Thứ Năm vừa qua, thế giới lại ồn ào về việc ĐGH Phanxicô cử hành nghi lễ Lễ Rửa Chân trong một nhà tù. Những người đã từng biết Hồng Y Bergoglio thì không xa lạ gì về việc Ngài đã rửa chân cho người bệnh AIDS, người cai nghiện, người nghèo, người tù ở các khu ổ rác bên lề thành phố Buenos Aires trong nhiều năm, nhưng đây là lần đầu tiên một vị giáo hoàng đã xa rời phong cảnh huy hàng cuả 'tổng vương cung thánh đường giáo hoàng san giovanni laterano' (Arcibasilica Papale di San Giovanni in Laterano) để đi tới một nhà tù nhỏ tối tăm mà khai mạc tuần lễ Phục Sinh.

"Ngài đã rửa chân cho một tá thanh niên: da trắng, da đen, người nam, người nữ và ngay cả những cái chân có những 'vết xâm đầy mình'" là lời mô tả cuả các hãng thông tấn, "Rồi sau khi lau khô từng chiếc chân một với một chiếc khăn gòn trắng, ngài cúi xuống và hôn chiếc chân ấy," hãng AP viết tiếp.

Họ bỏ mất một chi tiết quan trọng, đó là Ngài đã nhìn lên và trao cho từng thanh niên thiếu nữ "tì án đầy mình" này một nụ cười nhân hậu.

"Và Cha làm việc này với tất cả tấm lòng," Ngài cho họ biết trong bài gỉang ứng khẩu trước đó. "Cha làm việc này với tất cả tấm lòng vì đó là phận sự cuả Cha, là một linh mục và giám mục, Cha phải phục vụ các con".

Theo dõi trên Youtube, tôi cố tìm trong đám cải huấn này có gương mặt da vàng nào không? May quá tôi không nhìn thấy và cũng không có ai loan tin là "...da trắng, da đen, da vàng..." cả. Tạ ơn Chuá ! không có bộ mặt VN ở nhà tù này.

Nhưng không phải ai cũng hài lòng. Tờ báo Guardian Weekly bên Anh Quốc đăng lên đầu một lá thư cuả một độc giả ở mãi bên Canada tên là William Emigh và thêm vào đó một nhan đề đầy tính xúc phạm là "Secrets and lies" ("dấu diếm và gian dối"). Trong thư anh độc giả than phiền "những trò đóng kịch là sở trường cuả Vatican...nhưng rồi ông ta (ĐGH) sẽ phải làm gì với những dấu diếm và gian dối cuả Vatican đây?".

Anh ta hy vọng "hòn đá mà Hội Thánh xây lên trên không phải là loại đá Hoa Cương nhưng chỉ là một loại đá cát (sa thạch) đã cũ và sắp vữa ra mau chóng."

Người ta không thể hiểu tờ Guardian Weekly lại có thể giở trò ném đá giấu tay này, tức là thổi phồng ý kiến cuả một độc giả không tên tuổi để bôi bẩn Toà Thánh, tuy nhiên thực tế cho thấy tờ Guardian Weekly là tờ báo duy nhất đang xa vào vòng lạc điệu. Các báo bên Anh đã đổi giọng, tờ Daily Telegraph đã mô tả một tâm tình đầy kính trọng cuả một ký giả Tin Lành Ulster (Bắc ái Nhĩ Lan cực đoan chống Công Giáo) tên là John Bingham kể lại việc anh ta bất ngờ "đụng độ" với ĐGH ở Cổng Thánh Anna, "Ngài rõ ràng làm cho ban an ninh hộ tống phải bối rối, ngài lăng xăng đi qua, đi lại (darted first one way, then the other) để được tới gần với dân chúng, nói chuyện và cười đuà. Và kià, ngài tới ngay trước mặt tôi, đưa tay ra, với một nụ cười"

Và anh hãnh diện cho biết "Tuy ngài không biết, nhưng Giáo Hoàng Phanxicô vừa mới bắt tay lần đầu tiên với một người Ulster từng phản kháng sự cai trị cuả giáo hoàng: đó là tôi".

Anh viết "Này ông Paisley ơi (từng là thủ tướng đại diện cho phe cực đoan Ulster), tôi mong ông hãy ngồi xuống nếu ông muốn đọc tiếp những hàng sau đây"

Anh kể tiếp cảnh vui mừng cuả dân chúng khi được thấy ĐGH.

"'Ngài đã bắt tay tôi, Ngài đã bắt tay tôi' là lời hớn hở cuả một bà Đầm Tây đang nâng bàn tay lên để khoe với chúng bạn."

"Một thiếu phụ vừa đi vừa khóc đầm đìa, hai tay dắt theo hai đứa bé tí hon, cô ta sửng sốt vì chứng kiến việc ĐGH đã quì xuống đất để hôn lên đầu chúng."

"Hai giáo sĩ được dân chúng rẽ ra để tới gần ĐTC, một vị định quì xuống nhưng ĐTC đã mau chóng nâng vị đó lên ngay lập tức."

...

Biến cố "rửa chân" là một biến cố rõ ràng quá xúc động cho nên sẽ còn lâu người ta mới thôi bàn về chuyện ấy. Tuy nhiên vì nó quá mạnh mẽ và tỏ tường cho nên nó đã làm lu mờ một biến cố khác.

Một số bình luận gia đã có ý hướng cho rằng 'biến cố khác' này là một biến cố lịch sử quan trọng có tầm vóc như bài diễn văn Gettysburg cuả Abraham Lincoln (Gettysburg Address), cũng không được ai để ý tới cho mãi đến về sau, nhưng nó đã định nghĩa cái tinh tuý cuả nền Dân Chủ Hoa Kỳ là một chính quyền cuả dân, do dân và vì dân (government of the people, by the people, for the people).

Với cái nhìn từ lịch sử VN, chúng ta có thể so sánh nó với bài "Hịch Tướng Sĩ" nổi tiếng của Trần Hưng Đạo.

Biến cố đó là bài giảng cuả ĐTC trong Lễ Truyền Dầu sáng hôm đó.

Xem tiếp: Bài giảng Lễ Truyền Dầu.