hết chúng tôi được Linh Thao đào luyện; đó là trường học vĩ đại của chiêm niệm qui Kitô, của chú tâm vào lời tinh ròng và bản vị chứa đựng trong Tin Mừng, của cam kết suốt đời cố gắng bước theo chân…” (My Work in Retrospect). Ngài cho rằng Linh Thao cung cấp cho ta “cái cốt lõi đầy đặc sủng của nền thần học mạc khải có thể cung ứng câu trả lời siêu đẳng cho mọi vấn đề của thời đại từng làm người Kitô hữu kinh hoàng”.

Trong một cuộc phỏng vấn lúc 75 tuổi, Rahner cho rằng “… so sánh với các nền triết và thần học khác từng ảnh hưởng tới tôi, linh đạo Inhã quả có ý nghĩa và có tầm quan trọng lớn hơn… Thiển nghĩ: linh đạo của Thánh Inhã, mà tôi học được nhờ thực hành việc cầu nguyện và việc đào luyện tu đức, đối với tôi quan trọng hơn mọi thứ triết học và thần học học được ở bên trong cũng như ở bên ngoài nhà dòng” (cuộc phỏng vấn ngày 3/10/79 tại Hoa Kỳ, in lại trong Karl Rahner in Dialogue).

Những lời ca ngợi trên của các thần học gia thế kỷ 20 quả đáng ngạc nhiên, vì dù là một nhà lãnh đạo tâm linh vĩ đại, Thánh Inhã ít khi được nhắc đến trong lịch sử thần học Công Giáo. Ngài chưa bao giờ có cao vọng được kể là một nhà thần học độc đáo. Để huấn luyện các sinh viên Dòng Tên, ngài chỉ khuyên nên dùng học thuyết của Thánh Tôma Aquinô. Thay vì kêu gọi canh cải, ngài chỉ thị cho các giáo sư Dòng Tên phải gắn bó với các ý kiến an toàn nhất và được chấp nhận rộng rãi nhất, tránh các tác phẩm và các tác giả bị nghi ngờ.

Điều gợi hứng cho tính sáng tạo của các thần học gia hiện đại chủ yếu không phải là các quan điểm thần học của Thánh Inhã cho bằng huyền nhiệm học của ngài. Các tác giả hiện đại thường coi nền huyền nhiệm này có tính qui Kitô, nghĩa là lấy Chúa Kitô làm tâm điểm, một nền huyền nhiệm có tính bí tích và là một nền thần học có tính giáo hội. Họ cũng nhắc tới huyền nhiệm học phục vụ, huyền nhiệm học kính yêu, huyền nhiệm học Thánh Giá và huyền nhiệm học biện phân của Thánh Inhã. Trong khi nhiều nhà huyền nhiệm khác tìm được sự hiệp thông với Thiên Chúa qua việc rút lui khỏi hoạt động trần thế, thì điều ngược lại đã xẩy ra với Thánh Inhã. Ngài chủ yếu tìm sự hợp nhất với Thiên Chúa bằng cách ở lại trong các lẽ huyền nhiệm mà qua đó Thiên Chúa đã tự tỏ mình ra trong thế gian, nhất là mầu nhiệm nhập thể của Chúa Con trường cửu. Đó là một huyền nhiệm học hành động, nhờ đó, ta kết hợp với sứ mệnh của Chúa Kitô trong Giáo Hội.

Bốn chủ đề sau đây của Linh Thao đã đặc biệt gợi hứng cho các thần học gia vĩ đại trên của thế kỷ 20: tìm thấy Chúa trong mọi sự, tính cận kề (immediacy) Thiên Chúa của linh hồn, vâng lời giáo hội và cuối cùng ơn gọi vinh danh Chúa Kitô bằng cách tự ý và đầy yêu thương phó thác trong tay Người. Nói cách khác, đó là các chiều kích vũ trụ (cosmic), qui thiên (theistic), qui giáo hội và Kitô học của Linh Thao, như người ta thường nói.

Tìm thấy Thiên Chúa trong mọi sự

Tuy trong các trước tác của Thánh Inhã, ta không tìm được từng chữ kiểu nói “tìm thấy Thiên Chúa trong mọi sự”, nhưng trong Linh Thao, các thư của Thánh Inhã và bản hiến pháp ngài viết cho Dòng (thí dụ Hiến Pháp, điều 288), ta thấy nhiều kiểu nói tương tự như thế.

