Nghĩ về ông Giu-đa trong đêm Lễ Phục Sinh.

Lễ đêm phục sinh năm nay, trong nhà thờ chật kín người, với ánh sáng phục sinh chan hòa và tiếng hát rộn ràng vui mừng vì Chúa đã sống lại thì đầu óc tôi lại cứ miên man nghĩ về ông Giu-đa và những người đã bỏ Chúa, những người chưa biết Chúa đang lạnh lẽo lang thang ngoài kia. Nếu ông Giu-đa không phản bội Chúa thì hôm nay ông cũng có mặt ở đây, ở một vị trí đặc biệt, để tham dự vào vinh quang sống lại với Chúa Giê-su!

Trong các môn đệ theo Chúa Giê-su, ông Giu-đa được kể là một khuân mặt có uy tín. Ông là người có học, nhanh nhẹn, tháo vát, hăng hái trong mọi việc và đã được Chúa tin tưởng giao nhiệm vụ thủ quỹ của nhóm .

Ông là người đã được Chúa gọi và chọn để làm môn đệ của Ngài giống như những môn đệ khác trong nhóm mười hai. Chúa đã cầu nguyện suốt đêm trước khi quyết định việc chọn lựa này. Phúc âm tường thuật rằng,“Trong những ngày ấy, Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ. Đó là ông Si-môn mà Người gọi là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông; sau đó là các ông Gia-cô-bê, Gio-an, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Si-môn biệt danh là Quá Khích, Giu-đa con ông Gia-cô-bê, và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, người đã trở thành kẻ phản bội. (Lc 6, 12-16)

Cũng giống như các môn đệ khác, ông Giu-đa đã bỏ gia đình, bỏ mọi sự để hăng hái đáp theo tiếng gọi làm môn đệ. Trong ba năm theo Chúa và cùng đi khắp đó đây, ông cũng đã được Chúa yêu thương dạy bảo và nhất là ông cũng đã được chứng kiến nhiều phép lạ Chúa làm. Ông đã trở thành một trong những môn đệ thân thiết nhất của Chúa.

Một môn đệ như thế mà lại phản bội thày mình vào giờ phút chót chỉ vì ba mươi đồng bạc sao? Không ai hiểu được lý do và cũng chẳng ai đoán được số phận của ông Giu-đa sau cái hôn phản bội nghiệt ngã đêm ấy tại vườn cây dầu.

Nhìn vào cuộc đời của ông Giu-đa để suy tư về cuộc sống đạo của mình, tôi thấy cuộc sống đạo của nhiều người Công Giáo cũng có những điểm tương đồng .

Chúng ta cũng là những khuôn mặt có uy tín trong xứ đạo, cha xứ, cha phó đều biết mặt biết tên cả. Trong sinh hoạt hội đoàn, chúng ta là người hăng say, tích cực, được giao những trách vụ quan trọng, là những người có tên, có chức, có ảnh hưởng đến đường hướng hoạt động của hội đoàn .

Chúng ta cũng là người được Chúa gọi và chọn để làm tông đồ cho Chúa. Chúng ta đã trở thành người Công Giáo và là những Kitô hữu nhiệt thành .

Chúng ta cũng đã hy sinh thời giờ, công sức và cả tiền bạc cho việc nhà thờ. Mọi người giữ luật Chúa và luật Hội Thánh, sống một cuộc sống xem ra đạo đức và thánh thiện. Ai cũng rước Chúa vào lòng mỗi khi tham dự Thánh Lễ và cảm nhận được Chúa đã thương mình thật nhiều qua những biến cố của cuộc đời.

Tất cả những điều này chứng tỏ chúng ta là những người Công Giáo tốt, nhưng chỉ căn cứ vào những điều này thôi thì không có gì bảo đảm rằng những người Công Giáo nhiệt thành này sẽ không phản lại Chúa, sẽ không bán Chúa. Nhất là những lúc gặp gian nan thử thách. Kinh nghiệm cuộc đời đã cho tôi thấy khi phải chọn lựa giữa cái sống và cái chết trong chốn lao tù, con người mới lộ mặt thật… khoa bảng, giàu sang, lịch sự, tốt lành, thánh thiện lần lượt rơi xuống để lộ khuôn mặt trần trụi với bao điều giả dối, thấp hèn, đáng khinh bỉ.

Ông Giu-đa theo Chúa vì tin Chúa là Đấng Cứu Thế, vì yêu mến Chúa hay ông đi theo Chúa vì mưu đồ chính trị, hay lợi dụng uy tín quyền phép của Chúa để thực hiện ý riêng của mình? Việc này chỉ có Giu-đa biết và chắc chắn là Chúa cũng biết .

