NHẬT KÝ BA NGÀY TẾT DÂN TỘC

CỦA MỘT LINH MỤC TRUYỀN GIÁO TẠI TAIWAN


Ngày 30 tết.

Năm nay ngày cuối năm Tân Mão nhằm ngày chúa nhật, giáo xứ mình có 2 thánh lễ vào buổi sáng, lễ 7 giờ và lễ 9 giờ, nhưng cả hai thánh lễ đều ít giáo dân hơn các tuần lễ khác, lý do có nhiều, nhưng có lẽ lý do lớn nhất là giáo dân có một số gia đình sắp xếp đi du lịch, hoặc có một số về quê ăn tết, và một lý do khác là mọi người bận đi sắm đồ tết, bởi vì dù là một đảo quốc tiên tiến, văn minh, nhưng Tết truyền thống thì họ không thể tổ chức qua loa được, mà rất truyền thống dân tộc.

Thánh lễ 7 giờ sáng kết thúc, có một vài giáo dân hỏi mình: “Tết cha đi đâu ?”. mình cười trả lời: “Đi lui đi tới trong nhà thờ”. (nhà thờ ở tầng trệt, văn phòng cha sở ở lầu 2 và lầu 3 là chỗ nghỉ của cha sở), nghe mình trả lời họ cười ha ha thật lớn. Lại có giáo dân hỏi: “Mồng 2 tết cha có đi đâu không ?” Mình hỏi lại: “Có chuyện gì không ? ”, họ nói: “Mời cha đến nhà ăn cơm...” Mình nói cám ơn, và từ chối vì mình không hề đến nhà giáo giáo dân ăn cơm, vì như thế sẽ thành một thói quen không tốt đẹp cho sau này.

Lễ 9 giờ thì giáo dân đông hơn lễ 7 giờ, lễ xong giáo dân vội vàng trở về nhà để chuẩn bị cho ngày tết, ai cũng vội vả chuẩn bị tết.

Trong nhà thờ vắng lặng, ngoài trời thì mưa và gió lạnh, như lùa vào tâm hồn của mình một nỗi buồn nhớ Tết ở Sài Gòn, giáo dân ai có nhà nấy, người Taiwan rất coi trọng các tục lệ của ngày Tết, nhất là ngày 30 tết, chỉ còn buổi chiều nữa thôi, tối 30 tết, nhà nhà quây quần bên bàn ăn đoàn viên, đó là phong tục tập quán rất tốt đẹp của họ. Con cái dù đi làm ở đâu cũng trở về nhà cha mẹ để ăn cơm tối 30 tết. Ở Taiwan gần đây có những dịch vụ “tiệc đoàn viên”, gia đình nào “làm biếng” nấu ăn thì đặt nhờ họ nấu, và cả nhà đến ăn, ăn xong rồi về, khỏi lo lắng rửa chén bát mất thời gian.

Buổi chiều, mình “đi tới đi lui” trong nhà thờ vắng lặng, nhìn mấy phong bì đỏ treo lên nhánh cây anh đào trên cung thánh, để ngày mai lễ Minh Niên giáo dân hái lộc Lời Chúa, mà lòng càng thêm nhớ nhà, và cảm thấy đời linh mục vừa là cao quý vừa rất cô đơn, nhất là trong những dịp tết, giáng sinh...

Trời hơi lạnh, nhưng mình vẫn cứ đi vào chợ coi người ta mua bán trong ngày cuối năm, đó là thói quen của mình trong những ngày giáp tết, đi coi người ta bán hàng tết, ở đây tết cũng như ở Việt Nam, nên những đồ bán trong chợ tết đều na ná giống như ở Việt Nam, nên càng làm cho mình nhớ nhà hơn. Ngoài đường xe cộ ít đi một chút, phần vì gần giờ cơm đoàn tụ gia đình, phần vì người ta ở nhà lo dọn đẹp đón giáo thừa, cho nên đường xá vắng xe hơn mọi ngày.

Tối nay các chương trình trên truyền hình đều có chủ đề “mừng xuân”, mình coi và cười một mình, ngoài đường lác đác vài tiếng pháo nổ, tiếng xe gầm rú có lẽ tăng ga để về cho kịp giờ cơm tối.

Nhà nhà vui vẻ đón tết, làm linh mục truyền giáo ở một đất nước mà các lễ tiết đều giống ở Việt Nam làm cho mình nhớ nhà, và cảm thấy cô đơn trong những ngày tết, rồi lim dim đi vào giấc ngủ...

Mồng Một Tết

Mình thức giấc thì giao thừa đã qua và năm mới đã đến, nhìn đồng hồ thì mới 4.15 giờ sáng. Sáng nay 8.30 giờ mình phải dâng lễ cho nhà thờ họ lẽ bằng tiếng Phúc Kiến, và 10 giờ thì dâng lễ cho giáo xứ chính bằng tiếng quan thoại phổ thông.

Lái xe jeep đến nhà thờ trên núi, trên đường đi mà cứ cầu nguyện xin Chúa đừng cho kẹt xe, bởi vì còn phải về làm lễ ở nhà thờ giáo xứ nữa, may mà trời mưa cho nên ít xe trên đường. Đến nhà thờ thì cổng lớn đã mở, và có một vài giáo dân đang cắm hoa trang trí bàn thờ, treo thêm một vài câu đối tết trước cổng nhà thờ, không khí tết như chưa ngủ dậy, bởi vì có lẽ đêm qua đón giao thừa nên ngủ trể chăng ?