Trong “Nguyên Tắc và Nền Tảng Thứ Nhất” ở đầu cuốn Linh Thao, Thánh Inhã dạy rằng đau yếu hay khỏe mạnh, nghèo khó hay giầu có, ô nhục hay vinh quang, yểu mệnh hay trường thọ, đều được dùng làm phương tiện cho việc kết hợp với Thiên Chúa, một việc kết hợp nhằm cứu rỗi ta đời đời (số 23). Trong “Xét Mình”, ngài viết rằng những ai đã tiến xa trong cuộc sống thiêng liêng thì luôn luôn chiêm ngưỡng Chúa là Thiên Chúa của ta “trong mọi tạo vật” (số 39). Trong “Chiêm Niệm để Có Được Tình Yêu Thiên Chúa” ở cuối cuốn Linh Thao, Thánh Inhã suy niệm về việc Thiên Chúa cư ngụ ra sao trong mọi tạo vật, nhất là trong con người nhân bản vốn được dựng nên “giống hình ảnh và họa ảnh Thiên Chúa” (số 235). Thực thế, theo ngài, Thiên Chúa không những hành động trong các con người nhân bản, mà Người còn hành động trong mọi yếu tố, cây cỏ và giống vật nữa (số 236). Căn cứ vào những câu này và nhiều câu tương tự khác, rõ ràng ngài muốn nói: Thiên Chúa có thể được tìm thấy trong mọi sự.

Đệ tử cận kề của Thánh Inhã là Jerome Nadal (1507-80) cho rằng ngài được phú ban một ơn đặc biệt “có thể nhìn ra và chiêm ngưỡng dung nhan Thiên Chúa và tình yêu đối với các sự việc thiêng liêng trong mọi sự, mọi hành động và lời nói của mình; ngài có thể chiêm niệm ngay trong lúc hành động”. Nadal tin rằng chiêm niệm trong lúc hành động và tìm thấy Thiên Chúa trong mọi sự là các ơn đặc biệt hay các đặc sủng hết sức đặc thù của Dòng Tên.

Trong số các tác giả Dòng Tên hiện đại, không ai ca ngợi sự hiện diện khắp nơi của Thiên Chúa một cách hùng hồn bằng Pierre Teilhard de Chardin, trong công trình đã trở thành cổ điển, Lãnh Vực Thần Linh, được ấn hành bằng tiếng Anh năm 1960. Theo tác giả, công trình này được viết ra với ý định giúp độc giả “biết cách tìm thấy Thiên Chúa ở khắp nơi, thấy Người trong tất cả những sự vật bí ẩn nhất, rắn chắc nhất và tối hậu nhất trong vũ trụ”. Teilhard tuyên bố rằng: lãnh vực thần linh “tự tỏ mình cho ta như một sức biến đổi đối với bản chất sâu xa của sự vật”, một biến đổi không làm khác đi các hiện tượng khả niệm, nhưng khiến chúng ra lung linh và mỏng manh (diaphanous), đến nỗi trở thành những tỏ hiện của thần linh (epiphanies of the divine).

Trong các chương kế tiếp, Teilhard giải thích cách tìm thấy Thiên Chúa trong các kinh nghiệm tích cực của thành công, và trong các kinh nghiệm tiêu cực của thất bại. Ngài chủ trương rằng Thánh Giá giúp bệnh hoạn và chết chóc trở thành các nẻo đường dẫn tới chiến thắng. Nền linh đạo của Teilhard là nền linh đạo huyền nhiệm bao gồm việc xa lánh mọi tạo vật để kết hợp với Đấng Thần Linh. Như ngài đã viết trong một lá thư riêng đề ngày 22 tháng 10 năm 1925: “Dù sao, chỉ có một điều duy nhất đáng kể là ‘thấy’ Chúa ở bất cứ nơi nào”. Mục sư Thệ Phản Georges Crepsy nhận định rất đúng rằng: “Ta dễ nhận ra gợi hứng của Thánh Inhã nơi Lãnh Vực Thần Linh”.

Đối với Teilhard, việc nhận ra dung nhan phổ quát của Thiên Chúa không phải chỉ là một nguyên tắc tu đức đối với đời sống nội tâm của ngài. Nó còn gợi hứng cho cố gắng cả đời của ngài nhằm bắc một nhịp cầu giữa đức tin Kitô Giáo và khoa học hiện đại. Sau khi suy niệm sâu xa về Vương Quốc Kitô, như đã được trình bày trong Linh Thao, Teilhard bùng cháy một nỗi khát mong sâu xa được nổi lửa tình yêu Chúa Kitô nơi mọi sự vật (xem Henri de Lubac, The Religion of Teilhard de Chardin).

Với ngọn lửa truyền giáo ấy, ngài thấy thế giới khoa học mời gọi ngài như một mảnh đất mới cần được phúc âm hóa. Năm 1926, sau khi nghe bài thuyết trình trước đó của một giáo sư Harvard về buổi bình minh của lý thuyết biến hóa, ngài viết trong một lá thư: “Dù thoạt đầu ý niệm này có xa vời bao nhiêu chăng nữa, cuối cùng tôi cũng nhận ra rằng hic et nunc (ngay tại đây và lúc này), Chúa Kitô không còn xa lạ đối với các vấn đề từng làm cho Giáo Sư Parker lưu ý nữa: Chỉ cần một vài bước trung gian nữa là đủ để nền tâm lý học duy nghiệm của ông chuyển thành một nhãn quan linh đạo nào đó. Việc nhận ra này làm tôi lên tinh thần. Ôi, có những người thổ dân (indies) đang lôi cuốn tôi mạnh hơn các thổ dân của Thánh Phanxicô Xaviê nhiều”.

