Phỏng vấn sử gia Juan Maria Laboa, người Tây Ban Nha

Trong các ngày này sử gia Juan Maria Laboa, người Tây Ban Nha, giáo sư sử học thuộc đại học Comillas tại thủ đô Madrid, đã cho in ấn bản tiếng Ý cuốn sách tựa đề ”Từ các hoa trái các bạn sẽ nhận ra họ”, kể lại lịch sử hai ngàn năm hoạt động bác ái của Kitô giáo. Cuốn sách không chỉ là kết qủa của các nghiên cứu, mà cũng là hoa trái của kinh nghiệm sống hằng ngày nữa. Hàng năm trong Tuần Thánh, giáo sư Laboa thường cùng với một nhóm bạn hè hành hương đi bộ tới đền thánh Santiago di Compostella, sau khi đã vượt qua quãng đường 150 cây số từ Burgo Ranero tới Rabanal del Camino. Đây là điều giáo sư cũng đã làm trong Tuần Thánh vừa qua.

Giáo sư Laboa là tác giả của hàng chục cuốn sách lịch sử đủ loại, trong đó có các cuốn như: ”Lịch sử các Giáo Hoàng”; ”Giáo Hội, các cuộc chiến và các quốc gia”; ”Vào thời của chúng ta”; ”Giáo dân, Giáo Hội và thời tân tiến”; ”Từ thời Phục Hưng cho tới ngày nay các cuốn 6-10”; ”Địa đồ các Công Đồng và các Công Nghị trong lịch sử Giáo Hội”; ”Địa đồ lịch sử phong trào viện tu”; ”Thánh Phaolô”.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn giáo sư Juan Maria Laboa về hai ngàn năm lịch sử hoạt động bác ái của Kitô giáo.

Hỏi: Thưa giáo sư Laboa, giáo sư nghĩ gì về lịch sử các hoạt động bác ái của Kitô giáo?

Đáp: Không có một tổ chức nào khác trong lịch sử nhân loại đã có nhiều người có khả năng làm việc, trao ban và hao mòn chính mình một cách nhưng không đối với tha nhân như Kitô giáo, bằng cách khiến cho tha nhân hạnh phúc hơn một chút trong các hoàn cảnh chiến tranh, mất mùa đói kém, bạo lực và dịch tễ.

Hỏi: Trong cuốn sách của giáo sư, hành hương nổi bật lên một chút như là con tim của Âu Châu được xây dựng trên tình bác ái, có đúng thế không?

Đáp: Vâng. Các người hành hương không có giai cấp xã hội, không có cùng mức độ lòng tin. Họ được linh hoạt bởi nhiều lý do khác nhau. Trong nhiều thế kỷ trước, khi lên đường hành hương họ đã phải viết di chúc, vì xưa kia cuộc du hành thường kéo dài và gặp nhiều gian nguy. Giáo Hội đã hiểu điều này nên đã thành lập các cơ cấu phục vụ tín hữu hành hương. Trên lộ trình hành hương đã mọc lên các nhà thương, các tu viện, các nhà trọ thuộc đủ mọi loại. Đã có các bậc thầy nổi tiếng như thánh Lesmes chuyên chăm lo cho cuộc sống thiêng liêng của người hành hương; các vị khác như thánh Domingo de la Calzada thì xây cất các nhà thương để săn sóc các người đau yếu. Trong các làng mạc có nhiều người tiếp đón khách hành hương. Trong vùng Santiago di Compostella từ 50 năm qua có một tổ chức bác ái đại quy mô và hoạt động rất hữu hiệu như xưa kia vậy.

Hỏi: Như thế thì lộ trình hành hương tới Santiago di Compostella lại trở thành trường dậy bác ái hay sao thưa giáo sư?

Đáp: Vâng, đúng như thế. Thật là đẹp khi nói chuyện với các người hành hương và với những người tiếp đón họ. Người ta dấn thân trong gốc rễ của Kitô giáo, trong chính cuộc sống của Chúa Kitô. Và không có một xứ đạo nào, không có một vùng miền nào mà lại không có một trung tâm tiếp đón nhưng không các khách hành hương. Tại Burgo Ranero có ba tu sĩ Biển Đức đã thành lập một cộng đoàn nhỏ để tiếp rước khách hành hương và phục vụ các nhu cầu thiêng liêng của họ.

Hỏi: Nghĩa là sự tiếp đón này được hiểu như là một hoạt động bác ái?

Đáp: Phải. Sự tiếp đón là một đặc tính nòng cốt của tình bác ái. Trong biết bao nhiêu tôn giáo đều có đòi buộc bố thí cho người nghèo khó, nhưng tiếp đón họ nghĩa là mở rộng cửa nhà cho họ, phục vụ họ là điều cao qúy hơn nữa. Và trong lộ trình hành hương có các đặc thái riêng biệt. Roma và Giêrusalem có một giá trị nội tâm rất to lớn đối với khách hành hương. Santiago di Compostella quan trọng vì sự mệt mỏi của nó và tình bác ái được diễn tả ra trên lộ trình dài hàng trăm cây số mà tín hữu hành hương bước đi dọc dài các thế kỷ.