Mang danh Công Giáo, tôi cất bước theo Chúa vì yêu mến Chúa, muốn phục vụ Chúa hay vì có mưu đồ gì khác? Chúng ta làm việc tông đồ một cách hăng say vì danh Chúa, vì Giáo Hội của Ngài, hay vì thỏa mãn cái tôi, vì phô trương, quyền lợi, danh gía hay vì mục đích trần thế nào khác ? Chỉ có tôi mới biết rõ mục đích của tôi và dĩ nhiên Chúa cũng thấu biết mọi sự như Chúa đã biết về ông Giu-đa.

Một số người cho rằng Giu-đa ham tiền nên đã bán Chúa. Không ai biết Giu-đa đã bị tha hóa từ lúc nào. Từ một môn đệ của Chúa, ông đã biến chất trở nên kẻ cắp công quỹ. Phúc âm Thánh Gioan kể rằng khi Chúa Giêsu và các môn đệ được mời dự tiệc tại nhà ông La-da-rô, người đã được Chúa cho sống lại, thì “Cô Ma-ri-a lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Đức Giê-su, rồi lấy tóc mà lau. Cả nhà sực mùi thơm. Một trong các môn đệ của Đức Giêsu là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, kẻ sẽ nộp Người, liền nói: "Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo? "Y nói thế, không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung.(Ga 12, 3-7).

Nếu không tu thân sửa mình, bất cứ ai cũng dễ dàng trở thành kẻ cắp, lợi dụng danh nghĩa Công Giáo, danh nghĩa hội đoàn mà làm những điều sai trái. Ai cũng có thể khoác áo bề ngoài ra vẻ thương người nghèo, tham gia bố thí, bênh vực những người cô thế, nhưng trong ruột thì lại có ý nghĩ khác. Có bao giờ làm việc tông đồ cho Chúa mà trong anh chị em mình vẫn có những nguời bị phân biệt đối xử bất công, bị khước từ làm việc này việc nọ vì tính phe đảng, tính giàu nghèo, hay su nịnh không?

Có người cho rằng ông Giu-đa không ham gì ba mươi đồng bạc, nhưng ông đã gài Chúa, đưa Chúa vào cái thế phải ra tay uy quyền để tự cứu mình ra khỏi cái chết gây ra bởi người Do Thái . Ông muốn đẩy Chúa vào cái thế phải làm vua, sẽ cầm đầu cuộc nổi dậy chống lại đế quốc La Mã. Ông đã muốn chỉ đường cho Chúa, muốn lợi dụng Chúa cho mục đích của ông và phe nhóm. Không ngờ ông đã thất bại vì “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi và đường lối của Ta cũng không phải là đường lối của các ngươi”(Is 55,8)

Chúng ta cũng có thể chỉ muốn Chúa làm theo ý riêng của mình. Hình như cái ta, cái tôi vẫn luôn chủ trì trong các sinh hoạt hội đoàn ! Làm sao sinh hoạt trong các hội đoàn phản ảnh tình yêu thương chan hoà của Chúa và mọi người có sự khiêm nhường đủ để lắng nghe ý kiến của người khác một cách chân thành. Mong rằng sẽ không ai biến hội đoàn này, phong trào nọ thành của riêng mình, kẻo sẽ lại đi vào lối mòn của Giu-đa thì uổng phí công sức quá!

Cũng có người đặt vấn đề là nếu Giu-đa không phản bội Chúa như lời tiên tri báo trước thì làm sao Chúa có thể bị bắt để rồi chịu tử nạn và sống lại được. Lối lập luận này suy diễn từ thuyết tiền định (predestination) của John Calvin, coi thường và giới hạn quyền năng vô song của Thiên Chúa. Chúa cũng biết trước là Phêrô sẽ chối Thày, nhưng vấn đề là sau khi chối Chúa thì Phêrô “ ra ngoài ăn năn khóc lóc thảm thiết”, còn Giu-đa thì sau khi phản bội Chúa thì thất vọng và đã thắt cổ tự tử. Hai người đã dùng sự tự do chọn lựa đời mình để qua hai lối rẻ khác nhau.

Tôi nghĩ những ngày đầu, ông Giu-đa đã đến với Chúa bằng một tấm lòng chân thành, một tâm hồn trong sáng, nhưng chính vì được Chúa tin tưởng, chính vì ông giữ túi tiền, ông mới nẩy sinh ăn cắp. Chính biết được Chúa quyền phép nên ông mới bán Chúa với hy vọng là Chúa sẽ tự giải thoát bằng uy quyền của Ngài.