Các nhà truyền giáo Dòng Tên tiên khởi đã tìm cách thích ứng tất cả những gì lành mạnh trong các nền văn hóa Ấn Độ và Trung Hoa thế nào, thì Teilhard cũng đã tìm cách sử dụng các khám phá tân kỳ của khoa học làm cửa ngõ đưa người ta vào niềm tin đối với mạc khải Kitô Giáo như vậy. Trong niềm hứng khởi của ngài, Teilhard quan niệm Chúa Kitô như Điểm Omega mà mọi năng lực tôn giáo và khoa học đều hội tụ vào. Giả thuyết này chắc đi quá xa tất cả những điều Thánh Inhã từng nói hay từng tưởng tượng, nhưng rất có thể nó là cách nói quá của một thị kiến qua đó Thánh Inhã thấy Chúa Kitô vinh quang trong tư cách “Chúa trường cửu của muôn loài” (Linh Thao, số 98); nó nhắc ta nhớ tới những chân trời đầy phổ quát tính trong các suy niệm về Vương Quốc Kitô, về Nhập Thể và về Hai Lá Cờ.

Bất chấp tổng hợp của Teilhard có yếu ớt như thế nào, thì người ta cũng không có quyền coi nó như một quan điểm duy tục. Ngài minh nhiên cảnh báo chống lại sai lầm này: “những nền huyền nhiệm duy cảm và một số chủ thuyết tân-Pêlagiô (tự sức mình, không cần Thiên Chúa, như chủ thuyết Duy Mỹ [Americanism])… mắc sai lầm ở chỗ đã đi tìm tình yêu Thiên Chúa và Nước của Người trên cùng một bình diện như đi tìm các xúc cảm và tiến bộ nhân bản” (The Divine Milieu). Đối với ngài, Chúa Kitô mà mọi sự vật đều hội tụ về không là đấng nào khác mà chính là Chúa Giêsu lịch sử, Đấng đã bị đóng đinh dưới thời Phôngxiô Philatô. Khi nói tới việc hội tụ mọi tôn giáo, ngài thêm rằng: các tôn giáo này phải hội tụ trên trục Kitô: bởi “các tín ngưỡng khác thấy nơi đức tin vào Chúa Kitô biểu thức chân chính nói lên điều họ đã và đang tìm kiếm xưa nay trong hành trình mò mẫm tìm đường tiến tới cõi thần linh”. Trong một tham luận tựa là “Tôi Thấy Cách Nào”, Teilhard trình bày Giáo Hội Công Giáo như “chiếc trục chính của sự hội tụ phổ quát và là điểm chính xác diễn ra cuộc hội tụ của Vũ Trụ và Điểm Omega”. Bác bỏ bất cứ hình thức chiết trung mơ hồ nào, ngài nhấn mạnh rằng Kitô Giáo là nguyên chủng (phylum) qua đó việc biến hóa của các tôn giáo phải bước qua để hoàn thành mục tiêu của mình. Năm 1948, từ Rôma, ngài viết: “Chính tại đây, tại Rôma này, ta thấy cái cực qui Kitô của trái đất; tôi muốn nói, cái trục đi lên của việc nhân hóa (hominization) phải chạy qua Rôma”. Như ta sẽ thấy, nền linh đạo qui Giáo Hội và qui Rôma này cũng có tính hoàn toàn Inhã.

Tính cận kề trực tiếp với Thiên Chúa

Chủ đề thứ hai của Linh Thao là tính cận kề trực tiếp với Thiên Chúa của linh hồn. Trong “Ghi Chú dành cho Vị Linh Hướng” ở phần dẫn nhập của Linh Thao, Thánh Inhã khuyên vị linh hướng hạn chế, đừng ép người tĩnh huấn chọn lối sống hoàn hảo hơn. Ngài viết: “Cách thích hợp và tốt hơn là để Đấng Hóa Công và là Chúa đích thân thông đạt chính Người cho linh hồn đạo hạnh đang đi tìm ý của Người, và để Người làm rực lên ngọn lửa yêu thương Người trong linh hồn ấy”. Bởi thế, vị linh hướng nên “để Đấng Hóa Công trực tiếp xử sự với tạo vật, và để tạo vật trực tiếp xử sự với Đấng Hóa Công và là Chúa của nó” (Số 15).

Sau này, Thánh Inhã tuyên bố: khi chọn một lối sống, cá nhân nên chuyên chăm hướng về việc cầu nguyện trước nhan Chúa (Số 183) và tự lượng giá xem liệu xu hướng mà họ cảm thấy đang thiên về một lựa chọn nào đó có đơn giản phát xuất từ trên cao, nghĩa là từ chính tình yêu Thiên Chúa hay không (Số 184). Chúa rất có thể hành động trực tiếp trên linh hồn, ban cho họ niềm vui và niềm an ủi thiêng liêng mà con người chúng ta chưa chuẩn bị đón nhận bằng bất cứ tri thức hay nhận thức nào có trước (các số 329-330). Vì chỉ một mình Chúa mới có thể hành động cách đó, nên sự an ủi trên chắc chắn là dấu chỉ ý của Người (Số 336).

