(Kerens, TX Ngày 4 tháng 2 năm 2012) Hôm nay là thứ Bảy ngày 4 tháng 2 năm 2012. Thường thì ở miền Bắc Texas vào thời đỉểm này vẫn còn là giữa mùa Đông. Năm ngóai nơi đây có tuyết phủ trắng xoá, nhưng năm nay khí trời thay đổi, nhiệt độ lên tới 60F (15C) và có mưa nhiều ngày. Thời tiết ấm và có mưa là một phúc lộc từ Trời ban xuống cho các nông trại, tuy nhiên vùng Kerens có nhiều đường đất cũng không tránh khỏi một vài cảnh lầy lội đây đó.

Người dân ở đây đã quen với những cảnh ngộ như thế, đối với họ những cảnh lún xe chỉ là một sự rầy rà nho nhỏ, không đáng kể.

Xin xem hình buổi lễ

Đằng sau những vết bánh xe nước đọng và những chùm cây hồ đào (pecan) là quang cảnh của một đan viện. Đan viện có diện tích rộng 300 acres (121 hectares) từng là một trại nuôi đà điểu, một số những di tích bằng sắt vẫn còn được thấy hai bên đường. Cách đây 20 năm có phong trào nuôi đà điểu để lấy thịt vì phẩm chất thịt ít mỡ mà ngon. Thị trường không bốc lên được, nhiều nông trại đã phá sản. Đan viện đã mua lại trang trại này với một giá rất phải chăng.

Theo tập tục đã có từ VN, các đan viện Biển Đức được đặt tên với chữ Thiên đứng đầu như Thiên An, Thiên Phước, đan viện này có tên là Thiên Tâm. Thiên Tâm có nghĩa là Thánh Tâm Chúa Giêsu. Đan viện lấy Thánh Tâm Chúa làm quan thầy bổn mạng.

Đan viện nằm giữa Dallas và Houston trên trục lộ I45, cách Dallas 80 dặm, cách Houston 160 dặm.

Trong lúc đi tới khu vực hành lể, chúng tôi được các cha rủ đi xe với đức Viện Phụ Philips. Chiếc xe là lọai xe cắt cỏ của sân golf vừa rú vừa nhẩy chồm chồm trên con đường đất quanh co bên cạnh chiếc hồ sau đan viện, mọi người phải bám chặt và đánh đu vào nóc xe trong xuốt chặng đường dài khỏang 1 phần tư dặm từ cổng tu viện cho đến Hội Trường.

Trên đường đi, chúng tôi bắt gặp thày Gioan B. Trần văn Chính, người sẽ thực hiện lời khấn trọn đời ngày hôm nay, thầy đang tất tưởi ngược xuôi trên con đường lầy lội để giúp các vị khách bị lầy.

Đối với một đan sĩ thì đây là dịp trọng đại nhất trong đời, được ví như là ngày lễ cưới của một cô gái vậy. Nhưng hôm nay thầy Chính không vì thế mà nghỉ việc, thầy lo làm công việc của mình như các anh em khác.

Các sĩ tử của đan viện Biển Đức thực hành cuộc sống dựa trên hai phương châm là Pax (“Hoà bình”) và Ora et labora(“Cầu Nguyện và Làm Việc”). Họ làm những việc tay chân sen kẽ với sự chiêm nghiệm lời Chuá.

Các đan sĩ ở đây trồng rau và chăn nuôi để sinh sống. Theo tôn chỉ của thánh Biển Đức, họ sống nhờ vào sức lao động của chính mình. Họ bắt đầu một ngày vào lúc 3:40 sáng, và kết thúc vào lúc 7:50 tối.

Trên đường đi chúng tôi ghé một nguyện đường vừa được khánh thành năm ngóai là Chư Thánh Điện, là một căn nhà sàn bằng gỗ xinh xinh, dùng làm nơi tôn kính các di tích của nhiều vị thánh mà đan viện đang bảo quản. Các khung hình mà chúng tôi thấy treo dọc hai bên tường là các hộp đựng xương thánh. Kể từ khi Đan viện được khánh thành cách đây 2 năm, ngày 19-9-2009, đây là công trình xây dựng mới nhất và đẹp nhất.

Mục đích kế tiếp của đan viện lả thành lập một cơ sở tĩnh tâm cho các đòan thể công giáo của các vùng lân cận như Dallas, Fort Worth. Một hội trường đang thành hình và đã thiết trí khá đầy đủ tiện nghi như máy lạnh máy sưởi.