Chúng ta cũng vậy, chẳng ai đến với Chúa, đến với Giáo Hội, đến với hội đoàn bằng một ý đồ xấu, nhưng chính vì được tin tưởng, được giao những phần hành để rồi có sự lẫn lộn giữa việc Chúa và ý của mình. Từ đó mới nẩy sinh ý đồ xấu. Nếu không tiếp tục học nơi Chúa bằng thái độ phục vụ trong khiêm nhường như Chúa mời gọi, “Hãy học với Ta, vì TA hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,29). thì chúng ta sẽ rất dễ rơi vào cạm bẫy của ma quỷ.

Lịch sử chứng minh cho thấy những kẻ chống đạo mạnh mẽ nhất thường là những kẻ đã từng là thành phần được Giáo Hội tin tưởng mà giao những trọng trách, là những kẻ đã từng ăn cơm nhà Chúa. Vào những năm ly loạn 1975, nhiều cha xứ bị tố cáo với Cộng Sản bởi các ông trùm, bà quản, thành viên trong hội đồng mục vụ là những người mà cha xứ tin tưởng và cậy dựa vào .

Khi ông Giu-đa đã biết mình sai lầm. Ông đã đem tiền trả lại và ra đi tự tử. Ông không có chút ăn năn hối hận về việc mình đã làm. Ông không biết rằng dù tội lỗi của ông có cao như núi, sâu như biển thì tình yêu của Chúa vẫn bao phủ và lấp đầy hố sâu tội lỗi của ông, Chúa vẫn thương và tha thứ cho ông. Hy vọng trong giây phúc cuối cùng của cuộc đời, ông kịp hối lỗi để nhận được ơn tha thứ.

Còn chúng ta, khi nhận ra sai lầm thì mình đã làm gì? Tìm cách bào chữa, chống chế hay cúi đầu nhận tội với lòng ăn năn, quyết tâm sửa đổi để xin Chúa thứ tha.

Vậy Chúa có lầm không khi chọn Giu-đa làm môn đệ cũng như chọn chúng ta làm người Công Giáo, tham gia vào những công tác tông đồ? Tôi tin là Chúa không nhầm bởi Chúa không chỉ kêu gọi toàn những người thánh thiện, nhưng chúa chọn ông Giu-đa, chọn những người bất toàn để Chúa ban ơn hoán cải và nâng họ đến gần Chúa. Hơn nữa Chúa luôn yêu thương, luôn mở rộng vòng tay để đón những người lầm lạc biết quay trở về với Chúa. “Cũng thế, tôi nói cho các ông hay: giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối".(Luca 15:8-10)

Dù Chúa biết rõ Giu-đa là một thủ quỹ bất lương, Chúa vẫn không vạch mặt chỉ tên để bêu xấu ông. Chúa vẫn kiên nhẫn chờ đợi giây phút ông trở lại. Chúa biết ông sẽ nộp Chúa, nhưng Chúa vẫn không muốn các môn đệ khác biết đuợc âm mưu phản bội của ông mà xa lánh, phỉ nhổ ông dù tội của ông rất nặng đến nỗi, “Nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà nó đừng sinh ra thì hơn!" (Mc 14, 21)”. Chúa vẫn dành cho ông thời gian để sám hối ăn năn. Cũng thế, dù tôi có gỉa dối, lợi dụng Chúa để mưu cầu ý riêng của mình, Chúa vẫn không để âm mưu của tôi bị bại lộ, Chúa vẫn giữ thanh danh cho tôi. Chúa vẫn chờ đợi ngày tôi nhận ra sai lầm mà ăn năn hối cải, trở về với đường ngay lẽ thật.

Mọi âm mưu tính toán để đạt được mục đích, dù mục đích có tốt đẹp đến đâu, cũng đều đi ngược lại ý ngay lành của Chúa. Hãy yêu Chúa bằng một tâm hồn đơn sơ như những trẻ nhỏ vì chính chúa đã dạy “Thầy bảo thật anh em: “Ai không đón nhận nước Thiên Chúa như một trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào”. (Mar 10: 15).

Lạy Chúa, xin cho con được đón nhận Chúa với một tâm tình phó thác và phục vụ Chúa qua tha nhân với một tấm lòng đơn sơ, hồn nhiên để con được biết lằng nghe và nhận ra lời mời gọi của Chúa trong cuộc sống của con. Xin cho con được yêu Chúa bằng cả trái tim của con và con biết nhẫn nhuc chịu đựng mọi điều không vừa ý . Xin cho con luôn biết sửa mình để con mãi được nương nhờ bên Chúa và giúp con kiên trì trung thành với ơn gọi sống một đời sống của một người Công Giáo đích thực là yêu Chúa và yêu mọi người, phản ánh qua tất cả mọi sinh hoạt hằng ngày của con. Amen.

Giuse Thẩm Nguyễn