Trong số các thần học gia hiện đại từng dựa vào chủ đề này của Thánh Inhã, không vị nào minh nhiên bằng Karl Rahner. Dựa trên cơ sở Thiên Chúa có thể lôi cuốn linh hồn vào với Người một cách đột ngột và hoàn toàn, Rahner cho rằng tâm trí con người có thể cảm nghiệm được Thiên Chúa, khi Người tức khắc ban Người cho ta trong ơn thánh. Rahner đã dựa vào triết lý siêu việt bắt nguồn từ công trình của tu sĩ Dòng Tên người Bỉ là Joseph Maréchal (1878-1944) để đọc lại Thánh Tôma Aquinô.

Ý niệm nền tảng của triết lý Maréchal là: tinh thần con người, dù nhận biết các đối tượng trong vũ trụ nhờ kinh nghiệm giác quan, nhưng quá bên kia các đối tượng này, đã hướng tới một mầu nhiệm thần linh không thể đối tượng hóa được. Theo Rahner, toàn bộ công trình của thần học phải được duy trì và lên năng lực “nhờ tính tương quan bất chủ đề (unthematic relatedness), hoàn toàn siêu việt trước đó của trọn bộ khả năng tri thức của ta với đấng vô hạn không tài nào hiểu nổi”. Ngài bảo: “ý nghĩa của mọi nhận thức minh nhiên về Thiên Chúa trong tôn giáo và siêu hình học chỉ có thể khả niệm khi mọi ngôn từ ta dùng trong đó qui về cảm nghiệm bất chủ đề trong xu thế hướng ta tới mầu nhiệm khôn dò” (Foundations of Christian Faith). Mọi phát biểu có tính ý niệm về Thiên Chúa, theo Rahner, chỉ có giá trị nhờ cảm nghiệm phi đối tượng (nonobjective experience) về cõi siêu việt tự tại.

Có thể coi nhận thức siêu việt phi đối tượng về Thiên Chúa này như là chủ điểm trong trọn bộ thần học của Rahner. Như Francis Fiorenza từng nhận định, nó tạo nền cho rất nhiều chủ đề đặc trưng của Rahner, như Thiên Chúa hiện diện với con người trong ơn thánh và mạc khải, “hiện tồn siêu nhiên” ( “supernatural existential”), Kitô hữu nặc danh, sự hợp nhất hữu thể học và tâm lý học của Chúa Kitô, các giới hạn trong nhận thức nhân bản của Chúa Kitô, tính lịch sử của tín điều, và nhiều chủ điểm khác.

Rahner lên khuôn lại nền thần học bí tích dựa trên cơ sở cho rằng chúng không môi giới ơn thánh theo lối sự vật hóa (reified way) mà là đem lại và nói lên một cảm nghiệm ơn thánh bao gồm một tiếp xúc trực tiếp giữa linh hồn và Thiên Chúa. Ngài cảnh cáo chống lại cái cạm bẫy vốn tưởng tượng Thiên Chúa như bị đồng hóa với bất cứ thứ hiện diện tôn giáo được môi giới “một cách phạm trù” (categorically) nào như Thánh Kinh hay bí tích. Dù sao, hình như Rahner muốn nói rằng không hề có chuyện ơn thánh đóng chai!

Dựa trên cơ sở mọi cá nhân đều có thể tiếp xúc trực tiếp với Thiên Chúa qua ơn thánh, Rahner đã khai triển ra một lý thuyết độc đáo về mối tương quan giữa các yếu tố đặc sủng và định chế của Giáo Hội. Ngài chủ trương rằng các đặc sủng, hay các ơn Chúa Thánh Thần, về nguyên tắc, có trước định chế. Thực thế, yếu tố đặc sủng là “cốt lõi (pith) và yếu tính của Giáo Hội”, là điểm trong đó tư cách Chúa của Chúa Kitô được thể hiện một cách trực tiếp và hiệu nghiệm hơn hết. Trong hệ thống của Rahner, các cơ cấu bên ngoài của Giáo Hội được coi là phụ thuộc vào việc tự hiện thực hóa của chủ thể siêu việt nhờ ơn thánh mà đạt được. Các vị giữ trọng trách trong Giáo Hội không được làm tê cứng Chúa Thánh Thần mà phải thừa nhận và phát huy hành động tự do của Người trong Giáo Hội.