Hỏi: Lịch sử hành hương cũng dẫn tới ký ức về các đan sĩ Ai Len coi việc hành hương như ơn gọi của mình trong các thế kỷ đầu của lịch sử Kitô giáo, có phải thế không thưa giáo sư?

Đáp: Vâng, đúng như thế. Các đan sĩ Ai Len cũng đã là những người đầu tiên diễn tả ra trên bình diện vật lý con đường đức tin như là một lộ trình tiến tới với Chúa Kitô. Các vị đi ngang qua các làng mạc, cầu nguyện, rao giảng Tin Mừng, trợ giúp người nghèo, săn sóc các bệnh nhân. Đó là hoạt động bác ái tinh tuyền và là một điều hoàn toàn mới mẻ: đó là tình yêu đối với Thiên Chúa trở thành tình yêu đối với các anh chị em khác.

Hỏi: Vậy trong cuộc sống Giáo Hội, tình bác ái này được thể hiện như thế nào thưa giáo sư?

Đáp: Nó được thể hiện ra trong việc thời sự hóa sự khác biệt này trong tương quan với các người khác, cũng như trong việc quản trị sự vật và quyền bính theo các giáo huần của Tin Mừng, mời gọi kitô hữu phục vụ chứ không phải được phục vụ. Các giáo huấn Tin Mừng nhắc nhở cho chúng ta biết rằng kitô hữu không thuộc thế gian, và không lý luận như thế gian. Lịch sử ngoại thường của tình bác ái trong Giáo Hội chính là ở đó. Và lộ trình hành hương đến Santiago di Compostella cho thấy rằng ngày nay có rất nhiều người yêu thương các anh chị em khác, bởi vì họ biết họ được Thiên Chúa yêu thương. Và những người như thế cải tiến cuộc sống tại những nơi đâu họ sinh sống. Chẳng hạn bên Tây Ban Nha, tổ chức Caritas quốc gia hàng năm trợ giúp 800 ngàn người một cách hoàn toàn nhưng không. Không có một cơ cấu nào khác có khả năng làm được như vậy. Và điều này xảy ra từ bao thế kỷ nay, tại bất cứ nơi nào Giáo Hội hiện diện: đó là lịch sử của một sự quảng đại và từ bỏ vô biên, nhưng không được nhận ra.

Hỏi: Thưa giáo sư Laboa, cuốn sách của giáo sư hình như bao gồm lịch sử của nhiều hoạt động bác ái nhỏ, có phải vậy không?

Đáp: Vâng. Chẳng hạn như chuyện ông Pedro Nolasco, sáng lập viên dòng Mercedari. Hồi thế kỷ XIII ông lo chuộc các kitô hữu bị người Hồi bắt cóc để bán sang các chợ buôn người bên Phi châu. Các tu sĩ Mercedari thu góp tiền bạc và chuộc lại các người đó, và rất nhiều khi các vị làm nô lệ thế cho họ. Sáng kiến bác ái này được diễn tả cho tới độ tử đạo.

Hỏi: Trong thời đại tân tiến ngày nay, các vụ Đức Mẹ hiện ra cả thể cũng là một phương thế chuyển đạt tình bác ái kitô, có đúng thế không thưa giáo sư?

Đáp: Vâng. Kinh nghiệm tại trung tâm thánh mẫu Lộ Đức là một biểu hiệu. Đây là nơi tập trung sự khổ đau của toàn thế giới đồng thời là nơi có biết bao nhiêu người tới đó chỉ để phục vụ các bệnh nhân. Nó là nơi có biết bao nhiêu khổ đau, nhưng cũng có biết bao nhiêu tình yêu thương. Văn sĩ Emile Zola, là người không có tín ngưỡng, kể lại trong một cuốn sách sự kinh ngạc của ông sau khi khám phá ra thực tại này tại trung tâm thánh mẫu Lộ Đức. Nó cũng tương tự một chút như trường hơp của hoàng đế Giuliano bỏ đạo. Sau khi tái lập chủ thuyết ngoại giáo trong đế quốc Roma, và phát động trở lại các cuộc bách hại tín hữu kitô, hoàng đế Giuliano liền gửi thư cho vị thượng tế ngoại giáo và ra lệnh cho ông này đừng thương xót các ”người Galilê” chút nào hết, và phải hạn chế các hoạt động bác ái của họ, vì chúng cũng sinh ích lợi cho biết bao nhiêu người ngoại giáo nữa. (Avvenire 10-4-2012)