Các cụ già giáo dân thấy mình vào nhà thờ thì cười nói: “Chúc mừng năm mới”, có mấy cụ nhét vào tay mình bao lì xì, mình cũng chúc lại và nhìn quanh nhà thờ, có ít người đi lễ đầu năm.

Trong thánh lễ mình dùng cả hai tiếng Phúc Kiến và quan thoại, bởi vì có trẻ em đến dự lễ, mà trẻ em thì không hiểu tiếng Phúc Kiến như các ông bà cha mẹ của chúng nó. Trong bài giảng mình có nhắc bà con trong mấy ngày tết nhớ đừng uống rượu đến say, đừng đánh bài bạc, nhưng nhớ đi thăm nhau trong mấy ngày tết, đem yêu thương của Chúa cho mọi người.

Thánh lễ xong mình vội vã lái xe về nhà thờ chính để kịp dâng lễ đầu năm cho bà con giáo dân của mình, vừa đậu xe thì còn mười lăm phút nữa là thánh lễ bắt đầu. Hôm nay có một cha già phụ trách tờ báo Hòa Bình đến xin đồng tế để quảng cáo loại sách suy niệm Lời Chúa bỏ túi của ngài.

Ở Taiwan giáo dân không có tục lệ hái lộc thánh như ở Việt Nam, chỉ có nhà thờ nào có linh mục từ Việt Nam sang truyền giáo mới có “hái lộc thánh” đầu năm như ở các nhà thờ Việt Nam, sau này có một vài linh mục người Việt (quốc tịch Mỹ, Canada, Pháp, Úc.v.v...) cũng bắt chước như thế nên trong nhà thờ ngày lễ Minh Niên nhộn nhịp vui vẻ và có ý nghĩa hơn khi hái lộc thánh.

Cha khách đồng tế (người Taiwan) rất thích loại “hái lộc thánh” này, vì ngài luôn quảng bá chương trình Lời Chúa, cho nên ngài cũng sắp hàng lên hái một cái lộc thánh. Ngài xin phép nói vài câu sau thánh lễ và ngài đọc cho mọi người trong nhà thờ nghe, ngài cũng mời một vài giáo dân đọc lên câu lộc thánh của mình cho mọi người nghe. Mọi người rất vui vẻ khi cầm “hồng bao” trên tay, vì trong đó có câu Lời Chúa để ghi nhớ và sống trong năm.

Sau phần “hái lộc thánh” thì đến phần “tế tổ tiên”, đây là phần quan trọng thứ hai sau thánh lễ Minh Niên, mọi năm nhất định phải làm, vì đây là vừa là phong tục vừa là bày tỏ đạo hiếu của giáo dân trong ngày đầu năm. Phần tế tổ gồm đọc bài trích trong sách Huấn Ca, sau đó mình nói lên ý nghĩa của bài đọc, rồi đến dâng hương, dâng hoa, dâng rượu và quả, rồi kết thúc. Sau phần tế Tổ Tiên là phần chia sẻ ngắn gọn của cha khách về việc đọc Lời Chúa và sự lợi ích của việc tham dự thánh lễ hằng ngày.

Lễ xong thì mọi người chúc nhau “chúc mừng năm mới”, hoặc “năm mới vui vẻ”.v.v...sau đó có người cầm một cái khay lớn trong đó có nhiều kẹo bánh, để mỗi người ăn một cái “lấy hên” đầu năm...

Ai nấy về nhà, nhà thờ lại vắng lặng chỉ có mình với Chúa, ai ai cũng về nhà hoặc đi chúc tết nhau trong ngày đầu năm mới, chỉ có mình lủi thủi một mình trong nhà thờ “đi lui đi tới” sửa lại hàng ghế không ngay ngắn, lượm tờ giấy hay chỉnh đốn lại những quyển sách lễ mà giáo dân bỏ không đúng chỗ của nó.

Ngày mồng một tết ở Việt Nam khác với xứ truyền giáo Taiwan, người ta không có thói quen lễ xong là các đoàn thể đến chúc tết cha sở, cho nên mình ngồi nhà coi truyền hình, hoặc đọc sách, hoặc viết bài soạn bài. Tết đối với mình cũng như các ngày chúa nhật, cũng một mình trong nhà, không ai tới thăm vì giáo dân có gia đình của họ, thỉnh thoảng có vài giáo dân gọi phone tới chúc tết. Suốt cả buổi chiều mồng một tết, vì trời mưa và lạnh, nên mình càng cảm thấy Tết là dịp cho mình nghỉ ngơi, không ai làm phiền, không ai quấy rầy, chẳng khác gì một ngày tĩnh tâm.

Đúng vậy, ngày Mồng Một Tết ở xứ truyền giáo Taiwan là ngày tĩnh tâm của mình, bởi vì khi giáo dân mãi lo vui chơi với gia đình, thì nhất định họ sẽ không làm phiền cha sở, nhất là trong những ngày Tết.

(còn tiếp)



Tết năm Nhâm Thìn 2012