CHÚA NHẬT 5 MÙA CHAY – NĂM B (Bài đọc 1: Jer 31, 31-34; Bài đọc 2: Dt 5, 7-9; Tin Mừng: Ga 12, 20-33)

Giao ước mới

Khi nói đến Mùa Chay, có lẽ tâm tình tự nhiên của từng người chúng ta là tâm tình sám hối. Chúng ta sám hối vì những lỗi phạm của chúng ta đối với Chúa và tha nhân, nhưng tôi thiết nghĩ, khi thiết lập Mùa Chay, Mẹ Giáo Hội còn muốn chúng ta nhớ đến một điều quan trọng hơn, đó là tình yêu của Thiên Chúa. Đây là yếu tố vô cùng quan trọng và là nền tảng cho đời sống đức tin của mỗi người tín hữu chúng ta. Chính vì tin tưởng vào tình yêu, tin vào sự tha thứ của Thiên Chúa mà mỗi người chúng ta mới có thể sám hối.

Tình yêu đó của Thiên Chúa đã được phụng vụ lời Chúa trong Mùa Chay diễn tả qua một loạt những giao ước mà Người đã ký kết với con người. Trước hết, khởi từ Chúa Nhật 1, lời Chúa trong sách Sáng Thế cho chúng ta thấy vì yêu thương, ngay sau trận lụt Hồng Thuỷ, Thiên Chúa đã đến lập với ông Noê một giao ước với dấu chỉ là cái mống trên bầu trời (x. St 9, 8-15). Và khi con cháu Noê, bội phản bất trung, Thiên Chúa lại tiếp tục chọn gọi tổ phụ Abraham và lập với ông một giao ước, để khởi đầu cho một dân tộc qua việc cứu sống Isaac mà bài đọc được trích từ sách Sáng Thế trong Chúa Nhật 2 đã nhắc lại (x. St 22, 1-2. 9a. 10-13. 15-18). Và bước sang Chúa Nhật 3, với bài đọc được trích trong sách Xuất Hành, chúng ta thấy: qua trung gian của Môisen, Thiên Chúa đã ban cho dân Israel bản thập giới và lập với họ một giao ước tại núi Sinai. Với giao ước này, Thiên Chúa nhận họ làm dân của Người và Người sẽ là Chúa của họ (x. Xh 20, 1-17). Rồi trong Chúa Nhật vừa qua tuy không trực tiếp nhắc đến giao ước, nhưng Ký sự gia đã chứng tỏ Thiên Chúa là Đấng luôn trung thành với giao ước Người đã hứa, khi tường thuật việc Thiên Chúa giải thoát dân Người khỏi ách lưu đày và đưa họ trở về Đất Hứa (x. 2 Ks 36, 14-16. 19-23).

Giao ước mới

Thiên Chúa luôn trung thành với giao ước tình yêu mà Người đã thiết lập với con người mà dân Chúa là đại diện. Thế nhưng, con người lại luôn bội phản và bất trung. Do đó, lời Chúa hôm nay loan báo Người sẽ thiết lập một giao ước mới với dân, Chúa phán: “Đây tới ngày Ta ký kết giao ước mới với nhà Israel và nhà Giuđa, giao ước này không giống giao ước Ta đã ký kết với tổ phụ chúng trong ngày Ta cầm tay chúng dắt ra khỏi đất Ai Cập”.

Đây là một giao ước đặc biệt vượt hẳn các giao ước mà Thiên Chúa đã lập với họ trước đó. Giao ước này đặc biệt, vì dấu chỉ của nó không phải là những hình thức xã hội, và bên ngoài như những giao ước trước đó. Thật vậy, nếu như giao ước với Noê là một cái mống trên bầu trời; giao ước với tổ phụ Abraham là một dấu cắt bì trên thân xác, còn giao ước với toàn dân thời Môsê là thập giới được khắc trên bia đá, thì giao ước mới này được khắc ghi vào trong tim, nghĩa là tận trong tâm khảm của từng người như lời Chúa phán: “Đây là giao ước Ta sẽ ký kết với nhà Israel trong những ngày đó. Ta sẽ đặt lề luật của Ta trong đáy lòng chúng, và sẽ ghi trong tâm hồn chúng”. Lúc đó “Người này sẽ không còn phải dạy ngươi nọ, anh sẽ không còn phải dạy em rằng: “Ngươi hãy nhìn biết Chúa”, vì mọi người từ nhỏ chí lớn đều nhìn biết Ta”. Như thế, với giao ước mới này, con người đạt đến một mối tương giao mới với Thiên Chúa, một mối tương giao không còn lệ thuộc vào các hình thức xã hội bên ngoài nữa, nhưng phát xuất từ chính con tim yêu thương của mình.