Vì chủ trương rằng nội dung tín điều không bao giờ múc cạn được thực tại nó phát biểu, nên Rahner yêu cầu phải rất khoan dung đối với tính đa dạng của học lý trong Giáo Hội. Ngài ủng hộ một Giáo Hội đa hình thức (pluriform) với các cơ cấu có thể thích ứng với nhu cầu địa phương và mau qua. Đối với ngài, các hình thức định chế, trong căn bản, đều phụ thuộc cảm nghiệm bất chủ đề về ơn thánh. Về phương diện này, những ai nghiên cứu Linh Thao đều được nhắc phải nhớ tới cung cách trong đó Thánh Inhã dạy vị linh hướng phải thích ứng các suy niệm theo tuổi, trình độ giáo dục và năng khiếu của người thực hành Linh Thao. Các người tĩnh huấn được khuyến khích thích ứng bất cứ thế thân (posture) nào giúp họ cầu nguyện tốt nhất. Đối với Thánh Inhã, các hình thức và thực hành bên ngoài luôn phụ thuộc các hoa trái thiêng liêng bên trong.

Dựa trên cơ sở tinh thần con người luôn cởi mở đón nhận việc Thiên Chúa tự thông truyền hồng phúc Người, bất cứ họ ở nơi nào, Rahner đã rút ra nhiều kết luận xa hơn. Ngài cho rằng mọi người đều có một cảm nghiệm nào đó về sự hiện diện cận kề tức khắc của Thiên Chúa, có khả năng sống nhờ ơn thánh của Người, ngay cả lúc họ không đạt được một niềm tin minh nhiên vào Thiên Chúa hay vào Chúa Kitô. Trong một thuật ngữ thời danh, Rahner cho rằng cả những người chưa bao giờ nghe công bố Tin Mừng, cũng có thể là các “Kitô hữu nặc danh”. Ta có quyền hy vọng rằng mọi người đều được cứu rỗi.

Rahner phối hợp xác tín của ông về việc có thể tìm thấy Thiên Chúa trong cảm nghiệm siêu việt với chủ trương hết sức đặc trưng của Thánh Inhã về việc Thiên Chúa hiện diện trong mọi sự. Dù nhấn mạnh tới tính ưu vị của cảm nghiệm nội tâm về Thiên Chúa trong thẳm sâu ý thức, Rahner vẫn cho rằng cảm nghiệm này được hiện thực hóa qua các gặp gỡ với các thực tại trần gian. Thể siêu việt không xa xôi diệu vợi; thể ấy liên tục tự môi giới mình qua các kinh nghiệm lịch sử đặc thù.

Trong một tham luận trước đó nói tới “Huyền Nhiệm Học Inhã về Niềm Vui trong Thế Gian”, Rahner ca ngợi việc Dòng Tên khẳng nhận trần gian và các giá trị của nó, có thiên hướng nhìn nhận các thành tựu của văn hóa, biết trân quí chủ nghĩa nhân bản và biết thích ứng trước các đòi hỏi của nhiều tình huống dị biệt. Ngài kết luận rằng: một khi đã khám phá ra vị Thiên Chúa của sự sống bên kia, ta sẽ có khả năng lao mình vào mọi công việc mà thế giới hiện nay đang đòi hỏi nơi ta. Ngài biện luận rằng vì Thiên Chúa luôn linh hoạt trong mọi thời đại và tại khắp mọi nơi, nên ta không cần phải trốn vào sa mạc hay quay về với quá khứ để tìm thấy Người. Bởi thế, giống Teilhard, Rahner cho rằng Thánh Inhã đã đặt nền cho nền thần học đời, một nền thần học khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong các thực tại trần gian.

Và cũng như Teilhard, Rahner nhìn nhận nền thần học Thánh Giá của Thánh Inhã. Ngài nhấn mạnh rằng phải tìm Thiên Chúa không chỉ trong các cảm nghiệm tích cực mà cả trong các cảm nghiệm tiêu cực của nhân sinh, bao gồm thất bại, hất hủi, bệnh hoạn, nghèo khổ và chết chóc. Cuộc khổ nạn và cái chết có tính trung tâm như thế nào đối với công trình cứu chuộc của Chúa Kitô, thì thiếu thốn và từ bỏ mình cũng có thể là những nẻo đường như thế dẫn ta tới việc từ bỏ tối hậu mà ai trong chúng ta cũng phải kinh qua trong cái chết. Thiên Chúa lớn lao hơn cả các thành công và thất bại của ta. Người, Đấng Deus semper maior (Thiên Chúa muôn đời lớn hơn), chính là hy vọng trường cửu của ta.

Vâng lời Giáo Hội

Dù nhìn nhận tính cận kề trực tiếp của linh hồn cá thể đối với Thiên Chúa, Thánh Inhã đệ Loyola hết sức nhấn mạnh tới vai trò trung gian của Giáo Hội. Ngài liên tiếp nói tới Giáo Hội như là Mẫu Thân của Tín Hữu và là Hiền Thê của Chúa Kitô (Linh Thao số 353). Ngài xác quyết “Trong Chúa Kitô, Chúa chúng ta, và trong Hiền Thê Người là Giáo Hội, chỉ có một Thần Khí thống trị” (Số 365). Trong Linh Thao, Thánh Inhã nói tới việc phục vụ Chúa Kitô trong Giáo Hội chiến đấu và ở hai dịp, ngài đã nói tới việc đó như là “giáo hội có phẩm trật” (Số 170, 353), một từ ngữ rất độc đáo của Thánh Inhã. Một dịp khác, ngài còn nói thêm rằng giáo hội có phẩm trật ấy chính là Giáo Hội Rôma (Số 353). Nền huyền nhiệm giáo hội này sẽ được thần học gia Dòng Tên người Pháp là Henri de Lubac, cũng như người bạn và là đệ tử của ngài là Hans Urs von Balthasar, tiếp nối.