Trong hội trường, chúng tôi thấy có nhiều bộ mặt giáo dân VN quen thuộc từ các vùng Dallas, FW, Houston và Oklahoma. Họ là những người vẫn thường đến nhà dòng để trợ giúp các thầy trong nhiều công việc, từ việc xây dựng cơ sở cho đến việc tổ chức các buổi lễ. Ngòai ra, chúng tôi còn thấy có thêm sự hiện diện của nhiều giáo dân và đòan thể Mỹ. Từ khi thành lập đến nay, đan viện đã tạo được nhiều quan hệ tốt đẹp với các người hàng xóm Mỹ, và họ đã sốt sắng tìm đến nhà dòng để giúp đỡ những gì có thể. Có người đến để luyện Anh văn cho các thày, người khác chỉ dẫn việc nông trại v.v

Một đòan Knight of Columbus với bộ mũ lông xum xuê và áo chòang xúng xính cũng tới làm dàn chào cho buổi lễ.

Vị chủ tế buổi lễ là đức viện phụ Philips đến từ đan viện 'mẹ' ở New Mexico.

Trong thời gian đầu, Đan viện ở đây còn phải lệ thuộc vào đan viện Christ In The Desert (Chúa Kitô trong sa mạc). Đó là một đan viện toạ lạc tại một vùng hẻo lánh cuả tiều bang New Mexico. Tại đó trong nhiều năm, số sĩ tử người VN đã tăng cao đến nỗi đan viện cảm thấy cần có nhu cầu thành lập một đan viện mới cho người VN. Vùng đất thưa người giữa Dallas và Houston là tỉnh Kerens đã được chọn.

Sự phát triển các ơn gọi tu trì tại các đan viện là một điều đáng ngạc nhiên. Hồi trước ở VN, vì thấy có những sinh hoạt lao động cho nên chúng ta thường ngộ nhận đây là những dòng “khổ tu” và các bậc cha mẹ vẫn có thái độ xót xa khi phải để cho con cái đi theo tiếng gọi tu trì tại các nơi đây.

Nhưng thực ra các tu sĩ Biển Đức không bao giờ chủ trương những công việc thái quá, họ lấy con đường trung dung (middle ground) làm chỉ đạo. Chính vì lối sống điều độ (moderation) này, mà qua 15 thế kỷ, linh đạo cuả thánh Biển Đức vẫn còn sức hấp dẫn đối với nhiều thanh thiếu niên. Ngày hôm nay, buổi lễ Khấn Trọn Đời của Thầy Gioan B Trần văn Chính là một thí dụ điển hình.

Buồi lể khấn được tổ chức tại hội trường mới xây thay vì ở trong Chư Thánh Điện, có lẽ để có chỗ chứa cho đủ số khách mời. Cung thánh được đặt trên một bục gỗ tạm, hai cành đào đã nở là những trang hòang ít ỏi của bàn thờ. Trời mưa đã ngăn cản nhiều vị khách từ phương xa đến, hầu như chỉ có những khách Mỹ ở gần đã đến đầy đủ. Phong cảnh đơn sơ và thưa người làm cho tôi chợt nhớ tới những đám cưới vội vàng trong những trại tị nạn thời chiến tranh hồi trước. Một thóang xót thương chợt đến. Nhưng nghĩ lại, đây là một cuộc đời đan sĩ, nghĩa là từ bỏ thế gian và những hào nhóang bề ngòai của nó, vậy thì sự xót sa của tôi chỉ là tại ở chính mình còn vướng mắc nhiều "tham sân si" theo kiểu nói nhà Phật mà thôi. Nghĩ vậy, tôi tự nhiên cảm thấy lòng ấm hơn lên.

Buổi lễ diễn ra thât nghiêm trang, mọi diễn biến đều mang một ý nghĩa quan trọng. Tựu trung là về ý chí sống theo lề lối tu trì trong đan viện, bước theo chân Chúa đến cùng, vâng lời tuyệt đối, cậy trông vào ơn Chúa và tâm tình tạ ơn.

Phải tham dự một buổi lễ khấn trọng thể trong quang cảnh đơn sơ như thế này thì mới biết được cái ý nghĩa trang trọng là như thế nào. Phải có những giây phút mà tâm tình lắng đọng xuống đến mức u hòai và nhịp tim như lỡ mất một nhịp, thì mới hiểu được một phần nào cái linh thiêng của thần thánh. Một ngòi bút không thể tả rõ được.

Sau buổi lễ, tôi có dịp "interview" đức viện phụ Philips về tương lai của đan viện, liệu sẽ có nhiều buổi lễ khấn như thế này trong tương lai gần không, ngài trả lời: "Theo những gì tôi tiếp xúc thì tôi trông đợi hàng trăm lần, và hơn nữa."

Ngài giải thích có nhiều người đã đến thăm đan viện và nhìn thấy vẻ đẹp của đời sống đan tu, không chỉ là những thanh thiếu niên VN mà thôi nhưng còn có những thanh niên Mỹ và Mễ nữa.

Ngài hy vọng đan viện này, nhờ sự trợ giúp của các cộng đòan VN mà được bám rễ, sẽ vươn ra để bao bọc mọi sắc tộc.