Lời loan báo về giao ước mới này của vị ngôn sứ cách đó hơn 600 năm nay đã trở nên hiện thực với sự xuất hiện của Đức Giêsu. Máu Đức Giêsu đổ ra trên thập giá đã thực sự trở nên máu của giao ước mới, giao ước của tình yêu. Một tình yêu dám chấp nhận chết đi để cho người mình yêu được sống, giống như hạt giống chấp nhận mục nát để có thể thu hoạch một mùa lúa dồi dào, sung mãn.

Như thế, lời loan báo “Đây tới ngày Ta ký kết giao ước mới…” trong Cựu ước giờ đây đã trở nên ứng nghiệm với lời tuyên bố của Đức Giêsu: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh”. Đây là “giờ” của thập giá, nhưng cũng là giờ Đức Giêsu thực hiện giao ước mới. Giao ước này giúp từng người chúng ta đến trực tiếp với Chúa Cha, chứ không cần qua một trung gian nào khác, như lời Ngài hứa: “Khi nào Ta chịu đưa lên cao khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta”.

Hơn nữa, nếu như các giao ước trước đây chỉ dành riêng cho dân Do thái, thì giao ước mới được ký bằng Máu của Đức Kitô được mở rộng cho hết mọi người không trừ một ai. Điều này đã được thánh sử Gioan diễn tả cách khéo léo khi nói có mấy người Hy Lạp, tức là những người dân ngoại, lên dự lễ muốn gặp Đức Giêsu. Cảm nghiệm được giá trị phổ quát của ơn cứu độ do bởi Giao ước mới được thiết lập bằng Máu của Đức Kitô, tác giả thư Do thái đã nói: “Khi hoàn tất, Người đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho tất cả những kẻ tùng phục Người”.

Tóm lại, vì yêu thương, Thiên Chúa đã đến lập giao ước với con người và Người mãi mãi trung thành với giao ước đó như lời khẳng định của thánh Phaolô trong thư gởi cho Timôthê: “Nếu ta bất tín, Ngài vẫn trung thành, vì Ngài không thể chối chính mình Ngài”

(2 Tm 2, 13). Lòng trung thành của Thiên Chúa mời gọi từng người chúng ta cũng phải trung thành với Thiên Chúa như vậy.

Sống giao ước mới

Trước hết, đối với Thiên Chúa, vào ngày chịu phép Rửa tội, tất cả chúng ta đã thề hứa “từ bỏ ma quỷ và những quyến rũ cùng những việc làm của nó”. Thế nhưng, với thời gian, chúng ta đã giữ lời giao ước này như thế nào? Có lẽ đây là thời cơ thuận tiện nhất để chúng ta xem lại việc này. Kế đó, mỗi lần xưng tội là mỗi lần chúng ta dốc lòng chừa, đó cũng là một giao ước giữa chúng ta với Chúa. Thế nhưng, ngay sau khi ra khỏi toà giải tội, chúng ta đã làm gì để thực hiện cam kết này của chúng ta với Chúa? Hay là lời hứa và quyết tâm dốc lòng của chúng ta với Chúa chỉ là giả dối?

Đối với những người sống đời hôn nhân. Vào ngày chúng ta cử hành lễ hôn phối, chúng ta đã tự nguyện cầm tay nhau để thề hứa trước mặt Thiên Chúa và Hội Thánh rằng: “Tôi nhận anh (em) làm chồng (vợ) và hứa sẽ giữ lòng chung thủy với anh (em) khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khoẻ để yêu thương và tôn trọng anh (em) mọi ngày suốt đời tôi”. Bây giờ, sau một năm, hai năm, mười năm, hai chục, ba chục năm… trong đời sống gia đình, chúng ta hãy thẳng thắn nhìn lại mình trước mặt Chúa để xem thử chúng ta có thật sự “chung thuỷ, yêu thương và tôn trọng” người bạn của mình trong suốt thời gian chung sống không?

Giờ đây, ý thức thân phận tội lỗi, bất toàn của mình, mỗi người chúng ta hãy thực lòng sám hối và hiệp ý với tác giả Thánh vịnh nài xin Thiên Chúa: “Nguyện thương con theo lòng nhân hậu Chúa, xóa tội con theo lượng cả đức từ bi. Xin rửa tôi tuyệt gốc lỗi lầm, và tẩy tôi sạch lâng tội ác”. Nhờ đó, chúng ta xứng đáng cử hành lại hiến tế lập nên giao ước mới của Đức Giêsu trên bàn thờ đây. Để rồi khi trở về nhà, với ơn Chúa trợ lực, từng người chúng ta sẽ mãi mãi trung thành với Thiên Chúa cho đến cuối đời. Amen.