Giống Rahner, de Lubac chịu ảnh hưởng nặng nề của Maréchal, người vốn cho rằng tinh thần con người được tạo lập bởi một lực đẩy năng động, khiến nó vượt lên trên mọi đối vật hữu hạn để tìm kiếm thể lớn lao hơn bất cứ sự vật khả niệm nào (xem The Discovery of God). Ngài tin rằng sức năng động đẩy tinh thần con người tới chỗ nhìn thấy Thiên Chúa này vượt xa mọi khẳng định cũng như bác bỏ của cả hai nền thần học tích cực và tiêu cực. Nỗi bất an khôn nguôi của linh hồn hướng về Thiên Chúa này là sức bật đẩy trọn diễn trình tiến tới. Nhận thức sơ nguyên tự đến với nó trong các ý niệm phản tỉnh (reflexive concepts), nhưng các ý niệm này không bao giờ là chung cục cả; chúng luôn chịu phê phán và sửa chữa (xem Balthasar, The Theology of Henri de Lubac).

Dù biết rõ lực đẩy bên trong này, de Lubac không rơi vào chủ nghĩa cá nhân tôn giáo. Tiếp nối truyền thống Inhã coi Giáo Hội như Hiền Thê của Chúa Kitô và như Mẫu Thân của mọi Tín Hữu, ngài quả quyết rằng có một “đồng nhất tính huyền nhiệm” giữa Chúa Kitô và Giáo Hội. Ngài bác bỏ mọi khuynh hướng muốn đặt một tương phản giữa thể huyền nhiệm và thể hữu hình, giữa tinh thần và thẩm quyền hay giữa đặc sủng và phẩm trật. Mặc dù Giáo Hội có chiều kích vô hình, nhưng Giáo Hội cũng hữu hình và có phẩm trật ngay trong yếu tính của mình. Ngài tuyên bố rằng “Không có phẩm trật làm tụ điểm tổ chức, làm người tổ chức và hướng dẫn Giáo Hội” sẽ không thể nói tới một giáo hội (The Splendor of the Church).

Trong một đoạn nổi tiếng của cuốn The Splendor of the Church, de Lubac vẽ cho ta một bức chân dung sáng ngời về một Kitô hữu trung trinh, một người tìm cách trở thành điều Origen gọi là “người của giáo hội thực sự” (true ecclesiastic). Giống Thánh Inhã, người như thế luôn quan tâm tới việc suy nghĩ cùng với Giáo Hội và suy nghĩ bên trong Giáo Hội, luôn vun sới một ý thức liên đới Công Giáo và nhận giáo huấn của huấn quyền làm qui phạm phải theo. Theo de Lubac, người của giáo hội không phải chỉ vâng lời mà còn yêu đức vâng lời, lấy nó làm phương thế chết cho chính mình hòng được tràn đầy chân lý mà Thiên Chúa sẵn sàng tuôn đổ xuống tâm trí ta. De Lubac không tán thành việc chỉ trích và ta thán tiêu cực. Ngài viết: “Ngày nay, khi Giáo Hội đang bị tố cáo, hiểu lầm, chế nhạo vì chính sự hiện hữu của mình và cả vì sự thánh thiện của mình nữa, thì người Công Giáo nên ý tứ kẻo điều họ muốn nói chỉ để làm cho Giáo Hội tốt hơn đã trở thành đầu đề chống lại Giáo Hội”. Một sự tế nhị nhị nào đó nên hạn chế họ đừng chỉ trích công khai. Trong các tuyên bố ấy, de Lubac quả đã vang dội lại giáo huấn của Thánh Inhã trong bài “Những Qui Luật để Suy Nghĩ cùng Giáo Hội” của ngài.

