HÀ NỘI - Chiều hôm qua, 17 tháng 7, Bộ trưởng Thương mại Việt Nam, ông Trương Đình Tuyền, và Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Raymond Burghardt, đã chính thức ký kết Hiệp định dệt may Việt Mỹ tại Hà Nội. Hiệp định này thực ra đã được ký tắt từ cuối tháng tư năm nay và sẽ có giá trị trong hai năm, kể từ ngày 1/5.

Thể theo Hiệp định, việc xuất khẩu hàng dệt may của Việt nam sang thị trường Mỹ sẽ được thực hiện với hạn ngạch là 1.7 tỷ đô la trong năm nay và tăng 7-10% vào sang năm, với số lượng áp dụng cho 38 chủng loại sản phẩm.

Ngoài các doanh nghiệp nhà nước được cấp hạn ngạch còn có 24 doanh nghiệp ngoài quốc doanh được cấp trong đợt một này, trong đó có hai doanh nghiệp của Bộ quốc phòng.

Ông Nguyễn Duy Khiêm, Giám đốc Xí nghiệp dệt may xuất khẩu Textaco - Công ty vải sợi may mặc miền Bắc, cho biết nhờ có hạn ngạch cụ thể nên công việc của doanh nghiệp ổn định hơn, cả về số lượng và các đơn đặt hàng, thường được chuẩn bị trước, đồng thời số lượng của từng đơn hàng cũng lớn hơn và dài hạn hơn.

Ông Khiêm cũng cho biết là sau khi có hạn ngạch rồi xí nghiệp (XN) sẽ phải dừng một số đơn đặt hàng trước đây đã có chương trình với khách, mà thường họ vẫn làm thông qua khách thứ ba để đưa vào Mỹ. Nay thì bên thứ ba tức công ty trung gian đó phải làm việc với Mỹ để cắt đơn hàng.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Trương Đình Tuyền, phát biểu tại buổi lễ ký kết, thì mức hạn ngạch đạt được là chưa đáp ứng đủ năng lực sản xuất hàng dệt may của Việt nam.

Trong khi đó báo điện tử Tin nhanh VN, trích thuật Thứ trưởng Thương mại, ông Mai Văn Dâu, nói rằng theo kết quả sơ bộ của đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành ở 130 trong tổng số 800 doanh nghiệp, rất nhiều doanh nghiệp dệt may đã gian lận trong việc khai báo năng lực sản xuất của mình để xin được cấp hạn ngạch sang Mỹ.

Ông Trương Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công ty may mặc xuất khẩu quận 8, thành phố HCM, cho biết CT của ông thì thực hiện báo cáo theo chỉ dẫn của Bộ thương mại, nhưng không loại trừ chuyện các DN khác có thể làm việc gian lận như vậy.

Vẫn theo ông Tùng, chính vì vậy Bộ Thương mại rất nghiêm túc trong việc phân phối hạn ngạch cho nên quyết tìm ra những công ty nào báo cáo không đúng sự thật để hạn chế và thu hồi lại hạn ngạch đã cấp.

Nhiều doanh nghiệp dệt may trong thời gian qua vốn chỉ tập trung vào thị trường Mỹ và đã bỏ bê các đơn đặt hàng từ châu Âu, nay bắt buộc sẽ phải quay về với các mặt hàng truyền thống của châu Âu mà trước đây vẫn làm.

Tuy hiện thời, lượng hàng Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ chỉ chiếm 1,6 phần trăm tổng nhập khẩu của Mỹ, thế nhưng các công ty Mỹ cho rằng con số đó chưa phản ánh đúng tiềm năng và nếu được xuất khẩu một cách không hạn chế trong năm nay, 2003, thì thực lực xuất khẩu của Việt Nam mới được bộc lộ. Họ coi Việt Nam như một nguồn cung cấp quan trọng thay thế cho Trung quốc.(bbc)