Pakistan: “Anh ấy không đốt Kinh thánh Hồi giáo”

Các chứng gian chống Kitô hữu

ROMA - Tổng Giáo Phận Lahore, Pakistan, đã phủ nhận một thông tin phổ biến trên các phương tiện truyền thông, theo đó tín hữu Công giáo Khuram Masih đốt cháy các trang Kinh thánh Hồi giáo. Một phát ngôn viên của tổng giáo phận đã thông báo với tổ chức “Giúp đỡ Giáo hội gặp khó khăn” (AED) rằng các lời cáo buộc trên các phương tiện truyền thông là không có cơ sở.

Chúng tôi đăng bài của Tổ chức AED về vấn đề này.

Người thanh niên 24 tuổi, bị bắt ngày 6-12, đã bị tố cáo cách sai trái bởi người bạn đời Ấn giáo. Hai người đã sống chung với nhau, vì cha mẹ của người thanh niên không cho phép họ kết hôn.

Gia đình người chủ Hồi giáo của ngôi nhà, mà trong đó lứa đôi này sinh sống, đã gây áp lực lên người phụ nữ trẻ và dàn dựng chuyện cho cô, sau khi cô từ chối trở lại Hồi giáo. Cô đã bị đe dọa ném đá đến chết, vì việc sống chung của cô bị coi là gian dâm. Bị đe dọa với cái chết, cô đã buộc phải gọi cảnh sát khẩn cấp, và tố cáo người bạn đời của mình đã đốt các trang sách Kinh thánh Hồi giáo để nhóm lửa nấu trà uống.

Khi cảnh sát đến và không tìm thấy người thanh niên, họ bắt cháu anh làm con tin. Anh Khuram Masih sau đó đến trình diện với cảnh sát để tìm hiểu những gì đang xảy ra. Một đám đông người Hồi giáo giận dữ tụ tập trước đồn cảnh sát, để đốt toà nhà và giết Khuram Masih. Hiện nay, người thanh niên đang ngồi tù và chờ xét xử.

Tổng Giáo Phận Lahore đã thông báo cho chúng tôi rằng gần đây cũng có một sự cố trong một trường học Công Giáo do các nữ tu điều hành. Một học sinh lớp bốn tiểu học đã bị buộc tội xúc phạm Hồi giáo, vì một lỗi chính tả trong một từ tiếng Ả Rập, vốn làm thay đổi nghĩa của từ ấy. Nữ giáo viên và nữ tu hiệu trưởng cũng bị cáo buộc xúc phạm đạo Hồi. Phát ngôn viên của Tổng giáo phận đã gửi thư cho tổ chức “Giúp đỡ Giáo hội gặp khó khăn” (AED), nói rằng ở đó tình hình đã hơi dịu lại, bởi vì các học giả đã thấy rằng nó thực sự là một lỗi chính tả của trẻ em.

Cách đây vài tuần lễ, một luật sư Hồi giáo Pakistan, xin giấu tên vì lý do an ninh, bởi vì ông bảo vệ các nạn nhân của tội phạm thượng, đã tuyên bố với tổ chức “Giúp đỡ Giáo hội gặp khó khăn” (AED) rằng ở Pakistan, 95% các vụ cáo buộc phạm thượng là sai, và các vụ này là nhằm làm hại bị cáo, hoặc trả thù họ.

Luật gọi là chống phạm thượng đã được thông qua tại Pakistan vào năm 1986. Luật quy định tù chung thân cho một người báng bổ Kinh thánh Hồi giáo, và hình phạt tử hình đối với các người báng bổ Tiên Tri Muhammad. Ủy ban Giám mục "Công lý và Hòa bình" của Giáo Hội Pakistan đã thu thập tài liệu các vụ này. Theo khẳng định của Uỷ ban, 38 người, trong đó có 14 Kitô hữu, đã bị buộc tội báng bổ năm ngoái. Tổ chức “Giúp đỡ Giáo hội gặp khó khăn” (AED) hỗ trợ các hoạt động của Ủy ban "Công lý và Hòa bình", vốn cũng giúp các người bị cáo buộc tìm sự trợ giúp về pháp lý.

Tổ chức “Giúp đỡ Giáo hội gặp khó khăn” (AED), mà tài chính chỉ dựa vào các khoản hiến tặng tư nhân, hỗ trợ những người dấn thân vì các người khác, phục vụ Giáo Hội. Mỗi năm, tổ chức tài trợ ít nhất 5.000 dự án, chủ yếu là về mục vụ. Một trong các ước muốn sâu xa nhất của tổ chức “Giúp đỡ Giáo hội gặp khó khăn” (AED) là dấn thân bênh vực sự tự do tôn giáo. Từ khi thành lập vào năm 1947, tổ chức “Giúp đỡ Giáo hội gặp khó khăn” (AED) được xem như tiếng nói của các Kitô hữu bị đàn áp và bách hại. Tổ chức từ thiện này xuất bản "Báo cáo về Tự do Tôn giáo trên thế giới" cứ hai năm một lần, và xuất bản cuốn sách "Người bị bách hại và bỏ quên? Báo cáo về các Kitô hữu bị đàn áp vì đức tin của họ". (Zenit.org 15-12-2011)

Phạm Kim An