Tiếng Đức Vua kêu gọi

Chủ đề cuối cùng trong Linh Thao từng gây hứng cho các đồ đệ hiện đại của Thánh Inhã là tiếng Chúa Kitô kêu gọi trong bài suy niệm về Nước Chúa. Thánh Inhã chủ trương rằng tất cả những ai có phán đoán tốt đều sẵn sàng hiến thân lao nhọc với Chúa Kitô để được chia sẻ chiến thắng với Người (Số 96). Nhưng những ai muốn trổi vượt về phục vụ hẳn sẽ vui lòng bắt chước Chúa Kitô trong việc chịu đựng mọi bất công, mọi khinh bạc và nghèo khó, để minh chứng tình yêu lớn lao hơn của mình (các số 97-98). Bi hài kịch bước chân theo Chúa Kitô xuyên qua đau khổ để tới chiến thắng cuối cùng là chủ đề chính trong toàn bộ công trình thần học của Hans Urs von Balthasar. Nền thần học mạc khải của Balthasar xoay quanh việc tự tỏ mình ra của Thiên Chúa uy linh, một chủ đề được ngài nối kết với khẩu hiệu của Thánh Inhã: ad maiorem Dei gloriam (Để Thiên Chúa Được Vinh Quang Hơn). Balthasar chủ trương rằng vinh quang của Thiên Chúa tràn ngập và làm ngây ngất tất cả những ai thấy nó. Mà tột đỉnh của việc tỏ hiện vinh quang Thiên Chúa chính là Chúa Giêsu, Đấng chịu đóng đinh và đã sống lại. Chúa Giêsu vinh danh Thiên Chúa qua việc trung thành thi hành sứ mệnh của Người, là trải dài trong thời gian chính cội nguồn phát xuất từ Chúa Cha của Người.

Sự hoàn hảo của con người không thể đo bằng những thước đo đạo đức trừu tượng mà chỉ có thể đo bằng việc họ đáp trả lời kêu gọi mà Chúa Kitô từng ngỏ với họ. Lời kêu gọi này luôn luôn là phải dự phần vào số phận và sứ mệnh của Chúa. Giáo Hội làm cho các chi thể của mình thành các chi thể của Chúa Kitô, qua bí tích rửa tội để tham dự vào cái chết của Người. Các Kitô hữu đạt được sự tự do của con cái Chúa nhờ biết từ bỏ ý mình, mặc lấy tâm trí Chúa Kitô. Bởi thế, trong giáo hội học của Balthasar, đức vâng lời là điều cốt yếu và có tính hiến định. Muốn là Giáo Hội, ta phải là “nữ tỳ của Chúa” như Đức Maria. Giống Mẹ Thiên Chúa, Giáo Hội có nhiệm vụ lắng nghe Lời Chúa và thực hành Lời ấy.

Để khai triển nền thần học vâng lời của ngài, Balthasar đã khai thác rộng dài cuốn Linh Thao của Thánh Inhã, nhất là ở phần “Các Qui Luật để Tuyển Lựa” và “Các Qui Luật để Suy Nghĩ Cùng Giáo Hội”. Nhờ Thánh Inhã, ngài hiểu sự vẹn toàn của người Kitô hữu hệ ở việc đáp trả một cách trung thành và đầy yêu thương đối với lời kêu gọi của Thiên Chúa. Tình yêu đối với Chúa Kitô đòi ta không những phải giữ các giới răn mà còn phải theo các lời khuyên của Tin Mừng nữa; những lời khuyên này không là gì khác mà chỉ là hình thức nói lên tình yêu cứu chuộc của Chúa Kitô.

Tác phẩm lớn của Balthasar, tức cuốn The Christian State of Life, chẳng qua chỉ là một cuốn chú giải chi tiết tiếng gọi của Chúa Kitô được Thánh Inhã mô tả trong bài suy niệm của ngài về Nước Chúa. Theo Balthasar, ơn gọi sống cuộc sống tận hiến là đặc điểm chính của Giáo Hội. Từ lúc Chúa Giêsu kêu gọi Nhóm Mười Hai sống nghèo khó, khiết tịnh và vâng lời, thì bậc sống các lời khuyên Tin Mừng đã xuất hiện rồi, trước cả bậc sống linh mục. Nhờ biết từ bỏ mọi ước muốn riêng, người Kitô hữu mới có khả năng chia sẻ sự tự do tuyệt đối mà chỉ trong Thiên Chúa mới có. Lời kinh của Thánh Inhã “Lạy Chúa, xin hãy lấy và hãy nhận” chính là biểu thức tuyệt vời nói lên sự hy sinh tự do bản thân để sống bằng duy một mình ý Chúa mà thôi.

Việc bước chân theo Chúa chịu đóng đinh mang một hình thức cụ thể trong Giáo Hội có phẩm trật, là giáo hội duy trì được hình thức Kitô học nhờ thẩm quyền của những người đảm nhiệm trách vụ đối với các chi thể khác của Giáo Hội. Ngài cho rằng nếu sự tương phản giữa phẩm trật và tín hữu bị xóa đi, thì “chỉ còn lại cái sướt mướt vô hình dáng của những huấn giáo đạo đức”. Bởi thế, cũng như de Lubac, Balthasar cho rằng chức vụ và đặc sủng cùng thuộc về nhau. Xét theo một khía cạnh nào đó, ta có thể coi chức vụ như một đặc sủng đặc biệt để phối hợp các đặc sủng khác và đem chúng vào sự hợp nhất của Giáo Hội như một toàn bộ.

Vì thừa nhận tính trung tâm trong chức vụ của Thánh Phêrô, Balthasar đã viết một tác phẩm lớn để chống lại điều ngài gọi là cảm thức chống Rôma “đầy độc dược” và “phi lý” khá thịnh hành trong các giới Công Giáo kể từ Vatican II. Ngài quả quyết rằng trong mầu nhiệm Kitô học, lý tưởng của Dòng Tên trong việc kết hợp diễn trình trưởng thành bản thân với việc tin yêu suy phục thẩm quyền của Giáo Hội không hề có chút phi lý nào như một số người nghĩ (The Office of Peter and the Structure of the Church). Ngài nhận định rằng trong lời khấn đặc biệt vâng lời Đức Giáo Hoàng, Dòng Tên, như một toàn bộ, đã thực hành đức tính tuyệt đối sẵn sàng có đó để phục vụ, một đức tính vốn nằm ở tâm điểm lý tưởng “bình tâm” (indifference) của Thánh Inhã.

Đó là bốn chủ đề của Thánh Inhã được bốn thần học gia hàng đầu của thế hệ Vatican II tiếp nối. Bốn chủ đề này chính là bốn cách thế chân chính và đầy chất tông truyền để suy tư về Thiên Chúa, về Chúa Kitô, về Giáo Hội và thế giới. Dĩ nhiên, Thánh Inhã còn nhiều chủ đề khác từng gợi hứng cho nhiều thần học gia khác của thế kỷ 20, tỷ dụ thần học truyền giáo của Pierre Charles và Jean Daniélou, thần học đại kết của Augustin Bea, thần học hồi hướng của Bernard Lonergan và “thần học” tự do tôn giáo của John Courtney Murray. Tất cả các tác giả này đều là những người thực tập Linh Thao lâu dài và thường xuyên. Tất cả các tác giả này đều có những đóng góp đáng kể, dù trực tiếp hay gián tiếp, đối với công trình của Vatican II. Chỉ cần căn cứ vào các vị này và cái nền chung là Linh Thao của họ, ta phải đồng tâm nhất trí với quan điểm của Đức Bênêđíctô XVI trong việc bác bỏ lối giải thích “gián đoạn” đối với Vatican II. Công đồng này không cắt đứt với truyền thống Giáo Hội mà nhằm canh tân phương thức mục vụ, giúp Giáo Hội cùng đồng hành với con người hiện đại trong mọi nỗi vui mừng, hy vọng, đấu tranh gian khổ của họ.

Các nguyên tắc của Thánh Inhã có thể dẫn tới nhiều hệ thống thần học khác nhau. Bởi ngay trong Linh Thao, ta đã thấy sự căng thẳng bên trong giữa tính cận kề và tính trung gian, giữa tự do bản thân và việc vâng lời, giữa chủ thuyết phổ quát và chủ thuyết lấy giáo hội làm trung tâm, giữa việc cởi mở theo chiều ngang đối với thế giới và việc tôn kính theo chiều dọc đối với thể thánh thiêng và thể thần linh. Một số thần học gia, như Teilhard de Chardin và Rahner, nhấn mạnh nhiều hơn tới tính cận kề Thiên Chúa, tự do bản thân và chủ thuyết phổ quát; một số khác, như de Lubac và Balthasar, thì nhấn mạnh nhiều hơn tới sự trung gian của Giáo Hội, tới tính bí tích và đức vâng lời. “Các Qui Luật để Biện Phân Thần Khí” xem ra đi theo một hướng, trong khi “Các Qui Luật để Suy Nghĩ Cùng Giáo Hội” lại đi theo một hướng khác. Nhưng vì cả hai lối nhấn mạnh ấy đều có giá trị và được nối kết với nhau trong Linh Thao, nên hẳn nhiên, ta có thể giảng hòa chúng một cách hài hòa trong thần học. Đó cũng là lối đọc Vatican II trong cái toàn bộ của nó, chứ không hẳn chỉ căn cứ vào một vài văn kiện riêng rẽ.

Có thể nói đặc sủng Inhã hệ ở khả năng phối hợp cả hai khuynh hướng mà không thiệt hại tới bất cứ khuynh hướng nào. Chỉ máy móc vâng lời mà không quan tâm tới các chuyển vần của Chúa Thánh Thần, hoặc chỉ cá nhân chủ nghĩa dựa vào Chúa Thánh Thần mà không chú ý gì tới thẩm quyền Giáo Hội đều là những chủ trương xa lạ đối với di sản Inhã. Đối với ngài, phương châm của người Kitô hữu phải là: thực hiện cho được sự tự do chân chính bằng cách phó thác sự tự do bản thân có tính hữu hạn của mình trong tay Thiên Chúa. Nhà thần học nào biết đón nhận một cách cung kính các thúc đẩy của Chúa Thánh Thần đều là người có khả năng hơn cả để đi vào tâm trí Giáo Hội và nhờ đó giải thích được đức tin Kitô Giáo một cách phù hợp nhất đối với ý định của chính Chúa.

Viết theo Đức HY Avery Dulles, S.J.,Ignatius among Us, America, Tháng Tư năm 1997.